5 điều khiến bạn chợt nhận ra Trung thu nay đã khác Trung thu xưa
- 09/09/2021
- VĂN HÓA - LỄ HỘI
- bánh Trung thu, Editor picks, khách biệt xưa và nay, lễ hội, tết cổ truyền, Tết Trung thu, Trung thu nay, Trung thu xưa, điểm vui chơi Trung Thu, đò chơi trung thu
Tháng 8 Âm lịch, một mùa trăng sáng nữa lại sắp tới. Xã hội ngày càng phát triển và đi cùng với nó là sự đổi thay trong cuộc sống thường ngày. Những ngày lễ tết truyền thống hay một trong số đó là Trung thu cũng không nằm ngoại lệ.
[rpi]
Từ lâu, Trung thu hay còn gọi là Tết đoàn viên đã trở thành một trong những dịp Tết cổ truyền của người Việt Nam cũng như ở một số nước khác trong khu vực châu Á. Cứ đến rằm tháng 8 hàng năm, nhà nhà lại quây quần bên nhau để cùng thưởng thức bánh nướng, bánh dẻo, nhâm nhi tách trà, chia sẻ những câu chuyện vui buồn trong cuộc sống.
Trung thu còn được coi là dịp Tết của thiếu nhi, người lớn sẽ bày cỗ, tặng đồ chơi, lồng đèn, mặt nạ cho trẻ em. Khắp làng trên xóm dưới, tổ chức các hoạt động rước đèn, múa lân, múa rồng, hát trống cho lũ trẻ cùng vui đùa.
Trải qua thời gian, Tết Trung thu ngày nay đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Từ việc chơi Tết Trung thu, tặng quà trẻ nhỏ hay bày biện mâm cỗ Trung thu…, tất cả đều mang một màu sắc riêng, có những khác biệt rõ ràng so với ngày Tết Trung thu của những ngày xưa cũ.
Đồ chơi Trung thu
Hình ảnh trẻ nhỏ được cha mẹ mua cho những chiếc mặt nạ giấy, cầm chiếc đèn ông sao sáng rực chạy quanh đường làng đã trở thành biểu tượng không thể nào thay thế trong những dịp Trung thu xưa. Cứ đến Tết của thiếu nhi, người lớn lại tự làm hay mua những món đồ chơi truyền thống, thủ công như đèn lồng, đèn ông sao, đầu sư tử, mặt nạ, trống… để trẻ em cầm chơi trong đêm hội trăng rằm. Những món đồ chơi rất đơn giản, được làm từ giấy màu, keo dán nhưng vô cùng bắt mắt và nhiều màu sắc, gắn liền với tuổi thơ bao thế hệ trẻ em Việt.
Trung thu trong thời hiện đại, người người nhà nhà đều bận rộn, hiếm thấy ông bố bà mẹ nào tự tay làm đồ chơi Trung thu cho con mà thường đi mua. Hơn thế nữa, sự xuất hiện của những món đồ chơi Trung thu truyền thống cũng ít dần, hiếm dần. Thay thế những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn cá chép, tiến sĩ giấy… là những món đồ chơi điện tử, nhập khẩu, hiện đại hơn, có hình thù các nhân vật hoạt hình được trang bị thêm pin, điện hay nhạc vô cùng đa dạng.
Những món đồ chơi đó không xấu, nhưng phần nào đã mất đi một phần giá trị truyền thống của Trung thu xưa. Có lẽ hình ảnh ánh sáng từ những cây nến, thắp sáng cả một vùng trời đêm Rằm tháng 8 sẽ mãi chỉ còn trong kí ức của những ngày cũ.
Bánh Trung thu
Bánh Trung thu được coi như là linh hồn của đêm trăng đón chị Hằng, cũng giống như bánh chưng, bánh tét trong ngày Tết nguyên đán. Mỗi mùa trăng đến chúng ta lại háo hức đón chờ, mong đợi những chiếc bánh trung thu thơm ngon và béo ngậy, đó là những chiếc bánh nướng, bánh dẻo với loại nhân phổ biến và truyền thống là nhân thập cẩm và nhân đậu xanh hay hạt sen. Trước kia, mọi chiếc bánh Trung thu đều được làm thủ công, từ tay người nghệ nhân khéo léo.
Ngày nay, bánh Trung thu đã được những công ty, doanh nghiệp phát triển và có nhiều thay đổi hơn hẳn so với bánh truyền thống trước kia. Không chỉ còn là bánh nướng, bánh dẻo hay với những hương vị quen thuộc như ngày trước, bánh Trung thu được biến đổi với muôn hình vạn trạng, ngay từ vẻ trang trí bề ngoài đã khác xưa nhiều, các hương vị cũng được sáng tạo, trở nên đa dạng, phong phú hơn để phù hợp với mọi thực khách.
Cũng là chiếc bánh nướng đó nhưng ngoài nhân thập cẩm truyền thống còn có các loại nhân rất “hiện đại” khác như vị chocolate, trà xanh, rượu vang hay du nhập thêm một vài loại bánh mang nguồn gốc nước ngoài.
Địa điểm vui chơi đêm Trung thu
Là Tết đoàn viên, nên mỗi đêm Rằm tháng 8, các gia đình lại cùng nhau tụ họp đông đủ cùng nhau sum vầy bên mâm cỗ, cùng phá cỗ trông trăng. Mâm cỗ cúng trăng truyền thống ở Việt Nam thường có 5 loại quả tượng trưng cho ngũ hành trong Trái Đất và nổi bật nhất có lẽ chính là chú chó bưởi.
Sau đó, đám trẻ trong xóm sẽ cùng nhau ùa ra, tụ tập vui chơi, khoe với nhau những món đồ chơi mà mình có.
Tuy nhiên, với trẻ em ngày nay, đặc biệt là ở thành thị, các em đón đêm rằm Tháng 8 bằng cách cùng bố mẹ tới những địa điểm tổ chức lễ hội, thường tại các trung tâm thương mại, nhà hàng hay ngắm phố phường tấp nập, đông đúc. Vì thế, ngày Tết Trung thu của trẻ em thành phố không còn mang nhiều hương vị đặc trưng so với trước đây.
Hoạt động vui chơi đêm Trung thu
Theo truyền thống, trong đêm rằm tháng 8, người Việt sẽ tổ chức múa lân trong tiếng trống huyên náo tưng bừng. Các em nhỏ được phá cỗ trông trăng ở gia đình hoặc khu xóm và hoà mình vào các trò chơi dân gian như rồng rắn, hát đồng dao, cùng chiếc đèn lồng, đèn ông sao đi rước đèn quanh làng trên xóm dưới.
Tuy nhiên ngày nay, với sự phát triển của đô thị hóa, hiện đại hóa, đường phố lúc nào cũng tâp nập các phương tiện giao thông cộng với cuộc sống con người bận rộn hơn nên những hoạt động vui chơi đêm Trung thu không còn hoặc hiếm khi được duy trì đẩy đủ như ngày trước nữa. Thay vào đó, các gia đình thường cùng nhau tới nhà hàng, sau đó dạo quanh những địa điểm vui chơi hiện đại, mua cho trẻ 1 món đồ chơi rồi nhanh chóng đi về bởi sự đông đúc, chật chội trong ngày lễ thế này.
Tuy nhiên, ở một số vùng quê vẫn giữ được nét truyền thống trong việc tổ chức chơi Trung thu cho trẻ em.
Ý nghĩa Tết Trung thu
Ngày xưa, Trung Thu là tết của thiếu nhi, là ngày tụ họp gia đình, cả nhà cùng nhau phá cỗ, ngắm trăng. Ngày nay, Trung Thu đối với các doanh nghiệp có ý nghĩa thương mại, kinh tế nhiều hơn. Thông qua hoạt động tổ chức sự kiện trung thu của các doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể quảng bá thương hiệu, tìm kiếm những đối tác tiềm năng.
Thêm vào đó, với sự phát triển của cuộc sống, xã hội, Trung thu không còn là ngày lễ quan trọng bậc nhất, được trẻ em ngóng chờ trong năm nữa. Mà bên cạnh nhiều dịp vui chơi khác, ý nghĩa của Tết Trung thu cũng mất đi một phần, trở nên đời thường hơn.
Dẫu đã có những thay đổi, nhưng nét đặc trưng về ngày Tết cổ truyền này, là những đèn ông sao, đèn lồng, là phá cỗ trông trăng, câu chuyện chị Hằng chú Cuội vẫn mãi còn đó và là những nét văn hóa truyền thống đặc sắc không thể không nhắc đến mỗi dịp Rằm tháng 8.
Một mùa trăng nữa lại sắp tới, bạn thích Trung thu xưa hay Trung thu nay hơn? Cùng chia sẻ những kỉ niệm đẹp dịp Trung thu cùng Wanderlust Tips nhé!
Ảnh: Internet
Wanderlust Tips | Cnet