wanderlust tips myanmar yeu nhung dieu gian di01

Myanmar: Yêu những điều giản dị

Mỗi khi nghĩ về Myanmar, trong tôi lại dâng lên một nỗi nhớ dịu êm, một nỗi nhớ thật khó để gọi tên. Xứ sở kỳ lạ ấy chinh phục người lữ khách như tôi bằng bao điều bình dị nhất để rồi lúc rời xa lại thấy thương nhớ không nguôi.

[rpi]

Ở VÙNG ĐẤT AI CŨNG MẶC VÁY

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Myanmar: Yêu những điều giản dị

Điều đầu tiên thu hút sự chú ý của tôi khi đến đất nước này chính là những bước chân líu ríu dưới vạt longyi dài. Ở Myanmar, longyi là quốc phục. Từ người già đến thanh niên, từ dân lao động đến giới công sở, ai ai cũng bận chiếc váy này. Nó đủ kín đáo để thể hiện sự tôn kính khi viếng thăm đền chùa nhưng cũng đủ rộng rãi và thông thoáng, giúp người mặc tránh cái nắng nóng gay gắt xứ Miến Điện. Longyi cho giới mày râu là một chiếc ống, màu sắc nhã nhặn với những đường kẻ. Phụ nữ thì quấn mảnh vải in hoa hay thêu vấn đơn giản, nhẹ nhàng. Các em học sinh mặc áo sơ mi trắng và longyi xanh lá cây. Trên suốt trăm dặm đường đi qua, tôi gặp vô số sắc màu longyi và cách vận dụng chiếc váy này. Longyi được quấn lên gọn ghẽ khi chơi thể thao, longyi được chị em vấn ngang ngực khi tắm, longyi vén cao lên đầu tránh nắng…

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Myanmar: Yêu những điều giản dị

Sự giản tiện ý nhị của chiếc váy cũng khơi gợi bao sự tò mò, thích thú. Đàn ông Miến thường lận thắt lưng chiếc ví hay điện thoại, rất tiện lợi. Có khi đến nửa chiếc ví trồi ra ngoài nhưng thật tài tình, chúng chẳng bao giờ rơi ra. Đi trên đường, bạn còn có thể bắt gặp cảnh các anh, các chú điềm nhiên… tháo tung longyi ra rồi buộc lại. Nghe nói việc tụt và buộc lại longyi là chuyện “thường ngày ở huyện” khi chúng xảy ra trên dưới ba mươi lần!!!

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Myanmar: Yêu những điều giản dị

Cứ vậy, tôi đem lòng yêu mến longyi từ những điều giản dị thường ngày như thế. Cảm giác khi quấn chiếc longyi, đi giữa người dân bản địa và ngân nga câu chào “Mingalabar”, thấy lòng hạnh phúc khó tả. Như thể tôi không phải là một người khách du lịch, nhìn nơi tôi đi qua với ánh mắt lạ lẫm nữa mà đã trở thành một phần của xã hội ấy, một phần giữa những con người ấy.

THANAKA CÒN VƯƠNG TRÊN MÁ

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Myanmar: Yêu những điều giản dị

Tôi đưa tay lên má mình, tưởng như vẫn thấy được mùi hương thơm dịu và cảm giác mát mịn của những vệt phấn thanaka. Nếu nhắc đến quốc phục ai cũng nhớ longyi thì thanaka là mỹ phẩm truyền thống nổi tiếng ở Myanmar. Đó là loại bột được làm từ cây gỗ cùng tên, có tác dụng chống nắng, dưỡng da và xua đuổi côn trùng. Thanaka được mài với một chút nước thành thứ bột sền sệt màu vàng. Người ta dùng ngón tay miết thứ nước ấy thành vệt trên má, cánh mũi, trán và cằm còn với những người điệu đà hơn, họ sẽ vẽ thành hình chiếc lá hay bông hoa.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Myanmar: Yêu những điều giản dị

Ban đầu tôi nhìn cũng không quen vì họ sao trông giống… thổ dân quá nhưng sau này lại thấy chính những vệt phấn vàng ấy càng làm nổi bật đôi mắt to đen hút hồn, sống mũi cao xương xương và gò má mặn mà của người Miến. Người Myanmar tự hào về thanaka lắm. Thanaka được bày bán khắp nơi với muôn hình vạn trạng, từ những khúc cây to xù xì đến những bánh bột và cả các hộp phấn tinh chế được thêm hương liệu. Tại Bagan còn có hẳn một bảo tàng, giới thiệu tường tận về lịch sử và vai trò của loại phấn này trong cuộc sống thường ngày. Người Myanmar cũng rất vui vẻ nếu bạn hỏi họ về thanaka, tận tình chỉ cho bạn chỗ mua phấn tốt, cách mài và quệt phấn sao cho đúng. Tôi mê lắm cái cảm giác những ngón tay dịu dàng thoa thứ nước mát mịn lên mặt mình hay thích thú khi ai đó chỉ vào má mình hỏi: “Thanaka?” và nhận được nụ cười thật tươi khi tôi gật đầu.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Myanmar: Yêu những điều giản dị

Người Myanmar luôn quan tâm, chăm sóc bạn dịu dàng như thế, khiến bạn quên quá khứ, quên cả tương lai để sống cho hiện tại, một hiện tại mà con người dành cho nhau những điều tốt đẹp nhất.

MYANMAR – NƠI LÒNG TỐT KHÔNG HỀ XA XỈ

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Myanmar: Yêu những điều giản dị

“Người Myanmar rất tốt bụng”, những anh chị đã từng du lịch đến đất nước này đều có nhận xét như vậy. Ngày chưa tới Myanmar, tôi vẫn còn hoài nghi về điều đó cho đến khi chính chúng tôi, những vị khách phương xa nhận được tấm chân tình hồn hậu của người dân nơi đây.

Người bán hàng trung thực trả lại số tiền mà chúng tôi đưa thừa, dù tôi biết số tiền ấy có thể bằng thu nhập cả một ngày bán hàng của anh. Một bác xe ôm tốt bụng tận tình chỉ đường cho chúng tôi đến trang trại Red Mountain (Núi Đỏ), rồi dường như không yên tâm, bác đã đưa đến tận nơi sau đó mới quay trở về.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Myanmar: Yêu những điều giản dị

Và tôi sẽ còn nhớ mãi bữa cơm ở tu viện Shwe Nan Daw Kuang, bữa cơm giàu lòng mến khách, ân cần của người dân bản xứ. Lúc chúng tôi chuẩn bị rời khỏi tu viện, chợt có một người đàn ông Miến tiến lại gần. Bằng cử chỉ do không biết tiếng Anh, anh mời chúng tôi ở lại dùng cơm trưa. Mặt trời lúc này cũng đã cao quá đỉnh đầu nên chúng tôi vui vẻ nhận lời. Bữa trưa khá đạm bạc chỉ có ít thịt kho, khoai tây và cơm trắng nhưng là bữa ăn đáng nhớ nhất của những vị khách phương xa trên đất Miến. Người đàn ông tất bật sửa soạn mâm cơm, luôn tay tiếp thêm cơm, thêm thức ăn cho khách. Sư thầy trụ trì cũng ngồi cạnh với ánh mắt trìu mến, quan sát xem chúng tôi ăn có ngon miệng hay không. Mọi người xung quanh thì bày cách ngồi sao cho thoải mái với chiếc longyi thậm thượt. Tuy không nói cùng một ngôn ngữ nhưng sự ấm áp từ trái tim đã đưa tất cả mọi người xa lạ lại gần nhau hơn.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Myanmar: Yêu những điều giản dị

Anh bạn đi cùng nói: “Người Myanmar nghèo nhưng hạnh phúc”. Tôi giật mình, ừ nhỉ! Trước đây tôi vẫn luôn tự nhủ rằng mình có cơm để ăn, có áo để mặc, có một công việc để làm, thỉnh thoảng mua vài món đồ mình thích, như vậy đã gọi là hạnh phúc. Có nghĩa, hạnh phúc với tôi luôn được định nghĩa bằng những giá trị vật chất. Nhưng những người dân Myanmar lam lũ đã dạy tôi rằng, hạnh phúc hoàn toàn độc lập với sự giàu có hay nghèo khổ. Chẳng cần phải giàu sang bạn mới có thể trao đi nụ cười, sự thấu hiểu và lòng bao dung. Chẳng cần phải giàu có, bạn mới có thể giúp đỡ những người lỡ độ dọc đường. Chẳng cần phải giàu có, bạn mới có thể mở lòng mình với thế giới và những người xa lạ.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Yêu những điều giản dị

Tôi nhớ đã từng đọc một cuốn sách nói rằng hãy đến Myanmar trước khi quá muộn. Tôi và những ai yêu mến đất nước này có lẽ đều hiểu được nỗi lo sợ ấy. Sau một thời gian dài biệt lập, Myanmar đã mở cửa trở lại với thế giới, kéo theo làn sóng Âu Tây cuồn cuộn đổ vào. Chỉ mong sao bao sắc màu của vạt longyi thậm thượt sẽ không bị thay bằng những chiếc quần jean, những đôi má ánh vàng thanaka sẽ không phủ thứ mỹ phẩm công nghiệp hiện đại và tấm lòng hồn hậu sẽ không len lỏi những bon chen toan tính tầm thường. Chỉ mong sao Myanmar vẫn cứ giản dị và hiền hòa, như những gì tôi yêu mến!

W.TIPS TẠI MYANMAR

VISA

Do cùng nằm trong khối ASEAN nên Myanmar miễn visa cho du khách Việt Nam với thời hạn lưu trú 30 ngày.

KHÍ HẬU

Thời gian lý tưởng để du lịch Myanmar là từ tháng 10 – tháng 2 năm sau. Lúc này, thời tiết ôn hòa, khô ráo, ít mưa. Từ tháng 7 – tháng 9 là mùa mưa, thậm chí mưa trút cả ngày.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Yêu những điều giản dị

DI CHUYỂN

>> Từ Việt Nam có đường bay thẳng đến Myanmar của các hãng Vietnam Airlines và Vietjet Air. Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn bay nối chuyến với Air Asia (nối chuyến tại Kuala Lumpur, Bangkok), Thai Airways (nối chuyến tại Bangkok)…

>> Để di chuyển trong nội địa Myanmar, phương án tiết kiệm nhất là đi xe bus với hai hãng chất lượng cao là Elite Express và JJ Express. Nếu ngân sách rủng rỉnh, bạn có thể chọn các hãng hàng không nội địa như Air Bagan, Air KBZ, Myanmar Airways, Air Mandalay.

TIỀN TỆ

Đơn vị tiền tệ ở Myanmar là Kyat. 1 USD ~ 1.000 Kyat. Bạn nên mang nhiều tiền mặt vì thẻ tín dụng ít được chấp nhận, ngay cả ở các nhà hàng và khách sạn cao cấp. Lưu ý giữ tiền sạch sẽ, không để vết gấp, bẩn, rách, nếu không sẽ khó tiêu.

LƯU TRÚ

Do cơ sở hạ tầng chưa phát triển nên giá phòng khá cao dù chất lượng phục vụ không tốt bằng. Ở Bagan, khách du lịch thường chọn lưu trú tại khu Nyaung U. Tại Mandalay hãy lựa chọn gần cung điện Mandalay. Ở Inle là thị trấn Nyaung Shwe ở phía Bắc hồ. Còn tại Yangon, khu Chinatown là lựa chọn không tồi.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Yêu những điều giản dị

THAM QUAN

>> Bagan: Từng là kinh đô của đế chế Pagan từ thế kỷ IX – XIII, Bagan tập trung hơn 3.000 ngôi đền tháp trên diện tích rộng 41km2. Bình minh và hoàng hôn là khoảnh khắc tuyệt đẹp ở nơi đây.

>> Mandalay: Thành phố lớn thứ hai ở Myanmar sau Yangon. Đây là kinh đô của hoàng triều cuối cùng với những ngôi chùa và tu viện Phật giáo rộng lớn, điêu khắc tỉ mỉ.

>> Hồ Inle: Nằm ở độ cao gần 900m so với mực nước biển cùng diện tích 116km2, Inle là hồ nước ngọt lớn thứ hai ở Myanmar. Ngoài khung cảnh tuyệt đẹp, bạn còn có cơ hội ghé thăm những ngôi làng nổi trên hồ, nơi lưu giữ các ngành nghề truyền thống như chạm bạc, dệt tơ sen, cuốn thuốc lá…

>> Yangon: Đã từng là thủ đô của Myanmar cho đến khi Chính phủ chuyển thủ đô về Nay Pyi Taw. Bạn không nên bỏ qua chùa Swhedagon, chùa Sule, chợ Bogyoke Aung San…

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Yêu những điều giản dị

PHONG TỤC TẬP QUÁN

>> Bạn phải ăn mặc kín đáo và cởi bỏ giày dép khi viếng thăm các công trình tôn giáo ở Myanmar.

>> Trong giao tiếp với người Myanmar, nên sử dụng tay phải. Ăn uống hoặc đưa bất kỳ đồ vật nào cho người khác bằng tay trái là hành động khiếm nhã do tay trái được coi là dùng để vệ sinh cá nhân.

Wanderlust Tips | Minh Phạm

One Reply to “Myanmar: Yêu những điều giản dị”