Tháng 7 Âm lịch cùng những lễ hội văn hóa

Tháng 7 Âm lịch hay còn được biết đến nhiều hơn với tên gọi Tháng cô hồn, người ta truyền tai nhau rằng đây là khoảng thời gian xui xẻo, hay gặp vận hạn trong năm. Tuy nhiên, ở Việt Nam, tháng 7 Âm lịch cũng được chọn để tổ chức những lễ hội văn hóa đặc sắc.

Hầu hết mọi người đều tin rằng tháng 7 Âm lịch là tháng đem lại xui xẻo nhất trong năm. Chính vì vậy, hầu hết các hoạt động lớn mang tính bắt đầu như khai trương, động thổ, v.v. đều được “né” trong tháng “cô hồn” này. Tuy nhiên, bạn có biết, tháng 7 Âm lịch thật ra không hề đáng sợ như bạn nghĩ vì xoay quanh nó vẫn còn các lễ hội truyền thống mang đậm dấu ấn văn hoá và giá trị đạo đức, cũng như mang theo những nguyện cầu của con người về sức khỏe, tình yêu và sự nghiệp.

Bên cạnh lễ Vu lan báo hiếu, cùng Wanderlust Tips khám phá thêm những lễ hội được tổ chức vào tháng 7 Âm lịch này nhé!

Lễ hội Đổ giàn ở Bình Định

Ngày Rằm tháng 7 Âm lịch, 4 năm một lần, người An Thái – Bình Định dựng rạp, tổ chức hát bội suốt ba ngày ba đêm. Cảnh này được phản ánh trong ca dao xưa:

Đồn rằng An Thái, Chùa Bà
Làm chay, hát bội đông đà quá đông
Đàn bà cho chí đàn ông,
Xem xong Ba Ngọ, lại trông Đổ giàn.

Lễ hội Đổ giàn mang ý nghĩa tôn vinh tinh thần thượng võ của người dân An Thái – Bình Định, từng đóng vai trò quan trọng trong lịch sử chống ngoại xâm, giành lại chủ quyền đất nước từ ngàn xưa. Thời xa xưa, hội Đổ giàn không tổ chức cố định vào một thời gian nào. Có thể hai năm hoặc ba năm một lần. Có lúc lại được tổ chức vào Rằm tháng 7, nhưng cũng có lúc vào mồng 5 tháng 5 (Tết Đoan Ngọ)… Mục đích ban đầu của Hội là cầu mưa thuận gió hòa, cầu phúc lộc cho dân làng. 

Sức hấp dẫn của lễ hội Đổ giàn nằm ở các nghi thức rước, truyền thống hát bội, phóng đăng, phóng sinh đổ giàn… Từ 2-3 giờ sáng, lễ rước nước bắt đầu với nguồn nước sạch nhất lấy từ sông Kôn và đặt trong chiếc chum đất, rước trên kiệu hoa gọi là Long Đình. Nước được đưa đến để dâng lên bàn thờ Phật tại chánh điện chùa Hội Quán.

Sau đó sẽ là lễ rước Phật. Lễ rước đi qua nhà nào, chủ nhà phải ra cắm hương vào kiệu hoa tỏ lòng thành kính. Sau khi rước Phật xong, mới chính thức khai hội tại chánh điện với những nghi lễ tôn nghiêm, cùng với đó là cúng chẩn suốt 3 ngày 3 đêm.

Tháng 7 Âm lịch cùng những lễ hội văn hóa - Wanderlust Tips
Lễ rước ở lễ hội Đồ giàn ở Bình Định

Bên cạnh một loạt các hoạt động, nhưng nghi thức quan trọng nhất trong lễ hội Đổ giàn là “xô cỗ, xô giàn”. Các võ sĩ cự phách nhất sẽ tiến về phía trung tâm khan đàn, nơi được dựng sẵn một giàn cao chừng 2m, phía trên để cỗ heo quay.

Các võ sĩ phải vận dụng sức mạnh, sự nhanh nhẹn, động tác chính xác và khéo léo để xuyên qua đám đông, leo lên giàn cao nhất, lấy được mân cỗ và chạy về điểm đích một cách an toàn.

Tháng 7 Âm lịch cùng những lễ hội văn hóa - Wanderlust Tips
Hoạt động đổ giàn trong lễ hội.

Đây là dịp để các võ sĩ thể hiện thực lực qua các ngón võ và chiến thuật khôn ngoan, thượng tôn tinh thần thắng không kiêu, bại không nản, tỷ thí để trau dồi, học hỏi. Đội nào thắng sẽ được may mắn cả năm do được “lộc thần”, đội thua sẽ tiếp tục luyện sắc tinh thần và mài dũa võ nghệ, đợt sau quyết giành được mâm cỗ trên giàn cao.

Thời gian diễn ra lễ hội Đổ giàn, nhà nào cũng thắp đèn lồng sáng rực khắp nơi trong thôn. Du khách tới Bình Định trẩy hội nườm nượp, đặc biệt là môn đồ của các môn phái võ thuật cổ truyền tụ hội tụ về đông đủ.

Lễ hội làng Chuồn – Thừa Thiên Huế

Lễ hội làng Chuồn hay còn gọi là lễ hội Thu tế, được đánh giá là một trong những lễ hội truyền thống Việt Nam giữ được trọn vẹn nhiều nét văn hóa cổ truyền mang hơi thở cung kính của cung đình Huế. Làng Chuồn hay còn gọi là làng An Truyền, thuộc xã Phú An, huyện Phú Vang, một ngôi làng cổ có lịch sử hơn 600 năm, cách Huế khoảng 10 km theo hướng đông bắc, gần phá Tam Giang.

Lễ hội là dịp để người dân tỏ lòng biết ơn đến 3 họ tộc đầu tiên có công khai canh làng, được tôn làm Thành hoàng họ Hồ, Nguyễn và Đoàn. Người dân tin rằng, các Thành Hoàng sẽ bảo trợ cuộc sống của họ được bình an, no ấm.

Lễ hội làng Chuồn được tổ chức vào các ngày 15, 16 và 17/7 âm lịch và thường bắt đầu vào sáng sớm. Đám rước luôn thu thút người dân địa phương và cả những du khách bởi bầu không khí vừa trang nghiêm vừa sôi nổi, vừa bình dị vừa mang nét tâm linh huyền bí. Lễ hội hội tụ nhiều màu sắc sặc sỡ với màu của lễ phục cổ truyền, các loại áo lính màu vàng và màu đỏ quyện với màu của đủ loại cờ xí, kiệu lọng thắm tươi.

Lộ trình của đám rước bắt đầu từ Ðồng Miễu (Miễu giữa đồng) đến Ðình làng vào khoảng một cây số, đám rước đi thật chậm di chuyển từng bước qua các cổng chào của các thôn xóm trong làng. Lễ hội làng Chuồn có những đặc điểm đặc sắc và khác biệt so với các lễ Tế ở các vùng miền và địa phương khác. Đám rước luôn được tổ chức rất trọng thể và đẹp mắt, với 3 bộ kiệu lộng hoành tráng để rước 3 vị thành hoàng của làng.

Đặc biệt, mỗi năm dân làng lại thay đổi các linh vật, hoặc vật thờ cúng khi thì hai chim hạc, khi thì cá hóa rồng, lại có lúc là cả bộ tam sự gồm lư trầm và hai độc bình. Các vật trang trí và linh vật được chính tay các nghệ nhân tài giỏi trong làng chuẩn bị và trang hoàng vô cùng kỳ công, tỉ mỉ. Các nghệ nhân này luôn dành cả tâm huyết và xem nhiệm vụ trang hoàng cho đám rước là bổn phận thiêng liêng.

hanh trinh dam chuon 10
Lễ rước ở lễ hội làng Chuồn – Huế.

Mỗi một nghi thức cúng lễ đều được thực hiện một cách chậm rãi, từ tốn và mang hơi hướng của Khổng giáo. Lễ hội làng Chuồn là một nét đẹp văn hoá và có ý nghĩa tinh thần vô cùng lớn với người dân Phú An nói riêng mà người dân Huế nói chung.

Lễ hội Lăng Ông Bà Chiểu – TP HCM

Đi sâu vào phía Nam, cuối tháng 7 Âm lịch, từ ngày 30 đến ngày 3 tháng 8 Âm lịch là lễ hội Lăng Ông Bà Chiểu, kỉ niệm ngày giỗ của Ông và Bà Chiểu. Rất nhiều người nhầm tưởng rằng Ông và Bà tên Chiểu song đây là phần mộ của Tả quân Lê Văn Duyệt và phu nhân là bà Đỗ Thị Phận. Sở dĩ có tên gọi Bà Chiểu là vì lăng mộ của Thượng Quốc công Tả quân Lê Văn Duyệt được an táng tại vùng đất mang tên Bà Chiểu. Lăng hiện nay nằm ở quận Bình Thạnh.

Người dân địa phương thường gọi là lăng Ông. Lăng nằm trên một gò đất cao như lưng rùa. Vị thế đắc địa này theo quan niệm Đông phương học là phần long mạch, vì thế mà mang lại sự tài lộc, thịnh vượng cho người dân trong vùng.

Cổng lăng trổ ra bốn hướng, phía Nam là cổng lớn Tam Quan với 4 chữ Hán “Thượng Công Miếu” khắc nổi bên trên. Cổng lớn này một thời được chọn làm hình ảnh biểu tượng của đất Sài Gòn- Gia Định. Lăng Ông hội tụ nhiều nét đẹp về văn hóa, lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đậm chất Nam Bộ được Chính phủ công nhận là di tích lịch sử – văn hoá cấp quốc gia.

7b yyin
Lăng Ông Bà Chiểu nằm ở quận Bình Thạnh, TP HCM.

Đối với người dân Nam Bộ nói chung, khi ông mất, dân gian xem ông như một vị thần, vì vậy việc thờ cúng và tế lễ tại lăng mang nghi thức thờ thần và tế thần. Thời Gia Định xưa, lễ hội Lăng Ông Bà Chiểu là một trong những lễ hội lớn nhất Sài Gòn, thu hút hàng vạn người tham gia. Những hoạt động đặc sắc phải kể tới trong lễ hội Lăng Ông Bà Chiểu là múa lân, cúng bái, biểu diễn nghệ thuật.. Đây cũng là dịp để người dân tứ xứ thập phương về đây, cầu cho cuộc sống, sự nghiệp được yên bình, ổn định.

Rõ ràng, tháng 7 Âm lịch vốn không đáng sợ, xui xẻo như nhiều người truyền miệng nhau. Minh chứng rõ ràng nhất chính là những lễ hội văn hóa truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc, ý nghĩa linh thiêng được tổ chức trong tháng này. Vậy nên, đừng quá hoang mang hay lo sợ về “Tháng cô hồn” trong truyền thuyết nhé.

Ảnh: Internet.

Wanderlust Tips | Cnet