Nhảy lửa mùa xuân: Văn hóa vùng cao

Những người dân đồng bào dân tộc thiểu số luôn khiến du khách ấn tượng bởi các nét đẹp văn hóa đặc trưng, góp phần tạo nên bản sắc vùng cao. Một trong số đó phải kể đến tập tục nhảy lửa trong năm mới của người Pà Thẻn, mang nhiều ý nghĩa độc đáo, gắn liền với nếp sống và văn hóa của người dân nơi đây.

Nhảy lửa (Cầu lửa) là lễ hội truyền thống của người Pà Thẻn tại thôn My Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, thường được tổ chức từ ngày 16/10 âm lịch đến rằm tháng giêng hàng năm hàng năm, trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Nhảy lửa được xem là một lễ hội độc đáo, mang đậm nét Shaman giáo, sơ khai và huyền bí.

Tục Nhảy lửa mùa xuân - văn hóa vùng cao

Không ai biết được tập tục này đã xuất hiện từ bao giờ, tuy nhiên cho đến hiện tại nhảy lửa được xem là một tập tục không thể thiếu trong đời sống của người Pà Thẻn. Theo tiếng Pà Thẻn, lễ truyền nghề thầy cúng được gọi là “Póc Quơ”, hội Nhảy lửa được gọi là “Po dinh họn a tờ”. Ngày nay, lễ hội này được biết đến rộng rãi với tên gọi Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn.

Tục Nhảy lửa mùa xuân - văn hóa vùng cao

Dưới góc độ văn hóa, phong tục cho thấy niềm tin của con người vào thế giới siêu nhiên. Trong quan niệm của người Pà Thẻn, lửa đóng vai trò quan trọng, tượng trưng cho sức mạnh, lòng dũng cảm, lửa mang lại sự ấm no, thịnh vượng. Đồng thời nhảy lửa cũng là nghi thức thể hiện tài năng của những người đàn ông trong bản.

Tục Nhảy lửa mùa xuân - văn hóa vùng cao

Thông thường, Lễ hội Nhảy lửa diễn ra theo từng họ. Họ nào tổ chức thì cùng nhau chuẩn bị lễ vật, gồm: một con gà trống, một bát gạo, hương, một chai rượu, tiền giấy,… Các thành viên khác trong họ có trách nhiệm chuẩn bị củi khô. Lễ hội chính thức được bắt đầu vào khoảng 8 giờ tối. Mở đầu, thầy cúng thắp nến và bày lễ vật lên mâm cúng, rồi thắp ba nén hương cắm vào bát hương trên bàn, đến thắp ba nén hương khác, cuối cùng là cắm dưới đất bên cạnh ghế nơi thầy cúng ngồi.

Trong lúc lửa đang hừng hực trước sân, thầy mo cầm chiếc ghế dài, tay cầm thanh sắt và gõ liên tục vào thanh tre, miệng đọc thần chú bằng tiếng Pà Thẻn để mời gọi thần linh. Qua bài cúng và nhạc điệu, người Pà Thẻn cho rằng, con đường đi tìm thần về nhảy lửa của thầy cúng thật lắm gian lao, vất vả, có khi phải đi qua cả hang quỷ. Do vậy, thầy cúng phải là thầy cao tay, có nhiều phép thuật và quân binh mới làm được.

Tục Nhảy lửa mùa xuân - văn hóa vùng cao

Sau tiếng nhạc nổi lên, cùng với lời gọi của thầy cúng trong khoảng 20 – 30 phút, cơ thể của các chàng trai bắt đầu rung lên, ánh mắt khác lạ, đầu lắc đi, lắc lại… Họ cho rằng, các thần ở trên trời đã xuống và nhập vào những người đó. Cứ thế, họ lao vào nhảy múa giữa đống lửa đang đỏ hồng, với bàn chân trần và dùng tay bốc than tung lên.

Tục Nhảy lửa mùa xuân - văn hóa vùng cao

Việc nhảy lửa cứ thế diễn ra trong khoảng một tiếng, khi Lửa tàn thì nhóm lại, rồi nhảy tiếp cho đến khi đống than tàn hẳn mới thôi. Khi lửa tàn hẳn, thầy cúng sẽ đọc bài cúng tiễn các ma về trời, lúc này các học trò của thầy mới dần tỉnh lại. Điều kì lạ nhất là họ không thấy đau  đớn và cũng không hề bị bỏng.

Tục Nhảy lửa mùa xuân - văn hóa vùng cao

Lễ hội Nhảy lửa còn là một di sản văn hóa mang tính đại diện tộc người, được biết đến như một bản sắc riêng của cộng đồng người Pà Thẻn. Khi nhắc đến Lễ hội Nhảy lửa, người ta nghĩ ngay đến người Pà Thẻn và ngược lại. Đây cũng là lễ hội duy nhất của người Pà Thẻn còn duy trì đến ngày nay.