Những ngôi chùa ở miền Bắc say đắm lòng người (phần 2)
- 17/08/2019
- ĐIỂM ĐẾN VIỆT NAM
- chùa Ba Vàng, Chùa Cái Bầu, Chùa Hương, du lịch tâm linh, Yên Tử
Bên cạnh chùa Tam Chúc ở Hà Nam và chùa Bái Đính ở Ninh Bình, Wanderlust Tips tiếp tục đưa đến cho độc giả những gợi ý về các ngôi chùa miền Bắc có phong cảnh ấn tượng. Tới đây, bạn không chỉ có cơ hội ngoạn cảnh chùa giữa thiên nhiên tươi đẹp mà còn được hòa mình vào không gian tâm linh ý nghĩa.
[rpi]
NGÔI CHÙA BA VÀNG
Ngôi chùa Ba Vàng tọa lạc trên lưng chừng núi Thành Đẳng có độ cao 340m, ở phía Tây của phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Phía trước chùa là sông, phía sau chùa tựa lưng vào núi, hai bên là rừng thông xanh mát tỏa bóng bốn mùa. Chùa có diện tích khoảng 2.200ha với các kiến trúc đặc trưng Bắc Bộ bao gồm: 3 gian bái đường, 1 gian hậu cung cùng các ban thờ Phật, thờ Mẫu và Đức Ông. Chùa có nhiều những kỉ lục được xác lập như: nơi thờ Tam bảo được công nhận là lớn nhất Việt Nam, ngôi chùa có chiếc trống độc mộc bằng gỗ đỏ nguyên khối lớn nhất Việt Nam, ngôi chùa có tòa chính điện trên núi lớn nhất Đông Dương.
Khi tham quan chùa, bạn sẽ được ngắm nhìn hệ thống tượng pháp trong chùa làm bằng gỗ có kích thước lớn như tượng Tam thế, Quan âm, ông Thiện, ông Ác… đều cao trên 2m. Trong đó, pho tượng A Di Đà là một trong những tượng Phật bằng gỗ được xem là tượng lớn nhất miền Bắc. Tiếp theo là các công trình như khu giảng đạo, thư viện, lầu chuông… mang vẻ đẹp hài hoà.
Trong chùa còn có một giếng cổ nước không bao giờ cạn. Tương truyền, ai uống được nước lấy từ giếng sẽ khỏe mạnh và khỏi bách bệnh. Bởi vậy, nhiều Phật tử, du khách thập phương tới đây đều muốn được uống nước lấy từ giếng lên. Dọc những lối nhỏ đi bộ trong khu vực của chùa là những cây hoa hồng tỏa hương khoe sắc, ngoài ra còn có những hòn non bộ với tiếng nước chảy róc rách khiến lòng người trở nên bình yên.
Tips: Chùa Ba Vàng không thu phí gửi xe hay vé vào cổng. Bên cạnh đó, mọi dịch vụ ăn uống xung quanh chùa đều không có vì vậy bạn hãy tự chuẩn bị cho mình những vật dụng đầy đủ trong hành trình tham quan tới đây.
CHÙA CÁI BẦU
Chùa Cái Bầu hay còn gọi Thiền viện Trúc lâm Giác Tâm được khởi công xây dựng trên tổng diện tích 20ha thuộc xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh. Tại khu vực chùa Cái Bầu đã từng chứng kiến trận đánh đón đầu, mở màn cho chiến thắng trên sông Bạch Đằng lần 3 năm 1288. Để tưởng nhớ công đức của các vị anh hùng nhà Trần đã hi sinh bảo vệ dân tộc trong trận chiến ấy, Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm đã xây dựng đền thờ nằm trong khu vực nhà chùa, đây là một tiền lệ chưa từng có trước đó.
Chùa xây dựng theo kiến trúc tựa vào lưng núi, mặt hướng ra biển, được xem là ngôi chùa có hệ thống kiến trúc đẹp bậc nhất Việt Nam. Đồng thời, chùa cũng tọa trong không gian phong cảnh sơn thủy hữu tình hiếm thấy, từ đây bạn có thể nhìn ra vịnh Bái Tử Long để chiêm ngưỡng những đảo núi đá chập trùng giữa biển cả bao la, hay những con thuyền lênh đênh ngoài biển khơi. Lối đi vào chùa là con đường uốn lượn quanh co nghe sóng biển rì rào vỗ, hai bên là những hàng cây xung quanh cắt tỉa theo hình rồng phượng. Mái ngói uốn cong với nền gạch đỏ, bên trên mái có khắc tên tòa bảo điện.
CHÙA HƯƠNG
Chùa Hương là cách nói gần gũi trong dân gian còn trên thực tế chùa Hương hay Hương Sơn bao gồm một quần thể văn hóa – tôn giáo Việt Nam với hàng chục ngôi chùa thờ Phật, ngôi đền thờ thần, các ngôi đình, thờ tín ngưỡng nông nghiệp. Trung tâm chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, nằm ven bờ phải sông Đáy.
Điều đặc biệt khi tham quan chùa Hương là bạn chỉ có thể đi đò mới đến được trung tâm thắng cảnh để tham quan. Vì các khu vực tham quan nằm rải rác nên đò được chia làm bốn tuyến để tham quan, bao gồm tuyến Hương Tích, tuyến Long Vân, tuyến Tuyết Sơn, tuyến Thanh Sơn. Nếu có nhiều thời gian, bạn có thể đi hết bốn tuyến trên. Nếu thời gian hạn hẹp hơn thì bạn nên đi tuyến Hương Tích, đây cũng là tuyến được nhiều du khách lựa chọn nhất.
Các địa điểm tham quan bạn không thể bỏ lỡ khi ghé thăm nơi đây bao gồm: đền Trình, động Hương Tích, đền Vân Song, chùa Giải Oan, chùa Thiên Trù, động Hinh Bồng. Ngoài ra khi đi đò dọc suối Yến, bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước một vùng non nước hữu tình với những dãy núi trùng điệp như dãy Voi Phục, núi Đổi Chèo, núi Mâm Xôi.
Tips: Khi di chuyển đến khu thắng cảnh chùa Hương, bạn sẽ được hướng dẫn để di chuyển ra bến đò mua vé, giá vé đò và giá tham quan sẽ có sự khác nhau tùy theo tuyến đò mà bạn chọn. Mức giá trung bình dao động từ 50.000đ – 70.000đ.
CHÙA YÊN TỬ
Chùa Yên Tử là tên gọi tắt trong dân gian để chỉ về quần thể thắng cảnh Yên Tử rộng lớn bao gồm tây Yên Tử và đông Yên Tử. Tây Yên Tử thuộc tỉnh Bắc Giang, trải dài từ Sơn Động đến Yên Dũng. Đông Yên Tử thuộc thành phố Uông Bí, Quảng Ninh, đây cũng là khu vực nổi tiếng và được mọi người ghé thăm nhiều nhất. Chùa Yên Tử nằm ở khu vực đông Yên Tử, từng là nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông chọn làm nơi tu hành và đã sáng lập nên thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (dòng Phật giáo của Việt Nam). Có thể nói Yên Tử là một trong những ngôi chùa linh thiêng nổi tiếng bậc nhất Việt Nam mà du khách nhất định nên ghé thăm ít nhất một lần trong đời.
Các địa điểm bạn không thể bỏ lỡ khi ghé thăm quần thể thắng cảnh chùa Yên Tử bao gồm: đền Trình, thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, chùa Giải Oan, tháp Huệ Quang, chùa Hoa Yên, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, chùa Vân Tiêu, chùa Đồng.
Tips: Bạn có thể đi bộ hoặc đi cáp treo để lên được điểm cao nhất của khu vực thắng cảnh Yên Tử là chùa Đồng. Tuy nhiên, nếu có đủ sức khỏe và độ dẻo dai, bạn nên đi bộ để có thể cảm nhận được vẻ đẹp nơi đây, tổng chiều dài quãng đường từ chân núi đến điểm cuối cùng là chùa Đồng dài 6km.
Wanderlust Tips | Cinet