Wanderlust Tips the white lady 70 lich su am thuc duong pho o vung dat chim kiwi 17

The White Lady: 70 lịch sử ẩm thực đường phố ở vùng đất chim kiwi

Auckland, thành phố lớn nhất của New Zealand vẫn còn non trẻ, chỉ có chưa đến 200 năm lịch sử, tính từ khi những người châu Âu đặt chân đến đây và thiết lập mối quan hệ bang giao với người Mãori bản địa. Trong dòng lịch sử ngắn ngủ đó vậy mà đã có tới 70 năm, cứ đến 7 giờ tối, những “Aucklanders” chân chính lại quy tụ về xe bán bánh Burger The White Lady – hòn ngọc của nền ẩm thực New Zealand cũng như của văn hóa hàng rong đã gần như biến mất nơi đây.

[rpi]

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips The White Lady: 70 lịch sử ẩm thực đường phố ở vùng đất chim kiwi

TÔI ĐÃ PHẢI LÒNG “QUÝ BÀ TRẮNG” NHƯ THẾ NÀO?

Cũng như bao lớp người đã từng sống ở thành phố xinh đẹp này, tôi đã phải lòng với “Quý Bà Trắng” The White Lady từ “miếng cắn” đầu tiên. Lần đầu tiên tôi đến với The White Lady là một đêm mùa hè hai năm trước. Auckland tuy là thành phố lớn nhất nước với đầy những quán rượu và nhà hàng nhưng lại không sôi động như New York, và thậm chí còn kém xa với người láng giềng Melbourne của mình bên kia biển Tasman. Đêm xuống, những cơn gió biển mát lạnh từ vịnh Haruki ngao du trên những con ngõ vắng. Phố xá vắng lặng khi trời về khuya dù đang là giữa mùa hè, mùa của những cuộc hội. Tôi đi dạo trong thành phố, nghe tiếng biển rì rào những đợt sóng trong màn đêm đen như mực. Rảo bước về phía đường Commerce, một chiếc xe trắng đèn vàng thu hút sự chú ý của tôi. Trên hè phố, một nhóm nhỏ đang mua burger từ chiếc xe trắng ấy. Có người đứng dựa vào tường, có người ngồi trên những thùng sữa nhựa được úp ngược làm ghế, có những người trò chuyện rôm rả với nhau, và một số chỉ im lặng ngấu nghiến phần bánh của mình. Mùi thơm sực nức cả góc phố.

Vì tò mò nên tôi cũng đến mua một chiếc bánh burger. Và The White Lady đã mang đến cho tôi sự bất ngờ lớn. Khác xa với những chiếc bánh èo  uột của những chuỗi thức ăn nhanh rẻ tiền, chiếc bánh burger ở đây tuy chỉ là một thứ “hàng rong” lại đầy đặn, ngon lành đến ngạc nhiên. Hai lớp bánh mì mềm vừa được nướng nóng hổi kẹp ở giữa phần rau xanh tươi rói, miếng thịt bò chín tới, mềm mại còn chảy nước thịt, miếng trứng chín thơm phức và phô mai chảy béo ngậy. Có ai ngờ rằng khi Auckland đang say ngủ, ở góc đường vắng lại có một thiên đường ẩm thực như vậy? Nếu “hàng rong” Trong văn hoá châu Á là những gánh hàng, xe đẩy nhỏ lang thang khắp phố, văn hoá ẩm thực đường phố của phương Tây lại có chút khác biệt. “Hàng rong” ở Anh là món fish and chips (cá tẩm bột chiên và khoai chiên), ở miền Đông nước Mỹ là những xe hot dog ở mỗi ngã tư đường, thì ở New Zealand là những chiếc xe pie-cart với một lịch sử phát triển đầy thú vị.

Đã có thời, những chiếc xe hàng rong như The White Lady từng là điểm nhấn, là trung tâm của mọi thị trấn, mọi thành phố. Hay bị nhầm với xe tải bán đồ ăn (food truck) của Mỹ, nhưng ở đây họ gọi những chiếc xe hàng rong như The White Lady là “pie-cart” – xe bán bánh pie (loại bánh nướng với vỏ bánh phủ một phần hay bao toàn bộ phần nhân làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau từ ngọt đến mặn). Nếu food truck của Mỹ là một dạng xe tải
nhỏ có thùng xe được cải biên thành một căn bếp nhỏ, thì pie-cart của đất nước chim kiwi có đầu xe kéo như xe máy cày và một thùng xe có gắn rơ- móc như xe caravan.

Pie-cart xuất hiện lần đầu vào thập niên 30 của thế kỷ 20, thời Đại suy thoái. Văn hoá pie-cart sau đó dần phát triển vào thời hậu thế chiến. Nửa đầu thế kỷ 20  Auckland vẫn còn non trẻ, cách biệt với thế giới vì vị trí địa lý cũng như những khó khăn trong việc di chuyển thời bấy giờ. Trong lòng thành phố, cơn khủng hoảng như con thú đói nuốt chửng tất cả. Những con đường lúc đó chỉ rải sỏi, các phương tiện đi lại đều rất chậm chạp và điện là thứ xa xỉ. Trong bóng tối của cuộc khủng hoảng, những chiếc pie-cart nổi lên như một điểm sáng. Chúng có mặt ở hầu hết mọi khu dân cư, thường đậu trước bưu điện trung tâm, chỉ chuyên bán cà phê và món ăn của giới lao động bấy giờ là “pea, pie, pud” (đậu cô-ve, bánh pie và khoai tây nghiền). Trong những ngày khó khăn của giới lao động đó, pie-cart trở thành biểu tượng của văn hoá hàng rong và cũng là của những người dân New Zealand thập niên 40-50. Không ai lớn lên trong thời đại đó mà chưa từng ăn qua những món bình dân ở một chiếc pie-cart.

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips The White Lady: 70 lịch sử ẩm thực đường phố ở vùng đất chim kiwi

Nhưng chẳng có gì là tồn tại mãi mãi. Đất nước dần phát triển sau thế chiến, những biểu tượng của giới lao động như pie-cart dần biến mất. Đất nước mở cửa, những chuyến bay từ khắp nơi trên thế giới giờ đã có thể hạ cánh ở New Zealand, mang đến cho đất nước như nằm ngoài rìa thế giới này một làn sóng ẩm thực mới. Giới trẻ tiếp xúc nhiều hơn với những hàng quán mới, những cách ăn uống mới. Chính phủ cũng ngày càng gắt gao về các vấn đề như an toàn vệ sinh thực phẩm hay việc xả thải đúng tiêu chuẩn của từng nơi cung cấp thực phẩm. Mỗi thành phố chỉ còn sót lại một số xe pie-cart còn hoạt động, và nổi bật nhất trong tất cả là The White Lady, chiếc pie-cart lâu đời nhất của New Zealand, sống sót từ thời hậu thế chiến cho đến tận thế kỷ 21.

70 NĂM LỊCH SỬ CÙNG THE WHITE LADY

The White Lady bắt đầu phục vụ từ năm 1948. Nó thuộc quyền sở hữu của gia đình Washer mà người sáng lập là cụ Brian Washer hay người ta vẫn quen gọi là “Pop”. Trước khi The White Lady ra đời, Pop, cũng như những người trong thời đại sau khủng hoảng, lẩn quẩn trong guồng quay của những trận bóng bầu dục rugby, cá độ đua ngựa và bia rượu. Sau một thời gian cai nghiện, Pop nảy ra sáng kiến bán đồ uống ở các trường đua. Không may, ông bị bắt quả tang khi tổ chức đánh bạc trái phép ở trường đua. “Doanh nghiệp” nho nhỏ của Pop cũng theo đó mà biến mất. Tuy nhiên, Pop vẫn không hề mất lòng tin.

Vào thời điểm khó khăn này, Pop tổ chức lễ cưới với bà Joyce Washer. Cặp đôi đã đi nghỉ trăng mật ở Christchurch, nơi Pop đã đặt làm một chiếc pie-cart. Chuyến trăng mật kết thúc, quay về Auckland không chỉ có cặp tân hôn trẻ mà còn là chiếc pie-cart huyền thoại: The White Lady. Bà Joyce kể rằng họ muốn chiếc pie-cart mang một vẻ “nữ tính” – một cách bày tỏ rất thường gặp lúc bấy giờ khi mọi tay xế đều gọi chiếc xe của mình là “em cưng”. Joyce quyết định đặt tên cho nó là The White Lady (Quý Bà Trắng) vì đơn giản nó được sơn màu trắng. “Đó là thời đại mà vấn đề sắc tộc không phải thứ gì đó quá quan trọng”, bà Joyce nhớ lại.

Hội đồng thành phố cuối cùng đã cho phép The White Lady đỗ trên đường Fort trong suốt những năm từ 1950 đến 2006, một con đường ngắn cắt ngang đường Queen – phố chính của thành phố, gần ngay nhà ga trung tâm Britomart và bến phà Queens. Chiếc pie-cart sau đó bị dời đi vì lý do thành phố xây dựng và nâng cấp hạ tầng. Cuối cùng, The White Lady được cấp phép đỗ ở gần góc đường Đông Customs và Commerce, cách vị trí ban đầu vài trăm mét. Thành phố đã bố trí nguồn điện và ống tiếp nước cho sự hoạt động của The White Lady ở nơi mà chiếc pie-cart đỗ hàng đêm.

Sau thất bại ở trường đua ngựa, Pop Washer, với chiếc pie-cart ra đời, cuối cùng đã thành công. Thập niên 50 và 60 vẫn còn là thời điểm mà New Zealand thực hành lệnh “giới nghiêm” về bia rượu (bắt đầu từ thời đệ nhất thế chiến 1917). Các quán rượu và nhà hàng đều phải ngưng bán thức uống có cồn từ 6 giờ tối. Người ta gọi đây là thời đại “six o’clock swill”– rượu bia trước sáu giờ, để mô tả những người đàn ông vừa tan làm lúc 5 giờ đã vội lao ra quán rượu để tận hưởng chút ít “sảng khoái” trong khoảng thời gian còn sót lại trước khi đồng hồ điểm tiếng thứ sáu. Đây là thời đại trước văn hoá cà phê, một khi đồ uống có cồn bị ngưng phục vụ, các quán ăn cũng đóng cửa. Trong suốt nhiều năm trước khi lệnh cấm được gỡ bỏ năm 1967, The White Lady là nơi duy nhất mà bạn có thể mua được một suất ăn nóng về đêm trong trung tâm thành phố. Chính vì lẽ đó, chiếc pie cart đã dần trở nên gắn bó với đời sống người dân Auckland ngay từ ngày đầu tiên mở cửa.

Thời gian đầu, Pop đứng quầy hàng từ đêm cho đến tờ mờ sáng hôm sau, trong khi bà Joyce phụ trách nấu nướng tất cả các thức ăn của chiếc pie-cart tại nhà họ. Đó là một căn nhà gỗ cũ kỹ với đầy lỗ và gió lùa ở Kohimarama, một quận phía Đông thành phố. Giữa thế kỷ 20, luật an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn lỏng lẻo, các sản phẩm nấu tại nhà rồi đem bán vẫn rất phổ biến. Bà Joyce còn nhớ là ngoài bộ ba “pea, pie, pud”, họ còn có bánh mì, trứng, sốt cà chua với những chiếc ly đựng đầy hành, dưa leo và cà sắt miếng (dùng ăn kèm). “Chẳng có giấy ăn gì cả. Mọi người đều dùng chung một chiếc khăn lớn và họ đều vui vẻ”.

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips The White Lady: 70 lịch sử ẩm thực đường phố ở vùng đất chim kiwi

Tuy nhiên, thời đại của những chiếc bánh pie cũng dần tàn lụi. Hiện tại, The White Lady có một thực đơn chuyên bán bánh kẹp burger và các thức uống không cồn. Những nguyên liệu chế biến sẵn cũng đã chuyển sang một khu bếp có chứng nhận hẳn hoi khi luật vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng gắt gao khiến sự tồn tại của văn hoá hàng rong ở đây trở nên khó khăn. Các quán hàng rong hầu như chỉ còn xuất hiện trong các khu hội chợ nông sản cuối tuần hoặc các lễ hội lớn thường niên. Những hàng ăn nhanh mọc lên như nấm, nhưng vì một lý do nào đó lại chẳng có thứ gì đánh bại được The White Lady. Chiếc pie-cart huyền thoại vẫn còn đó, tự hào như một vị nữ hoàng của văn hoá ẩm thực đường phố tưởng chừng như đã không còn tồn tại nơi đây. The White Lady đã hoạt động liên tục trong suốt 70 năm và chỉ nghỉ đúng 1 đêm vào mùa hè năm 1998, khi Auckland mất điện trên toàn diện. Khủng hoảng điện năm 1998 khiến trung tâm thành phố rơi vào bóng tối khi đêm về trong suốt năm tuần liền. Và một lần nữa, từ sau thời đại “six o’clock swill”, The White Lady lại trở thành điểm sáng duy nhất của thành phố khi vẫn hoạt động trong suốt thời gian đó, trừ một đêm đầu tiên.

Ngày nay, dù hội đồng thành phố đã nhiều lần muốn triệt tiêu sự hiện diện của The White Lady cũng như của một vài chiếc pie-cart khác còn sót lại, thế nhưng chúng vẫn sống. Những chiếc pie-cart vẫn tồn tại, như một lời nhắc nhở về một lịch sử của ẩm thực đường phố nơi đây. Những món ngon của họ vẫn chưa bao giờ làm thực khách thất vọng, dù là những chiếc bánh pie, khoai nghiền, những nồi thịt hầm mà bà Joyce đã nấu ở căn nhà cũ kỹ hơn nửa thế kỷ trước, hay chiếc bánh burger với miếng thịt bò tươi xèo xèo trên vỉ nướng, thịt muối bacon giòn thơm phức, phô mai chảy béo ngậy, và lá xà lách xanh tươi mơn mởn. Peter Washer, người thừa kế The White Lady từ cha và mẹ mình, cũng như con trai ông – Max Washer đã luôn chú trọng đến việc tuyển chọn những nguyên liệu ngon nhất. Giống như câu nói của Henry Royce, một trong hai nhà sáng lập hãng xe Rolls Royce nổi tiếng, “chất lượng là thứ sẽ còn được nhớ mãi khi giá cả đã bị lãng quên từ lâu”, The White Lady dù chỉ là “xe hàng rong” nhưng với nhà Washer, họ vẫn luôn chú trọng hàng đầu việc đảm bảo chất lượng của những chiếc bánh burger, mặc kệ cuộc cạnh tranh giá cả khốc liệt đang diễn ra.

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips The White Lady: 70 lịch sử ẩm thực đường phố ở vùng đất chim kiwi

Đêm Auckland tuy vẫn chậm chạp trôi nhưng đã không còn hoang vắng như ngày nào, những quán rượu và những hàng thức ăn nhanh vẫn sáng đèn hằng đêm, nhưng chẳng có gì tuyệt bằng một chiếc bánh burger to, dày, nóng hổi vào giữa khuya cho bất cứ ai, vì bất cứ lý do gì mà tìm thấy mình lang thang ở bến cảng lúc đêm khuya. Sẽ chẳng ai có thể nói chiếc pie-cart đã qua ba đời cha con này sẽ còn tồn tại đến khi nào, nhưng chắc chắn, hình ảnh của The White Lady vẫn sẽ mãi ở đó, như một tượng đài của nền ẩm thực đường phố của New Zealand cũng như của Auckland – thành phố của những cánh buồm, vùng đất của một ngàn người tình.

W.TIPS

wanderlust tips ICON 1

ĐẶC ĐIỂM

Ở New Zealand không có bất kỳ loài thú có vú bản địa nào, cũng hoàn toàn không có rắn hay các loài bò sát và nhện  độc. Những loài thú đặc trưng ở đây là các loài chim và các loại côn trùng. Người New Zealand tự gọi mình là dân kiwi, ám chỉ loài chim kiwi không biết bay đặc trưng của đảo quốc này.

wanderlust tips ICON 63

THỜI TIẾT

Auckland là thành phố cảng nên mưa quanh năm, thường là những cơn mưa nhỏ nhưng mùa Thu Đông thường có mưa kéo dài nhiều ngày. New Zealand nằm ở Nam Bán Cầu nên mùa màng ngược với vùng Bắc Bán Cầu: mùa Xuân từ tháng 9 đến hết tháng 11, mùa Hè từ tháng 12 đến hết tháng 2, mùa Thu từ tháng 3 đến hết tháng 5 và mùa Đông từ tháng 6 đến hết tháng 8. Nhiệt độ trung bình của Auckland là 20oC, mát mẻ quanh năm. Tuy nhiên bạn nên mang áo khoác mọi lúc vì buổi đêm mùa Hè có thể có gió lạnh, trong khi đó, mùa Đông tuy không có tuyết nhưng vì ẩm cao nên Auckland khá rét.

wanderlust tips ICON 8

NGÔN NGỮ

Ngôn ngữ giao tiếp ở New Zealand là tiếng Anh nhưng quốc ngữ là tiếng Māori (te reo Māori).

wanderlust tips ICON 67

TIỀN TỆ

Đô la New Zealand. 1NZD = 15.683,39VND (theo tỷ giá hiện tại). Ngoại tệ có thể được đổi dễ dàng ở các điểm đổi tiền rải rác ở trung tâm thành phố.

wanderlust tips ICON 46

DI CHUYỂN

Các phương tiện giao thông công cộng chỉ chạy đến nửa đêm, nên bạn cũng cần chú ý việc di chuyển. Bạn có thể dùng taxi thường đậu quanh hoặc sử dụng dịch vụ Uber (chỉ trả bằng thẻ tín dụng trên Uber app).

wanderlust tips ICON 31

CÁC THÔNG TIN VỀ THE WHITE LADY

Vị trí: đậu gần góc đường Đông Customs và Commerce, đối diện một trạm xe buýt lớn. Nếu đang đói, bạn nên thử món burger The White Lady hay The Aucklander. Bạn cũng nên uống thử nước chanh L&P, là loại nước có ga đặc trưng của New Zealander. Ở đây cấm thức uống có cồn ở nơi công cộng.

Giờ mở cửa: mở cửa từ 7 giờ tối đến 4 giờ sáng ngày hôm sau, từ thứ Hai đến thứ Năm. Thứ sáu và cuối tuần, họ sẽ mở cửa liên tục từ 7 giờ tối thứ Sáu đến 3 giờ sáng ngày thứ Hai. Bạn có thể đến vào buổi khuya để trải nghiệm cảm giác “The White Lady” một cách chân thật nhất. Tuy nhiên khuya về sáng là thời điểm The White Lady đắt khách nhất, bạn có thể phải đứng chờ từ 15 đến 20 phút.

Alex Trần | Wanderlust Tips