Bí ẩn nền văn minh lớn nhất trong thế giới cổ đại – Harappa
- 05/05/2019
- E.MAGAZINE, VĂN HÓA - LỄ HỘI
- Editor picks, Harappa, thế giới cổ đại, văn minh cổ đại, văn minh Harappa, văn minh thung lũng sông Ấn
[Wanderlust Tips 3/2019] Cách đây hàng ngàn năm trở về trước, lịch sử cổ đại đã ghi nhận sự tồn tại và phát triển rực rỡ của một nền văn minh ở khu vực thung lũng sông Ấn, ngày nay là Pakistan và miền Tây của Ấn Độ. Nền văn minh thung lũng sông Ấn, tên gọi khác là văn minh Harappa, là một trong những nền văn minh lớn nhất trong thế giới cổ đại, cùng với văn minh Ai Cập và văn minh Lưỡng Hà. Harappa cũng được xem là nền văn hóa đô thị sớm nhất của cả tiểu lục địa Ấn Độ
[rpi]
SỰ XUẤT HIỆN CỦA HARAPPA
Tên gọi Harappa xuất phát từ địa danh đầu tiên phát hiện được di tích của nền văn minh cổ đại này. Kể từ khi được phát hiện vào năm 1800, đến năm 1842, lần đầu tiên trong cuốn “Narrative of Various Journeys in Balochistan, Afghanistan and the Panjab” (Ghi lại những hành trình khác nhau ở Balochistan, Afghanistan và Panjab), Charles Masson đã miêu tả thành phố Harappa như là “một pháo đài xây bằng gạch nung từ đất sét đã bị phá hủy”.
Những năm sau đó, đã có một vài cuộc tìm hiểu nhỏ lẻ được thực hiện, nhưng phải đến năm 1920 việc tiến hành khai quật mới được bắt đầu một cách nghiêm túc tại Harappa, và sau đó là các thành phố khác như Mohenjo Daro, Kot Diji, Lothal hay Kalibangan. Từ đó, người ta khám phá ra một nền văn minh cổ đại, trải dài trên hầu khắp lãnh thổ Pakistan ngày nay cũng như một phần của Ấn Độ và Afghanistan trên một diện tích khoảng 1.250.000km², lớn hơn cả diện tích của Ai Cập cổ đại và văn minh Lưỡng Hà cộng lại.
Các nhà khoa học đến từ Viện Công nghệ Ấn Độ Kharagpur và Cơ quan Khảo sát khảo cổ Ấn Độ đã công bố nghiên cứu trên tạp chí Nature (số ra ngày 25/5/2016) rằng nền văn minh Harappa đã có ít nhất 8.000 năm tuổi chứ không phải là 5.500 tuổi như những nghiên cứu trước đó. Nếu như vậy thì văn minh Harappa còn ra đời và tồn tại lâu đời hơn cả nền văn minh Ai Cập và Lưỡng Hà cổ đại.
Mặc dù là một nền văn minh lâu đời và phát triển rực rỡ, tuy nhiên, Harappa lại ít được biết đến nhất trong tất cả các nền văn minh, bởi cho đến ngày nay người ta vẫn chưa thể giải mã được chữ viết của văn minh Harappa dù đã tìm thấy được dấu vết của các ký tự, con chữ trên rất nhiều mảnh gốm vỡ, các con dấu hay bùa hộ mệnh.
VÉN MÀN QUÁ KHỨ
Nhiều tài liệu nghiên cứu đã chỉ ra rằng, vào thời kỳ phát triển rực rỡ nhất, nền văn minh Harappa có dân số lên đến 5 triệu dân cư. Hai trung tâm đô thị lớn nhất là Harappa và Mohenjo Daro, cùng với các thành phố tồn tại trong nền văn minh này như Kot Diji hay Lothal đều có kiến trúc đồng nhất, được xây dựng tương tự như một bàn cờ, chứng minh sự hiểu biết tiến bộ và hiện đại trong quy hoạch đô thị và môi trường.
Giai đoạn 2800-2600 TCN có thể coi là thời kỳ phát triển đỉnh cao của văn minh đô thị. Các thành phố có nhiều giếng nước và hệ thống thống thoát nước tinh vi. Tất cả nhà dân được xây từ gạch đất sét nung có cùng tiêu chuẩn về kích thước, được trang bị nhà vệ sinh, nhà tắm và nước thải cống rãnh đổ ra hệ thống thoát nước chung đến nơi lắng đọng bùn màu mỡ để sử dụng cho mục đích nông nghiệp.
Cùng với sự phát triển của đô thị, nền kinh tế Harappa lúc bấy giờ khá đa dạng và dựa trên cơ sở tiến bộ trong kỹ thuật vận tải như xe bò kéo hay các loại tàu buồm lớn nhỏ. Những bằng chứng khảo cổ đã cho thấy, người dân của nền văn minh thung lũng sông Ấn đã có sự tiếp xúc, trao đổi hàng hóa thường xuyên với người Sumer bằng cả đường bộ (qua Iran ngày nay) và cả đường biển (qua Bahrain ngày nay). Bằng chứng là trong ngôi mộ của nữ hoàng Puabi sống khoảng 2.500 năm trước công nguyên tại khu vực Lưỡng Hà đã có trang sức làm bằng carnelian từ lưu vực sông Ấn.
Về nông nghiệp, rất khó có thể nhận đinh được kỹ thuật nông nghiệp của người dân thời kỳ này vì những phát hiện về khảo cổ còn quá mỏng, thậm chí những dấu tích về đập nước hay kênh tưới đều không được tìm thấy. Tuy nhiên, với một số lượng dân cư lớn như thế, chắc hẳn nền nông nghiệp của văn minh Harappa phải có sản lượng rất cao mới có thể nuôi sống được hàng ngàn người.
Kể từ khi phát hiện ra Harappa, các nhà khảo cổ cũng đã cố gắng để xác định những tầng lớp cai trị của các thành phố trong nền văn minh lâu đời này. Tuy nhiên, khác với xã hội các đô thị khác, tầng lớp cai trị ở đây dường như kiểm soát thông qua thương mại và tôn giáo thay vì sức mạnh quân sự bởi hầu như không có tượng đài được xây dựng để tôn vinh, cũng như không có những bức họa thể hiện chiến tranh hay sự chinh phục những miền đất mới.
Không giống như nền văn minh Lưỡng Hà hay Ai Cập, ở vùng đất này không có dấu vết của những tòa nhà lớn mang dáng dấp tôn giáo như đền, chùa hay nơi thờ phụng. Có thể nói rằng, con người ở thời kỳ văn minh Harappa mới chỉ dừng lại ở góc độ tín ngưỡng chứ chưa có khái niệm về tôn giáo, và tín ngưỡng của họ cũng mới chỉ ở mức độ sơ khai. Một số nhà sử học cho rằng tín ngưỡng của người dân Harappa chính là tiền thân của Hindu giáo sau này. Bằng chứng là các con dấu được tìm thấy trong nền văn minh này được khắc các hình mẫu giống như những nhân vật trong Hindu giáo. Chẳng hạn, con dấu với các họa tiết lặp đi lặp lại về một người đàn ông ngồi trong tư thế yoga, xung quanh là các loài động vật, trông giống như thần Shiva của đạo Hindu.
Chữ viết của người Harappa gồm các chuỗi ngắn và sử dụng khoảng 400 dấu hiệu hình ảnh. Các nhà khảo cổ học cho rằng những biểu tượng và ký tự này được sử dụng trong khoảng từ 2600-2000 TCN. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta vẫn chưa thể giải mã được các biểu tượng và ký tự này.
SỰ BIẾN MẤT GÂY NHIỀU TRANH CÃI
Cho đến ngày nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể giải thích được sự suy tàn và biến mất của nền văn minh lâu đời này. Nhiều nhà sử học đưa ra những ý kiến khác nhau về nguyên nhân làm cho “nền văn minh thung lũng sông Ấn như một thực thể riêng biệt và dần dần không còn tồn tại”. Các nhà khoa học ở Hiệp hội Địa vật lý Mỹ cho rằng động đất chính là nguyên nhân nhân làm sụp đổ không chỉ nền văn minh Harappa mà cả các nền văn minh khác trong lịch sử loài người như thành Tơroa hay Maya.
Một số khác thì đi sâu hơn, họ nhận định những chấn động được gây ra bởi động đất có thể làm vỏ trái đất di chuyển khiến các dòng sông lớn trong vùng bị chặn dòng chảy, dẫn đến nền nông nghiệp bị phá hủy và những trận lũ lụt xảy ra ngày càng nhiều, nhấn chìm các thành phố dưới bùn lầy.
Có một giả thiết khá thú vị nữa là do sự xâm chiếm của người Aryan. Tuy nhiên, lý thuyết này dường như không chắc chắn bởi nếu người Aryan xâm chiếm Harappa, họ sẽ áp đặt cả nền văn hóa và tôn giáo tín ngưỡng của họ lên nền văn minh Harappa. Nhưng thực tế cho thấy trong lịch sử Ấn Độ, tín ngưỡng thờ thần Shiva đã tiếp tục hàng ngàn năm mà không có sự gián đoạn.
Mới đây nhất, trên tạp chí Climate of the Past số ra ngày 13/11/2018, nhà địa chất học Liviu Giosan đã đưa a nghiên cứu của mình để chứng minh sự biến mất của Harappa chính là do biến đổi khí hậu, mà nguyên nhân chính là sự thay đổi về gió mùa. Người dân ở thung lũng sông Ấn vốn sinh sống và canh tác dựa trên các cơn gió mùa thay vì theo thủy lợi. Cũng chính vì thế nên khi gió mùa dịch chuyển về phía Đông khiến cho khí hậu trở nên lạnh và khô thì nguồn cung cấp nước sẽ bị cạn kiệt. Điều này buộc người dân Harappa phải di cư về phía đồng bằng sông Hằng, nơi có điều kiện khí hậu thuận lợi hơn để thành lập những ngôi làng mới. Tuy nhiên, những ngôi làng nhỏ này không thể tạo ra thặng dư để hỗ trợ các thành phố lớn, dẫn đến sản xuất suy giảm, các hoạt động giao thương với bên ngoài hạn chế và các thành phố của nền văn minh Harappa dần bị bỏ hoang và biến mất.
Bất chấp sự nỗ lực của các nhà khảo cổ và nhà sử học, còn nhiều sự thật về nền văn minh Harappa vẫn bị che mờ bởi làn sương quá khứ. Cần thêm thời gian, nỗ lực và đôi khi cả may mắn để mọi bí ẩn của thế giới cách chúng ta hàng ngàn năm về trước này hoàn toàn được sáng tỏ.
Lan Anh | Wanderlust Tips