Nghi lễ Chầu văn vươn ra thế giới

Nghi lễ chầu văn vươn ra thế giới

Nghi lễ chầu văn của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể thuộc lĩnh vực Tập quán xã hội và tín ngưỡng. Nghi lễ này ra đời và phát triển gắn với tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Tứ phủ, được thực hành ở nhiều vùng, miền của đất nước, nhưng tập trung nhiều nhất ở các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ.

[rpi]

Mới đây, trong phần thi Dance of the World của Miss World – Hoa hậu Thế giới 2018, Hoa hậu Tiểu Vy đã trình bày điệu múa chầu văn đặc sắc.  Sắc xanh của miền rừng núi được thể hiện trên nền gấm có hoa văn tinh xảo sang trọng. Các hoạ tiết cỏ cây, hoa lá và chim công đang múa được thêu bằng chỉ ngũ sắc, chỉ vàng kim tinh xảo để tạo nên sắc màu rực rỡ, bắt mắt cho bộ trang phục Tiểu Vy cũng được đích thân đạo diễn Hoàng Nhật Nam tư vấn cho tiết mục “Cô đôi thượng ngàn” trên nền ca của ca nương Kiều Anh và dàn nghệ sĩ hát văn cùng dàn nhạc cụ dân tộc độc đáo. Tiết mục mang đến sự tươi vui, rộn ràng với giá Cô đôi dạo chơi miền rừng núi với muôn thú, cỏ hoa cây trái chốn tiên cảnh.

Tạp chí Wanderlust Tips Nghi lễ Chầu văn vươn ra thế giới

Nghi lễ chầu văn là một hình thức biểu đạt văn hóa, tín ngưỡng của người Việt. Nghi lễ này bao gồm nghi lễ hầu đồng và phần hát văn hay hát chầu văn, do thủ nhang, thanh đồng (ông/bà đồng), cung văn và một số người hầu dâng tiến hành trước các ban thờ ở các đền, điện, phủ, miếu,…

Trong nghi lễ hầu đồng, trước mỗi vấn hầu, những người tham gia phải chuẩn bị lễ vật, trang phục, đạo cụ trong múa hầu đồng phù hợp với từng giá hầu, phản ánh tính cách của từng vị thánh được hầu.

Lễ vật trong mỗi vấn hầu trước kia thường đơn giản. Vật phẩm cơ bản gồm xôi, thịt, hoa quả, trầu, cau, rượu, thuốc, vàng mã,… Ngày nay, lễ vật ngày càng phong phú, gồm cả những sản phẩm hàng hóa công nghiệp, thực phẩm đắt tiền, dùng trong cả lễ mặn và lễ chay.

Tạp chí Wanderlust Tips Nghi lễ Chầu văn vươn ra thế giới

Trang phục của người trình diễn trong nghi lễ hầu đồng rất phong phú, đa dạng, thể hiện tính cách và thị hiếu thẩm mỹ của từng cá nhân thực hành cũng như của tộc người và vùng miền mà các vị thánh đại diện, cai quản.

Tạp chí Wanderlust Tips Nghi lễ Chầu văn vươn ra thế giới

Mỗi vấn hầu được thực hành qua 4 bước: Mời thánh nhập hay Thánh giáng (ca ngợi công đức), phán truyền, ban lộc và đưa tiễn (Thánh thăng, cung văn hát điệu xa giá hồi cung, âm nhạc sôi động, náo nhiệt). Cũng có khi một vấn hầu chỉ gồm 3 bước: Phụ đồng (còn gọi là kiều bóng), bắt đầu hát câu vỉa ở thể lục bát, sau miêu tả diện mạo ông hoàng, bà chúa; bước 2 là Thánh nhập (hay dùng trà, thuốc, rượu) và bước cuối là Đồng thăng.

Tuỳ theo sự tích, công trạng, tính cách của từng vị thánh, thần mà ông/bà đồng thực hiện các điệu múa khác nhau, người ta gọi đó là múa đồng (múa thiêng) như: múa tay không, gồm: múa bắt quyết, múa ra ấn, múa tung nước thánh, múa ban lộc; múa có đạo cụ, gồm: múa mở hay khai quang (dâng nhang, dâng đèn), múa quạt, múa kiếm, múa long đao, múa kích, múa cung, múa hèo, múa lân…

Tạp chí Wanderlust Tips Nghi lễ Chầu văn vươn ra thế giới

Hát chầu văn có nhiều hình thức khác nhau gồm: hát thờ, hát cửa đền, hát hầu, hát thi. Nhịp điệu và tiết tấu có chậm, vừa và nhanh. Bên cạnh những làn điệu có tiết tấu rõ ràng, tính chất âm nhạc trong sáng, đậm nét dân ca đồng bằng Bắc Bộ trong các điệu bồng mạc, sa mạc, cò lả… và âm hưởng của ca trù trong các điệu bỉ, phú nói, phú bình, phú chênh, phú tỳ bà,… cũng thể hiện rất rõ nét trong kết cấu giai điệu của âm nhạc trong hát chầu văn.

Nghi lễ này vừa bảo tồn các giá trị truyền thống như “uống nước nhớ nguồn”, vừa được cộng đồng tái tạo, tích hợp các giá trị văn hoá mới, để thích ứng với điều kiện cuộc sống hiện đại, vì vậy nó có sức hấp dẫn cao đối với mọi người, nhất là những người theo tín ngưỡng Tam phủ, Tứ phủ.

Wanderlust Tips | Cinet