Thương vụ Four Seasons của Bill Gates cho thấy điều gì về tương lai của ngành khách sạn

Kinh doanh khách sạn đơn thuần không thể giúp các tập đoàn nghỉ dưỡng sống sót sau đại dịch. Chìa khóa chính là bất động sản hàng hiệu (branded residences).

[rpi]

Trong một thương vụ đầu tư mới được công bố trong tuần qua, Hoàng tử Ả rập al-Waleed bin Talal đã đồng ý bán 2,21 tỷ USD cổ phần của mình ở tập đoàn khách sạn và nghỉ dưỡng Four Seasons cho Bill Gates, giúp tỷ phú có quyền kiểm soát công ty này – hiện đang được định giá ở mức 10 tỷ USD.

Liệu có tiềm năng phát triển cho khách sạn trong đại dịch?

Đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, bắt buộc “ai ở đâu ở yên đó” dù nhiều người đam mê du lịch và di chuyển. Trên toàn cầu, các nhà đầu tư trong hơn 1 năm qua đã tranh thủ “bắt đáy” và mua những loại hình tài sản được đánh giá là có giá trị thị trường thấp hơn so với giá trị thực. Và các khách sạn hạng sang thường sẽ thua lỗ trừ phi có được công suất thuê phòng cao.

Bill Gates
Bill Gates mua lại 2,21 tỷ USD cổ phần của Hoàng tử Ả rập al-Waleed bin Talal ở tập đoàn khách sạn và nghỉ dưỡng Four Seasons

Vậy tại sao công ty đầu tư của Bill Gates, Cascade Investment LLC, lại chi trả 2,21 tỷ USD để có quyền kiểm soát tập đoàn khách sạn và nghỉ dưỡng Four Seasons?

Four Seasons hiện đang vận hành 121 khách sạn và resort và 46 dự án bất động sản hàng hiệu. 90% dự án mới hình thành trong tương lai của tập đoàn này có cấu phần nhà ở (bất động sản hàng hiệu). “Đây là một mảng quan trọng trong hoạt động kinh doanh của chúng tôi,” ông John Davison chia sẻ, với cương vị Phó chủ tịch cấp cao, mảng nhà ở của Four Seasons từ năm 2004, trước khi được thăng chức lên làm CEO năm 2019. 

Đại dịch tiếp động lực cho bất động sản hàng hiệu

Four Seasons bắt đầu bước chân vào lĩnh vực bất động sản hàng hiệu từ năm 1985. Đến nay họ đang có những dự án bất động sản hàng hiệu độc lập (không có cấu phần khách sạn) như dự án Twenty Grosvenor Square, London với 37 căn hộ xa hoa có giá khởi điểm là 17,5 triệu bảng Anh (tương đương 24 triệu USD).

Four Seasons
Four Seasons hiện đang vận hành 121 khách sạn và resort và 46 dự án bất động sản hàng hiệu

Một ông lớn khác có danh mục khá tương đồng là thương hiệu Ritz Carlton của Marriott International, với 49 dự án bất động sản hàng hiệu trên toàn thế giới, trong số đó có những dự án bất động sản hàng hiệu độc lập tại Singapore, Bangkok, và Miami – nơi mới đây có ghi nhận một giao dịch căn penthouse giá 31 triệu USD, tăng gần gấp đôi sau 4 tháng. Các dự án trong tương lai của thương hiệu này có dự án biệt thự hàng hiệu tại Bodrum và căn hộ hàng hiệu tại Việt Nam.

Một thương hiệu khác cũng đang cạnh tranh mạnh thị phần bất động sản hàng hiệu là Mandarin Oriental Residences, tuy quy mô danh mục hiện tại còn hạn chế nhưng số lượng dự án hình thành trong tương lai khá lớn với nhiều dự án tại Mỹ, châu Âu và Trung Đông.

Sức hút của công thức win – win – win

Bất động sản hàng hiệu đang trở thành một xu hướng rõ rệt trong ngành khách sạn. Các thương hiệu khách sạn không còn chỉ vận hành khách sạn; họ còn đang tham gia sâu vào lĩnh vực cho thuê nhà ở. Nếu bạn sinh sống tại một trong những dự án bất động sản hàng hiệu của những thương hiệu khách sạn này, bạn sẽ được hưởng lợi từ chuyên môn vận hành và dịch vụ của thương hiệu. Thương hiệu sẽ chăm nom cho căn hộ hoặc căn biệt thự của bạn khi bạn vắng nhà. Và hơn nữa, thương hiệu khách sạn này sẽ cho thuê căn hộ hoặc căn biệt thự của bạn nếu bạn không có nhu cầu sử dụng. 

Bất dộng sản hàng hiệu
Bất động sản hàng hiệu đang trở thành một xu hướng rõ rệt trong ngành khách sạn.

Mô hình này cũng đem đến lợi ích cho cả đơn vị phát triển bất động sản, và thương hiệu khách sạn. Đơn vị phát triển sớm thu hồi vốn từ việc bán bất động sản hàng hiệu, còn thương hiệu thu được phí cho thuê thương hiệu. Bất động sản hàng hiệu còn giúp thương hiệu tăng thị phần mà không phải chịu gánh nặng duy trì công suất thuê phòng như khách sạn. 

Dĩ nhiên là các thương hiệu khách sạn vẫn đang mong đợi ngành du lịch phục hồi, tuy việc này sẽ mất nhiều thời gian. Trong lúc đó mô hình kinh doanh bất động sản hàng hiệu đang mang đến lợi nhuận cho các thương hiệu khách sạn ngay trong thời điểm ngành nghỉ dưỡng còn đang gặp nhiều khó khăn. Ông Tim Grisius, lãnh đạo mảng M&A và bất động sản của Marriott International chia sẻ rằng dù số lượng lượt du lịch quốc tế giảm, nhu cầu với sản phẩm bất động sản hàng hiệu của tập đoàn này đã tăng lên. “Mọi người ít đi du lịch hơn, các dự án bất động sản của chúng tôi đang được ở kín hơn cả trước đây.”

Giới chuyên gia và nghiên cứu thị trường tin rằng bất động sản hàng hiệu không phải là một xu hướng nhất thời mà sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, bất chấp những biến cố do đại dịch. Và có lẽ thời điểm và quy mô đầu tư của thương vụ giữa Cascade và Four Seasons lần này chính là cơ sở để tin vào sự bền vững của xu hướng này cũng như tương lai của ngành khách sạn hạng sang.