Về Bình Định ghé thăm suối nước Hố Giang
- 04/01/2016
- ĐIỂM ĐẾN, ĐIỂM ĐẾN VIỆT NAM
- du lịch, Du lịch Bình Định, Hố Giang, kinh nghiệm du lịch, Kinh nghiệm du lịch Bình Định, Suối nước Hố Giang
Theo lời đồn đại có từ lâu, 15 dòng chữ Chăm cổ được khắc trên hòn đá Chữ ở suối nước Hố Giang (thôn Thành Sơn Tây, xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) chính là bản đồ dẫn tới kho báu vua Chăm Pa được chôn cất ở khu vực này. Cùng với niềm tin đó, đã có hàng trăm hàng vạn người đến đây tìm vàng nhưng chẳng biết đã ai đạt được giấc mộng đổi đời?
[rpi]
Tảng đá chỉ dẫn nơi chôn giấu kho báu
Suối nước Hố Giang bắt nguồn từ một đỉnh núi cao thuộc vùng núi phía Tây huyện Hoài Nhơn, quanh năm nước chảy róc rách. Trải dài hàng chục km hai bên suối đều là những dải rừng già âm u, che chắn và vun dưỡng cho dòng nước mát rượi đổ về đồng bằng thôn Thành Sơn Tây. Khung cảnh suối Hố Giang đến đoạn chân núi Cấm có lẽ là nên thơ hơn cả, bởi dòng suối chảy giữa những tảng đá khổng lồ trải dài san sát nhau.
Tại đoạn này, ngay giữa lòng suối có một tảng đá kỳ lạ bởi nó được khắc 15 hàng chữ Chăm cổ. Trong năm, người ta chỉ có thể nhìn thấy hòn đá vào mùa nước cạn khi mặt đá lộ thiên. Từ xa xưa, dân gian đã gọi tên cho hòn đá này là hòn đá Chữ. Trên mặt phẳng của hòn đá Chữ rộng khoảng hơn 2m, dài hơn 3m, những dòng Phạn ngữ được khắc thẳng dòng, đều chữ, tuy nhiên có lẽ vì hàng trăm năm bị nước bào mòn những nét chữ đã không còn độ sắc nét nguyên sơ.
Có tổng cộng 15 hàng chữ, nhưng sáu dòng đầu đã bị mất nét và mất từng đoạn, chín dòng sau cũng bị mờ và mất nét khá nhiều, nên không thể đọc được. Vì thế, nội dung ẩn chứa trên hòn đá Chữ đến nay vẫn là bí ẩn chưa có lời giải chính xác. Tuy nhiên, trước sự kỳ bí đó, nhiều người lại cho rằng hòn đá Chữ ghi giữ bí mật về kho báu Vua Chăm. Và có lẽ, tất cả những truyền thuyết, chuyện kể về vàng Hời (một loại vàng của người Chăm cổ) hay kho tàng Chăm Pa cũng đều từ đây mà ra.
Trong vô số những câu chuyện hoang đường về kho báu ở Hố Giang, người dân địa phương thường kể câu chuyện một cậu bé nhà nghèo, nghe lời đồn đoán về kho báu nên mải miết đi tìm để đổi đời. Một hôm cậu phát hiện hang đá lớn ở Hố Giang, trong hang đầy ánh hào quang tỏa ra từ những pho tượng bằng vàng. Chìm trong mê hoặc, cậu bé đi vào sâu trong hang cho đến khi cửa hang bất ngờ khép lại, kho báu vĩnh viễn chìm trong bí mật.
Hầu hết người dân thôn Thành Sơn Tây tin rằng vùng đất thôn mình trước đây là nơi người Chăm từng sinh sống và có thể chôn vàng lại tại đây. Niềm tin đó cùng với những lời đồn khiến không ít người nảy lòng tham lên suối Hố Giang tìm vàng. “Người ta cho là Hố Giang nếu có kho báu Vua Chăm thì nó cũng nằm gần ở hòn đá Chữ, có thể là đâu đó bên bờ suối. Thậm chí nhiều người còn cho rằng kho vàng nằm ngay giữa lòng suối, dưới những tảng đá. Kho báu ở chỗ nào, đường đi ra sao thì được khắc trên hòn đá Chữ”, cụ Nguyễn Lên (85 tuổi) cho biết.
Hàng chục năm qua, những lời đồn thực hư vẫn được lưu truyền qua các thế hệ, gieo rắc niềm tin có vẻ hoang đường về một kho báu chứa đầy vàng bạc châu báu Vua Chăm tại suối nước Hố Giang. Câu chuyện được đồn đại khắp nơi, người dân địa phương và ở những vùng khác kéo nhau lên đây để đào bới, với tham vọng đổi đời. Đến nay đã có hàng nghìn người tìm đến suối Hố Giang với mong muốn kiếm tìm kho báu trong truyền thuyết. Các cuộc tìm kiếm đều không có kết quả như mong muốn, tuy vậy cho đến ngày nay việc săn tìm vàng Hời vẫn chưa dừng lại.
Thời điểm khu vực Hố Giang trở nên nhốn nháo tấp nập nhất có lẽ là vào những năm 80 của thế kỷ trước, lúc xuất hiện cơn sốt vàng Hời. Quãng thời gian này, trào lưu sưu tập và buôn bán cổ vật Chăm diễn ra rầm rộ khiến việc săn lùng cổ vật Chăm Pa diễn ra ráo riết nhất. Hố Giang trong truyền thuyết là nơi có kho báu Vua Chăm, vì vậy đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Khởi đầu cho việc săn lùng vàng Hời ở đây là giới săn lùng cổ vật và đông đảo dân rà phế liệu. Nhiều bậc cao niên trong thôn Thành Sơn Tây kể lại, vào những năm đó, dòng người cứ nối tiếp nhau kéo đến suối nước Hố Giang đào bới, săm soi từng gốc cây tảng đá.
Ban đầu là những người ở xa tìm đến, sau đó kéo theo sự tò mò hiếu kỳ và tham gia của những người địa phương. Thậm chí có lúc ở khu vực Hố Giang tập trung đến hàng trăm người, lăn lộn bò lết, ăn dầm nằm dề ngày này qua ngày khác. Tất cả đều nuôi một hy vọng là tìm thấy kho báu nằm đâu đó dưới lòng đất Hố Giang. Nhưng sau nhiều năm ròng, khi đa số các nhóm người đến đây đào bới rồi đều thất vọng ra về.
Tuy nhiên, khi số đông thất vọng từ bỏ giấc mộng hão huyền thì lại có tin đồn cho rằng có một người đàn ông đã tìm thấy vàng Hời. Thời điểm đó là vào những năm 1987, 1988 một người đàn ông trong xã thấy phong trào săn vàng Hời thì cũng sắm máy rò để lên vùng Hố Giang kiếm tìm cơ may. Ban đầu ông này cũng lăn lộn tại suối nước Hố Giang nhiều ngày nhưng chẳng tìm được gì. Sau đó chán nản, ông vác máy rò đi sâu lên vùng núi phía trên đó một đoạn thì lại tìm được cổ vật được cho là của vương quốc Chăm Pa. Đó là một bức tượng ông phật ngồi, cao chừng gang tay người lớn, làm bằng vàng ròng. Sau đó ông này đã bí mật bán tượng vàng cho một đại gia ở TP.HCM với số tiền khá lớn.
Thông tin này lại khiến cho nhiều người tin rằng ở vùng đất quanh suối Hố Giang ẩn chứa kho tàng Chăm Pa. Mặc dù các cuộc tìm kiếm sau đó không có kết quả tuy nhiên, với quan niệm về vận may mỗi người mỗi khác, thi thoảng vẫn có những nhóm người lên Hố Giang tìm vàng. Năm tháng qua đi, những câu chuyện về vàng Hời ở suối Hố Giang không những không mất đi mà ngày một nhiều, được khuếch đại và tô vẽ bởi nhiều chi tiết ly kì. Bởi thế, vẫn không ít người tin rằng kho báu Vua Chăm là có thật, chỉ có điều là chưa tìm được mà thôi.
Chẳng những giới săn cổ vật và dân tìm phế liệu mà cả những thầy bùa thầy pháp thầy phong thủy tìm đến đây kiếm kho báu. Họ sử dụng đủ thứ phương pháp từ tầm long điểm huyệt đến sử dụng bùa ngải, cúng tế cầu khấn các loại. “Cách đây hơn 10 năm, có thầy cúng ở xa tới đây tìm vàng. Ông ta đào một cái hố sâu gần chục mét ở cách hòn đá Chữ một đoạn nhưng không ai hay biết. Đào bới vài ngày rồi ông ta bỏ đi, không biết là có tìm được vàng gì không? Nhiều người đồn là ông ta trúng vàng nên lặng lẽ ôm vàng bỏ đi…”, một cao niên kể lại.
Sau đó không lâu, khi Hố Giang được cơ quan chức năng khai quật, rất nhiều người đã tìm đến đây với hy vọng có thể đào được vàng. Dòng người kéo đến đông nghịt, đào bới vô tội vạ khiến chính quyền địa phương phải nhờ lực lượng công an, bộ đội đến ngăn chặn, xử lý. Suốt thời gian dài sau đó luôn có lực lượng túc trực bảo vệ ở Hố Giang để phòng đám đông đến đây gây hại đến di tích này. Đến sau này, thỉnh thoảng vẫn có nhiều người tìm đến Hố Giang với mục đích tìm vàng.
Kho báu chỉ có trong lời đồn
Về những tin đồn và chuyện kể đầy sắc màu huyền hoặc về cái gọi là kho báu của Vua Chăm Pa ở Hố Giang, ông Võ Văn Phụng, Trưởng thôn Thành Sơn Tây thừa nhận là có thật. Tuy nhiên, nói đến điều này ông Phụng cho biết tất cả những câu chuyện về kho vàng dưới Hố Giang đều hoang đường, do người đời dựa vào câu chuyện xưa, những dấu hiệu trên các tảng đá và “hòn đá Chữ” trên suối Hố Giang mà thêu dệt nên.
“Hố Giang nằm trong lòng núi có tên Mạch Vàng từ xa xưa, lại có “hòn đá Chữ” bí ẩn nên nhiều người suy đoán trong núi có kho vàng của người Chăm. Cũng có người vì quá tin là núi có vàng nên cứ nghĩ tên Hố Giang là do cách phát âm của từ Hố Vàng mà ra. Kỳ thực trên hòn đá Chữ viết gì thì người dân ở đây đâu có biết. Dấu tích của người Chăm ở Hố Giang là có, nhưng mà vàng Hời thì đã có ai tìm thấy đâu, chỉ là lời đồn thôi…”, ông Phụng giải thích.
Theo ông Phụng, những năm 1971 – 1972, máy bay Mỹ ném bom làm bật ra những bức tường thành xây bằng gạch Chăm nằm sâu trong vùng núi Hố Giang, người dân đến mang gạch này về dùng. Nhiều người còn kể rằng đã thấy những đoạn tường thành xây bằng gạch Chăm ẩn trong lòng đất. Chính những đoạn tường thành này, cộng với hòn đá Chữ mà nhiều người tin đó là những ký hiệu dẫn đến kho báu.
“Cách đây hơn 10 năm, sau khi các cơ quan chức năng tiến hành khai quật Hố Giang rồi rút đi, nhiều người đã kéo đến đây đào bới để tìm vàng. Có ông thầy pháp còn mời cả người Chăm đến tìm, thuê người dân trong vùng đến đào bới, ăn ngủ luôn ở đó. Lực lượng công an, bộ đội được cử đến ngăn chặn rồi túc trực tại Hố Giang mới bảo vệ được di tích này, chứ không thì bây giờ đã bị đào bới sạch cả rồi”, ông Phụng nói.
Trao đổi với PV, TS Đinh Bá Hòa, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định cho biết “hòn đá Chữ” chính là bia Thành Sơn, được người Pháp thống kê từ năm 1932 cùng với 18 văn bia Chăm Pa khác ở tỉnh Bình Định. Căn cứ vào đặc điểm nét chữ thì văn bia này có thể được ghi từ thế kỷ 12 và đó có thể là cột mốc biên giới của người Chăm Pa. Trong bia có nhắc đến một vương quốc của người Chăm Pa ở miền núi và ca ngợi vị vua trị vì vương quốc này.
Trong các tư liệu về Hố Giang được Thư viện Tổng hợp Bình Định lưu giữ có bài viết của nhà văn Từ Quốc Hoài giả định vùng Hố Giang này là kinh đô sơ tán của Vua Chiêm Thành (tên của Vương quốc Chăm Pa) trong cuộc chiến chống quân Nguyên vào cuối thế kỷ 13. Theo đó, năm 1282 khi đất nước bị quân Nguyên xâm lăng, quốc vương Chiêm Thành là Indravarman rút quân khỏi kinh thành Đồ Bàn, đến cố thủ tại một vùng núi hiểm trở. Cuộc chiến thắng lợi, năm 1285, Vua Indravaraman 5 cùng triều thần rời kinh đô sơ tán tại vùng núi hiểm trở trở về kinh thành Đồ Bàn.
Dân Trí | Wanderlust Tips | Cinet
Leave A Comment
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.