Wagashi – Thế giới muôn màu

(#wanderlusttips #NhatBan #Wagashi) Wagashi không đơn thuần chỉ là món ăn mà được nâng tầm như những tác phẩm nghệ thuật cầu kỳ, tinh tế ngợi ca vẻ đẹp bốn mùa thiên nhiên luân chuyển. Từ những nguyên liệu tươi ngon tự nhiên, người thợ làm Wagashi tha thiết truyền tải cảm xúc, phô diễn sức sáng tạo và tô điểm cho Wagashi, biến chúng thành những đóa hoa muôn hương ngàn sắc trong địa đàng ẩm thực Nhật Bản.

[rpi]

01wanderlust_tips_wagashi_danh_thuc_giac_quan_1

Wagashi gói trọn bốn mùa

Khám phá nghệ thuật làm bánh Wagashi là thêm một lần khám phá vẻ đẹp văn hóa ẩm thực Nhật Bản. Đó là những tinh hoa văn hóa đặc sắc mà bao thế hệ người Nhật đã gìn giữ và phát triển.

Wagashi không ngừng thay đổi hình dáng và màu sắc, lúc hóa thành một cánh hoa anh đào chớm nở, một ngọn núi trùng trùng lá đỏ, một cánh bướm nhỏ, một chú họa mi xinh xắn, lúc lại là một cánh rừng tuyết trắng tĩnh mịch thê lương… Ở Wagashi, nét sống động như gói trọn cả trời đất rộng lớn vào chiếc bánh nhỏ bé khiến thực khách mãn nhãn và trầm trồ mà tuyệt nhiên không một món ăn nào sánh kịp.

02wanderlust_tips_wagashi_danh_thuc_giac_quan_2

Nét đặc trưng riêng tạo nên bản sắc của Wagashi đó chính là nguyên liệu làm bánh, mỗi một mùa lại có một loại bánh riêng với gam màu và nhịp điệu đặc trưng của mùa đó. Sự kết hợp các giác quan đã kích thích trí tưởng tượng đồng thời tạo sự ngon miệng cho thực khách. Wagashi được đưa vào trong tiệc trà như một cách thể hiện chắt lọc nhất, tinh tế nhất vẻ đẹp của hoa lá, cây cỏ, muông thú. Hình ảnh thiên nhiên bốn mùa chính là nguồn cảm hứng vô tận cho các nghệ nhân làm bánh. Mùa xuân, Wagashi là muôn hoa khoe sắc, mùa hè long lanh, trong suốt như những giọt nước; mùa thu, bánh như chiếc lá phong đỏ thắm trong rừng chiều; mùa đông lại là những con cá nướng vàng, gợi cảm giác ấm áp của bếp lửa gia đình.

Mỗi chiếc bánh Wagashi dường như là một bức tranh phong cảnh tinh tế mà người thợ làm nên nó là một họa sĩ tài hoa.

Bột gạo (gạo tẻ, gạo nếp, gạo lứt), đậu đỏ azuki xay nhuyễn, đậu tương rang được nghiền thành bột nhỏ mịn màng, trà xanh matcha và đường mía wasanbon là những nguyên liệu chủ yếu được dùng để kết hợp với các thành phần khác tạo nên Wagashi. Từ đó, mỗi chiếc bánh giống như một tâm hồn thu nhỏ luôn khiến thực khách không ngớt trầm trồ trước tạo hình bắt mắt một cách tinh tế, hài hòa với màu sắc và hương vị ưu nhã.

04wanderlust_tips_wagashi_danh_thuc_giac_quan_4

Wagashi đánh thức 5 giác quan của thực khách

Khi thưởng thức Wagashi không đơn thuần chỉ là đang ăn một chiếc bánh mà Wagashi khiến ta vận dụng tất cả các giác quan để cảm nhận nét đặc sắc, tinh tế của nó.

Thị giác

Đối với người Nhật, đây là yếu tố vô cùng quan trọng, bởi điều đầu tiên mà họ quan tâm chính là cách trình bày những chiếc bánh. Mỗi chiếc bánh thường là những bức tranh rất đẹp mô tả vẻ đẹp muôn màu trong cuộc sống. Hình dạng, màu sắc và thiết kế của Wagashi lấy cảm hứng từ thơ ca, tranh vẽ hoặc họa tiết, thường gợi ta liên tưởng đến thiên nhiên, chim muông, hoa lá…

Vị giác

Trong văn hóa ẩm thực, người Nhật rất coi trọng hương vị tự nhiên. Wagashi được làm phần lớn từ các loại đậu và ngũ cốc, nguyên liệu truyền thống và bổ dưỡng nên khi thưởng thức, ta có thể cảm nhận được những tinh chất từ thiên nhiên.

Khứu giác

Wagashi có hương thơm rất nhẹ nhàng, tinh tế. Yếu tố quan trọng góp phần tạo nên hương thơm phảng phất, dễ chịu không lẫn của Wagashi chính là nguyên liệu làm bánh. Hương thơm thoang thoảng, ngọt dịu của Wagashi vừa gia tăng hương vị của món ăn, vừa giữ được vị của đồ uống đi kèm.

03wanderlust_tips_wagashi_danh_thuc_giac_quan_3

Xúc giác

Nâng niu trên tay ta có thể cảm nhận được độ mềm mịn, độ ẩm cũng như độ giòn khi đưa một miếng Wagashi lên miệng. Tất cả đều thể hiện sự tươi ngon và tính độc đáo của nguyên liệu.

Thính giác

Sức lôi cuốn của Wagashi đối với thính giác xuất phát từ những tên gọi trữ tình của chúng. Nhiều tên gọi bắt nguồn từ văn thơ kinh điển, một số khác lại gợi nhớ về một mùa nào đó trong năm. Tên gọi của các loại bánh Wagashi đều rất trang nhã, dễ nghe. Đó thường là tên gọi những loài hoa đẹp, cảnh sắc thiên nhiên thanh tịnh, được rút ra từ những bài thơ trữ tình của Nhật.

Có thể thấy, với việc vận dụng cả 5 giác quan khi thưởng thức, Wagashi sẽ khiến thực khách cảm nhận được trọn vẹn hương vị và xúc cảm như là đang thưởng thực mọi hương vị của cuộc sống.

4 loại bánh tượng trưng cho 4 mùa

Bếp phó đến từ khách sạn Nikko Hà Nội dành tặng độc giả Wanderlust Tips 4 loại Wagashi điển hình, đặc trưng cho thiên nhiên 4 mùa ở Nhật Bản.

Bánh hoa 5 cánh (Nerikiri) tượng trưng cho mùa Xuân

Bánh được làm bằng cách nhào đậu trắng nghiền với một ít bột gạo nếp Mijinko, Gyuhi rồi ép vào các khuôn gỗ hoặc dùng tay để tạo hình. Bánh đa sắc thái, có thể nắn theo các chủ đề hợp mùa. Đây là loại bánh đặc trưng của mùa Xuân.

Bánh hoa cẩm tú cầu (Ajisai) tượng trưng cho mùa Hạ

Đây là loại bánh thạch màu tím nhạt làm từ bột rễ sắn dây rừng (Kuzuko), được cắt thành hình khối với các góc tròn mô phỏng hoa cẩm tú cầu (Ajisai). Bánh thường được đặt lên một chiếc lá tươi xanh để chiêu đãi thực khách, tất cả đều toát lên phong vị mùa mưa tháng 6.

09wanderlust_tips_wagashi_danh_thuc_giac_quan_9

Bánh hoa cúc (Monaka) tượng trưng cho mùa Thu

Hoa cúc thường gắn liền với mùa Thu. Monaka là loại bánh có 2 mảnh vỏ rời dạng tròn và khá giòn làm từ bột gạo nếp ghép lại với nhau, ở giữa là lớp nhân nhão làm từ đậu đỏ nghiền. Đây là một trong những đặc sản nổi tiếng mà du khách nên nếm thử khi tới Nhật.

Bánh hoa sơn trà (Kantsubaki) tượng trưng cho mùa Đông

Đây là chiếc bánh mô phỏng hình ảnh hoa sơn trà (Tsubaki) trong ngày Đông giá lạnh. Bánh có nhân đậu đỏ béo ngậy, với lớp bột đậu trắng Nerikiriko dẻo mịn nhuộm hồng bọc ngoài tạo hình búp hoa và một ít nhuộm vàng gắn thêm làm nhụy để tô điểm.

07wanderlust_tips_wagashi_danh_thuc_giac_quan_7

Trang Nguyen | Wanderlust Tips | Cinet