8 điểm tham quan không thể bỏ qua tại TPHCM vào buổi chiều

Trong một ngày rong ruổi khám phá những điểm đến thú vị ở TPHCM, buổi chiều bạn nên đi đâu, làm gì để có những trải nghiệm mới lạ? Dưới đây là những gợi ý chi tiết từ Wanderlust Tips, để bạn có được hành trình du lịch TP HCM thật hoàn hảo.

[rpi]

Chợ Bến Thành – Công trình kiến trúc biểu tượng của Sài Gòn

wanderlust-tips-8-diem-tham-quan-khong-the-bo-qua-tai-tphcm-vao-buoi-chieu5

Chợ nằm ở Quận 1, tiếp giáp với 4 trục đường  Lê Lợi – Phan Bội Châu– Lê Thánh Tôn -Phan Chu Trinh. Ban đầu, chợ được khởi dựng bằng gạch, khung gỗ, mái lợp tranh, nằm cạnh bến sông Bến Thành, gần thành Gia Định (nay là TP HCM) nên có tên gọi là Bến Thành. Trải qua các lần trùng tu và xây mới, tới nay chợ Bến Thành đã có lịch sử hơn 100 tuổi, chứng kiến bao sự thay đổi thăng trầm của thành phố và cả đất nước.

Top tips: Hiện nay khu chợ có khoảng 1.500 quầy hàng. Khu vực phía nam bán các mặt hàng vải vóc, thực phẩm khô. Khu vực phía bắc bán hoa tươi, trái cây, thực phẩm… Khu vực phía đông bán các loại mỹ phẩm, bánh kẹo.Còn khu vực phía tây bán giày dép, đồ mỹ nghệ, lưu niệm. Dọc theo hành lang bao quanh chợ còn có những gian hàng bán đủ các mặt hàng tiêu dùng phục vụ khách du lịch.

Must see: Công viên 23 tháng 9 (nằm giữa đường Lê Lai và Phạm Ngũ Lão, Quận 1).

 ♦ Ẩm thực: Bánh bèo thập cẩm (cửa Tây và cửa Đông chợ), sạp chè 40 năm tuổi (cổng số 7), Quán bột chiên, Quán bún mắm, Quán bún riêu (đều nằm đối diện cửa Đông chợ)…

Công trường công xã Paris – Một thoáng Paris giữa lòng Sài Gòn

wanderlust-tips-8-diem-tham-quan-khong-the-bo-qua-tai-tphcm-vao-buoi-chieu4

Đây là một quảng trường nhỏ nằm ở trung tâm TP HCM, nối giữa đường Đồng Khởi và đường Lê Duẩn.Tại đây có hai công trình kiến trúc nổi tiếng của thành phố.Nhà thờ Đức Bà mang phong cách kiến trúc pha trộn Roman – Gothic của châu Âu vào thế kỷ 12, mô phỏng hình ảnh nhà thờ Ðức Bà ở Paris (Pháp). Toàn bộ vật liệu xây dựng, trang trí nhà thờ đều được mang từ Pháp sang. Trong khi đó,Bưu điện Trung tâm thành phố lại mang đặc trưng của phong cách kiến trúc châu Âu kết hợp với châu Á. Mặt tiền của bưu điện được trang trí những bảng tên một số danh nhân Pháp. Trên vòng cung ngôi nhà có chiếc đồng hồ lớn. Bước chân vào phía trên trong, trên hai bên tường cao là hai bản đồ lịch sử của Sài Gòn và hơn 35 quầy phục vụ khách hàng.

Must see: Nhà thờ Tân Định (289 Hai Bà Trưng) với màu hồng ấn tượng; Công viên Lê Văn Tám (đường Võ Thị Sáu) được xem là nghĩa trang của người giàu Sài Gòn xưa.

Ẩm thực: Noir. Dining in the Dark Saigon (178 Hai Bà Trưng), Nhà hàng Ngon (160 Pasteur), Pizza 4P’s (8/15, Lê Thánh Tôn), Hẻm ăn vặt 177 Lý Tự Trọng…

Bến Nhà Rồng  – Nơi lãnh tụ Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước

wanderlust-tips-8-diem-tham-quan-khong-the-bo-qua-tai-tphcm-vao-buoi-chieu3

Bến Nhà Rồng hay Bảo tàng Hồ Chí Minh nằm bên ngã ba sông Sài Gòn, đầu đường Nguyễn Tất Thành. Nơi đây ngày 5/6/1911, ngưởi thanh niên Nguyễn Tất Thành mà sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xuống tàu “Ðô đốc Latouche Tréville” ra đi tìm đường cứu nước. Ngày nay, du khách tới bảo tàng sẽ có dịp được tham quanvà tìm hiểu nhiều hình ảnh và hiện vật về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch. Bên cạnh đó, nơi đây cũng thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động như biểu diễn nghệ thuật, nghe kể chuyện truyền thống, tổ chức lễ kết nạp Ðảng, kết nạp Ðoàn viên…

Top tips: Địa chỉ Số 1 Nguyễn Tất Thành, Quận 1. Giờ mở cửa 7h30-11h và 1h30-5h từ thứ ba đến chủ nhật hàng tuần, thứ hai đóng cửa.

Must see: Hầm Thủ Thiêm là đường hầm vượt sông Sài Gòn với thiết kế hiện đại bậc nhất Đông Nam Á.

Ẩm thực: Nhà hàng Biển Nhớ, Elisa Restaurant (5 Nguyễn Tất Thành), Things Café, Quán Cà Phê Mockingbird (14 Tôn Thất Đạm)…

Bảo tàng chứng tích chiến tranh – Một trong những bảo tàng đẹp nhất thế giới

wanderlust-tips-8-diem-tham-quan-khong-the-bo-qua-tai-tphcm-vao-buoi-chieu1

Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh là bảo tàng chuyên đề nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ, bảo quản và trưng bày những tư liệu, hình ảnh, hiện vật về những chứng tích tội ác và hậu quả của các cuộc chiến tranh mà các thế lực xâm lược đã gây ra đối với Việt Nam. Qua đó, bảo tàng giáo dục công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, về tinh thần đấu tranh bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc, về ý thức chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ hòa bình và tinh thần đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới. Vào năm 2016, bảo tàng đã vinh dự được trang web du lịch uy tín TripAdvisor bình chọn là một trong 25 bảo tàng đẹp nhất thế giới.

Top tips: Địa chỉ: Số 28 đường Võ Văn Tần, Quận3. Giờ mở cửa: 7h30-12h và 13h30-17h hàng ngày. Giá vé: 15.000VND/người đối với khách nước ngoài và 2.000VND/người đối với khách Việt Nam.

Ẩm thực: Highlands Coffee nằm ngay trong khuôn viên bảo tàng, Hum Vegetarian Cafe & Restaurant (32 Võ Văn Tần), Marina Saigon (172 Nguyễn Đình Chiểu), Quán cơm gà Thượng Hải (21 Võ Văn Tần)…

Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM – Ngôi nhà 99 cửa của đại gia Sài Gòn xưa

wanderlust-tips-8-diem-tham-quan-khong-the-bo-qua-tai-tphcm-vao-buoi-chieu2

Nằm ngay ở khu vực trung tâm thành phố, tòa nhà Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM (97 Phó Đức Chính, quận 1) mang đầy vẻ cổ kính nằm nép mình dưới những tán cổ thụ. Căn nhà đồ sộ với kiến trúc kết hợp hài hòa giữa hai trường phái mỹ thuật châu Á và châu Âu. Trước đây nơi này vốn thuộc về gia đình ông Hứa Bổn Hòa (dân gian hay gọi là Chú Hỏa), một trong tứ đại gia Sài Gòn cuối thế kỷ 19.Cùng với lời truyền miệng của nhiều thế hệ người Sài Gòn, tòa nhà này được nhuốm màu vô số giai thoại kỳ bí xung quanh nó.Năm 1987, tòa nhà được UBND TP. Hồ Chí Minh cải tạo thành bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.Trong số các bức tranh trưng bày tại đây, có bức sơn mài khổ lớn Vườn xuân Bắc Trung Nam của danh họa Nguyễn Gia Trí được coi là báu vật quốc gia.

Top tips: Giờ mở cửa 9h-17h hàng ngày. Giá vé tham quan 10.000VND//người lớn và 3.000VND/trẻ em.

Must see: Tòa nhà Bitexco Financial (36 Hồ Tùng Mậu, Quận 1) là tòa nhà cao nhất TP HCM.

Ẩm thực: L’Usine Le Loi Breakfast (70A-70B-68 Lê Lợi), La Fiesta (33 Đặng Thị Nhu), Café-Restaurant Ho Chi Minh City (171 Calmette), Chè Mỹ 2 (119 Nguyễn Thái Học)…

Khu người Hoa Quận 5 – Trung tâm buôn bán sầm uất bậc nhất

wanderlust-tips-8-diem-tham-quan-khong-the-bo-qua-tai-tphcm-vao-buoi-chieu7

Ở TP HCM, người Hoa sinh sống tập trung đông ở khu vực quận 5, cũng chính vì vậy mà người Hoa đã xây dựng nên những con phố với kiến trúc mang nét đặc trưng văn hóa của mình.

Trung tâm sinh hoạt và mua bán của người Hoa là khu vực Chợ Lớnbao gồm các ngôi chợ nổi tiếng kinh doanh nhiều mặt hàng khác nhau như: chợ Bình Tây (chuyên bán: hải sản khô, nấm, mứt, bánh kẹo, quần áo, giầy dép, túi xách da…), chợ Soái Kình Lâm (chuyên kinh doanh các loại vải), chợ Kim Biên (chuyên bán buôn số lượng lớn)… Các khu phố xung quanh đó như Hải Thượng Lãng Ông, Châu Văn Liêm, Hậu Giang, Lâm Tấn Kế… cũng tập nập không kém với những cửa hàng kinh doanh tràn ngập ra hai bên đường,mỗi con phố buôn bán một mặt hàng đặc trưng quen thuộc.

Must see: Chùa Bà Thiên Hậu (710 Nguyễn Trãi) là ngôi chùa cổ nhất mà người Hoa đã gây dựng ở Chợ Lớn xưa.

Ẩm thực: Rất nhiều món ăn phong phú đậm chất Trung Hoa như: hủ tiếu và bánh bột nếp lăn mè đường (đường Cao Văn Lầu), chè Tàu (khu cư xá Đồng Khánh), vịt quay, heo quay, mì vịt tiềm, gà ác tiềm thuốc bắc, há cảo, sủi cảo…

Chùa Vĩnh Nghiêm – Công trình tiêu biểu cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam thế kỷ 20

wanderlust-tips-8-diem-tham-quan-khong-the-bo-qua-tai-tphcm-vao-buoi-chieu6

Nằm ở địa chỉ 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, chùa Vĩnh Nghiêm mang đậm phong cách kiến trúc của ngôi chùa cùng tên ở làng Đức La, tổng Trí Yên, phủ Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang (nay là thôn Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang). Kiến trúc chùa hình chữ công, gồm cổng tam quan mái ngói đỏ uốn cong và tòa nhà trung tâm.Từ đây, có ba cầu thang rộng dẫn lên sân thượng và Phật điện.Phật điện có kiến trúc kiểu chùa cổ miền Bắc với các góc mái uốn cong chồng diêm 2 lớp. Chính giữa nóc Phật điện gắn bánh xe pháp luân, các góc gắn hình đầu phượng.

Nằm bên trái tòa nhà trung tâm chùa Vĩnh Nghiêm là tháp Quán Thế Âm – một trong những ngôi tháp đồ sộ bậc nhất của Phật giáo Việt Nam, cao 35m. Trong khuôn viên chùa còn có tháp đá Vĩnh Nghiêm cao 14m, làm từ 80m³ đá Thanh Hóa và được chạm khắc theo mô hình tháp Bút (Hà Nội). Đây là tòa tháp đá lớn nhất, cao nhất Việt Nam (tính đến năm 2013).

Ẩm thực: Nhà Hàng Ngọc Sương Bến Thuyền (11 Cầu Công Lý), Nhà Hàng Chay Diệu Pháp (303, Nam Kỳ Khởi Nghĩa), Effoc Coffee (8 Nguyễn Văn Trỗi)…

Thảo Cầm Viên – Nơi bảo tồn nhiều loài động, thực vật nhất Việt Nam

wanderlust-tips-8-diem-tham-quan-khong-the-bo-qua-tai-tphcm-vao-buoi-chieu8

Thảo Cầm Viên (5, 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bến Nghé) là một trong những công trình mang lâu đời nhất TP HCM.Thảo Cầm Viên nguyên là vườn Bách Thảo do Pháp xây dựng vào năm 1864 để làm nơi bảo tồn động vật và ươm cây. Năm 1956, vườn Bách Thảo được xây dựng lại và đổi tên thành Thảo Cầm Viên. Từ năm 1984 đến 1989, Thảo Cầm Viên tiếp tục được cải tạo với quy mô lớn, đặc biệt là việc xây dựng chuồng trại phù hợp với từng loài thú. Theo số liệu thống kê, hiện nay Thảo Cầm Viên có hơn 590 đầu thú thuộc 125 loài, 1.800 cây gỗ thuộc 260 loài, 23 loài lan nội địa, 33 loài xương rồng, 34 loại bonsai và 20ha thảm cỏ xanh. Ngoài khu vườn thú, khu trồng cây cảnh và sưu tầm phong lan, Thảo Cầm Viên còn có khu vui chơi, giải trí dành cho trẻ em.

Top tips: Thảo Cầm Viên mở cửa hàng ngày từ 7h tới 18h30. Giá vé 50.000VND/người lớn trên 1m3, 30.000VND/trẻ em 1m-1m3 và miễn phí đối với trẻ em dưới 1m.

Ẩm thực: Ocean Palace (2 Lê Duẩn), Bloom Saigon Restaurant (3/5 Hoàng Sa), Cơm tấm bụi Sài Gòn (100 Thạch Thị Thanh), Kem nhãn số 2 Trương Hán Siêu…

Vân Ly | Wanderlust Tips | Cinet