Hành trình tâm linh – Kết nối hiện tại

(#wanderlusttips) Không dễ để tưởng tượng ra nghi lễ lên đồng trên sân khấu, bởi đó là nghi lễ khá nhạy cảm của chốn điện thờ, đình đền miếu mạo, nghĩa là phải ở một không gian văn hóa đậm màu sắc tâm linh. Nhưng hóa ra, sân khấu vở diễn Tứ Phủ đem lại những cảm xúc không kém phần chân thực, thậm chí còn khiến khán giả thỏa mãn hơn bởi được nhấm nháp từng chi tiết tinh tế, bài trí lộng lẫy và diễn xướng điêu luyện. Hành trình tâm linh của vở diễn đưa chúng ta về với lịch sử tín ngưỡng ngàn đời của dân tộc Việt.

[rpi]

4wanderlust_tips_hanh_trinh_ket_noi_tam_linh_4

Đạo Mẫu – cội rễ đức tin người Việt

Theo cuốn “Lên đồng trong Đạo Mẫu” do giáo sư Ngô Đức Thịnh cùng nhóm tác giả Viện nghiên cứu văn hóa dân gian biên soạn, văn hóa thờ Tứ Phủ bắt nguồn từ tín ngưỡng Đạo Mẫu, tức là thờ Mẹ. Theo đó, bốn miền trời, nước, đất, rừng núi do các Thánh Mẫu cai quản. Mẫu Thượng Thiên cai quản miền Trời (Thiên Phủ), Mẫu Thượng Ngàn cai quản miền sơn cước (Nhạc Phủ), Mẫu Thoải cai quản miền ong nước (Thoải Phủ) và Mẫu Địa cai quản miền nhân gian (Địa Phủ).

Theo thứ tự, dưới hàng Thánh Mẫu là hàng Quan gồm 10 vị, 12 vị Chầu Bà, 10 Ông Hoàng, 12 cô và 10 cậu cùng nhiều vị thần khác.

Mẫu là biểu tượng cao nhất trong tín ngưỡng người Việt về nhân sinh, cội nguồn dân tộc và tinh thần yêu nước.

Tín ngưỡng thờ Tam Phủ (không có Địa Phủ), Tứ Phủ hiện đã được đệ trình UNESCO để được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cuối năm nay, tại kỳ họp thứ 11 của Uỷ ban liên chính phủ Công ước Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể tại Ethiopia, hồ sơ sẽ được xem xét.

“Mỗi Thánh Mẫu đều nhắc chúng ta về mối quan hệ khăng khít giữa con người với thiên nhiên”, bà Katherine Muller – Marin – Trưởng Đại Diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu trong buổi công chiếu vở diễn “Tứ Phủ”, “Đạo Mẫu ăn sâu trong hệ tư tưởng của người Việt, tôn vinh và làm giàu thêm giá trị của cảm xúc, lương tri và lòng trắc ẩn”. Đó là lý do mà nghi lễ độc đáo này cần được bảo tồn, kế thừa cho các thế hệ tương lai.

3wanderlust_tips_hanh_trinh_ket_noi_tam_linh_3

Hành trình tâm linh – kết nối hiện tại

Mở đầu show diễn không phải là khi người ta phủ khắp sân khấu bằng ánh sáng, âm nhạc, màu sắc của những bộ trang phục lộng lẫy. Show diễn thực sự đã bắt đầu trong bóng tối, trong một sự tĩnh lặng sâu thẳm, và mùi hương. Đó hẳn là mùi hương trầm, nhang khói rất khó để gọi tên một cách rõ ràng. Chính bóng tối, sự im lìm và mùi hương khói ấy đưa tâm thức chúng ta vào một trạng thái như thiền. Rất khó để có cảm xúc như vậy ở một buổi hầu đồng ngoài đời thực bởi không khí lễ hội đông đúc xô bồ và không gian diễn xướng chật chội.

Trước mắt bạn là một sân khấu nhiều lớp lang, lớp ngoài cùng là đôi hạc đồng, biểu tượng linh thiêng cho sự thanh cao, thoát tục có thể tìm thấy ở bất cứ đâu trong các đình chùa Việt. Lớp giữa tái hiện một điện thờ chạm khắc tỉ mỉ, trong cùng là những cánh cửa bức bàn truyền thống màu gỗ đã phai màu thời gian. Một không gian đảo chiều khiến cho người xem cảm giác như đang ở bên trong những cánh cửa đó.

Những hồi chuông thỉnh ngân vang theo nhịp gõ của hai cung văn và thanh đồng đang thong thả bước ra sân khấu trong làn khói tỏa, phá tan bầu không khí yên ả.

Có tới 36 giá đồng, mỗi giá tượng trưng cho một vị thần linh trong Đạo Mẫu. Nhưng điều đặc biệt là, ở tín ngưỡng Đạo Mẫu, mỗi vị thần linh mang một màu sắc văn hóa, cá tính khác nhau, bởi họ đều là hiện thân của các nhân vật có thật, rồi khi chết đi được hóa thần phong thánh, trở thành điểm tựa tinh thần, để con người hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn. Những vị thần trong Tứ Phủ không hẳn là sản phẩm của trí tưởng tượng mà có gốc rễ gắn kết chặt chẽ với lịch sử dân tộc, văn hóa vùng miền. Điều đó làm nên vẻ đẹp đa thanh sắc và chiều sâu lịch sử của nghi lễ hầu đồng, thời khắc được cho là các vị thần “hiển linh”, nhập giá vào trong các thanh đồng. Những màn diễn xướng thăng hoa của thanh đồng, với sự trợ giúp của các cung văn và lời hát Chầu Văn lúc khoan lúc nhặt, lúc bổng lúc trầm, hòa quyện với nhau thành một chỉnh thể thống nhất, gắn kết, nhịp nhàng không thể tách rời.

2wanderlust_tips_hanh_trinh_ket_noi_tam_linh_2

Giá chầu đệ nhị là một trong 12 Chầu Bà chốn sơn lâm (trong Nhạc Phủ) là giá chầu đầu tiên trong vở diễn với sự tích về công chúa Lê Thị Kiểm vợ ông Hà Văn Thiên, dân tộc Tày, cai quản miền Đông Cuông. Được ong à hóa thân của Mẫu Đệ Nhị, bà vốn là Công Chúa Thiên Thai, giáng sinh Hạ Giới, quyền cai thượng ngàn, quyền cai tam thập lục châu.

Cùng với lời hát dìu dặt “Trên ngàn gió cuốn rung cây. Dưới khe cá lặn chim bay về ngàn. Canh khuya nguyệt lặn sao tàn. Gập ghềnh quán thấp lầu cao. Chèo ra núi đỏ chèo vào ngàn xanh”. Lời hát nỉ non dìu dặt trong âm nhạc của trống phách, đàn nguyệt, đàn bầu, tiếng sáo réo rắt nâng trí tưởng tượng của người xem về với chốn thượng ngàn. Bài hát theo làn điệu chầu văn kể lại những câu chuyện đời ca ngợi tài sắc, công đức, khí tiết của các vị thánh lúc sinh thời.

Khi thánh nhập đồng, các cung văn tỉ mỉ và điêu luyện giúp thanh đồng thay phục trang phù hợp với mỗi giá hầu. Trang phục của các giá hầu trong vở diễn đẹp đến mức khiến cho bất cứ ai cũng phải trầm trồ. Chầu bà đệ nhị thuộc Nhạc Phủ thì khoác lên mình bộ phục trang màu xanh của cây cỏ núi rừng. Theo từng tiếng hát, các cung văn chậm rãi vấn chiếc khăn nhiễu xanh lên đầu, quấn thành mũ, cẩn thận và nhịp nhàng đính từng hạt cườm từng bông hoa lên mũ. Cứ như thế, khăn, áo giầy chỉnh tề, Mẫu Thượng Ngàn múa theo tiếng nhạc véo von, tiếng hát dập dìu, lúc múa tay không uyển chuyển, lúc múa với quạt ong duyên dáng, lúc múa với ngọn lửa điêu luyện. Thần thái toát lên vẻ viên mãn, xinh đẹp, cao quý và uy quyền. Cung văn, khán giả càng hưởng ứng, âm nhạc càng rộn rã thì thanh đồng càng thăng hoa.

Giá chầu ông Hoàng Mười (tương truyền là con trai Long Thần Bát Hải Đại Vương ở động Đình Hồ) cũng ấn tượng không kém bởi trang phục hoàng bào rực rỡ uy nghi. Ông Mười giáng sinh thành Nguyễn Xí, một tướng giỏi dưới thời Vua Lê Thái Tổ, có công giúp vua dẹp giặc Minh, sau được giao cho trấn giữ đất Nghệ An, Hà Tĩnh. Ấn tượng hơn nữa khi thanh đồng hoàn toàn nhập vai ông Hoàng với thần thái ngạo nghễ, tác phong dứt khoát trong điệu múa cờ, đánh đông dẹp bắc mở mang bờ cõi. Ánh mắt ông long lên dũng mãnh trong chiến trận, hay cảm động và suy tư khi ngắm nhìn bờ cõi mênh mông, và cũng đầy hào sảng khi thảo những vần thơ tài hoa trong đêm khuya thanh vắng thưởng rượu, ngắm trăng.

1wanderlust_tips_hanh_trinh_ket_noi_tam_linh_1

Không khí lễ hội tràn ngập phần cuối của vở diễn với giá chầu Cô bé thượng ngàn nhí nhảnh, duyên dáng, đáng yêu trong bộ trang phục đặc trưng của người Tày được gắn nhiều họa tiết trang trí vô cùng tinh tế. Nhìn thanh đồng xòe ô, múa quạt, tinh nghịch tươi cười nhún nhảy theo những nhịp điệu vui nhộn, cả khán phòng không ngớt tiếng vỗ tay hòa theo nhịp phách giòn. Điệu nhảy của thanh đồng trong giá cô bé thượng ngàn được tô điểm thêm bởi muôn hoa ngàn cỏ, chim muông làm phông nền ở phía sau. Khán giả sẽ càng phấn khích hơn khi được thanh đồng đến tận nơi phát lộc, vở diễn kết thúc mà người xem vẫn còn cảm giác choáng ngợp bởi bữa tiệc âm nhạc, bữa tiệc thị giác và những câu chuyện lịch sử đan xen đến độ mất cả cảm giác về thực và mơ, hiện tại và quá khứ, về một vở diễn trên sân khấu với một nghi lễ tín ngưỡng thực thụ.

Tuy ra đời trong tiềm thức dân gian từ rất lâu, nhưng tín ngưỡng Đạo Mẫu nói chung và Tứ Phủ nói riêng mang một ý nghĩa vô cùng thời sự, có giá trị to lớn với hiện tại và tương lai. Đó là sự tôn vinh các nối kết bền chặt, hài hòa với tự nhiên với đất, nước, rừng, sông suối, tôn vinh vai trò của người mẹ, người phụ nữ, như ông Phạm Sanh Châu – Tổng Thư ký Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam nhận định.

Hồng Nhung | Wanderlust Tips | Cinet