5 cách chào hỏi ở các nền văn hóa mà dân du lịch nên biết
- 22/03/2017
- VĂN HÓA - LỄ HỘI
- 10 điều nên và không nên post lên mạng, Ấn Độ, Cách chào hỏi, Campuchia, chào hỏi, Indonesia, Pháp, Thái Lan, văn hóa chào hỏi
Ở mỗi nền văn hóa khác nhau lại có cách thức chào hỏi khác nhau. Do đó, nếu đến những vùng đất mới bạn nên tìm hiểu về lễ nghi chào hỏi để tránh những lúng túng khi gặp người dân bản địa.
[rpi]
Bắt tay thật chặt
Phương thức chào hỏi này ngày nay đã trở nên thông dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở hầu hết các nước Bắc Âu và Nga khi gặp người lạ. Đặc biệt, việc bắt tay thật chặt giữa hai người đàn ông Nga thường còn mang ý nghĩa để thử sức mạnh của người kia. Ngoài ra, việc bắt tay nhau trước khi bước qua ngưỡng cửa là điều cấm kỵ ở Nga. Hãy đợi đến khi bạn bước vào trong nhà, hoặc chủ nhà bước ra khỏi cửa.
Cúi chào
Với người Nhật Bản và Hàn Quốc, cúi chào là một nét văn hóa thường nhật. Bạn sẽ bắt gặp người Hàn hoặc người Nhật cúi chào thay cho lời nói “xin chào” hay “chào tạm biệt” hoặc nhằm thể hiện một điều gì đó. Cúi đầu trong văn hóa Hàn Quốc, Nhật Bản đơn giản chỉ để thể hiện lòng kính trọng của mình đối với người khác (một người lớn tuổi hơn hoặc người có địa vị cao hơn mình trong giao tiếp hàng ngày). Đối với người xa lạ hoặc cùng tuổi thường chỉ cúi nhẹ hoặc vẫy tay chào.
Nụ hôn chào hỏi
Ở các nước Châu Âu và Bắc Mỹ, một nụ hôn vào má thường được thể hiện khi gặp người thân quen. Một số đất nước khác lại chào hỏi bằng cách chạm má hoặc hôn gió.
Nam giới ở Argentina thường chạm má nếu họ có quan hệ bạn bè. Trong hầu hết các nước ở thế giới Ả Rập, một nụ hôn gió kép là điều bắt buộc, mặc dù cách này chỉ áp dụng với người cùng giới tính.
Tại Pháp, nụ hôn chào hỏi thường phức tạp hơn. Tuy vậy, nguyên tắc chung là môi không chạm má, và chỉ nên hơi tạo âm gió khi hôn. Ở thành phố Nantes, người dân thường chào bằng bốn nụ hôn, ở Toulouse là hai nụ hôn, hoặc nụ hôn duy nhất vào má khi bạn tới thành phố Brest.
Thứ tự của các nụ hôn cũng là điều cần chú ý, ở Bồ Đào Nha người dân thường hôn từ má trái sang phải, điều này ngược lại hoàn toàn với người dân ở Stasbourg (Pháp).
Cách chào bằng tay
Ở một số nước Châu Á, chào bằng tay là cách chào phổ biến. Theo phong tục Thái Lan, người dân chào bằng cách chắp tay, tạo thành vòng cung như khi cầu nguyện. Campuchia và Indonesia cũng có cách chào tương tự.
Chạm đầu mũi và trán vào nhau
Với người thổ dân bản địa Maori tại New Zealand, chạm hai đầu mũi và trán vào nhau là cách thức ứng xử và chào hỏi truyền thống.
Chạm vào chân
Cách chào truyền thống với người Ấn Độ hơn tuổi là cúi xuống và chạm vào chân họ.
Lè lưỡi
Lè lưỡi và giữ khoảng cách là một cách chào hỏi truyền thống cực kì độc đáo của người dân Tây Tạng.
Thu Hoài (TH) | Wanderlust Tips | Cinet