Xứ Huế mộng mơ, sống động đến vậy sau lăng kính

Xứ Huế trong con mắt của người Việt và cả du khách thế giới vẫn luôn là vùng đất mộng mơ nhất. Nói đến Huế, ta nói đến vẻ lãng mạn, trầm tịch. Giữa những ồn ào, hối hả của những đô thị đang ngày một phát triển năng động từ Bắc vào Nam, cố đô Huế như một cô gái truyền thống êm ả nhất quyết giữ cho mình cái vẹn nguyên của vẻ đẹp xưa, là cảm hứng bất tận và không bao giờ lỗi thời của điện ảnh.

[rpi]

INDOCHINE – LẦN ĐẦU XUẤT HIỆN TRÊN MÀN ẢNH THẾ GIỚI

Đông Dương (Indochine, 1992) là bộ phim của điện ảnh Pháp lấy bối cảnh Việt Nam thời thuộc địa. Bộ phim đánh dấu lần đầu tiên một đoàn quay phim nước ngoài được phép ghi hình trong quần thể di tích cố đô Huế. Theo chân bà chủ đồn điền cao su người Pháp Éliane Devries, người xem được chứng kiến những sự kiện xảy ra trong thời gian bà sinh sống ở Việt Nam.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Xứ Huế mộng mơ chưa bao giờ sống động đến vậy trên phim

Huế trầm mặc trên những thước phim của đạo diễn Régis Wargnier đã được giới thiệu với công chúng thế giới như thế. Khán giả nước ngoài ngỡ ngàng bởi họ không biết ở ngay lòng Việt Nam có những sông Hương, chùa Thiên Mụ, Đại Nội, lăng Tự Đức, lăng Đồng Khánh… cổ kính đến vậy giữa muôn vàn xa hoa của thế giới với kiến trúc hiện đại.

HOA NỞ VỀ ĐÊM & NÀNG THƠ XỨ HUẾ – VÙNG ĐẤT MƠ MÀNG

Bộ đôi đạo diễn Bảo Nhân – Nam Cito trong những năm gần đây có công rất lớn trong việc khai thác những nét đẹp khác nhau của Huế. Biết xứ Huế vốn chậm rãi, nhẹ nhàng là vậy, song qua hai tác phẩm “Hoa nở về đêm” và “Nàng thơ xứ Huế”, người ta mới thực sự thấm được cái mơ màng của vùng đất cố đô.

Nếu như “Hoa nở về đêm” là câu chuyện thơ mộng kỳ ảo được quay lại làng cổ Phước Tích, nhà vườn An Hiên thì “Nàng thơ xứ Huế” với sự tham gia diễn xuất của Ngọc Trân – một “nàng thơ xứ Huế” đích thực, lại xoay quanh câu chuyện về ẩm thực và cuộc sống thường nhật của người dân Huế. Những câu chuyện giản dị cho người xem một góc nhìn đời thường hơn về Huế, rằng người dân Huế bao đời nay vẫn tựa mình vào vẻ đẹp của các lăng tẩm, di tích cổ xưa mà sống.

Series 20 tập của Nàng thơ xứ Huế đã được trình chiếu trên các chuyến bay Việt Nam và trên hệ thống kênh KBS World của Hàn Quốc.

MẮT BIẾC – XỨ HUẾ HOÀI CỔ TRONG HOÀI CỔ

Xứ Huế vốn đã mang trong mình vẻ đẹp cổ xưa, vậy bạn nghĩ sao khi đạo diễn Victor Vũ đã hoài cổ hóa vùng đất hoài cổ này?

Xem “Mắt Biếc”, người ta ngỡ ngàng khi được đưa về Huế trong thập niên 60, 70 của thế kỷ trước. Một xứ Huế đượm buồn như câu chuyện được kể giữa Ngạn và Hà Lan. Vẻ hoài cổ đến từ khung cảnh trường tiểu học cộng đồng Đo Đo nơi Ngạn ở lại làm giáo viên, từ khu chợ Huế xưa được đoàn làm phim phục dựng. Rõ ràng vẫn là Huế đấy, nhưng sao lại có cảm giác cũ kỹ, xa xưa mà lại quen thuộc đến thế?

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Xứ Huế mộng mơ chưa bao giờ sống động đến vậy trên phim

Đặc biệt, khung cảnh thiên nhiên ở đồi Thiên An và đồi Vọng Cảnh cũng được khai thác triệt để trong phim. Đồi thông trải dài ở Vọng Cảnh không khiến người ta khỏi ngạc nhiên bởi sự hùng vĩ của thiên nhiên xứ Huế, khác xa với vẻ ưu tư trầm buồn ở những lăng tẩm, di tích cổ xưa.

GÁI GIÀ LẮM CHIÊU 3 VÀ 5 – HUẾ HIỆN ĐẠI LẠ LÙNG

Vẻ đẹp hoài cổ của Huế được khai thác nhiều đến choáng ngợp, thế nhưng vẻ đẹp Huế hiện đại lại ít được nhắc đến. Hai phần phim Gái già lắm chiêu 3 và 5 là những bộ phim hiếm hoi khắc họa một Huế hiện đại, bắt nhịp với cuộc sống hiện nay.

Bộ phim Gái già lắm chiêu phần 3 lấy bối cảnh tại khách sạn La Residence Huế, Ancient Hue Garden Houses, Nhà vườn An Hiên, Sông An Cựu, Sông Hương, Phu Văn Lâu – Nghênh Lương Đình, Cầu Trường Tiền, biển Lăng Cô, Chùa Thiên Mụ. Trong khi đó phần 5 lại lấy bối cảnh tại tại Hoàng Thành Huế, cung An Định, Lăng Minh Mạng, Hồ Thủy Tiên, Cầu Dã Viên. Tại những bối cảnh nền này, đoàn làm phim đã xây dựng một cảm giác hiện đại hơn cho xứ Huế để phù hợp với trang phục, bối cảnh của câu chuyện phim. Đặc biệt trong phần 5, phân cảnh Bạch trà viên, đoàn làm phim đã trồng hẳn một vườn hoa bạch trà ở đằng sau cung An Định. Sau khi bộ phim kết thúc, vườn bạch trà này đã được bàn giao lại cho cơ quan địa phương Huế để chăm sóc và biến thành điểm tham quan du lịch mới.

Huế dù là hoài cổ hay hiện đại đều mang trong mình vẻ đẹp của riêng nó. Sắp tới đây, sẽ có thêm nhiều dự án điện ảnh lấy cố đô làm bối cảnh như Kiều hay Em và Trịnh. Bạn đọc của Wanderlust Tips nghĩ chúng ta sẽ còn được thấy những khía cạnh tuyệt vời nào khác của Huế?

Ảnh: Internet

Wanderlust Tips | Cinet

One Reply to “Xứ Huế mộng mơ, sống động đến vậy sau lăng kính”