Vì sao người Bhutan hạnh phúc nhất thế giới?

(#wanderlusttips) Đã có nhiều nghiên cứu về chỉ số hạnh phúc của người dân Bhutan đứng đầu thế giới. Điều làm nên sự khác biệt chính là họ chọn niềm hạnh phúc giản dị, đứng ngoài thế giới “văn minh”.

[rpi]

wanderlusttips-hanh-phuc-gian-di-cua-ngoi-dan-bhutan-3
Nụ cười của nhà sư trẻ.

Bhutan hạnh phúc vì người dân được sống trong một thế giới an ninh, nơi niềm tin ngự trị.

Đặt chân đến thành phố Paro nằm ở độ cao 2.280m, tôi như lạc vào một câu chuyện cổ tích. Đền chùa, nhà cổ nằm san sát nhau. Những thầy tu khoác áo cà sa đỏ ngồi chụm vào một góc thầm thì. Những bát hương Bhutan tỏa hương thơm trầm. Những khung cửa sổ treo đầy ớt chín đỏ. Những người bán hàng đứng dựa cửa, lơ đãng nhìn ra phố. Quá khứ như dừng lại ở đây.

Người dân Bhutan hiền hòa với nụ cười luôn nở trên môi thong thả làm công việc thường ngày. Mỗi người trong số họ đều tự hào khoác trên người những trang phục truyền thống nhiều màu sắc: đàn ông nhìn thật khỏe khoắn trong trang phục gho, phụ nữ thì dịu dàng trong trang phục kira.

Theo chân những người trong số họ, tôi bước vào một đền thờ cổ, đi quanh các vòng xoay khấn nguyện (prayer wheels), trong đó chứa đựng hàng ngàn lời khấn. Chỉ cần quay các vòng xoay này, tôi có thể gửi hàng ngàn lời khấn nguyện đó lên trời, mong may mắn đến cho mình và người thân. Nhìn thái độ kính cẩn và nghiêm trang của những người có mặt, tôi cảm nhận người Bhutan có một đức tin sâu sắc vào Phật giáo. Điều đó ảnh hưởng đến tính cách hiền hòa, nhân hậu của họ.

Bước vào một cửa hiệu đồ cổ, tôi mê mẩn trước những bức vẽ thangka, những đồng tiền, thổ cẩm truyền thống, đồ trang sức, tượng Phật… Tuy nhiên, gọi mãi chẳng thấy người bán hàng ở đâu. Khi tìm được người chủ cửa hiệu, chị cười và vui vẻ trả lời câu hỏi của tôi rằng từ trước tới giờ cửa hiệu chưa bao giờ bị mất trộm, dù hàng hóa có giá trị rất cao. Những người bạn Bhutan của tôi sau này cũng cho biết họ không cần khóa cửa nhà khi đi ngủ.

Có lẽ người Bhutan hạnh phúc vì họ được sống trong một thế giới an ninh, nơi niềm tin ngự trị?

wanderlusttips-hanh-phuc-gian-di-cua-ngoi-dan-bhutan-1
Bhutan yên bình

Bhutan hạnh phúc vì người dân sống thanh thản, không sát sinh.

Những con phố gập ghềnh đá đưa chân tôi đến Rinpung Dzong, hay còn gọi là Paro Dzong (Dzong là một tu viện kiểu pháo đài, hiện được sử dụng làm tu viện, đền thờ, trung tâm hành chính. Dzong cũng được sử dụng làm cung điện của vua Bhutan). Đứng trước tu viện được xây dựng từ năm 1646 bị hư hỏng nhiều lần bởi hỏa hoạn và động đất, tôi mới hiểu vì sao các tạp chí kiến trúc đánh giá “kiến trúc Dzong là một trong những kiến trúc độc đáo và đẹp nhất châu Á”.

Rời Paro để về thủ đô Thimphu, xe dừng lại nghỉ chân ở một con sông trong vắt có rất nhiều đàn cá tung tăng bơi lội. Người bạn ở Bhutan nói rằng người dân không giết bất cứ con vật gì. Các dự án xóa đói giảm nghèo về tơ tằm ở Bhutan đã thất bại vì dân bản xứ không muốn thả các kén tằm vào nồi nước đang sôi để lấy tơ. Người Bhutan cũng không bao giờ câu cá, vì thế sông suối có rất nhiều cá bơi lội (cá và thịt bày bán ở Bhutan được nhập từ Ấn Độ hoặc được người nước ngoài giết mổ).

Có lẽ người Bhutan hạnh phúc vì họ sống thanh thản, không sát sinh?

Bhutan hạnh phúc vì họ biết sống cùng thiên nhiên và biết thưởng thức những món quà thiên nhiên ban tặng.

Đến Thimphu, tôi đã chuẩn bị một tâm trạng mệt mỏi vì say độ cao (Thimphu cao 2.300m). Tuy nhiên, không khí trong lành đã xóa tan mọi mệt nhọc. Thimphu là thủ đô duy nhất trên thế giới không có đèn tín hiệu giao thông, và là thủ đô hiếm hoi được bao quanh bởi rừng xanh bạt ngàn, thung lũng nối tiếp thung lũng.

Tôi còn nhớ năm 2006, quốc vương Bhutan đã nhận phần thưởng danh giá Paul Getty Conservation Leadership Award vì những thành công của đất nước này trong việc bảo tồn động vật hoang dã và bảo vệ thiên nhiên.

Có lẽ người dân Bhutan hạnh phúc vì họ biết sống cùng thiên nhiên và biết thưởng thức những món quà thiên nhiên ban tặng?

wanderlusttips-hanh-phuc-gian-di-cua-ngoi-dan-bhutan-2
Thiền viện Taktsang

Bhutan hạnh phúc vì họ có một hoàng gia, một chính phủ hết lòng vì dân.

Trong những ngày làm việc ở Thimphu, tôi may mắn được chiêm ngưỡng vẻ điển trai của vua Bhutan khi ông rời Thimphu Dzong lúc 5h30 chiều sau một ngày làm việc bận rộn. Lên ngôi năm 2008 ở tuổi 28, Jigme Khesar Namgyel Wangchuck đã qua nhiều khóa học tại Anh, Mỹ, Ấn Độ, nhưng ông luôn nâng niu và trân trọng các truyền thống tập quán của đất nước mình.

Bất chấp những khó khăn, vua Jigme Khesar và chính phủ vẫn kiên trì theo đuổi tiêu chí tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) của mình: phát triển kinh tế một cách thận trọng để bảo vệ môi trường và gìn giữ nền văn hóa tâm linh độc đáo, đặt giá trị đạo đức làm trọng tâm trong chiến lược kinh tế để bảo đảm nguồn lương thực, nhà ở và sức khỏe người dân. Dù Bhutan có tiềm năng du lịch rất lớn, chính phủ hạn chế phát triển du lịch nhằm kiểm soát tối đa sự ảnh hưởng của du khách đến văn hóa và môi trường.

Vua Jigme Khesar được người dân hết sức yêu thương và kính nể. Nhờ sự quan tâm của hoàng gia, việc khám chữa bệnh, thuốc men cho toàn thể nhân dân Bhutan được cung cấp miễn phí. Trường học cũng hoàn toàn miễn phí, kể cả sách giáo khoa và bữa ăn trưa.

Có lẽ người Bhutan hạnh phúc vì họ có một hoàng gia, một chính phủ hết lòng vì dân?

wanderlusttips-hanh-phuc-gian-di-cua-ngoi-dan-bhutan
Các nhà sư trẻ

Bhutan hạnh phúc vì trong họ, nghệ thuật, tôn giáo và văn hóa hòa quyện, tạo nên một bản sắc đồng nhất.

Một buổi chiều đang đắm mình tại Thimphu Dzong, tôi được chứng kiến cảnh các thầy tu tập điệu múa Tsechu trên sân. Những điệu múa khoan thai, uyển chuyển nhưng không kém phần dũng mãnh. Họ đang chuẩn bị cho lễ hội quan trọng Tsechu diễn ra vào khoảng tháng 10 hằng năm và kéo dài 3 – 5 ngày.

Tâm điểm của lễ Tsechu là điệu múa Cham, một điệu múa sống động chỉ do đàn ông trình diễn. Người múa đeo mặt nạ rất ấn tượng và mặc quần áo đính nhiều đồ trang sức, diễn tả các câu chuyện về đạo đức và cuộc sống linh thiêng. Điệu múa Cham được xem là một hình thức thiền và cách để con người giao cảm với thần linh.

Lễ hội Tsechu có hàng nghìn người dân tham dự, họ mặc những bộ quần áo đẹp nhất, đeo trang sức đẹp nhất. Nhiều người đi bộ nhiều ngày từ các bản làng xa xôi đến với lễ hội. Đại diện mỗi bản làng luôn mang theo một bình rượu ngon nhất, và tất cả sẽ được góp chung vào một thùng rượu lớn đặt giữa sân. Đó là rượu dâng Phật tổ, rượu của lòng thành mà những người tham gia sẽ cùng uống, thể hiện sự đoàn kết và tinh thần dân tộc.

Có lẽ người Bhutan hạnh phúc vì trong họ, nghệ thuật, tôn giáo và văn hóa hòa quyện làm một, tạo nên một bản sắc đồng nhất và một sự an bình tâm tưởng hiếm có?

Theo khảo sát của Đại học Leicester (Anh) năm 2006 thu thập ý kiến của 80.000 người từ 178 quốc gia trên thế giới, Bhutan là quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất châu Á và cao thứ tám trên thế giới.

Khi các quốc gia được cho là thịnh vượng hơn Bhutan rất nhiều đang phải đối đầu với tình trạng thất nghiệp, bạo lực, bất ổn xã hội gia tăng, trong nhiều năm qua Bhutan vẫn duy trì được tốc độ phát triển bền vững bằng cách đo lường sự phát triển bằng phúc lợi thật sự của người dân thay vì chỉ phản ánh sự giàu có về vật chất.

Từ năm 1972, Bhutan sử dụng khái niệm tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) thay thế tổng sản lượng quốc gia (GNP) và khái niệm này đang thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia và những nhà kinh tế học.

Tạp chí du lịch | Wanderlust Tips | Cinet