Sự thật không như mơ về nghề tiếp viên hàng không
- 28/04/2016
- ĐỐI THOẠI
- Canada, Du lịch vòng quanh thế giới, Editor picks, Hàn Quốc, London, Paris, tiếp viên hàng không, Úc, Đức
(#wanderlusttips) Người ta thường nghĩ về nghề tiếp viên hàng không phủ đầy màu hồng với những chuyến đi triền miên vòng quanh thế giới. Thế nhưng đằng sau hào quang ấy là những áp lực vô hình mà các cô nàng tiếp viên phải đối mặt hàng ngày. Cùng hiểu hơn về nghề này qua tiết lộ của cô gái Việt làm tiếp viên hàng không tại Hàn Quốc.
[rpi]
Tiếp viên hàng không – Nghề của trải nghiệm và những chuyến đi
Cũng như nhiều cô gái trẻ, Đinh Thị Trang (1991) từ nhỏ đã say mê hình ảnh của những cô nàng tiếp viên hàng không mặc đồng phục gọn ghẽ, nụ cười tươi như hoa, sau lưng là chiếc vali kéo chất đầy những món quà từ những miền đất xa lạ. Với Trang, thế giới của những cô gái làm việc “trên chín tầng mây” ấy luôn cực kỳ rực rỡ và hào nhoáng, là được đi khắp nơi trên thế giới, một nghề nhàn lương cao. Đó cũng là lý do mà cô gái tốt nghiệp ngành Du lịch thuộc Đại học Mở Hà Nội quyết tâm trở thành một nữ tiếp viên hàng không.
“Nhăm nhe” thi vào hãng hàng không Emirates từ khi chưa tốt nghiệp, nhưng duyên chưa đến, Trang vẫn không từ bỏ ước mơ gia nhập vào “gia đình bay”. Tốt nghiệp, rồi đúng lúc đang chuẩn bị cho đám cưới, cô gái trẻ ứng tuyển cùng lúc vào hai hãng hàng không. Cô nhớ lại: “Buổi chiều dự thi một hãng hàng không thì buổi sáng mình còn đang tung tẩy đi… mời cưới. Hôm đó, thực ra mình chỉ nghĩ thi vào đây cho vui, vì rất tự tin rằng đã trúng tuyển rồi. Khi cưới xong 2 ngày, mình nhận được thông tin trúng tuyển của cả hai hãng hàng không.
Để trở thành thành viên của hãng hàng không số 1 Hàn Quốc này, Trang phải thi sàng lọc một lần nữa tại Hàn Quốc cũng như và bước vào kỳ huấn luyện khốc liệt “siêu kinh khủng” trước khi ra nghề. Tháng 6/2015, cô chính thức trở thành 1 trong 26 cô gái Việt lọt vào “mắt xanh” của hãng hàng không Hàn Quốc (tính riêng năm 2015) và bước vào cuộc sống của những chuyến đi và trải nghiệm. “Những chuyến đi, đó là điều tuyệt diệu nhất mà nghề tiếp viên hàng không mang lại, bất kể bạn làm việc cho hãng nào. Ngày 21 hàng tháng là thời điểm chúng tôi nhận lịch bay của tháng mới. Hôm đó rộn ràng lắm, nhất là với những tiếp viên trẻ mới vào nghề, còn ham bay nhảy, ham khám phá những vùng trời mới như tôi”.
Chuyến bay đầu tiên với tư cách tiếp viên hàng không, Trang sướng suýt hét lên vì biết mình được đến London, Anh. “Đó như là một giấc mơ tuyệt vời nhất vậy, đứng trước Big Ben, tôi không thể tin nổi vào mắt mình, chụp ảnh lia lịa để ghi nhớ khoảnh khắc ấy…” Rồi sau đó là Canada, Úc, Dubai, Singapore, Tây Ban Nha… những miền đất chờ khám phá cứ trải dài theo những chuyến bay.
Đi đến đâu, cô cũng tự thưởng cho mình những đặc sản ở đó, dù khá đắt đỏ, vì quan niệm, có cơ hội đi nhiều, khám phá nhiều đã là may mắn, biết đâu lần sau không thể quay lại nữa. Trang thường chọn những địa điểm nổi tiếng trong thành phố, nơi không quá xa khách sạn của công ty để đến tham quan. Cũng có khi, cô dành cả ngày để di chuyển đến địa điểm mình muốn đến, như lần qua Canada, thác Niagara xa ơi là xa chỗ Trang ở, cô vừa đi xe bus, bắt tàu điện ngầm, đi taxi các loại mới đến nơi, chỉ kịp check-in, chụp vài tấm ảnh, ngắm nghía một lúc đã phải tất tưởi quay về. Có hôm, mải chơi quá, Trang chẳng khác nào cô bé Lọ Lem, người ướt nhẹp vì mưa, chạy vội vàng có mặt ở khách sạn đúng lúc đồng hồ điểm 23 giờ (deadline để các nhân viên có mặt tại khách sạn).
Còn một điều thú vị nữa, Trang tiết lộ, mà có lẽ chỉ những người làm tiếp viên hàng không cho hãng nước ngoài như cô mới được trải nghiệm, đó là cảm giác rưng rưng khi đọc bản thông báo bằng tiếng Việt trong các chuyến bay đến hoặc đi Việt Nam; và cảm giác được trò chuyện bằng tiếng mẹ đẻ với những khách hàng người Việt. Cộng với nó là niềm tự hào của cô gái tỉnh lẻ được làm nghề “sang chảnh”, vừa khiến người bố đã khuất tự hào, vừa giúp đỡ một phần kinh tế cho mẹ ở quê, khiến Trang gắn bó với công việc cô đã chọn.
Áp lực kinh hoàng và những sự thật trần trụi về nghề “trên chín tầng mây”
Sau gần 1 năm đi làm, cô nàng tiếp viên hàng không xinh đẹp bảo, cô và các bạn người Việt cùng nghề thi thoảng trêu nhau: “welcome to… ác mộng”. “Người ngoài nhìn vào chắc chẳng bao giờ biết những lúc bọn mình bị trêu ghẹo, bị khách mắng đến mức áp lực và tủi thân quá, phải chui vào toilet khóc nhanh một trận; những lần say máy bay nôn ra mật xanh mật vàng, mệt lả người nhưng vẫn phải tươi tỉnh, cười nói phục vụ khách; những ngày xương khớp đau ê ẩm vì áp lực không khí, cơ thể lâng lâng vì lệch múi giờ, vì làm việc quá lâu hay những lúc hì hục cọ nhà vệ sinh, dọn rác trên máy bay …” – Trang tâm sự.
Có lúc, cô đã nghĩ đến chuyện bỏ nghề. Đó là một lần Trang ở vị trí phục vụ đồ ăn. Đến lượt vị khách khó tính, món ăn khách muốn dùng đã hết, cô cố gắng thuyết phục khách sử dụng món ăn khác, nhưng thất bại. Cô bị khách mắng rất nặng nề, tỏ vẻ khó chịu vì sự “không chu đáo” đó, đến mức phải chạy vào nhà vệ sinh khóc, rồi sau đó nhờ tiếp viên phó “cứu trợ”. Cuối cùng mọi việc cũng êm xuôi, nhưng đó là một trong những lần khiến Trang tủi thân và cảm nhận rõ nhất áp lực của nghề mình đang theo đuổi.
Cô nàng “bóc mẽ”, đằng sau vẻ ngoài nhàn hạ, thảnh thơi của các tiếp viên hàng không là những áp lực khủng khiếp về giờ giấc. Họ mất khoảng 3 giờ để chuẩn bị make-up, trang phục trước khi đến sân bay, sau đó dự cuộc họp ê-kíp vô cùng căng thẳng kéo dài hơn 1 tiếng, đến mức có người bị ngất vì choáng. Trước khi máy bay cất cánh 1 giờ, các tiếp viên phải có mặt và chuẩn bị những việc không tên như đi xếp báo, chuẩn bị toilet, kiểm tra an toàn bay, kiểm tra bàn chải đánh răng, dây an toàn, chăn… ở các chỗ ngồi, đón và giúp đỡ khách chuẩn bị hành lý. Với những chuyến bay dài khoảng 12 tiếng trở lên, sau khi phục vụ khách ăn bữa thứ nhất, các tiếp viên sẽ chia nhóm để ngủ khoảng 1 giờ rồi đổi ca; còn những chuyến bay ngắn hơn, họ bận tối mắt, đến thở còn gấp gáp chứ đừng nói có thời gian trống để nghỉ ngơi.
“Nghề tiếp viên hàng không cũng là nghề nhiều tiếng đồn, ví dụ chuyện “cặp kè”, quan hệ tình cảm ngoài luồng với các nam đồng nghiệp hoặc các phi công, cơ trưởng. Ở hãng tôi làm việc, chuyện đó không thể xảy ra. Tôi thậm chí còn không thể lưu giữ hình ảnh một người phi công nào vào đầu, vì không có thời gian hay điều kiện tiếp xúc với họ. Các tiếp viên chỉ gặp nhóm bay khoảng 5 phút, trong giờ họp. Khi hạ cánh, họ cũng được bố trí xuống máy bay trước, từ khoang riêng. Đến khi nhận phòng ở khách sạn, các tiếp viên cũng chỉ được nhận phòng khi họ đã lên rồi. Thêm vào đó, phi công lái cho hãng toàn những người rất lớn tuổi, nhiều kinh nghiệm và tích lũy giờ bay nên cũng không hấp dẫn lắm (cười)” – Trang thẳng thắn tiết lộ.
Cô cũng cho biết thêm, nếu muốn, việc gặp lại và hẹn hò với các đồng nghiệp nam cũng không dễ, vì hãng của cô liên tục xáo trộn, chọn ngẫu nhiên trong 6.000 tiếp viên để tạo thành phi hành đoàn, nên cơ hội để gặp lại một ai đó từng bay cùng cực kỳ khó, chứ chưa nói đến chuyện tìm hiểu hay trao đổi thông tin với nhau. Có lẽ vì thế, việc quan trọng nhất của các tiếp viên là làm tốt nhất công việc của mình, đảm bảo ê-kíp hoạt động trơn tru. Và cũng bởi sự khắt khe trong quy trình làm việc “nghiệt ngã” ấy, nhiều cô gái theo nghề này khó có hạnh phúc riêng tư. Cô đã thấy nhiều đồng nghiệp người Hàn ngoài 30 mà vẫn chưa có gia đình, thậm chí, chưa có mối tình nào, bởi họ gần như chẳng có thời gian cho chuyện yêu đương.
Cô cũng không ngần ngại đề cập: “Cũng có một tin đồn nữa, rằng các tiếp viên hàng không rất giàu có, nhờ lương và buôn bán hàng xách tay. Trong thời gian ở Hàn, tôi được ở khách sạn miễn phí, nhưng sinh hoạt phí phải tự chi trả, trong khi mức sống khá đắt đỏ. Mặt khác, tôi chỉ nhận được mức lương khoảng ¼ của các đồng nghiệp người Hàn, do hãng áp dụng trả lương cho nhân viên ngoại quốc dựa theo GDP của quốc gia tương ứng. Vì thế, việc làm ở hãng bay ngoại quốc không có nghĩa có thể kiếm bộn tiền nhờ lương.
Còn chuyện kinh doanh, quy chế của hãng không nói rõ là nhân viên không được phép mua bán hàng, nhưng cấm việc mua đồ hiệu đắt tiền, vali cá nhân cũng nhỏ, nên dù muốn, tôi cũng khó mà giàu nhanh nhờ việc buôn bán được. Thế nên, gia tài lớn nhất của tôi là trải nghiệm và khám phá những vùng đất mới, phần nào với chi phí rẻ hơn người khác, thế thôi!”.
Vì còn gia đình riêng ở Việt Nam, Trang không chọn việc ở hẳn Hàn Quốc như nhiều đồng nghiệp người Việt của mình. Một tháng, Trang có khoảng 20 – 22 ngày bay và sống ở Hàn. “Khi ở đó, tôi cùng các tiếp viên nước ngoài khác sống trong khách sạn của công ty, nhưng cũng như đội bay, chúng tôi chẳng có một không gian riêng nào để gắn bó, không có một căn phòng cố định nào của mình – nơi có thể bày biện tranh ảnh, nấu nướng hay tụ tập bạn bè. Tôi thường nói đùa, chúng tôi là những cô nàng “vô gia cư” sang chảnh” – Trang cười buồn chia sẻ.
Afamily | Wanderlust Tips | Cinet