4 món đặc sản “ăn tươi nuốt sống” thách thức thực khách của Hàn Quốc
- 15/12/2017
- ẨM THỰC CHÂU Á
- Ẩm thực Hàn Quốc, ăn sống, Bạch tuộc sống, cá dương vật, Cá đuối lên men, cua sống, Editor picks, Gaebul, Ganjang gejang, Hongeo, món ăn kinh dị, Sannakji, đặc sản hàn quốc
Mặc dù đều là những đặc sản rất được người dân yêu thích ở xứ sở kim chi nhưng đối với du khách nước ngoài thì việc nếm thử những món ăn này thực sự là một thử thách khó vượt qua.
[rpi]
Ganjang gejang (cua sống)
Ganjang gejang là món cua ngâm nước tương nổi tiếng ở Hàn Quốc. Lúc đầu chỉ đơn giản là món cua ngâm trong nước muối, nhưng sau khi nước tương xuất hiện, món cua ngâm này được biến tấu nhiều hơn bằng vị ngọt dịu, đậm đà của nước tương. Điểm đặc biệt khiến món cua ngâm này trở nên nổi tiếng không chỉ vì hương vị rất ngon mà còn là bởi nó được làm hoàn toàn bằng cua sống.
Sau khi được ngâm qua nước tương trong khoảng 5 ngày, trước khi ăn, người ta sẽ rưới thêm xì dầu nhiều ớt lên phần cua để hương vị cua trở nên đậm đà hơn. Có loại cua nhỏ vỏ mềm để bạn có thể ăn cả vỏ. Người Hàn có thể ăn món này với cơm trắng mà không cần các món ăn kèm khác. Vị ngọt dịu của nước tương, cay của ớt và béo ngậy của gạch cua cùng cơm nóng là một trải nghiệm ẩm thực khó quên. Ngoài ra do được lên men, và là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng đặc biệt chứa nhiều canxi nên cua ngâm tương được nhiều người Hàn yêu thích.
Tuy Ganjang gejang là món nhìn rất hấp dẫn nhưng không phải khách nước ngoài nào cũng dám thưởng thức. Bởi nguyên liệu món ăn làm hoàn toàn từ cua sống ngâm nước tương lên men nên khi nhìn thịt cua sống thế này sẽ khiến nhiều thực khách ngần ngại. Tuy nhiên, nếu như đã có đủ can đảm để thử thách với món ăn này thì hầu hết ai cũng đều có những đánh giá rất tích cực.
Sannakji (bạch tuộc sống)
Sannakji là một đặc sản nổi tiếng của Hàn Quốc. Trong đó, bạch tuộc sống được ăn cả con hoặc cắt nhỏ và thưởng thức khi các xúc tu vẫn còn ngoe nguẩy. Có hai cách ăn món đặc sản này. Đối với cách ăn nguyên con, bạch tuộc được chọn thường nhỏ hơn. Người ăn sẽ dùng tay cầm hoặc quấn con vật quanh đũa để cho vào miệng. Tuy nhiên, cách ăn này khá nguy hiểm, đòi hỏi người ăn phải nhai thật mạnh và kĩ, nếu không sẽ dễ hóc do các xúc tu bám chặt vào miệng và họng. Mỗi năm đều có một số người chết do các xúc tu bám chặt vào họng, nhất là khi đã uống rượu say. Một cách ăn khác phổ biến hơn là các xúc tu của bạch tuộc được cắt ra (để dài hoặc thành từng đoạn ngắn), và dùng ngay khi chúng vẫn còn cử động.
Bạch tuộc sống được chấm với sốt xì dầu pha mù tạt, rắc thêm vừng. Thực khách yêu thích món này không chỉ vì độ tươi ngon, có vị ngọt tự nhiên và không hề tanh của bạch tuộc, mà còn vì cảm giác đặc biệt khi các xúc tu bạch tuộc bám vào miệng. Tuy nhiên, với thực khách nước ngoài thì đây thực sự là thử thách khó lòng vượt qua.
Hongeo (Cá đuối lên men)
Món cá đuối lên men Hongeo luôn có mặt trong danh sách các món ăn “khó ngửi” nhất hành tinh. Những con cá tươi ngon được xếp trong ngăn đá tủ lạnh và để tự lên men trong khoảng 1 tháng. Khi đó, cá tỏa ra thứ mùi rất nặng, còn được ví như mùi toilet. Lúc đó, người ta sẽ mang cá ra thái lát mỏng vừa miệng rồi ăn sống.
Cá đuối lên men có hương vị đặc biệt, khá dai, thịt xốp, có sụn cứng nên khó nuốt. Thực khách lần đầu thưởng thức món ăn này thường kẹp miếng cá với nhiều thứ nhất có thể như sốt tiêu đỏ, tôm muối, tỏi sống, kimchi, muối ớt và cả thịt heo luộc. Họ phải nhắm mắt trước khi ăn những miếng đầu tiên, rồi chảy nước mắt ròng ròng. Khi món ăn đã nằm trong miệng, hiếm người có thể tiếp tục nhai và nuốt được.
Mùi vị khó chịu của món ăn này không chỉ “để lại vết tích” trong miệng sau khi ăn, mà còn ám vào quần áo, tóc và da của bạn. Tuy vậy, ở Hàn Quốc, cá đuối hongeo trở thành món đặc sản. Người dân tại đây tiêu thụ tới 11.000 tấn hongeo mỗi năm.
Gaebul (“cá dương vật”)
Đây là một loài giun thìa có tên khoa học là Unicinctus Urechis, quê hương chính ở vùng biển phía Bắc Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Người dân xứ sở kim chi gọi chúng là gaebul. Sâu Unicinctus Urechis có rất nhiều biệt danh đáng yêu mà người Hàn Quốc đặt, điển hình nhất là “cá dương vật” hay “giun chủ quán trọ béo”. Sở dĩ những chú “cá dương vật” có hai biệt danh trên chính bởi vẻ bề ngoài cũng như tập tính của chúng. Unicinctus Urechis có màu hồng thịt, làn da trơn tuột, có vài phần phình to trên thân người. Nhìn từ xa, trông Unicinctus Urechis chẳng khác nào… dương vật của phái mạnh cả.
Sau khi bắt chúng về, người ta sẽ rửa sạch sau đó cắt lát thành từng miếng nhỏ, ăn kèm với lá vừng cùng với dầu mè hoặc nước sốt cay. Theo nhiều khách du lịch tới Hàn Quốc, món ăn này dai, ngon, có vị như hàu, sò tươi và nhất là… ghê rợn khi những phần cơ thể “cá dương vật” thái lát vẫn còn ngọ nguậy ngay trên đĩa.
TH | Wanderlust Tips | Cinet