Bình yên tứ linh cồn: Long – Lân – Quy – Phụng

Long – Lân – Quy – Phụng được người dân miền Tây xưng tụng và ví là tứ linh cồn, mang hàm ý về miền đất linh thiêng luôn mang lại hạnh phúc, may mắn cho cư dân địa phương.

Phong cảnh bình yên cộng với những vườn cây trái miệt vườn nằm giữa vùng sông nước mênh mông đã tạo nên một bức tranh thủy mặc quyến rũ trên dòng sông Tiền. Bộ tứ linh cồn miền Tây hiện nay đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Bình yên tứ linh cồn: Long - Lân - Quy - Phụng

1. CỒN LONG (TIỀN GIANG)

Cồn Long, tên gọi khác là Cù lao Tân Long hay cồn Rồng, nằm trên sông Mỹ Tho (một phần của sông Tiền), thuộc phường Tân Long, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Sở dĩ người ta gọi nó là cồn Long là vì một truyền thuyểt xa xưa kể lại. Thuở ấy, trời đất còn hoang sơn, dưới lòng sông Tiền có một con thuồng luồng trú ngụ, lâu dần phù sa bồi đắp phủ lên thân thuồng luồng, hóa nó thành gò đất đồi, người ta còn gọi là cù lao. Kể từ đó người dân bắt đầu ra cồn Long sinh sống. Đất cồn được bù đắp bởi phù sa nên rất tốt để trồng cây ăn trái nên người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt thủy sản và trồng cây ăn trái, đặc biệt là dừa và nhãn.

Wanderlust Tips binh yen tu linh con 02

Với thiên nhiên hoang sơ thuần khiết, cồn Long là miền đất giao hòa, là khu du lịch sinh thái nổi bật ở miền Tây. Du khách về đây ấn tượng bởi khung cảnh tấp nập, trên bến dưới thuyền. Mặc dù không quá nổi bật như những cồn khác trong tứ linh cồn nhưng cồn Long chứa đựng vẻ đẹp ảo ảnh trong nét hiền hòa, bình dị như chính con người, như chính dòng sông quanh năm đỏ nặng phù sa ở đây.

2. CỒN LÂN (TIỀN GIANG)

Cồn Lân, còn được gọi là cồn Thái Sơn hay cù lao Thái Sơn nằm ở hạ lưu sông Tiền thuộc xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Đây là cồn lớn nhất trong số tứ linh cồn, có nhiều mương rạch chằng chịt.

Giữa mênh mông bốn bề sông nước miền Tây, cồn Lân hiện lên như một bức tranh sống động với màu xanh ngắt bao phủ những nóc nhà chóp âm dương cổ kính xen sắc đỏ của phù sa lững lờ. Cồn Lân còn gợi nhắc cho biết bao thế hệ về những câu chuyện lịch sử thời anh hùng áo vải Nguyễn Huệ hay những chiến công vang dội chống Mỹ.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Bình yên tứ linh cồn: Long - Lân - Quy - Phụng

Dân cư ở cồn Lân sống chủ yếu bằng cây ăn quả (nhiều nhất là cây nhãn và sapôchê – tức hồng xiêm), nuôi ong, đánh bắt và nuôi thủy sản,… Được mệnh danh là cù lao xanh, quanh năm cho hoa thơm trái ngọt, mùa nào thức ấy cùng những đặc sản nổi bật, cồn Lân là khu du lịch sinh thái được lòng du khách. Du lịch đến cồn Lân, du khách sẽ được mời nếm thử trà mật ong, kẹo mứt và được lắng nghe đờn ca tài tử.

3. CỒN QUY (BẾN TRE)

Là cồn có diện tích nhỏ nhất trong tứ linh cồn, cồn Quy hay còn gọi là cồn Biện Quy thuộc địa phận hai xã Tân Thạch và Quới Sơn, huyện Châu Thành, Bến Tre. Cồn Quy nổi bật với vẻ đẹp hoang sơ như chưa có sự cải tạo bởi bàn tay con người. Với cơ chế bồi đắp tự nhiên, cồn Quy có đất đai phù sa màu mỡ nên thu hút nhiều nhà dân đến ở, trồng hoa màu và cây trái.

Wanderlust Tips binh yen tu linh con 04

Cư dân ở cồn Quy sống bằng nghề làm vườn, làm kẹo dừa hay chăn nuôi nông nghiệp, nuôi ong lấy mật. Đến với cồn Quy, du khách sẽ được thưởng thức các món ăn ngon trải lòng với thiên nhiên, chợp mắt dưới những tán cây xanh mát, tránh xa cái xô bồ, nhộn nhịp bên ngoài.

4. CỒN PHỤNG (BẾN TRE)

Cồn Phụng thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, Bến Tre. Ngày trước, cồn Phụng có tên là cồn Tân Vinh, về sau còn có người gọi đó là cù lao Đạo Dừa. Nguyên do là vì ông Nguyễn Thành Nam đã đến đây xây chùa Nam Quốc Phật và thành lập nên một giáo phái gọi là Đạo Dừa vào đầu thế kỷ 20. Trong thời gian xây dựng ngôi chùa ấy, những người thợ nhặt được một cái chén cổ có hình con chim phụng, nên đặt tên cho nơi đây là cồn Phụng.

Wanderlust Tips binh yen tu linh con 03

Ban đầu, cồn Phụng chỉ là một cồn nhỏ ở giữa sông Mỹ Tho. Sau này, do có lượng phù sa dồi dào bồi đắp nên mỗi năm diện tich lại tăng lên. Khu du lịch cồn Phụng ngày nay là địa điểm phượt miền Tây tiêu biểu, là vùng trọng điểm khai thác du lịch của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đến cồn Phụng, du khách sẽ cảm nhận không gian xanh mướt của cây cối miệt vườn, được đi thăm và thưởng thức các món ăn đậm chất vùng miền. Ngoài ra, nơi đây còn thu hút du khách bởi nét sinh hoạt đời thường và các nghề thủ công từ dừa như kẹo dừa, đồ lưu niệm từ cây và vỏ trái dừa. Du khách còn có thể tham quan khu di tích Đạo Dừa với hệ thống kiến trúc độc đáo và bền vững theo thời gian.

Ảnh: Internet

Wanderlust Tips | Cinet