Share the love: Theo những vòng xe lăn bánh

[Wanderlust Tips 11/2019] Một trong những cách trải nghiệm trọn vẹn nhất một vùng đất là tự lái xe khám phá. Đó có thể là chiếc xe đạp linh hoạt, xe máy cơ động hay ô tô vững chãi. Mỗi một phương tiện lại mang đến trải nghiệm sau tay lái thú vị khác nhau. Cùng lắng nghe chia sẻ của các nhân vật trong chuyên mục Share the love đã có kinh nghiệm dày dặn trên các hành trình tự lái xe để hiểu thêm về niềm vui và cả khó khăn mà họ trải qua trên các cung đường. Dù là đi một mình, đi cùng bạn bè, người yêu hay gia đình, dù là đi bằng phương tiện gì thì tựu chung lại, những điều còn lại sau các chuyến đi đều tuyệt vời và thật sự vô giá.

[rpi]

wanderlust tips share the love theo nhung vong xe lan banh2

NGUYỄN THỊ KIM NGÂN: “VỚI NGÂN, ĐẠP XE LÀ HÀNH TRÌNH CỦA CÁI ĐẦU CHỨ KHÔNG PHẢI CỦA ĐÔI CHÂN”

Là một người yêu những hành trình theo vòng quay xe đạp, tới nay chị đã lăn bánh tới những đâu?

Là nhân vật đầu tiên của chuyên mục Share the love kỳ này, Ngân đã đồng hành cùng chiếc xe đạp trong gần 5 năm, đi qua 19 quốc gia và xuyên Việt Nam. Có hai hành trình đáng nhớ nhất với mình. Hành trình đầu tiên Ngân thực hiện là xuất phát từ An Giang (Việt Nam) tới London (Anh) với thời gian hơn 10 tháng vào năm 2015. Hành trình thứ hai là 154 ngày qua 7 quốc gia Đông Nam Á vào năm 2017. Trên những chặng đường rong ruổi đó có vô số kỷ niệm khó quên.

Vùng đất Tân Cương là nơi Ngân chỉ biết những thông tin ít ỏi qua báo chí về người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, thi thoảng đọc tin thấy họ là thành phần khủng bố ở Trung Quốc đại lục, do đó Ngân rất cẩn thận khi đạp xe qua nơi này. Tuy nhiên, trải nghiệm ở Tân Cương lại khiến Ngân thực sự ngạc nhiên khi mà xứ sở này cực kỳ an toàn cho du khách, người bản địa tốt bụng và thân thiện. Ngoài ra, Ngân còn khó mà quên được những quãng đường hoang vu nóng bức đôi khi cả ngày mới có vài chiếc xe tải chạy ngang qua.

Turkmenistan với vỏn vẹn 5 ngày quá cảnh mà phải vượt sa mạc Cát Đen trong cái nắng oi bức hơn 45̊C. Tụi mình phải thức dậy thật sớm lên đường từ tờ mờ sáng, đôi khi phải dùng đèn pin để soi đường đi. Quãng 12h trưa tìm nơi tránh nắng cho đến hơn 3h chiều mới có thể đạp tiếp tới 8h tối vì 10h đêm trời mới tắt nắng, nên đạp khá vất vả. Lúc ấy nước khan hiếm nên phải tiết kiệm tối đa và thời tiết quá nóng bức khiến cơ thể nổi mẩn đỏ khó chịu. Mình có tới ba ngày không được tắm khi đạp qua đất nước này.

Ngân cũng nhớ những ngày đạp qua Myanmar đã quyết định bay khinh khí cầu ở cố đô Bagan, ngắm hoàng hôn buông ở nhà nghỉ Lei Thar Gone nằm trên đồi ở vùng Yenangyaung. Hay có lần đi theo bản đồ nhưng hóa ra bản đồ sai, do đó tụi mình vất vả cả buổi sáng dắt xe lên đỉnh đồi rồi xuyên vào thẳng phía sau lưng doanh trại quân đội mới ra được đường lớn trong sự sửng sốt của những người lính.

wanderlust tips share the love theo nhung vong xe lan banh Nguyen Thi Kim Ngan 1

Lựa chọn xe đạp mà không phải bất kỳ phương tiện nào khác để lên đường, chị đã có những thuận lợi và khó khăn gì?

Đạp xe là hoạt động thể chất tốt cho cơ thể. Đạp xe khám phá mang đến trải nghiệm chậm rãi để cảm nhận nơi mình tới kỹ càng hơn, đôi khi mình còn tình cờ khám phá những địa điểm lạ không được khách du lịch biết tới, và còn dễ dàng làm quen với người bản địa. Còn khó khăn là khi thời tiết khắc nghiệt và di chuyển trên những địa hình đồi núi dốc thì việc đạp xe khá vất vả, mỗi lần như vậy đòi hỏi tinh thần cao nếu bạn không phải là người đam mê xe đạp.

Hành trình đạp xe cần đến cả thể lực và ý chí, chị chuẩn bị và rèn luyện những điều đó như thế nào?

Ngân không luyện tập mà cứ thế lên đường. Trong quá trình di chuyển, cơ thể tự thích ứng với sự thay đổi của khí hậu, ẩm thực. Dù xe đạp là phương tiện khám phá thế giới nhưng Ngân có thể chia sẻ đó là hành trình của cái đầu chứ không phải đôi chân.

Những ngày đầu tiên thực hiện chuyến đi, mình bị ốm khi đạp từ An Giang tới Hà Tĩnh do cơ thể chưa thích nghi được với việc đang ngồi làm việc ở phòng máy lạnh mà lại đạp xe cả ngày trên đường, khí hậu thay đổi với cái nóng ở miền Nam và mưa phùn ở miền Trung. Cơ thể mệt mỏi, đầu óc quay cuồng. Mình dừng lại ở Hà Tĩnh vài ngày chờ cơ thể khỏe hơn để đạp về Hà Nội.

Lần nguy hiểm nhất trong tất cả những chặng đường mình đạp xe là bị đứt thắng khi xuống núi ở Kyrgyzstan khiến mình suýt bỏ mạng. Sau khi thoát được nguy hiểm thì sau này mình luôn cẩn thận kiểm tra thắng thật kỹ mỗi khi chuẩn bị lên và xuống núi.

wanderlust tips share the love theo nhung vong xe lan banh Nguyen Thi Kim Ngan

Sau tất cả thì chị vẫn luôn muốn tiếp tục chinh phục những cung đường mới?

Sau khi trở về, ngẫm lại những hành trình đã đi qua như một giấc mơ thật đẹp và mình hạnh phúc với điều đó. Mình mong muốn có thể tiếp tục đạp xe qua các châu lục còn lại để hoàn thành ước mơ đi vòng quanh thế giới.

LÊ TRIỀU DƯƠNG (DU GIÀ): “HƠN CẢ DỊCH CHUYỂN, PHƯỢT CÒN LÀ CHINH PHỤC”

Nhân vật tiếp theo của chuyên mục Share the love kỳ này đã có ngót nghét 40 năm kinh nghiệm phượt khắp Việt Nam và có những chuyến vượt ra cả biên giới, Du Già là cái tên được nhiều người kính trọng và yêu mến, gắn liền với việc khai phá đầu tiên của rất nhiều cung phượt nguy hiểm như: hẻm Tu Sản ở Hà Giang – hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á, A Pa Chải – cực Tây trên đất liền của miền Bắc Việt Nam, mốc 17(1) thượng nguồn sông Đà “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”… Anh có thể chia sẻ vài kỷ niệm đáng nhớ nhất trên các hành trình?

Có lẽ hành trình tôi nhớ nhiều nhất là A Pa Chải. Đoàn chúng tôi gồm 9 người vượt quãng đường từ Hà Nội tới A Pa Chải (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) hơn 800km, thì trong đó chúng tôi đi xe máy 700km và còn lại phải hoàn toàn đi bộ. Khi đó, trên bản đồ thậm chí còn chưa có địa danh này, thông tin về vùng A Pa Chải gần như trống rỗng vì vậy đoàn phải hoàn toàn tự mò mẫm tìm đường trong điều kiện đường rừng khó khăn. Đó thực sự là một hành trình khám phá đúng nghĩa, vượt ngưỡng hoàn toàn với khái niệm du lịch thông thường. Sau 9 ngày 9 đêm chinh phục được cực Tây, chúng tôi trở về và chia sẻ thông tin trên mạng để từ đó nhiều người biết đến nơi này hơn.

wanderlust tips share the love theo nhung vong xe lan banh Du Gia

Vậy còn những lần một mình một xe phượt khắp các nước Đông Dương?

Chuyến đi vào khoảng đầu năm 2006, tôi đi Phong Sa Lỳ – tỉnh cực Bắc của Lào giáp với Điện Biên. Chuyến đó xe mượn ở Điện Biên nên không được tốt lắm, giữa đường xe hỏng mà tại Phong Sa Lỳ khi đó phải cách 30-40km mới có một bản, còn tuyệt nhiên giữa đường không có một ai. Tôi phải dắt bộ rồi bỏ xe dọc đường tiếp tục đi bộ vào bản 7-8km để tìm người giúp. Xe thì không sợ mất nhưng vùng Bắc Lào khoảng thời gian này vẫn còn nạn thổ phỉ nên hành trình khá nhiều nguy hiểm.

Có lẽ với anh, phượt không chỉ đơn thuần là ngoạn cảnh mà nó còn là thử thách, là chinh phục?

Đúng vậy, ngoài thú chạy xe trên đường thì tôi còn thích những trò mạo hiểm, thích khám phá những nơi đặc biệt ít người đặt chân đến. Tôi thích tới thượng nguồn những dòng sông Việt Nam, chinh phục các cột mốc biên giới hay băng qua những tuyến đường vành đai biên giới. Tôi cũng thích tới vùng sâu vùng xa để mình tìm hiểu văn hóa bản địa và chia sẻ với đồng bào đặc biệt khó khăn ở nơi đó, giúp các cháu có thêm quần áo ấm hay xây trường để các cháu có điều kiện học tập tốt hơn. Tôi không thích sa vào thiện nguyện như một phong trào mà chỉ đơn giản làm vì cái tâm.

Với từng ấy thời gian dịch chuyển, chắc hẳn anh đã phải nhiều lần đối mặt với các rủi ro tai nạn?

Những tai nạn có thể do khách quan hoặc chủ quan nhưng đều không thể lường trước được. Năm 2012, tôi chạy xe từ Hà Nội tới Lào để dự Tết té nước, khi chỉ còn cách Luang Prabang 40-50km thì tôi bị ngã xe do một con chim lao thẳng vào mắt. Hay cách đây 2 tháng, do chủ quan mà tôi bị ngã gãy xương sườn khi chạy xe ở sa mạc Gobi bên Mông Cổ. Vì vậy, dù là người mới hay đã có kinh nghiệm dày dặn thì tôi vẫn khuyên các tay lái không bao giờ được chủ quan, phải chuẩn bị kỹ lưỡng để giảm thiểu các rủi ro. Xe máy là phương tiện rất cơ động trong những chuyến đi xa song nó đòi hỏi người lái phải có sức khỏe, kỹ năng và khả năng ứng biến trên đường. Và dù có lỡ gặp tai nạn thì vẫn phải bình tĩnh xử lý, sau đó rút ra bài học kinh nghiệm cho những hành trình sau.

Anh có lời khuyên nào cho những bạn trẻ có cùng niềm đam mê phượt bằng xe máy?

Tôi thấy rằng hiện nay nhiều bạn trẻ đang làm mất đi ý nghĩa của từ “phượt”. Đừng đi theo phong trào hay check-in sống ảo mà các bạn hãy cảm nhận về vùng đất đi qua một cách sâu sắc qua việc tìm hiểu văn hóa bản địa hay trò chuyện với người dân địa phương. Sau đó, khi kết thúc hành trình, hãy dành thời gian chia sẻ với những người khác về đường đi, văn hóa, ẩm thực, cách ứng xử tại những nơi mình đã đi qua để những người đến sau có ý thức hơn. Hãy du lịch có trách nhiệm với cảnh đẹp đất nước và có trách nhiệm với an toàn của chính bản thân mình.

VŨ MINH TRÀ, TRẦN HẢI YẾN, HAI BÉ HOPE VÀ HIP: “CẢ GIA ĐÌNH TÔI ĐỀU YÊU NHỮNG HÀNH TRÌNH ROADTRIP”

Hành trình lái xe qua 9 nước châu Âu trong 21 ngày vào năm ngoái và roadtrip bờ Tây nước Mỹ trong 34 ngày vào đầu năm nay của gia đình anh chị đã truyền cảm hứng cho rất nhiều gia đình yêu du lịch. Là một người nhận trách nhiệm cao nhất ở vị trí cầm lái, anh có thể chia sẻ vài suy nghĩ và cảm xúc của mình?

Cách đây khoảng 10 năm, tôi đã từng du lịch châu Âu một mình, lúc đó tôi chủ yếu thiên về các trải nghiệm cá nhân. Còn vào tháng 5 năm ngoái, khi đi cùng vợ và hai con, tôi muốn ưu tiên cho các bé có thể cảm nhận và học hỏi được nhiều điều hơn. Vì vậy, chúng tôi thường tới những nơi không quá đông đúc, những vùng quê gần gũi với thiên nhiên, ghé thăm các ngôi làng nhỏ hay vui chơi ở công viên Disneyland là nơi mà trẻ nhỏ rất yêu thích.

Trở về từ chuyến châu Âu, chúng tôi có nhiều cảm xúc tuyệt vời và nhận thấy roadtrip vô cùng thú vị, vậy nên chúng tôi đã lên kế hoạch cho chuyến đi Mỹ ngay sau đó và đặt mục tiêu 1 năm sau sẽ đi. Và tháng 3 năm nay, gia đình tôi đã biến mục tiêu đó thành hiện thực. Chúng tôi lựa chọn miền Tây nước Mỹ với các cung đường đi qua các công viên quốc gia nổi tiếng.

Được đi cùng con, trải nghiệm cùng con khắp thế giới là mục tiêu của gia đình tôi. Cuộc sống hiện tại đang trôi quá nhanh, chúng ta cần những khoảng thời gian hâm nóng lại tình cảm gia đình để hiểu nhau nhiều hơn. Và không gì bằng việc cả gia đình tách biệt khỏi công việc hiện tại, dành một một khoảng thời gian đủ dài bên nhau để cùng nhau trải nghiệm và khám phá thế giới.

wanderlust tips share the love theo nhung vong xe lan banh Vu Minh Tra

Anh có thể kể một vài kỷ niệm đáng nhớ của cả gia đình trên các chặng đường dịch chuyển?

Những ngày ở châu Âu, tôi vẫn còn nhớ thời gian ở Pháp khi đi từ Annecy xuống Antibes, cung đường qua hẻm núi Verdon được mệnh danh là đẹp nhất châu Âu với con sông Verdon nước xanh như ngọc. Đây cũng là cung đường khó khăn với những khúc cua ngoằn nghoèo. Rất may là Hope và Hip đã rất ngoan, không bị say để thỏa mãn ước mong của bố mẹ. Hay kỷ niệm cả gia đình tới vườn hoa trứ danh danh Keukenhof ở Hà Lan nhưng lại đúng vào ngày cuối cùng của mùa tulip nên hoa đã được thu hoạch hết. Thế nhưng, thật may mắn bởi đi ô tô mà cả nhà đã tìm được một cánh đồng hoa cuối cùng gần Keukenhof chưa kịp thu hoạch và đã có những khoảnh khắc tuyệt vời tại đây.

Còn bờ Tây nước Mỹ thì hiện lên với thiên nhiên hùng vĩ. Hai vợ chồng ấn tượng nhất với hẻm núi Linh Dương – Antelope Canyon với vẻ đẹp siêu thực, kỳ thú .Trong khi hai đứa trẻ thì thích nhất bảo tàng khủng long ở San Francisco và nghịch tuyết ở Crater Lake. Trong chuyến roadtrip này, mỗi ngày nhà mình lái xe tầm 200km. Đoạn đường khó đi nhất là quãng đường ra khỏi Dead Valley, con đường phải đi qua mấy đỉnh núi rồi mới thấy được hình bóng của vài ngôi nhà. Lần đó xe chạy trong buổi chiều tà nên mặc dù là quãng đường dài khó đi nhất nhưng cũng vô cùng đáng nhớ vì được ngắm hoàng hôn buông xuống núi tuyệt đẹp.

Khi mà hành trình có thêm trẻ nhỏ, anh chị đã chuẩn bị những gì để chuyến đi được thuận lợi nhất?

Với mỗi chuyến đi, cả nhà thường chuẩn bị trước từ nhiều tháng, lên kế hoạch đi lại, ăn ngủ ở đâu kỹ càng. Bên cạnh kinh nghiệm lái xe dày dặn, tôi luôn cố gắng học hỏi để có thể tự làm nhiều việc như đổ xăng, bơm xe, thay lốp… Việc chọn xe di chuyển cũng “tối quan trọng”, gia đình tôi lựa chọn những xe mới và mua bảo hiểm xe cho cả chuyến đi để phòng tránh trước các sự cố có thể xảy đến và luôn đặt an toàn lên hàng đầu.

Riêng đối với các bé, bên cạnh việc tập quen cho các con ngồi carseat từ khi ở Việt Nam và chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết như: quần áo, đồ chơi, bỉm, sữa, đồ ăn trong túi giữ nhiệt… thì hai vợ chồng cũng thông báo cho các con về chuyến đi từ sớm và rèn luyện đi bộ nhiều để khi tham gia hành trình các con có đủ sức khỏe để khám phá.

Thân chúc tất cả các nhân vật của Share the love luôn mạnh khoẻ và có nhiều sức khoẻ để chinh phục nhiều hành trình thú vị tiếp theo.

Vân Ly | Wanderlust Tips