Hoài niệm đồ chơi Trung thu xưa

Không khí Tết Trung thu đang đến chúng ta rất gần. Cùng Wanderlust Tips hoài niệm lại một thoáng trung thu xưa qua những trò chơi dân gian truyền thống từ thế kỉ trước.

Tết Trung thu diễn ra vào ngày Rằm tháng Tám âm lịch, ngày trăng tròn và sáng nhất trong năm. Đối với các gia đình, Tết Trung thu là dịp đoàn viên, thăm hỏi người thân, ban ngày cúng tổ tiên, buổi tối bày cỗ thưởng trăng. Mâm cỗ thường có bánh mặt trăng, tôm cá, hoa quả… làm từ bột nhuộm màu sắc rực rỡ cùng các sản vật mùa thu như: Cốm, hồng, na, chuối, bưởi…

Đồ chơi truyền thống gồm: Đồ chơi giấy bồi, đất, bột, gỗ, sắt tây, bông và giấy bóng kính… Vào đêm Rằm, trẻ em rước đèn, múa sư tử, người lớn thưởng trăng, ăn bánh uống trà sen. Một số nơi tổ chức múa Lân, hát trống quân…

Hoài niệm đồ chơi Trung thu xưa - Wanderlust Tips
Một cửa hàng bán đồ chơi Trung thu ở Hà Nội xưa.

Đồ chơi Trung thu là một phần không thể thiếu làm lên phong vị của Tết Trung thu cổ truyền. Nhớ khi xưa, đứa trẻ nào cũng đòi bố mẹ mua cho những món đồ chơi như đèn lồng, đèn ông sao, mặt nạ hề… để cùng đám nhỏ trong xóm rộn ràng phá cỗ, trông trăng. Ngày nay, dù có nhiều loại đồ chơi hiện đại, ngoại nhập nhưng những đồ chơi truyền thống vẫn có giá trị nhất định, tuy giản dị xong lại rực rỡ màu sắc và đậm chất dân gian.

Đèn ông sao

Hoài niệm đồ chơi trung thu xưa - Wanderlust Tips

Chiếc đèn ông sao, sao năm cánh tươi màu…

trích bài hát “Chiến đèn ông sao” – nhạc sĩ phạm tuyên

Câu hát cứ văng vẳng vang lên mỗi lần Trung Thu đến đã đi vào ký ức của biết bao thế hệ người Việt. Hình ảnh đèn ông sao là hình ảnh đặc trưng nhất, báo hiệu dịp lễ này, khơi lên trong lòng người sự náo nức chờ đợi đến ngày rằm tháng Tám.

Dù một số đồ chơi trung thu truyền thống dần mai một, nhưng đèn ông sao vẫn hiện hữu và trở thành mặt hàng đắt khách, món quà ý nghĩa dành cho trẻ thơ trong dịp trung thu.

Đèn ông sao có hình ngôi sao 5 cánh, tâm sao gắn một cây nến để thắp sáng là một trong những loại đèn lồng yêu thích của trẻ nhỏ trong ngày Tết Trung thu.

Đèn cù

Bên cạnh đèn ông sao, đèn cù cũng là thứ đồ chơi truyền thống gắn liền với tuổi thơ bao thế hệ người Việt Nam mỗi dịp Trung thu. Theo các thế hệ trước, tên của loại đèn này xuất phát từ hình dáng của nó. Khi gọi là đèn cù vì nó quay như cái cù.

Đèn cù được làm từ tre hoặc nứa, vót sao cho thật khéo để làm thành cán đèn và khung đèn. Sau đó dán giấy bóng kính sặc sỡ đủ loại màu sắc và phần khung đã dựng sẵn. Tiếp đến là vẽ hình trang trí bằng sơn, tra then ngang, buộc lõi dây thép và cắm vào đai đèn một bánh xe gỗ để đèn có thể chuyển động khi đưa qua đưa lại.

Mỗi dịp Tết Trung thu, trẻ em khắp làng trên xóm dưới lại kéo đèn cù sáng ánh nến chạy vòng quanh sân và cười đùa ríu rít trong đêm trăng. Đúng là một hình ảnh khó quên và có lẽ ở thời buổi hiện đại như bây giờ, khó có thể nhìn lại được nữa.

Hoài niệm đồ chơi trung thu xưa - Wanderlust Tips
Đèn cù – kí ức đẹp của Trung thu xưa.

Đèn kéo quân

Đối với thế hệ trẻ em hiện tại, đèn kéo quân có lẽ là một cái tên xa lạ và ít ai biết tới. Nhưng những năm tháng, những dịp Trung thu của thế kỉ trước, đây là món đồ chơi vô cùng được yêu thích.

Đèn kéo quân được làm bằng giấy bao quanh chiếc khung tre gọi là lồng kéo. Bên trong lồng là hình ảnh con người, động vật dưới tay người nghệ nhân được biến hóa, thổi hồn vào làm cho chúng như những người bạn nhỏ của trẻ em mỗi mùa trăng. Đây là trò chơi “vui mà học”, dạy các em về lịch sử, giáo dục lòng yêu nước. Chính vì thế, hình ảnh dán trên đèn kéo quân thường là những đoàn quân xung trận của ông cha ta thời xưa.

Nhờ có ánh nến được thắp lên, những hình ảnh này hiện lên phần bóng bên ngoài đèn, chiếc lồng kéo “biết” xoay tròn, kéo theo bao nhiêu hình, tên dân gian gọi là các “quân”. Ngày nay, đèn kéo quân được cải tiến không chỉ thắp bằng nến mà còn chạy bằng pin, kèm theo một mô tơ nhỏ cũng đủ giúp cho đèn quay được. 

Tuy nhiên, có một sự thật khá đáng buồn là thứ đồ chơi dân gian này đang dần bị mai một, và khá khó tìm mua ở Việt Nam.

Hoài niệm đồ chơi trung thu xưa - Wanderlust Tips
Đèn kéo quân là một trò chơi dân gian nổi tiếng mỗi dịp Trung thu ở thế kỉ trước, nhưng dần đang bị mai một.

Đèn lồng cá chép

Đèn cá chép là một trong những lồng đèn truyền thống và mang nhiều ý nghĩa đối với trẻ em. Hình ảnh cá chép không chỉ gắn liền với những truyền thuyết thời xa xưa mà còn hiện diện trong đời sống của người dân Việt Nam từ bao đời nay.

Cá chép xuất hiện trong truyền thuyết vượt vũ môn để hóa rồng, là phương tiện đưa ông Táo về trời vào ngày 28 tết âm lịch hằng năm,… Vì thế chiếc lồng đèn cá chép mang ý nghĩa biểu trưng cho sự cố gắng không ngừng và vươn lên vượt khó trong mọi hoàn cảnh. Ngoài ra, lồng đèn cá chép còn được trang trí rất lung linh và lộng lẫy với giấy nilon đỏ cùng các họa tiết đủ màu khác.

Ngày nay bên cạnh đèn ông sao, tuy đã có nhiều thay đổi, cách điệu để hợp thời hơn, nhưng đèn lồng cá chép vẫn là món đồ chơi trung thu được yêu thích với cả trẻ em và người lớn bởi ý nghĩa của nó.

Hình ảnh đèn lồng cá chép xưa và nay.

Trống ếch, trống lắc tay

Trống ếchtrống lắc tay cũng giống như những chiếc trống da trâu, trống sư tử nhưng có kích thước nhỏ hơn, để trẻ nhỏ cầm vừa tay. Chắc hẳn chúng ta đã quá quen thuộc với những âm thanh “tùng, cắc, tùng, cắc”… Đó chính là âm thanh từ trống ếch và trống lắc tay mà ra mà ra.

Nếu như trống ếch cũng đơn giản như bao chiếc trống khác, chỉ khác bởi kích thước, thì trống lắc tay lại đặc biệt hơn thế. Trống lắc tay có 2 viên bị nhựa được gắn ở 2 bên trống, khi lắc, 2 viên bi sẽ đập vào mặt trống thay vì phải đánh bằng dùi.

Những âm thanh từ những loại trống này tạo thêm sự rộn ràng, phấn chấn, tưng bừng và làm nên hương vị của ngày Tết Thiếu nhi. 

Trống bỏi

Có lẽ trẻ em bây giờ sẽ ít ai biết đến cái tên trống bỏi. Đây cũng từng là món đồ chơi Trung thu dân gian, truyền thống, góp mặt trong bữa tiệc vui đêm trăng của thiếu nhi ngày xưa. 

Trống có kích thước nhỏ xíu, khi quay, trống bỏi tạo ra tiếng “tạch tạch” đanh gọn, vui tai. Thứ đồ chơi “nhà quê” này được làm từ những nguyên liệu rất đơn giản: đất sét, cán nhựa, que sắt, giấy hồng, dây nilon. 

Mặt trống được nặn từ đất sét, chỉ lớn hơn đồng xu một chút, cắm que sắt vào hai bên sườn rồi phơi khô. Sau khi phơi khô, hai mặt trống được bọc bằng giấy đỏ sao cho kín để tạo ra tiếng kêu đanh, gọn, vui tai đặc trưng. Công đoạn cuối là buộc dây, tra cán nhựa, làm “dùi” cho trống. 

Hình ảnh âm thanh tiếng trống bỏi, hòa với các loại trống khác, vang vọng khắp nơi chính là đặc trưng của Trung thu những thế kỉ trước. Chỉ cần nghĩ đến thôi ta đã thấy một bầu trời tuổi thơ ùa về.

Đầu sư tử, mặt nạ giấy bồi

Đầu sư tửmặt nạ giấy bồi hiện nay vẫn được yêu thích mỗi dịp Trung thu. Đã xuất hiện từ lâu đời, đây cũng là những thứ trò chơi dân gian truyền thống không thể thiếu.

Những chiều đầu sư tử, mang ý nghĩa thịnh vượng, may mắn và điềm tốt lành, thường được sử dụng cho các màn biểu diễn múa lân trong đêm rằm tháng Tám.

Còn những chiếc mặt nạ giấy bồi tưởng chừng đã bị lãng quên bởi những món đồ chơi bằng nhựa, hiện đại khác, thì đang dần xuất hiện trở lại với hình ảnh các nhân vật dân gian Việt Nam quen thuộc như: ông Địa, chú Tễu, Chí Phèo, Thị Nở… Ngoài ra còn có mặt nạ của các nhân vật trong truyện cổ tích nước ngoài để các em nhỏ hóa trang thành các nhân vật mình yêu thích trong đêm trăng rằm.

Năm tháng qua đi, đêm rằm tháng Tám từ lâu đã trở thành miền ký ức tuổi thơ rất đẹp của biết bao thế hệ người dân Việt Nam. Đây không chỉ là một ngày lễ mà còn là một giá trị văn hóa quý báu, thiêng liêng. Đồ chơi dân gian truyền thống cũng đã góp phần tô điểm thêm cho giá trị văn hóa này thêm màu sắc, độc đáo.

Ảnh: Internet.

Wanderlust Tips | Cnet