Tìm hiểu ngày Tết diệt sâu bọ ở Việt Nam

(#wanderlusttips) Hàng năm cứ đến mồng 5/5 Âm lịch là người dân Việt Nam lại tổ chức ăn Tết Đoan Ngọ hay Tết diệt sâu bọ. Vào ngày này, các gia đình cùng nhau dậy sớm để “diệt sâu bọ” bằng cách ăn các loại trái cây, rượu nếp.

[rpi]

Tết Đoan Ngọ còn gọi là Tết Đoan Dương. Đoan Ngọ là bắt đầu giữa trưa (Đoan: mở đầu, Ngọ: giữa trưa) còn dương là Mặt Trời, là khí dương, Đoan Dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.

Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ còn được dân gian gọi là bằng cái tên dân dã hơn là Tết diệt sâu bọ. Đây là một trong những ngày lễ truyền thống có nội hàm văn hóa phong phú. Không chỉ riêng ở Việt Nam hay Trung Quốc mà ở Triều Tiên, Hàn Quốc cũng có Tết Đoan Ngọ. Vì vậy, Tết Đoan Ngọ thực chất là một phong tục lễ tết Á Đông gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm. Háo hức nhất vẫn là các bạn nhỏ với niềm tin rằng: quả chua, trái chát và men say của rượu nếp sẽ làm lũ sâu bọ có trong cơ thể lăn ra chết.

wanderlust-tips-tim-hieu-ngay-tet-diet-sau-bo-o-viet-nam-1
Mâm cúng Tết Đoan Ngọ của người Việt thường có hoa quả, bánh tro, rượu nếp để diệt sâu bọ.

Nguồn gốc, ý nghĩa Tết Đoan Ngọ tại Việt Nam

Vào một ngày sau vụ mùa, nông dân ăn mừng vì trúng mùa nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo dày ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Nhân dân đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân.

Ông chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm đơn giản có bánh tro, trái cây, sau đó ra trước nhà mình vận động thể dục. Nhân dân làm theo chỉ một lúc sau, sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượi. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hàng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng.

Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất. Để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày “Tết diệt sâu bọ”, có người gọi nó là “Tết Đoan Ngọ” vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.

Bởi vậy, không thể quan niệm Tết Đoan Ngọ của người Việt bắt nguồn từ Trung Quốc như một số người vẫn lầm tưởng như hiện nay.

Tết Đoan Ngọ là ngày lễ cầu mong mùa màng bội thu, sức khỏe dồi dào thể hiện rõ tín ngưỡng thờ cúng đất trời của người dân, bên cạnh đó còn là dịp để con cháu phương xa về quay quần bên gia đình cho thấy sự yêu thương đoàn kết. Với những ý nghĩa tốt đẹp ấy, Tết Đoan Ngọ được xem là ngày lễ thú vị, tốt lành và cần được gìn giữ trong đời sống hiện đại ngày nay.

Các tục lệ trong ngày Tết Đoan Ngọ

Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ được “Việt hóa” thành ngày “Tết diệt sâu bọ” và thờ cúng tổ tiên. Người Việt Nam còn gọi Tết Đoan Ngọ là “Tết diệt sâu bọ” vì trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh. Vào ngày này, dân gian có nhiều tục trừ phòng bệnh dịch.

Đối với trẻ con, từ sáng sớm, khi chúng còn ngủ, người ta bôi vào thóp thở và ngực, vào rốn một chút hồng hoàng cũng nói là để “trừ khử trùng”. Hồng Hoàng hay Thư Hoàng là một vị đông dược, tên khoa học là “Realgar, Orpiment”, tính chất ấm, cay là một khoáng thạch có chứa chất A-sen, màu đỏ da cam, dùng để chữa các chứng kinh phong, kinh giật hoặc sốt kéo dài. Dùng bên ngoài thì chữa lở, ngứa, mụn nhọt và các vết do rắn, sâu bọ độc cắn.

Vào ngày này, cả làng nhộn nhịp hẳn lên, nhà nào cũng dậy từ sớm chuẩn bị phẩm vật cúng tổ tiên và hoa quả là thứ đồ cúng không thể thiếu. Người ta quan niệm rằng, đây là thời điểm quả trên cây, lá trên cành bắt đầu đơm hoa kết trái và cúng tổ tiên để mong một mùa bội thu.

Nhiều người tắm nước lá mùi để phòng bệnh và tẩy trừ “sâu bọ”. Nhiều địa phương ở ven biển đúng giờ Ngọ họ đi tắm biển. Ngày này theo quan niệm dân gian là ngày khí dương mạnh nhất trong năm, người ta cúng lễ để cầu an vào giờ Ngọ.

Sau lễ cúng là các tục lệ giết sâu bọ. Cả nhà quây quần ăn những thứ quả chua, rượu nếp, bánh tro… để diệt trừ “sâu bọ”, xua đuổi hết bệnh tật. Bên cạnh đó cũng vào giờ Ngọ (12 giờ trưa) ngày mồng 5/5, nhiều người ra sân nhìn lên mặt trời bằng mắt trần và nháy mắt 7 lần (đối với nam), nháy mắt 9 lần (đối với nữ) để quanh năm không bị bệnh đỏ mắt.

Nơi phố phường, thị thành, không nhiều vườn tược, cỏ cây, người dân có lệ đi mua lá thuốc mồng 5. Dịp này, những người buôn bán từ quê ra đều mang theo đủ thứ loại lá bày bán. Lá được xắt nhỏ, phân từng loại riêng biệt, người đi chợ chọn lấy những lá có mùi vị ưa thích mua về, đúng giờ Ngọ ngày mồng 5/5, lại đem ra phơi khô rồi bọc lại để trong tủ thuốc gia đình, dùng khi nhà có người ốm đau.

Món ăn đặc trưng trong ngày này

Theo thông lệ, buổi sáng sớm ngày Tết Đoan Ngọ, mọi người chưa ăn uống gì sẽ lót dạ bằng hoa quả như: mận, vải, dưa hấu và rượu nếp. Chính vì thế, bát rượu nếp hay đĩa mận tươi đã trở thành món ăn không thể thiếu trong ngày lễ này.

wanderlust-tips-tim-hieu-ngay-tet-diet-sau-bo-o-viet-nam-2
Rượu nếp cẩm cũng là món ăn phổ biến để diệt sâu bọ.

Ngoài ra còn tùy theo truyền thống của từng miền, vào ngày này, ngoài hoa quả, những món ăn cũng khác nhau. Tại Hà Nội và một số vùng của miền Bắc ngày này, rượu nếp, đặc biệt là rượu nếp cẩm, là món không thể thiếu. Người ta cho rằng, bộ phận tiêu hoá của con người thường có các loại ký sinh gây hại và chúng nằm sâu trong bụng nên không phải lúc nào cũng diệt được. Duy có ngày mồng 5/5 (Âm lịch), các loại ký sinh này thường ngoi lên, con người có thể ăn thức ăn, hoa quả vị chua, chát và nhất là rượu nếp để có thể loại bỏ chúng.

Còn ở Đà Nẵng, món không thể thiếu trên mâm cơm cúng là bánh tro. Nhà nào cũng mua từ ba, bốn chục bánh trở lên.

wanderlust-tips-tim-hieu-ngay-tet-diet-sau-bo-o-viet-nam-3
Bánh ú tro thường được cúng trong Tết Đoan Ngọ.

Ngoài ra, theo truyền thống của người miền trong, thịt vịt cũng là một thứ không thể thiếu cho ngày lễ này. Tại TP. Hồ Chí Minh, vịt quay, heo quay ngày này thường tăng hơn so với ngày thường. Dân gian quan niệm rằng, vịt sẽ bắt đầu béo ngậy, thơm ngon hơn kể từ ngày 5/5 (Âm lịch) trở đi. Chính vì vậy mà có rất nhiều gia đình mua vịt về ăn trong ngày Tết Đoan Ngọ, trong đó món tiết canh vịt thường được ưa chuộng nhất.

Thiếu niên tiền phong | Wanderlust Tips | Cinet