16 Đặc sản xứ Tuyên níu chân du khách (Phần 2)
- 14/09/2017
- ẨM THỰC VIỆT NAM
- ẩm thực Tuyên Quang, bánh gai, du lịch tuyên quang, Editor picks, rau dớn, rượu ngô, Tuyên Quang, xôi ngũ sắc, đặc sản tuyên quang, đặc sản xứ Tuyên
Cùng tiếp tục khám phá các món đặc sản Tuyên Quang thơm ngon nức lòng du khách.
[rpi]
BÁNH GAI CHIÊM HÓA
Du khách qua thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) ai cũng muốn dừng chân mua một ít bánh gai để làm quà. Bánh gai Chiêm Hóa đã trở thành thương hiệu đặc sản nổi tiếng không chỉ trong tỉnh. Bánh gai được làm từ lá gai, gạo nếp, đỗ xanh, dừa tơi, mứt bí, hạt sen, dầu chuối, mỡ lợn. Muốn có chiếc bánh thơm ngon, phải chọn gạo nếp cái hoa vàng, đãi sạch rồi ngâm với nước lạnh qua đêm sau đó để ráo nước và xay thành bột. Lá gai phơi khô tước bỏ hết gân, thái nhỏ, đem luộc rồi vắt kiệt nước, xay nhuyễn, trộn với bột và mật mía làm vỏ bánh. Hương vị của lá gai quyện vào mùi thơm của gạo nếp với lá chuối khô tạo nên hương vị rất đặc trưng của bánh.
BÁNH CỦ CHUỐI
Ngày xưa khi nhắc đến ăn củ của cây chuối (củ chuối), ai cũng rùng mình khi nghĩ về một thời khó khăn, đói kém. Tuy nhiên, có những món ăn mà nấu thiếu củ chuối thì lại mất ngon, như món bánh củ chuối độc đáo của bà con người Tày các xã Yên Lập, Bình Phú, Phú, Bình, Kiên Đài… ở huyện Chiêm Hóa., tỉnh Tuyên Quang.
Cách chế biến bánh củ chuối rất kỳ công. Muốn làm được chiếc bánh ngon, phải chọn củ chuối rừng bánh tẻ, gọt sạch, luộc chín, thái mỏng, sau đó giã nhuyễn. Nếu không có củ chuối rừng thì lấy củ chuối tây cũng được, còn các loại chuối khác củ rất chát, ăn không ngon. Sau khi giã kỹ, xơ củ chuối sẽ nhuyễn ra cùng chất bột. Lọc lấy chất bột của củ chuối hòa lẫn vào bộp nếp làm bánh, khi ấy sánh dẻo không kém gì bánh lá gai.
Nguyên liệu để làm bánh củ chuối bao gồm bột củ chuối, gạo nếp, vừng, đỗ xanh, dừa tươi, thịt mỡ, thêm một chút dầu chuối, lạc. Bánh củ chuối được làm rất công phu với nhiều công đoạn, đòi hỏi người làm bánh phải tỉ mẩn, tinh tế. Gạo nếp nương ngon được ngâm qua nước ít nhất 6 tiếng để bánh mềm, dẻo, để được lâu ngày. Củ chuối sau khi băm nhỏ, xay mịn, chắt lấy bột, một phần trộn với bột gạo nếp, một phần được đem xào với các gia vị để làm nhân bánh. Làm bánh xong, người ta đem gói bằng chính lá chuối rừng, xếp vào nồi, đồ chín.
Món bánh củ chuối khiến thực khách từng được thưởng thức không thể nào quên được bởi mùi thơm đặc trưng và vị ngọt thanh mát rất đặc biệt. Đó là vị ngọt thanh của nhân đậu đường, vị dẻo và có hương vị rất đặc trưng của củ chuối rừng. Đây là món quà rất bình dân của đồng bào dân tộc Tày huyện Chiêm Hóa. Bà con thường làm bánh vào dịp Rằm tháng 7, Tết Độc lập, Tết Nguyên đán…
XÔI NGŨ SẮC
Xôi ngũ sắc được coi là món ăn đặc trưng của dân tộc Tày Tuyên Quang. Xôi được nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng dẻo, thơm có năm màu: Trắng, vàng, xanh, đỏ, tím; tượng trưng cho năm yếu tố: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ; tượng trưng cho đất nước, mây, mưa, nắng thuận hòa. Xôi màu trắng là xôi không ngâm nước màu, màu đỏ dùng gấc chín, màu xanh dùng lá gừng già, lá sau sau, màu vàng dùng nước củ nghệ, màu tím lá cơm nếp tím. Các loại lá, củ quả rửa sạch, nấu lấy nước. Sau khi ngâm gạo nếp thành các màu vừa ý, cho vào chõ để đồ. Chiếc chõ đồ xôi này cũng rất đặc biệt, cao và làm bằng gỗ. Khi đồ cho gạo vào trong chõ, tưới thêm một chút nước, đậy nắp rồi đặt vào chảo nước sôi. Khi nào có mùi thơm bốc ra từ chõ là xôi chín.
Khi cầm một nắm xôi, dù nóng hay nguội nhưng xôi không dính tay. Thưởng thức xôi phải ăn từ từ, miếng xôi dẻo quánh, vị ngọt bùi như tan ra. Mùi vị thơm nồng của vị nếp cái hoa vàng hòa quyện với hương thoang thoảng của lá rừng. Ăn xong những dư âm của thứ ẩm thực mang hương rừng sắc núi ấy vẫn cứ lưu mãi nơi đầu lưỡi. Sự khéo léo, tinh tế của người phụ nữ dân tộc Tày đã làm nên nét văn hóa ẩm thực độc đáo của núi rừng nơi đây, tạo nên ấn tượn khó quên trong lòng du khách mỗi khi đến với mảnh đất truyền thống văn hóa.
THỊT TRÂU KHÔ
Thịt trâu khô là một loại đặc sản nổi tiếng được nhiều người biết đến của các dân tộc vùng núi phía Bắc. Nhưng khi đến với Tuyên Quang du khách sẽ được thưởng thức món ăn đặc biệt này với những hương vị mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây.
Thịt trâu ở vùng núi Tuyên Quang nổi tiếng là sạch và ngọt thịt, đồng bào ở đây nuôi trâu không chỉ để cày mà còn dùng vào việc giết thịt khi tế lễ, tết nhất và chế biến các sản phẩm từ da trâu, sừng trâu và đặc biệt là thịt trâu.
Cách chế biến thịt trâu khô không khó nhưng cũng rất mất công. Khi trâu được làm thịt, người ta lấy nguyên thịt nạc, dần cho mềm và dùng cách tẩm ướp tự nhiên với tỏi, ớt, gừng, sả và những gia vị khác. Sau khi thịt đã ngấm gia vị, họ đem thịt sấy trên than củi hoặc hun khói trên gác bếp. Khói ngấm vào từng thớ thịt làm thịt sậm màu hơn, gia vị bám càng chắc và càng ngấm vào thịt. Với miếng thịt trâu thành phẩm, mùi khói gần như vẫn còn nguyên, song lại không gây khó chịu. Người ta làm khéo đến mức vẫn thấy được tất cả các gia vị được ướp trên từng miếng thịt. Miếng thịt đậm vị, có màu đỏ sậm gần đen, thơm mùi khói lại mang vị cay cay, ngọt ngọt của các gia vị.
Món ăn được chế biến hoàn toàn tự nhiên, không hề dùng chất bảo quản nhưng có thể để dự trữ lâu đến vài tháng. Khi ăn, miếng thịt phải giã cho mềm rồi xé nhỏ như mực khô nướng, có thể cuốn thịt trâu khô với lá rau cải, chấm thêm với ma-gi, mù tạt.
RƯỢU NGÔ NÀ HANG
Nếu ai đó đã từng đặt chân lên Nà Hang, ngoài ngắm nhìn cảnh vật hùng vĩ của mảnh đất này, cùng đắm chìm trong tiếng hát then, hát cọi hẳn đều phải nhấp thử một chén rượu cay nồng là cả tấm chân tình của bà con nơi mảnh đất vùng cao này.
Để cất được một chai rượu ngô thơm lừng, êm say là cả một quá trình công phu. Đầu tiên, phải nhặt lá rừng, mỗi quả men là sự hòa quyện của hơn 20 loại lá rừng. Ngô được lựa chon rất kỹ lưỡng. Ngô bung xong để ráo nước, trộn đều với men và ngô được ủ vào chum khoảng nửa tháng là có thể đem đi nấu. Người nấu rượu ngon thật sự là một nghệ sĩ lớn, nếu nấu để lửa to thì có thể làm cháy cả nồi ngô, rượu có mùi khét, nếu lửa nhỏ thì rượu chảy chậm. Ngọn lửa luôn phải đều đều, cùng với đó là dòng nước mang mùi vị của cây cỏ, lá rừng chảy không ngừng mùi rất thơm. Nhấp chén rượu ngô, ta có thể cảm nhận được tất cả mùi vị. Đây vị cay cay, thơm thơm của riềng, của lá ớt, của sả….vị thanh thanh, mát mát của nhân trần, vị hăng hăng của vát vẹo, vị ngọt đậm đà của ngô, vị đắng của chí ốt…
RAU DỚN
Rau dớn là loại cây thuộc họ quyết, giống như cây dương xỉ, thân to, tán lá rộng, mặt lá có màu xanh nhẵn, cuống lá có lông. Bà con dân tộc Tày Nà Hang gọi rau dớn là Phéc cút. Loại cây chỉ có ở vùng núi cao, nơi ngọn nguồn của sông, suối và thường mọc ở bờ suối, khe suối, nơi có độ ẩm ướt cao.
Trong y học, rau dớn là một loại thảo mộc dùng để chữa các bệnh phổ biến như cảm, ho, viêm họng… Theo đông y, rau dớn còn là loại rau có tính mát, lợi tiểu, chống táo bón, rau có thể phơi khô để dành nấu nước uống giải nhiệt. Ăn rau dớn sẽ làm máu lưu thông, giải độc và giải nhiệt trong mùa nắng nóng, chất nhầy trong lá có tác dụng nhuận trường và làm dịu đau lưng. Rau dớn có tính mát, lợi tiểu, chống táo bón, làm ngưng các cơn đau âm ỉ do viêm đại tràng, và giúp dễ ngủ, ngủ sâu, giúp cơ thể khỏe mạnh.
Từ rau dớn người ta có thể chế biến nhiều món ăn dân dã như rau dớn luộc, nộm rau dớn, rau dớn xào tỏi, canh rau dớn. Rau khi được hái về, phơi nắng cho hơi héo rồi chần qua bằng nước sôi. Nếu làm nộm sẽ được bóp qua muối, vắt kỹ, và trộn cùng vừng lạc, tỏi, ớt, giấm, đường. Khác các món nộm miền xuôi, nộm rau dớn được trộn cùng thịt bò khô xé nhỏ, thêm chút hương vị thảo quả, hoa hồi, làm thực khách cảm nhận được đầy đủ hơn các hương vị của núi rừng Nà Hang. Nộm rau dớn khi ăn sẽ cảm nhận được mùi thơm đặc trưng của các loại rau, vị bùi của rau dớn, vị chua ngọt xen lẫn một chút vị cay của ớt.
Hiện nay, rau dớn đã trở thành đặc sản và có mặt tại rất nhiều nhà hàng ở các tỉnh, thành phố nước ta. Nhưng phải ăn rau dớn ở Nà Hang, Tuyên Quang được chế biến bằng nước nguồn và các hương vị núi rừng Nà Hang mới cảm nhận được hết vị ngon thơm, bùi vốn có của loại rau này.
CAM SÀNH HÀM YÊN
Hàm Yên là một huyện miền núi phía Bắc của tỉnh Tuyên Quang. Tổng diện tích đất tự nhiên 90.092,53ha. Từ nhiều năm nay, cam sành Hàm Yên đã được du khách gần xa biết đến là một loại đặc sản có giá trị dinh dưỡng cao bởi hàm lượng các loại vitamin và khoáng chất đã được các nhà khoa học thẩm định.
Giá trị dinh dưỡng cao trong cam sành Hàm Yên bởi nguyên nhân sau: Thứ nhất, cam sành Hàm Yên được phát triển hầu hết ở diện tích gần những chân đồi núi được kết tinh nguồn nước khoáng thiên nhiên quý giá và những hàm lượng chất khoáng có trong đất. Thứ hai, cam sành Hàm Yên được trồng trong môi trường khí hậu trong lành, không bị ô nhiễm. Một yếu tố quan trọng nhất là cam sành Hàm Yên được trong với phương pháp an toàn sinh học, 100% diện tích cam được chăm sóc theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, chủ yếu dùng phân hữu cơ để chăm bón. Do đó, Cam sành Hàm Yên đã được chứng nhận hợp chuẩn; phù hợp tiêu chuẩn Quốc Gian TCVN 1973:2007.
BƯỞI NGỌT XUÂN VÂN
Dăm năm về trước, ít ai nghĩ xã Xuân Vân (Yên Sơn) – một miền quê bên tả ngạn sông Gâm “đất ít, đá nhiều” lại là vùng được ưu đãi với loài quả có múi ngọt là bưởi.
Hộ ông Đỗ Khắc Khoát, thôn Soi Hà được nhiều người biết đến, không chỉ vì có cây bưởi tổ mà còn là hộ trồng nhiều bưởi nhất xã Xuân Vân. Hiện gia đình ông có 300 gốc bưởi, bình quân mỗi năm cho thu nhập trên 300 triệu đồng. Dẫn chúng tôi thăm cây bưởi giống gốc được nhân cành về các vùng trong và ngoài tỉnh, ông Khoát giới thiệu: “Đây là cây bưởi trời cho, cây mọc tự nhiên trong vườn khi có quả mời mọi người ăn ai cũng thấy ngon thế là tin lành đồn xa mọi người đặt mua giống, tôi đã chiết cành ra bán”. Từ cây bưởi này, giờ không chỉ riêng bà con ở 25 thôn trong xã mà cả Yên Bái, các xã quanh xã cùng tìm mua. Đặc tính của bưởi Xuân Vân được nhân giống từ cây giống gốc Soi Hà thường chín sớm thu hoạch vào tháng 9 và tháng 10. Đây là giống bưởi đường mỏng vỏ, múi bưởi dày và đều nhau, khi bóc ra hạt tép đều mọng nước, tuy ngọt nhưng không bị dính tay. Ở thời điểm đầu tháng 10, tại các gia đình trồng bưởi ở Xuân Vân đều có giá từ 33.000VND-35.000VND/quả.
LN (TH) | Wanderlust Tips| Cinet