wanderlust tips huyen phuong co gai day tam huyet voi mo hinh du lich tinh nguyen tai viet nam 0 1

Huyền Phương – cô gái đầy tâm huyết với mô hình du lịch tình nguyện tại Việt Nam

[Wanderlust Tips tháng 3/2018] 32 tuổi và đã in dấu chân khắp mọi miền đất nước, Huyền Phương có đủ mọi trải nghiệm để hiểu sự khó khăn của nhiều cộng đồng dân tộc địa phương trên cả nước. Thay vì quyên góp hay trao tặng quà từ thiện như thông thường, cô gái ấy đã lựa chọn dành toàn bộ thời gian để tham gia xây dựng mô hình du lịch tình nguyện khá mới mẻ tại Việt Nam. Qua đó phương muốn giúp đỡ người dân địa phương phát triển bền vững và lâu dài, chắp cánh cho những thế hệ trẻ tại đây vươn cao hơn và có cuộc sống tốt đẹp hơn.

[rpi]

wanderlust tips huyen phuong co gai day tam huyet voi mo hinh du lich tinh nguyen tai viet nam

wanderlust tips huyen phuong co gai day tam huyet voi mo hinh du lich tinh nguyen tai viet nam 3

Chào chị Phương, chị là người đã đi nhiều nơi và trải nghiệm nhiều nền văn hóa cũng như đời sống của người dân địa phương. Liệu có phải những chuyến đi đó đã ảnh hưởng tới công việc hiện tại?

Trước đây mình rất hay đi phượt và một trong những chuyến đi mình nhớ nhất là lần đi Du Già – Mậu Duệ ở Hà Giang. Đó cũng là lần đầu tiên mà mình vừa kết hợp đi chơi vừa kết hợp đi tặng quà từ thiện. Chặng đường Du Già – Mậu Duệ vô cùng khó đi, toàn đá hộc và có thể nói là một trong những cung phượt vất vả nhất mà mình từng vượt qua. Thậm chí trên đường còn gặp nổ mìn và đoàn mình phải dừng lại chờ 2 tiếng đồng hồ rồi mới có thể đi tiếp.

Trước khi đi, đoàn đã liên hệ trước với một trường học ở trên đó. Sau khi tới thì mình thật sự xúc động. Các cháu quần áo không có, chân trần trong thời tiết giá lạnh. Khi đoàn mình tới thăm bếp xem các cháu ăn uống thế nào thì thực sự còn bất ngờ hơn. Bữa cơm chủ yếu chỉ có cơm, rau và đậu. Thếnhưng, dù điều kiện là thếnhưng các cháu rất ngoan, sau khi ăn xong còn đứng xếp hàng mang bát để đúng nơi quy định. Đó là những hình ảnh mà mình không thể nào quên. Mình hiểu cuộc sống của người dân địa phương quá khó khăn, vì vậy mình có thêm động lực để làm sao giúp cuộc sống của họ phải đi lên.

Được biết V.E.O đang theo đuổi một mô hình du lịch tình nguyện khá mới mẻ ở Việt Nam. Vậy từ đâu mà chị bắt đầu thực hiện V.E.O?

Công việc trước đây của mình là kiểm toán ngân hàng và lúc đó mình thường quyên góp đồ từ mọi người và trong các chuyến đi sẽ mang theo để giúp đỡ người dân ở các vùng khó khăn. Khi đó mình cảm thấy rất vui vì không những được đi chơi mà còn làm được việc tốt. Tuy nhiên sau một thời gian trở lại thì mình thấy những vùng đó vẫn nghèo như vậy và mình thấy rằng việc mình làm từ thiện không tác động gì lâu dài tới cộng đồng cả.

Vì vậy mọi người mới bắt đầu cùng suy nghĩ với nhau xem có cách nào để mọi người vừa có thể đi du lịch khám phá vừa có thể giúp đỡ được cộng đồng. Mình cũng tham khảo một số mô hình du lịch ở nước ngoài và thấy du lịch có trách nhiệm hay cụ thể hơn là du lịch tình nguyện khá phù hợp. Nghĩa là trong một chuyến đi, các bạn dành một nửa thời gian để làm tình nguyện và nửa thời gian còn lại vẫn đi du lịch khám phá như bình thường.

Mình tham gia vào V.E.O từ tháng 1 năm 2016. Trước đó V.E.O đã chạy thử nghiệm rồi và thấy mô hình khá ổn. Vậy là sau đó kết hợp với làm marketing và phát triển hoàn thiện, đến tháng 5 năm 2016 thì Công ty cổ phần du lịch và đào tạo V.E.O chính thức được thành lập và đi vào hoạt động.

Mục tiêu hoạt động của V.E.O là gì?

wanderlust tips huyen phuong co gai day tam huyet voi mo hinh du lich tinh nguyen tai viet nam 2

V.E.O hoạt động dựa trên 2 mục tiêu chính. Thứ nhất hỗ trợ người dân thông qua các hoạt động tình nguyện: xây dựng cơ sở vật chất (điện, đường, trường, trạm…), cùng người dân thiết kế ra những sản phẩm du lịch cộng đồng, đào tạo cho người dân và đưa sản phẩm đó đến khách du lịch. Mỗi điểm dự án của V.E.O sẽ hỗ trợ người dân địa phương từ 1-2năm, đồng hành cùng họ và giúp họ tăng cường năng lực tự thân, phát triển kinh tế.

Thứ hai là giáo dục phi chính thống cho trẻ em địa phương. Hiện nay V.E.O đang thực hiện dự án “Tủ sách trong V.E.O” với khoảng 20-30 đầu sách phù hợp với từng lứa tuổi. Mỗi chuyến đi của V.E.O lại xoay quanh một quyển sách trong tủ sách, nghĩa là các bạn tình nguyện viên sẽ tổ chức các hoạt động theo chủ đề của cuốn sách ấy. Mục đích để nâng cao niềm yêu thích đọc sách của các em nhỏ và khuyến khích các em khám phá thế giới bên ngoài. Ví dụ như khi tổ chức một cuộc thi vẽ thì các em chỉ biết vẽ thầy cô giáo, người nông dân, bác sĩ, chú bộ đội… loanh quanh các nghề nghiệp cơ bản. Ngoài ra phi hành gia, ca sĩ, người mẫu… các em thường ít biết tới. Như vậy, các hoạt động giúp các em mở rộng thêm thế giới quan và từng bước khám phá thế giới bên ngoài rộng lớn hơn.

Nếu V.E.O chỉ chạy theo 1 mục tiêu về giáo dục thì không đủ, vì nếu mình chỉ nuôi cho các em ước mơ về thay đổi cuộc sống, thế giới ngoài kia đẹp lắm nhưng bố mẹ các em vẫn nghèo thì cuộc sống hiện tại vẫn giữ chân các em không thể đến trường mà phải đi chăn trâu hay lên nương bẻ ngô giúp bố mẹ… Vì vậy mặc dù hơi tham lam nhưng V.E.O vẫn chạy theo 2 mục tiêu song song và về câu chuyện lâu dài chúng tôi sẽ đầu tư cho thế hệ trẻ. Để trẻ con có thể đạt được ước mơ thì chúng ta cần giúp cả bố mẹ để cùng chắp cánh cho các em.

Những ngày đầu hoạt động V.E.O có gặp phải những khó khăn gì không?

Khó khăn thì rất nhiều vì mô hình này rất mới với khách hàng, thị trường và người thụ hưởng. Ví dụ như đây là sản phẩm liên quan đến tình nguyện nên rất thường xuyên các bạn đãhỏi trên fanpage hay hotline của V.E.O là: “Đi tình nguyện cũng phải đóng tiền à?”. Vì ở Việt Nam tình nguyện vẫn là miễn phí, ví dụ như Đoàn thanh niên tổ chức Mùa hè xanh hay các tổ chức lớn tài trợ chương trình thì các bạn chỉ cần đến góp công góp sức thôi còn gần như các bạn sẽ không cần chi trả gì cho hoạt động tình nguyện cả. Tuy nhiên trong chuyến đi của V.E.O thì các bạn sẽ là người chủ động, đăng ký chuyến và chi trả, vì đây là một sản phẩm lữ hành. Sản phẩm của V.E.O là một sản phẩm mới và mình phải thay đổi tư duy người dùng, hướng người ta thay đổi hành vi từ việc tôi không phải trả tiền tới lựa chọn một sản phẩm tôi phải trả tiền. Vì vậy điều khó nhất là hoạt động làm thị trường, làm marketing.

Cái khó thứ hai là các cộng đồng đang đặt dự án là những nơi 100% dân tộc thiểu số và thậm chí nhiều người tiếng Kinh của họ cũng không sõi. Họ có tiềm năng phát triển du lịch nhưng chưa được đạo tào, chưa biết làm thế nào để quảng bá và đưa ra dịch vụ. Họ rất mới và họ còn chưa tin đầu tư vào du lịch có thể làm ra tiền. Khi đó mình phải thuyết phục họ và quan trọng là không được phép thất hứa dù chỉ một lần thôi, vì như vậy những lần sau sẽ còn khó khăn hơn nữa.

Sau này, cũng vui mừng là khi đã có một số điểm dự án đầu tiên thực hiện thành công, được các phương tiện truyền thống chú ý tới, V.E.O được đưa tin trên báo, đài, ti vi thì mọi người cũng tin tưởng hơn. Thậm chí có những vùng người dân ở đó còn chủ động mời V.E.O về làm.

Được biết chị đã từng mang mô hình du lịch tình nguyện V.E.O tham gia chương trình Thương vụ bạc tỷ – Shark Tank Việt Nam. Trong chương trình chị đã thuyết phục thành công 3 Shark và kêu gọi được số vốn đầu tư là 2,7 tỷ đồng. Đó cũng là một điều khẳng định được tiềm năng của V.E.O. Vậy tới nay V.E.O đang và dự định sẽ phát triển như thế nào?

Hiện nay, 70% đối tượng khách của V.E.O trong độ tuổi từ 15-30 tuổi. Khách hàng nước ngoài chiếm khoảng 5-10%. Trước đây khách hàng nước ngoài của V.E.O thường là các bạn đang học tập và làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên tới hiện tại thì V.E.O đang mở rộng thị trường ra nước ngoài, đó là đón các bạn học sinh Singapore và Brunei (chủ yếu là đang học cấp 3) tới thăm Việt Nam và tham gia các workcamp – các chuyến thăm quan kết hợp làm tình nguyện trong khoảng từ 5-10 ngày. Ngoài việc có khả năng chi trả tốt hơn, các đoàn sang đây còn thường có quỹ từ thiện khoảng từ 30-40 triệu đồng để hỗ trợ cộng đồng xây dựng một công trình nào đó. Vì vậy nếu lôi kéo được nguồn khách này cũng rất tốt.

Các điểm đến thế mạnh của V.E.O hiện này là: Yên Bái, Hòa Bình, Lào Cai, Phú Thọ, Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng… Chuyến đi 2 ngày 1 đêm với điểm đến chỉ cách Hà Nội khoảng 150-180km thì giá là 800.000-900.000VND/người. Các chuyến dài ngày hơn với điểm đến cách Hà Nội trên 350km thì giá khoảng 1,6-1,8 triệu đồng/người. Mặc dù địa bàn của V.E.O hiện tại vẫn đang tập trung vào các tỉnh miền núi phía Bắc nhưng khách tham gia không chỉ ở miền Bắc mà mỗi chuyến đi đều có khoảng 10-15% khách là các bạn từ miền Trung và miền Nam bay ra để cùng tham gia. Vì vậy trong năm 2018 này V.E.O quyết định Nam tiến và sẽ có điểm dự án đầu tiên tại đây.

Cám ơn chị về những chia sẻ ý nghĩa, chúc chị và V.E.O luôn thành công trong những dự định sắp tới để có thể giúp đỡ nhiều hơn các cộng đồng địa phương.

Vân Ly |  Wanderlust Tips