7 đặc sản nhất định phải khám phá ở miền Tây Nam Bộ
- 14/05/2016
- ẨM THỰC VIỆT NAM
- ẩm thực, An Giang, bún nước lèo, du lịch, hủ tiếu, kinh nghiệm du lịch, lẩu mắm, miền Tây Nam bộ, món ngon, Việt Nam, đặc sản
(#wanderlusttips) Mảnh đất Tây Nam Bộ với phong cảnh trữ tình và người dân hiền hòa, hiếu khách luôn để lại những ấn tượng khó phai trong lòng du khách. Cùng với đó, những món đặc sản cũng là điều khiến nhiều du khách mãi nhung nhớ mảnh đất này.
[rpi]
1. Lẩu mắm – Long An
Lẩu mắm là món đặc sản nổi tiếng của đất Long An. Điều đặc biệt tạo nên sức hấp dẫn của lẩu mắm là món ăn này tổng hợp đầy đủ các loại sản phẩm từ ruộng đồng, sông ngòi, ao hồ cho tới biển cả như: Bò, heo, mực, cua, tôm, cá… cùng một lượng đa dạng, phong phú các loại rau. Thực khách có thể tìm thấy hầu hết những loại rau mọc tại miền Nam Bộ như: rau thơm, ớt đỏ, rau đắng, dưa chuột, chuối chát, khế chua, giá sống, bông điên điển, cọng súng, rau cải trời, rau muống… Và tất nhiên không thể thiếu bóng dáng của những ngọn rau dừa. Nhờ có sự hiện diện của các loại nguyên liệu từ động vật và thực vật nên lẩu mắm không chỉ đem đến cho thực khách sự ngon mắt, ngon miệng mà còn cung cấp một lượng dưỡng chất cực kì phong phú với các loại vitamin và chất sinh năng lượng…
2. Hủ tiếu Mỹ Tho – Tiền Giang
Hủ tiếu Mỹ Tho của Tiền Giang là một trong số ba thương hiệu hủ tiếu nổi tiếng nhất của miền Nam, bên cạnh hủ tiếu Sa Đéc và Nam Vang. Nếu như nhìn sơ qua thì hủ tiếu Mỹ Tho cũng giống như các món ăn cùng loại. Thành phần chính của hủ tiếu Mỹ Tho gồm có hủ tiếu, nước dùng cùng nguyên liệu ăn kèm. Tuy nhiên, phải ăn thử, thực khách mới cảm nhận được sự khác biệt của món ăn này.
Hủ tiếu Mỹ Tho có đặc điểm là cọng nhỏ, dai, khô và giòn giòn rất thơm ngon. Đây là nét đặc trưng khiến cho hủ tiếu Mỹ Tho không lẫn với các loại hủ tiếu ở bất cứ nơi nào khác. Nguyên liệu ăn kèm món này cũng rất phong phú nên thực khách có thể thoải mái chọn lựa các loại như hải sản, xương, lòng hay thịt nạc… Ngoài ra, thứ hấp dẫn thực khách nhất chính là nước dùng. Bên cạnh vị ngọt của nước hầm xương thì nước dùng món hủ tiếu này còn mang vị ngọt nhẹ của củ cải cùng cái mằn mặn của tôm khô. Tất cả hỏa quyện với nhau tạo thành một cảm giác dìu dịu nơi đầu lưỡi khi thưởng thức.
3. Cá tai tượng chiên xù – Vĩnh Long
Cá tai tượng từ lâu đã trở thành một biểu tượng của người dân xứ miệt vườn ở Vĩnh Long. Có rất nhiều cách được dùng để chế biến cá tai tượng nhưng đối với người Vĩnh Long thì chỉ có chiên cá trong chảo mỡ thật sâu và nóng già mới khiến từng thớ thịt của cá dậy lên mùi thơm nồng nàn đầy quyến rũ. Khi cá được dọn ra bàn, ấn tượng đầu tiên là cảm giác “rờn rợn” do con cá vẫn còn vẹn nguyên, vây cá và vảy cá xù lên như thể đang muốn tung tăng bơi lội. Con cá màu vàng ươm được dựng đứng một cách khéo léo trên chiếc đĩa lớn và được trang trí bằng những loại rau thơm đặc trưng của vùng sông nước.
Để thưởng thức món cá tai tượng chiên xù không thể thiếu bát nước mắm điểm thêm vị ngọt, chua, cay của nhiều loại gia vị miệt vườn như tiêu, tỏi, ớt, chanh… Nước chấm này quyết định tới 50% sự thành công của món cá tai tượng chiên xù. Cuốn một miếng cá nóng hôi hổi và đặt vào lát bánh tráng mỏng tang. Cuộn thêm vào đó những sợi bún trắng tinh, những ngọn rau quế, rau thơm và chấm vào bát nước chấm có màu hổ phách và bắt đầu thưởng thức. Thực khách sẽ cảm nhận được sự kết hợp hài hòa giữa các loại gia vị và rau thơm, nếm trải hương vị đậm đà của từng thớ thịt thơm giòn quyện cùng sự mềm mại của những sợi bún và vị tổng hợp của nước chấm… Chắc chắn, sự kết hợp này sẽ khiến cho thực khách không thể nào quên.
4. Đuông tắm mắm – Bến Tre
Đuông là một loại sâu có thân tròn, sống trong thân của cây dừa. Đuông có thể được chế biến bằng nhiều cách khách nhau như: Hấp lá chanh, chiên, nướng… Nhưng món “đuông tắm mắm” vẫn được xem là món ăn ngon và phổ biến nhất. Theo người dân Bến Tre thì ăn những con đuông còn sống sẽ giữ nguyên được hương vị thơm, ngọt, béo, thịt dai. Nếu có đủ can đảm để ăn những con đuông mập mạp, trắng nõn nà vẫn còn sống nguyên, ngọ nguậy trong chén nước mắm, thực khách sẽ tận hưởng được trọn vẹn mùi vị hấp dẫn của món “đuông tắm mắm” này.
5. Gỏi cá Cây Bàng – Kiên Giang
Do được lấy trực tiếp từ các ghe của ngư dân địa phương nên cá ở khu vực Cây Bàng còn tươi roi rói. Người ta mang cá về làm sạch, thái mỏng rồi trộn với các loại gia vị, rau mùi, hành phi, hành tây, giấm đường… để tạo ra một món ăn hấp dẫn đặc trưng của biển. Món gỏi cá ở đây ngon lành, hấp dẫn bởi cá không còn tanh mà có mùi vị đậm đà đặc biệt, kết hợp cùng với nước chấm có vị chua và ngọt.
Người ta thường ăn gỏi cá cùng với rau gói bánh tráng, bún hoặc cũng có thể chỉ dùng riêng. Nếu thích hương vị cá tươi, thực khách có thể yêu cầu chủ quán mang ra một đĩa cá đã thái mỏng cùng một chén nước cốt chanh để “tái” cá. Đây là cách tuyệt vời nhất để thưởng thức gỏi cá bởi vị ngọt của cá tươi sẽ được giữ nguyên vẹn. Nhờ nước cốt chanh, thịt cá sẽ săn lại và thực khách có thể chấm vào nước chấm, ăn kèm với bún, rau và bánh tráng.
6. Bún nước lèo – Trà Vinh
Bún nước lèo là món đặc sản nổi tiếng nhất của tỉnh Trà Vinh. Món ăn này là sự kết hợp tuyệt mỹ giữa các nguyên liệu như thịt heo quay, bò hóc cùng các loại rau sống. Vị ngọt của nước dùng trong món ăn này là vị ngọt tự nhiên từ cá tôm. Vị ngọt này làm loãng đi độ đậm đặc của mắm bò, giúp cho ngay cả cả những người kén ăn nhất, không quen mùi mắm cũng vẫn có thể thưởng thức một cách trọn vẹn.
Từng sợi bún quyện cùng rau thơm xắp nhuyễn, bông súng, rau muốn bào nhỏ, bắp chuối ngập trong nước lèo là đủ để thực khách cảm nhận vị ngon, đậm đà của món ăn. Tuy nhiên, việc thêm thịt heo quay xắt miếng vừa miệng, thịt mềm, bì giòn càng làm cho món ăn trở nên hấp dẫn hơn.
7. Các món ăn từ lá sầu đâu – An Giang
Cây sầu đâu còn được gọi là cây xoan ăn gỏi – một loại cây mọc hoang, đặc biệt xuất hiện nhiều nhất ở vùng Bảy Núi và Châu Đốc – An Giang. Lá sầu đâu mỏng, dài và nhỏ, lúc còn non có màu tim tím.
Lá sầu đâu có thể chế biến thành rất nhiều món ăn nhưng phổ biến nhất là sầu đâu chấm thịt kho, cá kho hay ăn kèm với mắm chưng, mắm thái. Vị đăng đắng, ngọt hậu của lá sâu hòa hợp cùng với vị mặn nồng của mắm sẽ tạo cho vị giác của thực khách một cảm giác lâng lâng khó tả, càng ăn càng thấy khoái khẩu.
Đặc biệt, nổi tiếng nhất tại An Giang từ xưa tới nay vẫn là món gỏi sầu đâu. Từ gỏi khô, gỏi cá, gỏi thịt hay gỏi cá… thứ nào cũng tuyệt hảo. Vị đắng dìu dịu của sầu đâu quyện với vị ngọt, mặn, dai dai của cá tạo thành một mùi vị đặc trưng, lạ miệng hoàn toàn khác so với bất cứ loại gỏi nào sẽ khiến cho khẩu vị của thực khách trải qua những giây phút thăng hoa tột đỉnh.
Timeout | Wanderlust Tips | Cinet