Tìm hiểu văn hóa Ấn Độ qua 3 tập truyện ngắn thú vị
- 24/08/2018
- VĂN HÓA - LỄ HỘI
- Ấn Độ, Boats On Land, Editor picks, Mohanaswamy, nữ nhà văn, tập truyện ngắn, The woman who thought she was aplanet, văn hóa Ấn Độ, văn hóa dân gian, đồng tính luyến ái
Như nhà văn Neil Gaiman đã từng nói “Truyện ngắn là những cửa sổ nhỏ bé đưa bạn vào thế giới khác với những dòng suy nghĩ khác và những giấc mơ khác”. Với dân số 1,2 tỷ người và 29 tiểu bang nằm rải rác khắp đất nước, sự đa dạng văn hóa của Ấn Độ có thể được hiểu qua 3 bộ truyện ngắn của các tác giả đương thời tại đây.
[rpi]
1. MOHANASWAMY (2013)
Bộ truyện ngắn của nhà văn Vasudhendra có nội dung xoay quanh Mohanaswamy, một anh chàng đang cố đấu tranh để được xã hội công nhận tình yêu đồng tính luyến ái. Đây là một ví dụ tiên phong trong văn học nói về chủ đề nhạy cảm này ở Ấn Độ. Thật trùng hợp, ngày phát hành cuốn sách trùng với ngày Tòa án tối cao đưa ra quyết định duy trì Mục 377 của Bộ luật hình sự của Ấn Độ về tội đồng tính luyến ái.
Trong truyện ngắn, Mohanaswamy phải chứng kiến Karthik, người yêu của mình cưới một người phụ nữ khác. Sau cú sốc đó, anh mới có thời gian để xem xét lại bản thân, sự lựa chọn của anh, những người bạn của anh và những người anh đã từng yêu. Từ đó, anh ước mơ được sống một cuộc sống giản dị, một cuộc sống cho phép anh quên đi những đau khổ và sợ hãi của cái tuổi niên thiếu bồng bột của mình.
Những câu chuyện về tình yêu đồng giới và cuộc sống đầy tủi nhục của các nhân vật đã khiến tập truyện ngắn của nhà văn Vasudhendra thoát ra khỏi cái dòng chảy cũ kĩ của văn học Ấn Độ. Qua đó, tác giả muốn nói đến một nền tảng văn hóa của vùng đất này, nơi những bộ luật đưa ra đều hướng về mục đích bảo tồn những giá trị văn hóa cổ xưa.
2. THE WOMAN WHO THOUGHT SHE WAS A PLANET AND OTHER STORIES (2008)
Tên tập truyện tạm dịch là: Người phụ nữ nghĩ rằng cô ấy từng là một hành tinh và các câu chuyện khác. Tác giả của cuốn sách này là Vandana Singh, một giáo sư vật lý và khoa học tại Đại học bang Framingham, Massachsetts. Những câu chuyện trong cuốn sách này đều nói về Ấn Độ thời đương đại và các yếu tố khoa học viễn tưởng.
“Khát nước” – một câu chuyện ấn tượng nhất trong cuốn sách kể về một người phụ nữ biến thành một con rắn tại Lễ hội Naag Panchami. Đây cũng được coi là lễ hội tôn thờ loài rắn kinh dị nhất của người Ấn Độ. Trong lễ hội bạn sẽ được tận mắt nhìn thấy và tiếp xúc với số lượng rắn nhiều nhất của vùng đất thiêng này. Mọi người sẽ mang theo những con rắn đi diễu hành quanh lễ hội. Xung quanh là đám đông tín đồ và tiếng trống, tiếng nhạc inh ỏi.
Vandana Singh có lẽ là nhà văn nữ theo trường phái viễn tưởng đầu tiên của Ấn Độ. Cô cho rằng cô tìm thấy chính mình trong thể loại sáng tác văn học này. Qua tập truyện, nhà văn đã khơi dậy đam mê khám phá, tìm hiểu văn hóa bản địa của người Ấn Độ trong một bộ phận giới trẻ ngày nay.
3. BOATS ON LAND (2012)
Tập truyện đầu tay của nhà văn Janice Pariat bao gồm 15 câu chuyện đi theo tuyến mạch thời gian nhất định từ năm 1850 đến nay và cung cấp một cái nhìn mới về thế giới, đặc biệt là vùng Đông Bắc ít được biết đến của Ấn Độ. Hầu hết các câu chuyện đều đặt trong bối cảnh bang Meghlaya, miền Đông Bắc Ấn Độ và cộng đồng người Khasi.
Với sự sáng tác tài tình, những câu chuyện của Pariat mang đến luôn có sự kết hợp khéo léo các yếu tố văn hóa dân gian và phép thuật lồng ghép vào những khung cảnh sinh hoạt cuộc sống thường ngày của người dân nơi đây. Đó là những câu chuyện về lịch sử, xã hội học, địa điểm và con người. Nữ nhà văn Pariat chia sẻ: “Người dân nơi đây luôn nhìn nhận sự việc theo chiều sâu suy luận, họ không ngừng đi tìm lời giải đáp cho các câu hỏi như núi tại sao lại được hình thành, tại sao con gà lại gáy vào buổi sáng, và từ đó, tôi đã có cảm hứng để viết những câu chuyện mang tính dân gian đan xen vào hiện thực đời sống của người dân ở Shillong, Assam và Cherrapunji vào trong tập truyện Boats On Land.”
Wanderlust Tips | Cinet