Người canh giữ cuối cùng của ngọn hải đăng Punta Carena
- 15/10/2018
- ĐỐI THOẠI
- biển Tyrrhenian, D'Oriano, Editor picks, hòn đảo Capri, ngọn hải đăng, người canh gác, nước Ý, Punta Carena, tàu thuyền, thủy thủ
Punta Carena, là ngọn hải đăng nằm trên đảo Capri nước Ý đã được quản lý bởi 88 người canh giữ liên tục trong suốt 151 năm qua. Tuy nhiên, người canh giữ cuối cùng của ngọn hải đăng này đang chuẩn bị rời khỏi vị trí mà ông gắn bó trong nhiều năm qua.
[rpi]
Nằm trên đỉnh một ngọn núi đá vôi, Punta Carena tạo nên một hình ảnh ấn tượng của hòn đảo này. Ống kính quang học xoay của nó mạnh thứ hai ở Ý, các chùm tia chớp chiếu dài 25 hải lý. Các cơ sở và cầu thang xoắn ốc được xây dựng bằng đá nham thạch từ núi lửa Vesuvius, tháp được sơn màu đỏ Pompeian. Tất cả tạo nên một điểm sáng giữa khung cảnh đất trời xanh biếc một màu bao la.
Vào mỗi buổi tối, ở ngọn hải đăng Punta Carena phía Tây Nam của hòn đảo Capri này, một người canh gác 64 tuổi tên là Carlo D’Oriano vẫn hàng ngày leo lên 136 bậc cầu thang xoắn ốc đến ngọn tháp cô đơn của ngọn hải đăng để thắp sáng ngọn đèn trên đại dương. Khi mặt trời chìm xuống biển Tyrrhenian, như một thói quen, ông ghi lại những dòng nhật kí, công việc mà những người canh gác hòn đảo đã từng làm trong suốt 151 năm qua.
Được xây dựng vào năm 1867, Punta Carena là ngọn hải đăng quan trọng nhất của nước Ý, và là một trong những ngọn hải đăng cuối cùng còn sót lại trên thế giới vẫn đang được sử dụng và có người canh gác toàn thời gian. Nhưng sau khi được quản lý bởi 88 người canh gác liên tục trước ngày thống nhất nước Ý vào năm 1871, D’Oriano là người giám hộ cuối cùng và tháng 10 này cũng là tháng cuối cùng ông thi hành nhiệm vụ của mình.
Năm 2017, D’Oriano nhận được thông báo từ Bộ Quốc phòng Ý rằng Punta Carena cũng giống như 181 trong tổng số 199 ngọn hải đăng trên toàn đất nước Ý được thiết lập hoàn toàn tự động bắt đầu vào ngày 1/1/2019. Khi đó, ông D’Oriano sẽ dừng làm công việc canh gác ở đây sau 13 năm gắn bó.
“Bạn hãy nghĩ xem, đã bao nhiêu người canh gác giống tôi, sống và gắn bó với ngọn hải đăng này, luôn canh giữ và bảo vệ cho luồng ánh sáng soi đường. Đối với tôi, công việc này thực sự đẹp nhưng nó đang dần bị mai một đi“.
Miễn là có tàu thì phải cần tới ánh sáng. Hàng ngàn năm trước, người ta thắp lửa trại trên đỉnh vách đá để hướng dẫn những thủy thủ cập cảng an toàn. Nhưng khi các công cụ điều hướng hàng hải và tự động hóa vệ tinh đã phổ biến hơn thì ngoại trừ những tình nguyện viên theo mùa, còn lại hầu như không có bất kỳ người giữ ngọn hải đăng nào còn sót lại trên hành tinh này.
Ông D’Oriano gia nhập hải quân vào năm 1975 và đã đóng quân trên bờ biển của nước Ý trong suốt 30 năm. Sau đó, vào năm 2005, một chỉ huy hải quân đã nói với ông rằng có một vị trí còn thiếu ở ngọn hải đăng Punta Carena, với kinh nghiệm và kỹ thuật hải lý của ông thì đây thực sự là công việc phù hợp.
“Tôi không biết điều gì sẽ chờ đón mình trong ngày đầu tiên làm việc ở ngọn hải đăng. Nhưng tôi đã yêu nó ngay từ cái nhìn đầu tiên và tôi nghĩ mình thực sự may mắn. Những ngày đầu đến đây, tôi được làm việc với người canh gác đã lớn tuổi. Tôi và ông ấy thường xuyên thay nhau lên thắp sáng ngọn đèn, dùng chung bếp, phòng tắm nhỏ xíu, chơi bài với nhau khi những tia sáng lặng lẽ lóe qua đêm. Đến năm 2009, người canh gác già đã nghỉ hưu, để lại tôi một mình trên ngọn hải đăng và vượt qua mọi khó khăn trong cô độc“.
Khi mới tiếp nhận công việc, thời gian ngủ của ông D’Oriano rất hiếm hỏi bởi những cơn bão thường xuyên đưa sóng dâng cao 25m đập vào cửa sổ phòng ngủ của ông, kèm theo đó là gió khiến ngọn hải đăng cứ rung lên. “Lúc đầu, tôi nghĩ những chấn động này chỉ là trận động đất nhỏ. Nhưng khi lật lại cuốn nhật ký của những người canh gác cũ để lại, tôi mới thấy rằng đó là những lúc biển giận dữ và khi đấy biển sẽ đẹp hơn nhiều khi nó yên bình.”
Mỗi mùa thu, thực phẩm chính của ông là những con cá ngoài khơi. Mùa hè là nấm hoang dã và măng tây trong rừng thông gần đó. Mùa xuân là cà chua, húng quế, đậu và bất cứ thứ gì hải âu không ăn đến trong một khu vườn nhỏ bên cửa trước cửa ngọn hải đăng.
Trong chín năm kể từ khi những người canh giữ cũ của ngọn hải đăng rời đi, D’Oriano hàng ngày vẫn leo lên ngọn tháp 2 lần kể cả khi đầu gối của ông bị đau phải trống nạng, để dõi theo bờ biển và ánh đèn. “Sự hiện diện của tàu thuyền, của con người mang đến cảm giác an toàn và thoải mái cho tôi, bởi cô đơn đã lâu khiến tôi cảm thấy bất cứ ai đi qua ngọn hải đăng này đều là người thân và công việc của mình là soi đèn để giúp họ bình an cập cảng.“
“Trái tim tôi đang ở Punta Carena và khi tôi không còn làm công việc canh giữ ánh sáng này nữa, tôi nghĩ một phần trong tôi cũng sẽ tắt.“
Wanderlust Tips | Cinet