Shojin Ryori: Nghệ thuật ăn chay của người Nhật Bản
Trường phái Shojin Ryori không chỉ là cách ăn chay theo nghĩa đơn thuần nữa mà là một lối sống, một nét văn hoá được người dân Nhật Bản đặc biệt trân trọng.
[rpi]
Shojin Ryori – cái tên giàu ý nghĩa trong tiếng Nhật Bản khi “Sho” nghĩa là “tinh” trong “tinh khiết”; “Jin” là “tiến” trong tiến lên, đi về phía trước; Ryori nghĩa là “nấu nướng” hoặc “ẩm thực”. Từ đó, ta có thể thấy Shojin Ryori không đơn thuần chỉ là ẩm thực chay, mà quan trọng hơn còn mang lại cho con người sự thanh tịnh, cảm giác nhẹ nhàng và thanh thản trong tâm hồn.
Được biết, trường phái ăn chay đầu tiên xuất hiện tại Nhật Bản do nhà sư Dogen (người sáng lập ra Thiền tông – Zen – trong Phật giáo) khởi xướng và cũng là tiền đề để tạo nên trường phái Shojin Ryori. Mặc dù ẩm thực chay đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới nhưng Shojin Ryori của người Nhật vẫn tạo một dấu ấn riêng biệt, độc đáo và mới lạ. Điều đó thể hiện rõ nhất trong nguyên tắc con số năm trong nấu nướng của người Nhật, đòi hỏi mỗi bữa ăn phải có: 5 màu (xanh lá, vàng, đỏ, đen và trắng) và 5 vị (chua, ngọt, mặn, đắng và umami). Sự cân đối, hài hòa trong nguyên tắc số 5 này chính là yếu tố làm nên sự cân bằng dinh dưỡng, giúp cơ thể con người hoà làm một cùng với mùa màng, thiên nhiên.
Điểm nổi bật của trường phái Shojin Ryori chính là “không lãng phí”, các món ăn đều được chế biến vừa phải và hạn chế bỏ đi. Chẳng hạn như trong nhiều món, đến cả vỏ cà rốt và củ cải cũng được giữ lại để nấu súp. Từ đó mọi người cảm nhận được hai giá trị tinh thần lớn nhất của con người xứ sở mặt trời mọc: “mùa nào thức nấy” và “không lãng phí”.
Chỉ gồm các món rau, củ, quả… nhưng cách chế biến của người Nhật lại đa dạng và phong phú nhiều hơn chỉ đơn thuần luộc, xào, chưng cất… Ví dụ chỉ từ một loại đậu hũ, người Nhật có thể chế biến thành nhiều hình thái khác nhau với hình dáng và hương vị đa dạng như: abura-age (da đậu hũ chiên), koya-dofu (đậu hũ khô) và natto (đậu nành lên men). Bên cạnh đó, “konnyaku” (loại thạch làm từ cây konjac) cũng một loại thực phẩm thường xuyên được người Nhật sử dụng. Những loại gia vị được sử dụng cho trường phái Shojin Ryori thường là nước dùng dashi nấu từ tảo biển kombu, nước tương, sake, mirin (nước gạo lên men ngọt), miso, giấm và dầu mè, gia vị cũng được sử dụng rất hạn chế.
Không chỉ được thực hiện bởi các nhà sư, người dân Nhật Bản cũng rất chuộng hình thức ăn chay. Trường phái Shojin Ryori sẽ đem đến cho thực khách cảm giác vui vẻ, thỏa mãn khi thưởng thức chứ không phải là “thách thức” khi trước mặt hoàn toàn không thịt, hứa hẹn hấp dẫn cả những người bình thường không thích ăn chay. Thông qua cách trình bày, Shojin Ryori đã thể hiện sự tinh tế và cái tâm của người làm ra món ăn. Một bữa cơm Shojin Ryori thường được phục vụ trong đền chùa ở Nhật Bản và do chính nhà sư chuẩn bị. Bữa ăn sẽ được thưởng thức trong một không gian vô cùng thiền định và yên bình để đẩy trải nghiệm lên mức cao nhất.
Khi ăn Shojin Ryori, thực khách phải hoàn toàn thư giản và cảm nhận được niềm hạnh phúc và sự yên tịnh trong tinh thần, cảm nhận được sự giao tiếp rất tinh tế giữa người ăn và người nấu, cũng như mối quan hệ gắn bó nói chung giữa con người và thiên nhiên.
Wanderlust Tips | Cinet