Beppu: Thánh địa suối nước nóng Nhật Bản
- 27/06/2016
- ĐIỂM ĐẾN CHÂU ÂU
- 8 suối nước nóng Beppu, Beppu, Beppu Hatto, Editor picks, Jigokus, Suối nước nóng Nhật Bản
(#wanderlusttips #NhatBan#Beppu) Do núi lửa Mt Aso, đảo Kyushu của Nhật Bản là nơi hoạt động địa nhiệt diễn ra mạnh mẽ, tạo ra các dòng nước nóng. Trong đó, thành phố Beppu nằm giữa vịnh biển và hai ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động là nơi có những suối nước nóng tự nhiên nổi tiếng nhất.
[rpi]
Beppu có tới 2.900 mạch nước nóng từ đó chảy ra 130.000 tấn nước nóng mỗi ngày, chỉ đứng thứ 2 sau công viên quốc gia Yellowstone ở Hoa Kỳ. Hơi nước nóng bốc lên từ khắp Beppu khiến người ta liên tưởng tới một thành phố đang bốc cháy.
Beppu có 8 khu vực suối nước nóng khác nhau, và còn được gọi là “Beppu Hatto” hay Jigokus (Địa ngục) có nhiệt độ từ 50-99,5°C và hẳn nhiên không phải là nơi phù hợp để tắm trực tiếp, song lại là điểm hấp dẫn du khách tới Beppu.
Ngoài du lịch, suối nước nóng cũng đóng vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày ở Beppu. Hơi nóng của các suối nước nóng này được dùng để làm ấm nước sinh hoạt rồi chuyển quá đường ống tới các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh. Nước nóng này cũng có thể dùng để nấu ăn. Nước suối còn được sử dụng cho nghiên cứu nông nghiệp, vật lý trị liệu và tắm thư giãn. Beppu là khu nghỉ mát suối nước nóng lớn nhất trên thế giới.
Chinoike Jigoku (ao máu)
Chỉ nghe thôi bạn có thể tưởng tượng ra suối nước nóng này trông như thế nào. Suối nước nóng có màu đỏ như máu này là do sự hiện diện của sắt oxit và magie oxit.
Umi Jigoku (biển)
Suối nước nóng này, ngược lại, có màu xanh biếc như đại dương. Nhưng bạn đừng để bị màu sắc đánh lừa, vì nhiệt độ nước lên tới 98 độ C. Suối nước nóng này nằm trong khuôn viên một khu vườn rộng mênh mông đầy cây cối, trong đó còn có một ao nước trồng hoa sen. Lá sen lớn và khỏe tới mức có thể đặt một đứa bé ngồi bên trên. Các cửa hàng gần khu vực suối nước nóng Umi có bán bánh và trứng luộc chín trong nước suối.
Oniishibozu Jigoku (đầu nhà sư)
Bùn từ suối nước nóng này sủi lên trông giống như đầu của các nhà sư, chính là lý do vì sao nó được đặt tên như vậy. Cạnh suối nước nóng Oniishibozu còn có một nhà tắm công cộng với nhiều bể bơi.
Shiraike Jigoku (suối trắng)
Màu trắng đục như sữa của suối nước nóng Shiraike là do tổng hòa các nguyên tố axit boric, muối, natri silicat và canxi bicacbonat. Hồ nước nóng này được bao quanh bởi một khu vườn tuyệt đẹp. Có một bể thủy sinh nhỏ lưu giữ cá piranha.
Kamado Jigoku (nồi nước sôi)
Trông không khác địa ngục thực sự là mấy, bởi Kamado là một hồ nước nóng sôi sùng sục bốc khói, lối vào được canh gác bởi một con quỷ màu đỏ. Ấy thế mà du khách tới đây sẽ có khoảng thời gian khá vui vẻ bởi được trải nghiệm uống nước từ suối nước nóng, ngâm tay ngâm chân trong nhà tắm với nước này và thưởng thức các món ăn được nấu hay hấp chín nhờ hơi nóng của dòng suối.
Oniyama Jigoku (Hồ cá sấu)
Cũng giống như Kamado Jigoku, có một con quỷ đỏ canh giữ ở lối vào. Suối nước nóng này khá đặc biệt bởi đây còn là nơi nuôi cá sấu lâu đời. Có tới hơn 80 loại cá sấu được nuôi dưỡng xung quanh dòng suối.
Yama Jigoku
Đây là hồ nước nóng ven núi.
Từ khi các dòng nước bốc hơi nóng lên khắp ngọn núi người ta dùng hơi ấm tỏa ra từ đây để nuôi dưỡng nhiều loài động vật. Hiện nay có khoảng 20 loài được nuôi dưỡng ở đây bao gồm hà mã, khỉ, hồng hạc, và voi châu Phi.
Tatsumaki Jigoku
Áp lực nước trong mạch nước nóng này khá lớn khiến cho chúng phun trào lên thành một vòi nước. Cứ 30-45 phút lại có một dòng nươc phun lên và phun trong khoảng 6-10 phút. Vòi của nó có thể phun nước cao tới 50m song có một tấm đá được đặt phía trên nên vòi nước không đạt được hết độ cao của nó để tránh dòng nước phun vào người du khách.
Amusing Planet | Wanderlust Tips | Cinetc