5 bộ phim đưa ta du lịch Việt Nam qua màn ảnh nhỏ
- 05/08/2021
- ĐIỂM ĐẾN VIỆT NAM
- du lịch Việt Nam, Editor picks, phim điện ảnh
Giãn cách ở nhà, đem lòng thương nhớ những chuyến vi vu quá thì phải làm sao? Hãy cùng Wanderlust Tips du lịch qua màn ảnh nhỏ với 5 bộ phim sử dụng bối cảnh tuyệt đẹp ở Việt Nam và đừng quên lưu lại để hết dịch mình cùng xách ba lô lên và đi ngay thôi nhé!
[rpi]
Huế trong “Mắt Biếc” – Phim Việt Nam (2019)
Bộ phim đầu tiên trong danh sách là “Mắt Biếc”. Đây là bộ phim điện ảnh được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Ánh, xoay quanh mối tình đơn phương của Ngạn với Hà Lan, cô bạn gái có cặp mắt hút hồn nhưng cá tính bướng bỉnh. Một chuyện tình nhiều cung bậc, từ ngộ nghĩnh trẻ con, rồi tình yêu thuở học trò trong sáng, trải qua bao biến cố, trở thành một cuộc “đuổi hình bắt bóng” buồn da diết nhưng không nguôi hi vọng.
Bộ phim của đạo diễn nổi Victor Vũ đã gây sốt trên màn ảnh rộng và đem lại tiếng vang lớn, nhất là đối với những bạn trẻ và các fan của nhà văn Nguyễn Ngọc Ánh.
Toàn bộ các bối cảnh trong phim đều được quay tại Huế, mang phong cách năm 70s 80s của thập kỉ trước, những “cây cô đơn”, ngôi làng yên bình nhỏ bé mang tên Hà Cảng, đồi Thiên An, Lăng Khải Định, Đại học Sư phạm, sông Hương… Tất cả đều trở nên lung linh lạ thường khiến giới trẻ đứng ngồi không yên.
Cùng Wanderlust Tips điểm qua một số hình ảnh của các địa danh nổi tiếng ở Huế trong phim:







“Mắt Biếc” được khởi chiếu tháng 12 năm 2019, hiện đã có trên các hệ thống xem phim online.
Đà Lạt trong “Tháng năm rực rỡ” – Phim Việt Nam (2018)
Thứ hai trong danh sách 5 bộ phim là “Tháng năm rực rỡ”, là phim điện ảnh Việt Nam thuộc thể loại hài xen lẫn học đường và tâm lý xã hội của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Đây là tác phẩm làm lại từ phim “Sunny” năm 2011 của Hàn Quốc.
Lấy bối cảnh tại Đà Lạt, phim xoay quanh một nhóm bạn trẻ có biệt danh Ngựa Hoang gồm sáu cô gái: Hiểu Phương, Mỹ Dung, Tuyết Anh, Bảo Châu, Thùy Linh và Lan Chi. Trải qua nhiều thay đổi vào khoảng thời gian thập niên 1970, nhóm bạn đã tan rã, mỗi người có một cuộc sống riêng. Một lần tình cờ gặp lại Mỹ Dung vào 25 năm sau và biết bạn mình đang mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, Hiểu Phương quyết định tập hợp lại những gương mặt cũ trong nhóm. Tất cả họ cùng gặp lại nhau sau nhiều năm xa cách nhưng những tình cảm đặc biệt họ dành cho nhau thì vẫn như thuở ban đầu.
Những địa điểm quen thuộc ở Đà Lạt cùng với màu phim hoài cổ, retro hiện lên trong phim trở nên trữ tình, thơ mộng hơn bao giờ hết. Xem phim thôi là đã muốn xách ba lô lên và đến Đà Lạt ngay rồi!





“Tháng năm rực rỡ” được đánh giá là một trong những bộ phim đáng xem nhất nói về tình bạn.
Phú Yên trong “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” – Phim Việt Nam (2015)
Tiếp tục là đạo diễn Victor Vũ một bộ phim điện ảnh Việt Nam được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Nhà văn Nguyễn Ngọc Ánh, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Phim là một câu chuyện đầy cảm xúc về quê hương, về gia đình, về thời niên thiếu của mỗi người. Cậu bé Tường ngây thơ, đầy tình thương trong khi Thiều là người anh trai ích kỷ, hẹp hòi đến tàn nhẫn. Bên cạnh tình cảm anh em với những yêu thương, ghen ghét, đố kỵ, hối tiếc, ăn năn… còn là tình cảm bạn bè, kỷ niệm thời thơ ấu của lũ trẻ nhà quê nghèo ở miền Trung cuối những năm 1980. Ở đó có những cuộc cãi vã, đánh nhau; những trò chơi trẻ con thú vị; những giấc mơ cổ tích công chúa, hoàng tử; những hờn giận vu vơ, rung động đầu đời…
Không cần có quá nhiều địa điểm nổi tiếng, trong “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, khung cảnh đồng quê Phú Yên hiện lên bình dị, mộc mạc.Từ những đại cảnh hùng vĩ xanh mướt đến góc chợ quê bình dị hay con đường khuất nẻo rờn rợn cây ma… đều rung lên ký ức thân quen của người Việt. Tuy không nói, nhưng nó gợi lên muôn vàn thương nhớ.




Dưới những khung hình tuyệt đẹp và giàu cảm xúc của đạo diễn Victor Vũ, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” sẽ là một “tấm vé” đưa người xem trở lại với tuổi thơ lắm ngọt ngào lẫn day dứt mà mỗi người đều đã từng trải qua.
Hang Én Quảng Bình trong “Pan và vùng đất Neverland” – Phim Mỹ (2015)
“Pan & vùng đất Neverland” (tiếng Anh: Pan) là một bộ phim kỳ ảo gia đình của Mỹ 2015 do Joe Wright đạo diễn và Jason Fuchs viết kịch bản.Trên hành trình 10 năm trưởng thành và phát triển, Oxalis đã tham gia vào những chiến dịch quảng bá mang tầm thế giới, qua đó góp phần đưa các hang động tại Quảng Bình nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung trở thành điểm đến đầy hứa hẹn trong mắt du khách năm châu. Trong đó, dự án điện ảnh Hollywood mang tên “Pan” vào năm 2015 được xem là cột mốc đầu tiên trên chặng đường này.
Hugh Jackman, nam diễn viên thủ vai thuyền trưởng Râu Đen nói rằng, khác với hầu hết các cảnh đều sử dụng kỹ xảo, những khung hình quay tại Việt Nam đều là thật và hoàn toàn không bị can thiệp bởi yếu tố công nghệ hình ảnh. Do đó, mặc dù các cảnh quay sau khi đã hậu kỳ là cảnh ghép, không có diễn viên nhưng người xem vẫn có thể cảm nhận được cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ của Việt Nam cùng không gian rộng lớn trong lòng một trong những hang động tự nhiên lớn nhất thế giới.
Trong đó cảnh quay sau lời thoại: “Take me to the Neverland!” khi nhân vật chính khám phá ra vùng đất thần tiên tại cửa sau Hang Én là cảnh phim ngoạn mục nhất, mở ra khung cảnh kỳ diệu, đẹp tựa như giấc mơ thuở nhỏ của những em bé thích phiêu lưu, mạo hiểm.



Sau khi ra mắt toàn cầu tại London vào ngày 20/09/2015, bộ phim đã khiến khán giả choáng ngợp bởi hiệu ứng 3D độc đáo và đầy kỳ ảo. Hang Én sau đó cũng đã nhận được vô số sự chú ý và lượt ghé thăm từ bạn bè trên khắp thế giới đến tận ngày nay.
Vịnh Hạ Long, Ninh Bình và Quảng Bình trong “Kong: Đảo đầu lâu” – Phim Mỹ (2017)
Kong: Đảo Đầu lâu (tên gốc tiếng Anh: Kong: Skull Island) là một phim điện ảnh quái vật khoa học viễn tưởng của Mỹ năm 2017 do Jordan Vogt-Roberts đạo diễn. Đây là phần phim tái khởi động thương hiệu King Kong đồng thời cũng là phim điện ảnh thứ hai trong vũ trụ điện ảnh MonsterVerse của hãng phim Legendary, sau Godzilla (2014). Phim lấy bối cảnh năm 1973, khi một đội các nhà khoa học và chiến binh từ cuộc Chiến tranh Việt Nam tham gia thám hiểm một hòn đảo bí ẩn có tên Đảo Đầu lâu và đối đầu với Kong, một con khỉ đột khổng lồ, đồng thời cùng Kong chiến đấu chống lại quái vật Skullcrawler để bảo vệ hòn đảo.
Có lẽ, sau “PAN”, đây là niềm tự hào lớn đối với Việt Nam bởi hầu hết các cảnh quay trong phim đều được thực hiện ở đất nước chúng ta. Có tới 4 địa danh du lịch nổi tiếng xuất hiện trong phim: Tràng An (Ninh Bình), Đầm Vân Long (Ninh Bình), Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và Đầm Đá Đẽo (Quảng Bình).
Trong phim, thiên nhiên Việt Nam hiện lên hùng vĩ. Những cảnh quay ngoạn mục, đẹp và hoang sơ, kích thích sự tò mò của khán giả về mảnh đất được mệnh danh là đảo Đầu Lâu, quê hương của King Kong.




Chính vì vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của thiên nhiên được đưa vào màn ảnh Hollywood, “Kong: Đảo đầu lâu” đã trở thành bộ phim điện ảnh có doanh thu mở màn cao kỉ lục ở Việt Nam.
Cày ngay 5 bộ phim có nội dung và hình ảnh vô cùng đặc sắc này để “giết thời gian” mùa giãn cách và cũng để hiểu thêm thiên nhiên tươi đẹp của đất nước ta nhé!
Wanderlust Tips | Cnet