Rừng trong văn hóa Tây Nguyên

Đối với mỗi người con Tây Nguyên, rừng không đơn giản chỉ là vật chất, là môi trường sống mà rừng trong văn hóa Tây Nguyên chính là tâm linh, là cội nguồn.

[rpi]

Khi nhắc đến Tây Nguyên người ta thường nghĩ ngay đến cồng chiêng, đến múa xoang, nhà rông, các lễ hội,… Nhiều hơn chút nữa là những bản trường ca của Đam San, Khinh Dú hay Đam Noi… Tất cả đều là những biểu hiện độc đáo của văn hóa Tây Nguyên.

Vậy mà người ta lại rất ít khi nhắc đến một yếu tố khác, yếu tố quan trọng hàng đầu, yếu tố làm nên tất cả những thứ ấy. Đó là rừng – rừng trong đời sống xã hội và con người, rừng trong văn hóa Tây Nguyên. Nếu không hiểu rừng thì rất khó để hiểu hết về đất và người Tây Nguyên. Và nếu không hiểu được đất và người Tây Nguyên thì làm sao hiểu được rừng.

Tạp chí Wanderlust Tips Rừng trong văn hóa Tây Nguyên

Tạp chí Wanderlust Tips Rừng trong văn hóa Tây Nguyên

Trong văn hóa Tây Nguyên cổ truyền, làng là đơn vị cơ bản. Mà làng từ đâu ra? Làng từ rừng mà ra. Mối quan hệ cơ bản của sự tồn tại ở đây là vậy, một bên là rừng – tượng trưng cho thiên nhiên, bên kia là làng – tượng trưng cho văn hóa và con người ở giữa. Ngay trong làng vẫn có rừng. Đất lập làng từ rừng mà ra. Mọi thứ trong làng, trong nhà dù là cột nhà, sàn và vách nhà, mái nhà hay hạt lúa và cây rau để ăn, cây đàn để tình tự…  cũng đều từ rừng mà ra.

Tạp chí Wanderlust Tips Rừng trong văn hóa Tây Nguyên

Khi làng rời đi nơi khác thì mảnh đất ấy trở thành khu đất trung gian giữa làng và rừng. Rừng sẽ nhanh chóng chiếm lại những gì con người vừa buông tay. Làng sẽ trở lại thành rừng, con người trả lại đất đã thuần hóa thành làng cho rừng, trả lại văn hóa cho tự nhiên.

Đối với cái chết, người Tây Nguyên cũng có một thái độ đặc biệt liên quan đến rừng. Sau một thời gian chôn cất người chết, họ sẽ không chăm nom gì nữa. Trả con người ấy về lại cho rừng, để rừng chiếm lấy cái phần tự nhiên hoang dại đã thành người, thành văn hóa ấy. Rừng là sự vĩnh hằng, là cõi vô cùng, là nơi từ đó con người đi ra và cũng từ đó con người lại biến mất, biệt vô tăm tích. Rừng trong văn hóa Tây Nguyên là bản nguyên, là cội nguồn.

Cuộc khai phá làm kinh tế đã đem lại cho Tây Nguyên một diện mạo khác với nhiều đồn điền, nông trại. Và cũng từ đó, diện tích rừng bị thu hẹp.

Tạp chí Wanderlust Tips Rừng trong văn hóa Tây Nguyên

Rừng vỡ ra từng mảng, văn hóa, bao gồm cuộc sống, cách làm ăn, tập tục cũng vỡ theo. Một khi không còn rừng, văn hóa của những tộc người Tây Nguyên sẽ mai một dần. Rừng còn, không gian văn hoá Tây Nguyên sẽ tồn tại và phát triển. Rừng mất, nền văn minh thảo mộc ngàn đời của họ sẽ nhạt nhoà, tàn lụi trước sự lấn lướt của cái mới.

Văn hóa Tây Nguyên là văn hóa của rừng, nơi con người vẫn được thiên nhiên cưu mang che chở ngàn đời đã phát sáng. Chỉ mong rằng cuộc sống đừng tước niềm tin linh thiêng trong mối quan hệ giữa con người và vạn vật hữu linh xung quanh.

Wanderlust Tips | Cinet