3wanderlust tips bien tau vi tet 3

Biến tấu vị Tết

(#wanderlusttips) Tết đến trong ánh nắng dịu dàng buông trên cánh đào mỏng manh, trong tấm áo mới của những em bé vô tư nở nụ cười bừng sáng, trong mâm cỗ mang phong vị Tết từ đôi bàn tay khéo léo của bà, của mẹ… Vẫn là những nguyên liệu truyền thống, chút biến tấu trong cách chế biến sẽ làm mới hương vị Tết nay.

[rpi]

3wanderlust_tips_bien_tau_vi_tet_3

Không đơn thuần là những món ăn, mâm cỗ ngày Tết còn thể hiện mong ước một năm mới ấm no, đủ đầy. Thực đơn không thể thiếu những nguyên liệu cổ truyền, nhưng đầu bếp đã sáng tạo công thức chế biến mới lạ mà vẫn giữ được hương vị đậm đà, khó quên cho mâm cỗ ngày Tết.

Khai vị bằng nộm vịt xá xíu là một lựa chọn thông minh. Món ăn bắt mắt bởi sự kết hợp của các loại rau củ, thịt vịt xá xíu và các loại gia vị được phối quyện hài hòa nhằm kích thích vị giác của thực khách.

Thay vì món canh măng truyền thống, đầu bếp mạnh dạn kết hợp hải sâm với măng tre như một gợi ý cho việc cân bằng dinh dưỡng, khiến mâm cỗ sum vầy thêm tròn vị. Đây không chỉ là món ăn ngon, bổ dưỡng mà còn là bài thuốc quý, giúp tăng cường sinh lực trong những ngày Tết vốn rất bận rộn.

1wanderlust_tips_bien_tau_vi_tet_1

Mâm cỗ Tết mỗi miền đều có sự khác biệt, nhưng bánh chưng luôn là thành phần không thể thiếu trong ngày Tết ở bất cứ gia đình nào. Thứ bánh dẻo thơm gói trong những lớp lá dong xanh mướt, buộc chặt bằng lạt mềm, luộc hàng tiếng đồng hồ trên bếp củi không chỉ đẹp về hình thức mà còn thể hiện sự tỉ mỉ, công phu của người đầu bếp. Bánh chưng ngon có màu xanh tự nhiên của lá dong, từng hạt gạo nếp bóng mẩy, dẻo mà không nát, đỗ xanh bùi thơm, thịt mỡ đỏ hồng thấm đều gia vị và thoảng chút tiêu cay. Để đạt được thành quả như vậy, từ khâu chọn lá dong cho đến khâu luộc và nén bánh, người đầu bếp phải đặt trọn tâm huyết, không thể lơ là.

Dọn cùng đĩa bánh chưng không thể thiếu hành muối chua ngọt, món ăn kèm phổ biến mà không phải ai cũng biết cách muối để giữ độ giòn, tươi màu, không hăng hay lên men quá độ.

4wanderlust_tips_bien_tau_vi_tet_4

Thịt gà cũng là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết. Thay vì luộc gà theo cách thông thường, đầu bếp biến tấu với món gà tre hấp mướp non khiến ai cũng ngạc nhiên với phần thịt mềm ngọt, da vàng óng, dai sần sật mà không bị bở hay khô. Hương mướp ngọt dịu thấm gia vị ướp gà kết hợp với nấm rơm tạo nên món canh nhẹ bụng cho những ngày phải nạp quá nhiều đạm vào cơ thể.

6wanderlust_tips_bien_tau_vi_tet_6

Bắp bò muối sử dụng phần lõi rùa nhiều gân là món ăn rất hợp đãi khách. Ngồi lai rai từng lát bắp bò thái mỏng cùng ly bia sóng sánh khiến câu chuyện ngày xuân như muốn kéo dài mãi. Bên cạnh đó, món tôm càng xanh nướng sốt cam lại rất hợp để nhâm nhi cùng rượu vang. Thoạt trông món ăn có vẻ cầu kỳ nhưng chắc rằng bất kỳ người nội trợ nào cũng có thể học cách chế biến để làm mới mâm cỗ ngày Tết. Ngay cả trẻ nhỏ dù kén ăn đến mấy cũng khó lòng bỏ qua món tôm nhiều dinh dưỡng kết hợp với nước sốt cam sánh mịn, chua dịu này.

Bữa ăn kết thúc cũng là lúc tiệc ngọt tráng miệng đón chờ. Ngày Tết, có ai chưa từng thưởng thức mứt gừng, mứt dứa? Những loại quả đặc trưng vùng nhiệt đới được chế biến thành mứt không chỉ phục vụ trong dịp Tết mà còn hấp dẫn thực khách quanh năm. Điểm khác biệt nằm ở món bánh trôi dùng kèm là nét chấm phá cuối cùng để bức tranh ẩm thực ngày Tết thêm phần trọn vẹn. Để rồi có ai đi xa mà không nhớ quay quắt cảm giác được sum vầy cùng gia đình bên mâm cỗ ngày Tết, kể nhau nghe về một năm đã qua với bao buồn vui và cùng hướng về một năm mới với những bất ngờ đang đón đợi.

2wanderlust_tips_bien_tau_vi_tet_2


Cách thực hiện 4 món mới tại nhà

1. Nộm vịt xá xíu

Nguyên liệu: 200gr lườn vịt, ngũ vị hương, xì dầu, đường, tỏi băm, hành tím băm, hạt nêm, bắp cải thái mỏng, cà rốt thái sợi, đu đủ xanh, các loại rau thơm, chanh, ớt.

Cách làm:

– Ướp lườn vịt với xì dầu, tỏi băm, đường, hành tím băm, hạt nêm, bột ngũ vị trong 2 tiếng, sau sau đó cho vào chảo chiên lửa nhỏ đến khi thịt chín vàng, vớt ra để nguội và thái lát mỏng

– Trộn các loại rau với sốt gồm nước mắm, ớt tỏi băm nhuyễn, đường và nước cốt chanh. Bày ra đĩa, sau đó để thịt vịt lên trên, dùng kèm bánh đa vừng.

2. Canh măng hải sâm

Nguyên liệu: 150gr hải sâm thái khúc tròn, 200gr măng tre, nước dùng gà, hành hoa, hạt tiêu, gừng tươi.

Cách làm:

– Đun sôi nước dùng gà, sau đó cho măng, gừng và hải sâm vào nấu trong 5 phút, nêm ít muối, mắm, hạt nêm vừa ăn.

– Múc ra bát, rắc hành hoa và tiêu.

3. Gà tre hấp mướp non

Nguyên liệu: 1 con gà tre, 500gr mướp hương non, hành hoa, nấm rơm, muối, hạt tiêu, chanh.

Cách làm:

– Gà làm sạch, ướp với ít muối và hạt tiêu.

– Trộn mướp non thái lát với nấm rơm, hành hoa, muối tiêu và hạt nêm, sau đó nhồi một ít vào bụng gà, còn lại lót vào nồi đất rồi đặt gà lên trên, đậy nắp kín và cho lên bếp hấp nhỏ lửa khoảng 30 phút.

– Sốt dùng kèm là muối tiêu chanh.

5wanderlust_tips_bien_tau_vi_tet_5

4. Tôm càng xanh sốt cam

Nguyên liệu: 2 con tôm càng xanh, 1 quả cam, tỏi băm, hành hoa, bột ngô, muối, đường, hạt nêm.

Cách làm:

– Tôm càng chẻ lườn ướp với it muối tiêu, tỏi rồi nướng trên than hoa, sau đó cho ra đĩa.

– Cam vắt nước, đun sôi nước cốt cam, sau đó nêm ít muối, hạt nêm, đường.

– Hòa ít bột ngô với nước cốt cam đã nêm gia vị, cho vào nồi đun để sốt có độ sánh, sau đó tưới sốt lên tôm đã nướng, trang trí hành hoa lên trên.

7wanderlust_tips_bien_tau_vi_tet_7

Trân trọng cảm ơn ông Lê Ngọc Phi, bếp trưởng Emeralda Resort Ninh Bình đã giúp chúng tôi thực hiện chuyên mục!

Ảnh: DETO CONCEPT

Wanderlust Tips | Cinet