6 đặc sản nhất định phải thử khi đến xứ Mù Cang Chải
- 20/05/2016
- ẨM THỰC VIỆT NAM
- ẩm thực mù cang chải, Editor picks, món ăn ở mù cang chải, món ngon mù cang chải, Mù Cang Chải, Yên Bái, đặc sản mù cang chải
(#wanderlusttips #MuCangChai) Mù Cang Chải không chỉ nổi tiếng bởi những cảnh đẹp hút hồn du khách mà còn được biết đến bởi các món ăn độc đáo. Hãy cùng trải nghiệm 6 đặc sản khi đến xứ sở vàng Mù Cang Chải.
[rpi]
1. Thịt lợn kẹp cây rừng nướng
Từ những chú lợn đen chăn thả tự do, thịt chắc, người ta đã tạo nên món thịt lợn kẹp cây rừng nướng với hương thơm đặc trưng quyến rũ. Món ăn ngon cuốn hút mọi thực khách phương xa.
Nguyên liệu là những miếng thịt cả bì và mỡ, tẩm ướp với gia vị rừng đặc trưng của vùng thảo cỏ Mù Cang Chải như hạt mắc khén, hành tươi… bọc vài lớp lá rong rồi dùng kẹp tre nướng trên than hoa.
Khi nướng phải rất khéo léo để sao cho thịt chín đều, vàng ươm, lớp lá rong chỉ cháy khô bên ngoài. Khi ăn, nên nhâm nhi với một chút rượu ngô của đồng bào dân tộc để cảm nhận được vị cay nồng của rượu hòa với sự ngọt thơm của thịt lợn nướng.
2. Gà đen nướng lá mắc mật ăn kèm với chẳm chéo
Gà xương đen là giống gà quý chỉ dân tộc Mông ở các huyện vùng cao mới có. Đây là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Mông từ đời này qua đời khác. Đối với đồng bào Mông vùng cao Mù Cang Chải thì gà xương đen là một hợp phần quan trọng trong hệ thống canh tác sản xuất. Giống gà bản địa thuộc nhóm gà da đen, thịt đen, xương đen, có chất lượng thịt ngon và được người tiêu dùng coi là một giống gà thuốc, bồi bổ cơ thể.
Thông thường để làm món gà đen nướng thì lá mắc mật là nguyên liệu quan trọng nhất. Trước hết gà được làm sạch rồi sau đó người ta nhồi lá mắc mật vào bụng gà, tẩm thêm các gia vị đặc trưng của núi rừng. Thịt gà được nướng cùng lá mắc mật có vị thơm, chua dịu, ngọt ngọt của lá. Bên cạnh đó, người ta thường chấm thịt gà với “chẩm chéo”- hỗn hợp tiết và gan gà, chanh ớt, tỏi, quả mắc khen. Chẩm chéo là loại đồ chấm đặc biệt của người dân tộc, hơi sánh và đặc. Khi ăn kèm thịt gà nướng, thực khách có thể cảm nhận được cả vị chua ngọt của lá mắc mật, vị thanh nhẹ của mắc khen và chút cay của ớt.
3. Xôi nếp Tú Lệ
Hạt gạo nếp Tú Lệ trứ danh đều, dài, căng mẩy, hạt nào hạt nấy nhìn trong veo rất ngon mắt. Cầm một nắm gạo nếp Tú Lệ trên tay, thấy nặng mà mát mượt như nhung. Thứ gạo ấy đồ lên, chẳng cần thêm nước dừa nước yến gì mà xôi vẫn cứ thơm, dẻo, ngọt từng hạt. Dẻo mềm mà không bị ướt, bị dính, người ăn càng nhai kĩ thì lại thấy bùi. Bùi mà không béo, không ngấy, ăn vào không thấy ngán, không thấy đầy đầy, ứ ứ như các loại xôi nếp thông thường khác.
Làm nên “danh tiếng” của xôi Tú Lệ còn phải nói đến hương thơm của nó. Thứ hương thơm cứ ngạt ngào như thể hương hoa ban, hoa trẩu, hoa sở… của núi rừng Tây Bắc đọng lại mà thành; dạt dào, khoáng đạt như thể hương của đồng nội, của núi rừng Tây Bắc kết tinh lại mà ra. Hương thơm ấy cứ nhẹ nhàng lan tỏa khắp không gian… ít loại xôi nếp nào có thể sánh kịp.
4. Bánh chưng đen
Bánh chưng đen là món ăn độc đáo của người Thái Mường Lò tại tỉnh Yên Bái. Thông thường, bánh chưng chỉ được làm trong dịp tết như người Kinh, nhưng nếu may mắn, bạn vẫn thấy món này trong các phiên chợ vùng cao.
Điều đặc biệt của bánh chưng đen là hình dáng của bánh và màu sắc. Người Thái gói bánh chưng hình trụ, hoặc gấp lá như bánh tẻ ở dưới xuôi. Gạo nếp nương được ngâm với lá cây núc nác để có màu đen đặc trưng. Các nguyên liệu đều được chọn lọc cẩn thận, bao gồm lá dong rừng, thịt lợn rừng hoặc lợn cắp nách. Khi ăn, bánh sẽ được cắt thành từng khoanh nhỏ hoặc ăn nguyên cả chiếc.
5. Pa pỉnh tộp (Cá suối nướng)
Nhắc tới ẩm thực người Thái không thể thiếu cá nướng Pa pỉnh tộp. Tên gọi độc đáo này nghĩa là “cá gập nướng” trong tiếng Thái. Họ thường chỉ sử dụng cá chép suối để nướng. Người nấu dùng các nguyên liệu đặc trưng trong ẩm thực Thái như quả mắc khen, gừng, tỏi, rau thơm để ướp vào thịt cá.
Cá được đặt lên than hoa nướng trực tiếp hoặc kẹp vỉ. Thịt cá suối mềm, ngọt thơm, không bị bở và khô. Hương vị của cá hòa quyện với các loại gia vị khiến cho món ăn trở nên đặc biệt, đọng lại trong tâm trí thực khách.
6. Bánh trứng kiến
Bánh trứng kiến được làm từ bột nếp, trứng kiến cùng lá non của cây vả. Linh hồn của món bánh đặc sản này chính là trứng kiến. Vào khoảng tháng 2 và tháng 3 âm lịch hàng năm, khi tiết trời sang xuân ấm áp cũng chính là thời điểm kiến rừng sinh sản rất mạnh nên đây chính là thời điểm vàng để người dân miền Tây Bắc vào rừng lấy trứng kiến về làm bánh.
Sau khi rửa sạch, trứng kiến được xào nấu với chút hành phi và một chút muối. Nếu có trứng kiến nguyên chất món ăn sẽ rất đậm vị. Tuy nhiên, do sự khan hiếm của nguyên liệu trứng kiến ngày nay người ta thường trộn thêm nhiều nguyên liệu khác như thịt lợn băm nhỏ, hành khô, vừng hay lạc rang giã nhỏ làm nhân.
Bột để làm bánh là bột nếp nương có pha thêm một tỉ lệ nhất định bột gạo tẻ làm tăng chất lượng bánh. Sau khi nhào nặn, bột nếp sẽ được dát mỏng cỡ nửa phân rồi rắc trứng kiến lên trên tiếp đó là áp lá vả lên phần nhân bánh. Sau cùng bánh được hấp cách thủy khoảng 30 – 45 phút là chín. Để có được chiếc bánh ngon đúng điệu, người dân ở đây thường chọn loại lá bánh tẻ để khi hấp lên lá vẫn giữ được vị thơm mà không bị dai quá hay chóng nát.
https://www.youtube.com/watch?v=WmXXoxQZjXE
Trang Trần (TH) | Wanderlust Tips | Cinet