Hương vị hấp dẫn của bánh toong sọng Cao Bằng

Bánh toong sọng cũng là một món bánh truyền thống của người Tày Cao Bằng. Để làm bánh toong sọng đòi hỏi nhiều công đoạn tỉ mỉ và vô cùng khéo léo. Bánh thường được người Tày làm trong dịp Tết Đắp nọi (kết thúc tháng Giêng âm lịch) hàng năm để thờ cúng tổ tiên.

[rpi]

Để làm được bánh toong sọng, người làm phải chọn gạo, đường, lá ngải thật kỹ lưỡng. Đặc biệt, bánh được gói bằng lá toong sọng, lấy trên rừng. Tuy nhiên, loại lá này chỉ mọc ở một số nơi nên để tìm được lá phải tốn khá nhiều thời gian. Bánh toong sọng khá kén gạo, vì thế, không phải loại gạo nào cũng có thể sử dụng để làm bánh.

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips hương vị hấp dẫn của bánh toong sọng Cao Bằng

Để mùi bánh được thơm và nhân dẻo nhất định bạn phải chọn loại gạo nương không lẫn gạo tẻ. Đãi sạch gạo, ngâm nước rồi đem xay bột. Sau đó, người ta dùng túi vải để treo bột lên cho ráo nước.

Đến khâu chọn lá ngải làm bánh. Lá ngải mặt dưới màu trắng, còn tươi non, đem luộc qua nước vôi để giữ lại màu xanh. Ngoài nước vôi, nhiều người còn sử dụng nước tro bếp để luộc cho lá nhanh nhừ. Lưu ý, đặc tính của lá ngải sẽ rất đắng mặc dù đã được luộc qua. Vì thế, người Tày sẽ đem lá ngải sau khi luộc rửa sạch và cắt nhỏ, rồi lại tiếp tục cho vào chảo xao lên. Việc xao lá ngải phải rất chú ý, không để lửa quá to sẽ làm cho lá khô lại. Sau khi xao xong, cho lá ngải vào cối giã nát rồi đem trộn chung với bột. Cuối cùng, gói bột bằng lá toong sọng rồi đem hấp khoảng 1 tiếng rưỡi là chín.

Người Tày truyền tai nhau kinh nghiệm treo bánh lên sào, để ở nơi khô ráo, thoáng mát thì bánh sẽ để được nhiều ngày mà không bị thiu, mốc.

Bánh toong sọng là thứ bánh dễ ăn, mát và không ngấy, nếu ai từng ăn một lần sẽ không quên mùi vị của loại bánh dân dã này. Vị hăng, thơm mát của lá ngải dung hòa độ dẻo, ngọt của gạo nếp, của đường, và đặc biệt là mùi thơm đặc trưng của lá toong sọng khiến món bánh để lại nhiều dư vị khó quên trong lòng thực khách.

Wanderlust Tips | Cinet