Sốc nhiệt mùa hè và những điều nhất định phải biết

Cơn nóng mùa hè khiến nhiều người lựa chọn du lịch đến các bãi biển hay những khu vực đồi núi có nhiệt độ mát mẻ. Tuy nhiên, bạn cần bỏ túi một vài kinh nghiệm dưới đây để tránh bị sốc nhiệt vào ngày hè.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Tránh sốc nhiệt mùa hè
Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Tránh sốc nhiệt mùa hè

Thế giới đang phải trải qua giai đoạn thời tiết khắc nghiệt với những mùa đông lạnh giá và những mùa hè nóng đến tan chảy cả nhựa đường, nhất là ở các khu vực nhiệt đới. Những đợt nắng nóng đầu mùa ở Việt Nam năm 2021 cũng đã ghi nhận cột mốc 40oC vào những ngày đỉnh điểm. Mùa hè cũng là mùa du lịch nở rộ, du khách có xu hướng lựa chọn biển đảo hay các khu vực rừng núi để được tận hưởng bầu không khí mát mẻ.

Tuy nhiên, nhiệt độ ở các khu vực này thường có sự chênh lệch lớn giữa ngày và đêm, đặc biệt nắng nóng vào ban ngày cũng dễ khiến bạn bị sốc nhiệt. Biểu hiện thường có bao gồm:

  • Nhiệt độ cơ thể cao quá 39,5oC
  • Đau đầu, buồn nôn, chóng mặt
  • Da đỏ, nóng và khô, không có mồ hôi
  • Huyết áp và hô hấp kém

Sốc nhiệt đang ngày càng trở nên phổ biến khi mà nhiệt độ Trái Đất ngày càng tăng cao và những mùa hè dường như được kéo dài ra. Nếu không được chữa trị kịp thời, cơn sốc nhiệt có thể dẫn tới đột quỵ vô cùng nguy hiểm.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Tránh sốc nhiệt mùa hè

Nhóm đối tượng có nguy cơ sốc nhiệt cao bao gồm:

  • Người già, trẻ em, phụ nữ
  • Người mắc bệnh lý tim mạch, gan, ung thư,…
  • Người lao động ngoài trời hay hoạt động thể thao ngoài trời

Những biến chứng lâu dài của việc sốc nhiệt bao gồm co giật, tiêu cơ vân, suy thận, hôn mê kéo dài, tổn thương thần kinh, thậm chí là tử vong. Vì vậy những người thuộc các nhóm đối tượng trên cần hết sức lưu ý khi hoạt động hay di chuyển ngoài trời trong mùa hè nóng nực, đặc biệt là trong các chuyến du lịch.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Tránh sốc nhiệt mùa hè

UỐNG NƯỚC ĐÚNG CÁCH

Bên cạnh việc phải bổ sung đủ lượng nước thì uống nước đúng cách là kiến thức mà bạn nên nắm vững. Các chuyên gia khuyến khích việc bạn hạ nhiệt cơ thể từ từ với nước mát. Nên tránh việc uống một ly nước đá quá lạnh hay đồ uống có cồn, nhiều caffein hay quá nóng để cơ thể không bị giảm nhiệt đột ngột.

Với người trưởng thành, bạn cần uống đủ 2-3 lít nước/ngày tùy vào trọng lượng cơ thể. Việc uống nước không nhất thiết phải là nước lọc, bạn vẫn có thể bổ sung nước với hoa quả như nước dừa. Tuy nhiên chỉ nên uống tối đa 1 trái dừa/ngày thôi bạn nhé!

TRÁNH ĂN ĐỒ QUÁ NÓNG VÀ NHỮNG BỮA ĂN NẶNG NỀ

Những đồ ăn nóng, nhiều dầu mỡ hay quá nhiều đạm sẽ khiến cơ thể bạn phải vận động để tiêu hóa và sử dụng năng lượng đó. Không chỉ làm gia tăng nguy cơ béo phì, khiến cơ thể nặng nề mà việc này còn gián tiếp khiến nhiệt độ cơ thể bạn tăng cao vào mùa hè, đặc biệt là khi bạn phải di chuyển liên tục trong các hành trình du lịch.

Bạn nên lựa chọn salad cho bữa trưa, ăn nhiều hoa quả, ăn với lượng vừa phải và bổ sung thêm vitamin để cơ thể luôn nhẹ nhàng và tránh sốc nhiệt khi đi du lịch.

BÔI KEM CHỐNG NẮNG VÀ MẶC TRANG PHỤC CHỐNG NẮNG

Đây là 2 biện pháp để bảo vệ làn da của bạn khỏi việc bị chảy nắng, khiến cơ thể hạ nhiệt và khiến bạn bị mất nước. Chưa kể, cháy nắng còn dẫn tới sự bỏng rát, khó chịu, dị ứng – những triệu chứng có thể dẫn đến những cơn sốc và đột quỵ nếu không được cấp cứu kịp thời.

Hãy đảm bảo bạn bôi kem chống nắng có chỉ số chống nắng SPF30, khả năng chống tia UVA, UVB cũng như chọn những bộ quần áo nhẹ, sáng màu, rộng rãi để cơ thể luôn được mát mẻ.

Ảnh: Internet

Wanderlust Tips | Cinet