Tết Đoan Ngọ và những điều chưa biết
- 24/05/2022
- VĂN HÓA - LỄ HỘI
- Editor picks, tết diệt côn trùng, Tết đoan ngọ, văn hóa
Tết Đoan Ngọ là một trong những ngày lễ tết lâu đời và có vai trò đặc biệt trong văn hóa truyền thống dân gian cũng như phong tục tập quán của một số nước phương Đông, trong đó có Việt Nam.
[rpi]
Được diễn ra vào ngày 5 tháng 5 Âm lịch hàng năm, tết Đoan Ngọ thường mang những nét đặc trưng riêng, đại diện cho văn hóa truyền thống khác nhau của mỗi quốc gia Châu Á như Triều Tiên, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,…. Trong đó, Việt Nam là đất nước lưu giữ bản sắc và ý nghĩa riêng lâu đời nhất cho Tết Đoan Ngọ.
Ý nghĩa tên gọi và nguồn gốc của Tết Đoan Ngọ
Tết Đoan Ngọ từ lâu đã gắn với tín ngưỡng của biết bao thế hệ người Việt, vì vậy có nhiều giả thuyết về nguồn gốc của dịp tết này.
Một trong những cách lý giải phổ biến nhất gắn liền với nền văn minh lúa nước ở Việt Nam. Trước đây, vào ngày 5 tháng 5 khi vụ Chiêm kết thúc, bắt đầu bước sang vụ Mùa, người dân sẽ làm lễ cúng cảm tạ trời đất, tổ tiên và ăn mừng một mùa vụ thành công.
Tết Đoan Ngọ được sáng tạo bởi nhân dân lao động. Người nông dân với nghề lúa phải quan sát thời tiết, chọn hướng trồng trọt phù hợp để tránh tối đa những tác hại cho vụ mùa mới và tận dụng lợi thế của tự nhiên nhờ vậy mà phong tục Tết Đoan Ngọ hình thành.
Tại Việt Nam, tết Đoan Ngọ còn được gọi là tết diệt sâu bọ. Sở dĩ, tên gọi đặc biệt này được bắt nguồn từ một điển tích trong dân gian. Theo đó, trong khi dân chúng ăn mừng mùa vụ thành công, sâu bọ đã kéo tới phá hoại thực phẩm vừa được thu hoạch.
Sau đó, một ông lão tự xưng là Đôi Truân từ phương xa đến, giúp bà con diệt sâu bọ bằng cách lập 1 bàn cúng đơn giản gồm bánh tro, trái cây và đặt trước nhà. Dân làng làm theo và hình thành ngày tết diệt sâu bọ cho đến nay.
Đoan có nghĩa là mở đầu, Ngọ dùng để chỉ khoảng thời gian nóng nhất trong ngày (11 – 13 giờ), đây là lúc mặt trời ở gần trái đất nhất trùng với ngày hạ chí. Vì vậy, tết Đoan Ngọ thường diễn ra vào buổi trưa.
Những hoạt động trong ngày tết Đoan Ngọ
Theo quan niệm dân gian, tháng 5 là giai đoạn chuyển mùa dễ phát sinh dịch bệnh. Vì vậy, vào sáng sớm ngày Tết Đoan Ngọ, người ta ăn bánh tro, chè hạt sen, trái cây và rượu nếp ngay khi vừa ngủ dậy, chưa làm vệ sinh cá nhân để giết sâu bọ gây bệnh tật trú ngụ trong cơ thể người.
Vào ngày này, nhiều người còn tắm hoặc xông hơi bằng nước lá mùi để chữa bệnh ngoài da và tẩy trừ sâu bọ. Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương ven biển, người dân sẽ đi tắm biển vào đúng giờ Ngọ.
Theo quan niệm dân gian, 5/5 Âm lịch là ngày có khí dương mạnh nhất trong năm nên mọi người thường cúng lễ để cầu an. Các thầy thuốc cũng sẽ lên núi hái thuốc vào ngày này vì đây được coi là thời điểm lá cây có tác dụng chữa bệnh tốt nhất. Ngoài ra, cành xương rồng được nhiều gia đình đặt bên trong nhà với mục đích xua đuổi tà ma.
Một phong tục vô cùng đặc biệt trong ngày tết Đoan Ngọ chính là khảo cây. Ở nhiều địa phương, nghi thức khảo cây hay “đánh cây” sẽ được thực hiện vào đúng 12 giờ trưa ngày Tết Đoan Ngọ.
Cần 2 người để thực hiện nghi thức này, trước khi bắt đầu khảo cây một người trèo lên cây đóng vai cây. Người còn lại cầm dao, vừa gõ dưới gốc cây, vừa đưa ra những câu hỏi để người bên trên trả lời.
Các câu hỏi đa số sẽ tập trung nhấn mạnh rằng nếu cây không ra trái sẽ bị đốn. Người trên cây bắt đầu trả lời với giọng cuống quýt và hứa rằng sẽ cho ra nhiều quả. Người Việt xưa tin rằng, đây là nghi thức cầu cho một mùa vụ thành công sắp tới.
Có gì trong mâm cơm cúng tết Đoan Ngọ
Mâm cơm cúng tết Đoan Ngọ có thể là cỗ mặn hay cỗ chay tùy theo sự chuẩn bị của mỗi gia đình. Tùy theo truyền thống và tập tục của mỗi vùng miền, những mâm cỗ cúng tết Đoan Ngọ cũng sẽ có chút khác biệt.
Tại Hà Nội hoặc một số tỉnh miền Bắc, người ta thường thêm bát cơm rượu nếp cẩm hoặc cơm rượu nếp cái hoa vàng trên mâm cúng với mong muốn đẩy lùi được mầm bệnh trong cơ thể, đảm bảo sức khỏe dồi dào và đầy năng lượng.
Đúng như tên gọi, loại cơm này được nấu từ gạo nếp cẩm và lên men cùng rượu, có vị ngọt giúp hạn chế một số loại bệnh như như suy nhược cơ thể, làm giảm cơn khát và trị chứng ra mồ hôi trộm.
Đối với người miền Nam, bánh ú là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm cúng tết Đoan Ngọ. Bánh được làm tỉ mỉ từ gạo nếp và nước tro. Ở một vài nơi, họ còn cho thêm nhân đậu xanh vào bánh ú để kích thích vị giác khi thưởng thức.
Bánh ú tro rất tốt cho sức khỏe, nó có vai trò trung hòa các loại thức ăn nhiệt, khó tiêu, giúp cơ thể thải độc, lợi tiểu và phòng các bệnh sỏi thận, gút,…
Người miền Trung nhất định phải có thịt vịt trong mâm cơm cúng. Tùy vào khẩu vị hay sở thích khác nhau của các thành viên trong gia đình, người ta luộc hoặc quay thịt vịt để chế biến thành các món ăn đặc sắc. Thịt vịt giúp cân bằng nhiệt và bồi bổ cơ thể trong thời nắng nóng ở miền Trung.
Mặc dù khác nhau về một số món ăn trong mâm cơm cúng nhưng tết Đoan Ngọ ở cả 3 miền đều thể hiện lòng thành kính, tri ân và hướng tới tổ tiên. Gia chủ có thể lựa chọn đa dạng các sản vật khác nhau để dâng cúng ông bà, tổ tiên vào ngày Tết Đoan Ngọ. Tuy nhiên, phải đảm bảo đủ các lễ vật chính như: Hương, hoa, vàng mã, nước, hoa quả.
Ngoài ra, có một số việc được coi là kiêng kị trong tết Đoan Ngọ như: Vứt giày dép lộn xộn; Làm rơi tiền; Mua những vật phẩm có hình thù kỳ quái,không rõ nguồn gốc; Dừng chân ở những nơi âm u,…
Tết Đoan Ngọ là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp đầm ấm bên nhau. Hiện nay, có thể nhiều gia đình cho rằng, diệt sâu bọ hay phòng tránh dịch bệnh phải được thực hiện bằng những cách khác mới hiệu quả. Nhưng bản chất của tết Đoan Ngọ là hướng về tổ tiên, gia đình, giáo dục lòng biết ơn, thể hiện lối sống trong quan hệ và trọng tình cảm của người Việt Nam. Vì thế, tết Đoan Ngọ vẫn đóng vai trò quan trọng, làm phong phú nền văn hóa truyền thống Việt Nam.
Wanderlust Tips | Cnet