Nhạc của Đình

“Đình làng là cái nôi văn hóa, nơi lưu giữ ký ức tâm linh và lịch sử của những cộng đồng người Việt, nơi những nét đẹp tinh thần của truyền thống Việt vẫn đang được tiếp nối.”

[rpi]

Khán phòng nhỏ của Le’Space tối nhưng chật kín với rất nhiều khán giả nước ngoài. Sân khấu đơn sơ, không hoa mỹ, chẳng lấp lánh. Những người nghệ sỹ bước ra bình thản, không vồ vập, trong những bộ trang phục tối màu, lặng yên chờ phần diễn.

Và khi những âm thanh cất lên, ngay lập tức nó chạm tới linh hồn của lễ hội Việt, mang dáng dấp những chiếu chèo, những điệu hát ví, hát dặm trên khoảnh sân đình nho nhỏ, thân thương mà rộn rã, náo nức vô cùng. Cả khán phòng như lặng đi bởi những ký ức tuổi thơ về đình làng, về hội hè lại ùa về qua những nhịp trống hội rộn ràng, những lời ca, nhịp phách điêu luyện.

wanderlust-tips-nhac-cua-dinh102

Mỗi năm vào dịp đầu xuân khi nông nhàn, khi hoa xuân còn khoe sắc, nơi cửa Đình mỗi thôn làng lại đông vui, tấp nập. Người người tụ lại để thưởng thức lễ hội truyền thống mà chẳng khi nào thiếu những màn diễn xướng linh đình. Bởi thế, đình làng cũng chính là nơi nuôi dưỡng các loại hình văn hóa dân gian mà phần nhiều đã bị chìm lấp giữa hàng ngàn hàng vạn các phương tiện giải trí cuả đời sống hiện đại.

Muôn màu cuộc sống trên sân khấu

Cái hay và tinh tế của nghệ thuật dân gian, đó chính là trên mỗi sân khấu ấy, người ta đều thấy được muôn màu, muôn vẻ của cuộc sống. Có lẽ sẽ không thể tưởng tượng được rằng, chỉ trong một manh chiếu hẹp bình dị đến sơ sài trước mỗi sân đình, nào là cô Màu lẳng lơ, nào là anh Nô tình ý. Cũng chỉ với trống phách ấy, lúc sân khấu hóa thành ngày hội xuân rộn rã, lúc thì lại biến thành chỗ cho thầy phù thủy sợ ma lố bịch giễu nhại, gây cười, khi thì lại là cả một không gian rộng lớn nơi nàng Hồ Nguyệt Cô đang vật vã trong tấn bi kịch của đời mình, lúc thì sân khấu như một chợ chiều hiu hắt nơi anh xẩm ngồi giãi bày cái thăng trầm của phận người bằng chất giọng rủ rỉ mà vẫn đầy chất hào sảng của người nghệ sỹ. Và cũng có một nhân vật mà sân khấu dân gian nào cũng hay có song không ai rõ mặt, đó là nhân vật “quần chúng” những người chỉ ngồi sau để đối đáp, để tung hứng cho màn diễn thêm duyên. Đôi khi thì người nghệ sỹ chẳng cần phải hóa thân gì cả, chỉ là một màn hát xướng với những lối luyến láy, rung giọng, nhả chữ, nảy giọng, đóng tiếng, lời hát quyện trong điệu nhạc khiến cảm xúc của người nghe cứ nhảy nhót cùng thanh âm.

wanderlust-tips-nhac-cua-dinh203

“Nhạc của Đình” trên sân khấu Le’Space chính là những lát cắt của mỗi một loại hình sân khấu dân gian nhưng là những trích đoạn hay, đắt, những giây phút xuất thần của nghệ sỹ. Ở đó có cá tính, có thân phận, có bi kịch, có tâm trạng, có cao trào mà toàn bộ hầu như chỉ biểu đạt bằng những phương tiện thô sơ nhất.

Nuôi dưỡng trí tưởng tượng

Mang được cả cuộc đời thế sự lên một sân khấu đơn sơ nhất là bởi, nghệ thuật dân gian có một thứ ngôn ngữ vô cùng mạnh mẽ và kỳ diệu. Đó là ngôn ngữ của hình tương, và ước lệ.

Để truyền đạt được bằng thứ ngôn ngữ này, người nghệ sỹ phải đạt được đến một trình độ cao trong diễn xuất. Không có hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, không kỹ xảo. Đơn giản là bằng động tác của tay, chân, biểu hiện của gương mặt, giọng hát, và hỗ trợ của một vài nhạc cụ dân tộc.

wanderlust-tips-nhac-cua-dinh607

Để nghiền ngẫm về tính ước lệ của sân khấu dân gian, thì phải xem các tích chèo hay tuồng cổ. Đặc biệt gây ấn tượng mạnh mẽ nhất là trích đoạn tuồng cổ “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”. Rung roi phi ngựa, đuổi theo kẻ phụ tình để đòi trả ngọc, thảng thốt soi bóng nơi bờ suối rồi gào thét trong đau đớn khi cơ thể biến hình đổi dạng, quằn quại trong tuyệt vọng khi không còn được nói lên tiếng loài người phải trở về kiếp cầm thú, NSND Minh Gái đã khiến cả khán phòng thổn thức, nghẹn ngào. Cũng trong tích tuồng huyền thoại này, cái đẹp của trang phục lụa được tỏa sáng trên sân khấu. Lúc nàng Nguyệt Cô thướt tha, lúc nàng xông pha trên yên ngựa, lúc lại vật lộn trong cơn biến đổi từ người thành cáo. Bộ trang phục có thể bay bổng, nhưng cũng thoải mái cho những pha nhào lộn. Sau màn diễn, những tràng pháo tay không ngớt ấy như muốn nói rằng thứ ngôn ngữ ước lệ, hình tượng trong sân khấu dân gian vẫn còn nguyên giá trị biểu đạt của nó. Và bằng thứ ngôn ngữ ấy, người ta mường tượng ra hành động, hình dung ra tính cách, cảm nhận được tâm trạng của nhân vật. Để màn diễn kết thúc bằng những giọt nước mắt của cả nghệ sỹ và khán giả.

Nhạc khí – linh hồn của nghệ thuật chốn cửa Đình

Âm thanh – trước hết là để lôi kéo sự chú ý, để kêu gọi mọi người tụ hội. Song qua nhiều năm tháng, âm nhạc ấy đã trở thành một thứ nghệ thuật vô cùng tinh tế. Chẳng thế mà nghệ sỹ Xuân Hoạch đã phải mất cả đời để tìm lại tiếng tơ cho cây đàn dân tộc. Khi mà từ năm 1940, dây tơ đã hoàn toàn biến mất trước sự “bành trướng” của dây ni lông, dây sắt cùng xu thế điện tử hóa các nhạc cụ cổ truyền. Ngay làng lụa Vạn Phúc, nơi từng cung cấp dây tơ cho khắp các giáo phường ca trù Hà Nội, cũng không còn ai làm nghề. Được sự trợ giúp của đạo diễn Nhất Lý – người nổi tiếng đưa vở Làng Tôi lên sân khấu Việt – Xuân Hoạch đã bắt đầu công cuộc “xe tơ thành dây đàn” vô cùng công phu, gian khổ. Đổi lại đến 2010, giới nghệ sỹ mới được biết thế nào là “tiếng tơ” như người ta thường gọi.

wanderlust-tips-nhac-cua-dinh01

Đối với Xuân Hoạch, nói về hình thức, nhạc cụ cổ truyền quý nhất, độc đáo nhất là ở sự mộc mạc. Cũng có nghĩa, mọi yếu tố tạo nên cây đàn phải thuần Việt. Chính vì thế, ông chỉ sử dụng các nguyên liệu dân giã để chế tác đàn như: tre, trúc, gỗ, vỏ dừa, vỏ quả bầu phơi khô.

Ấn tượng nhất phải kể tới màn Xẩm chợ của anh Xẩm “Xuân hoạch”. Không phải nốt cao réo rắt của nhị, véo von của đàn bầu, hay có chút gì đó trầm, đanh, nỉ non của đàn đáy. Đó là đàn hồ bầu tròn. Tiếng đàn rủ rỉ, dìu dặt, nhưng vẫn thanh toát, mộc mạc của hồ bầu tròn sao mà hợp đến thế với cái tính cách “Anh xẩm” – người nghệ sỹ bị miếng cơm manh áo giằng níu nhưng vẫn ngông, vẫn lạc quan: “Trời xô đất đẩy nên anh mới vào cái chốn nhân gian”, “Công danh không có xẩm soan cho nó hào”.

wanderlust-tips-nhac-cua-dinh708

Ai đó từng nói, nghệ thuật dân gian không phải là một ao tù, mà đó là một dòng chảy. Những số phận, câu chuyện, cá tính trong nghệ thuật dân gian, với phương thức biểu hiện của nó vẫn lay động trái tim của những công dân thị thành hiện đại. Có lúc âm thầm, dòng chảy ấy vẫn luôn bền bỉ nuôi dưỡng tâm hồn người Việt theo cách riêng của nó.

Hồng Nhung | Wanderlust Tips | Cinet