“Tiền mất tật mang” từ các tour du lịch giá rẻ
- 08/08/2016
- TIN DU LỊCH, KINH NGHIỆM DU LỊCH
- du lịch giá rẻ, kinh nghiệm du lịch giá, New Tour, tour du lịch giá rẻ
(#wanderlusttips) Mùa hè đến, nhu cầu nghỉ dưỡng, du lịch của người dân tăng cao. Nắm bắt điều này, nhiều trung tâm lữ hành, công ty du lịch đã tung ra các tour du lịch giá rẻ như những món mồi béo bở để thu hút sự quan tâm của du khách. Thế nhưng không phải tour du lịch giá rẻ nào cũng thực sự là món hời, nếu không cẩn thận du khách có thể bị lừa đến độ “tiền mất tật mang”.
[rpi]
Giá mỗi tour của các công ty thường sẽ không quá chênh lệnh, nhưng mỗi nơi sẽ đánh vào tâm lý người tiêu dùng về điểm đến và những dịch vụ kèm theo khác nhau với lời chào mời hấp dẫn.
Vào trang web tìm kiếm Google đánh dòng chữ “tour du lịch giá rẻ” sẽ cho hơn 1.800.000 kết quả từ nhiều nguồn khác nhau. Điều này một mặt thể hiện sự nở rộ của du lịch và nhu cầu hưởng thụ của người dân đã tăng lên, tuy nhiên cũng bộc lộ nhiều bất cập như những ai đang có ý định đi du lịch sẽ hoang mang trước “ma trận tour, giá cả” và đặc biệt nguy hiểm hơn là có thể bị lừa đảo khiến “tiền mất tật mang”.
Vài năm trước đây, cơ quan công an đã kết hợp với các đơn vị truyền thông phanh phui nhiều công ty ma dùng các chiêu bài “giá rẻ”, “khuyến mãi”, “giảm giá” đánh vào tâm lý chuộng “ngon, bổ, rẻ” của người dân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thậm chí còn cho nhiều người đi “tàu bay giấy”.
Điển hình vụ công ty du lịch New Tour lừa đảo người dân tham gia mua các gói du lịch nghỉ dưỡng thông qua internet với các voucher (thẻ giảm giá) hết sức hấp dẫn. Hàng chục người đã tin và gửi vào đó số tiền lên đến gần trăm triệu đồng để mong chờ được hưởng thụ chuyến đi trong mơ của mình.
Như chị H., một độc giả ở Hà Nội cho hay, khi biết New Tour bán voucher giảm giá qua qua một trang web về mua bán trực tuyến, chị gọi điện theo số đường dây nóng của công ty này để mua tour trực tiếp đi Phú Quốc cho đoàn 8 người với tổng số tiền mua hết hơn 50 triệu đồng.
Tuy vậy, sau khi gom góp được kha khá tiền của các “nạn nhân” thì cả “giám đốc” lẫn “nhân viên” của công ty New Tour này bỏ trốn khiến cho nhiều người chỉ biết kêu than trên mạng xã hội và cảnh báo người khác. Cơ quan công an đã vào cuộc điều tra, nhưng hiện chưa rõ được tung tích nghi phạm.
Một chiêu lừa đảo khác của các công ty ma là “treo đầu dê, bán thịt chó”. Một giám đốc công ty du lịch cho biết: “Nhiều công ty du lịch đưa ra các gói tour với giá rất hấp dẫn và bao gồm tất cả các dịch vụ đi lại, ăn ở. Ví dụ tour lên Sapa 03 ngày 02 đêm với giá chỉ hơn 1 triệu đã bao gồm tất cả các dịch vụ rất cao cấp như ăn nghỉ tại khách sạn, nhà hàng sang trọng.
Tuy nhiên, do không kiểm tra kỹ càng và khẳng định lại với công ty, nhiều người đã lâm vào cảnh dở khóc dở cười khi lên tới nơi không những phải ăn, ngủ nghỉ trong điều kiện không như trong miêu tả mà còn phải nộp thêm tiền để vào các khu tham quan. Số tiền du khách bỏ ra cộng lại còn lớn hơn cả giá các tour cùng tuyến ở những trung tâm du lịch có uy tín khác. Chưa kể họ còn đưa mình vào những chỗ vui chơi không ra gì”.
Liên quan đến thủ đoạn này, bạn Mai Lê (nick facebook) hiện đang học tại trường Đại học Thương Mại cũng cho biết, bạn và nhóm của mình tự tổ chức một tour du lịch đi quần đảo Cô Tô (Quảng Ninh) chứ không thông qua công ty lữ hành. Tuy vậy, khi lên trên đảo, nhóm của Mai Lê có đăng ký một tour tham quan vòng quanh đảo giá rẻ.
Do cả nhóm không kiểm tra kỹ giá thành và chi phí nên sau khi kết thúc chuyến đi đã xảy ra xích mích giữa hai bên khi bên tour đòi thêm tiền xe. Căng thẳng chỉ thực sự chấm dứt khi nhóm của Mai Lê chấp nhận bù thêm tiền cho tour của mình. Clip sự việc do nhóm tự quay sau khi đăng lên trang mạng xã hội đã nhận được nhiều sự chú ý của cư dân mạng.
Gần đây khi trào lưu đi du lịch bụi nở rộ, nhất là trong giới trẻ thì cũng xuất hiện một số chiêu trò lừa đảo mới, không hề có tiền lệ để dụ dỗ “con mồi”.
Mặc dù hình thức này chưa phổ biến và nghiêm trọng nhưng cũng đã xuất hiện ở một số địa điểm tập trung đông phượt thủ. Các cách thức nhằm thu hút khách như: Tung quảng cáo homestay (nhà ở cùng gia đình) siêu rẻ trên mạng kết hợp với ăn tại gia và giá thuê xe máy; các nhà hàng giảm giá đặc biệt, hoặc dành các ưu đãi giá rẻ cho du khách đi phượt…
Bên cạnh những người làm ăn chân chính thì cũng không ít kẻ trục lợi nhờ vào hình thức kinh doanh này. Một bạn có nick name là thaibinhdutu chia sẻ trên trang web của các phượt thủ vụ việc bị một nhà hàng treo giá bình dân nhưng lại tính tiền giá khủng tại Cô Tô.
Cụ thể như sau: “Lang thang ra bãi Vàn Chảy rồi vào quán Trường Nguyên (bãi Vàn Chảy, thôn Nam Hà – xã Đồng Tiến, Cô Tô) vì nghe nói quán đó giá cả hợp lý nhất. Sau khi thưởng thức món móng tay, được người trong quán giới thiệu món tu hài đặc sản và cả hai vợ chồng đều nghe rõ giá 1kg giá tầm trăm rưỡi.
Ăn xong, gọi thanh toán thì ôi thôi 1,1 kg tu hài có giá 450k. Bực mình, bảo chủ quán lúc gọi đồ báo có trăm rưỡi, giờ báo bốn trăm năm mưới ngàn. Tranh luận một hồi đành thanh toán 700k cho tu hài và móng tay mà ăn phát chán. Bực mình vì bị hỏi giá một kiểu, thu tiền một kiểu. Ăn không hỏi giá, chém bình thường. Trước khi ăn hỏi giá, khi thanh toán nó bảo giá khác, đành thua”.
Để tránh phải những tình huống trớ trêu như trên, Trương Dân (một phượt thủ) chia sẻ, mỗi chuyến hành trình bạn đều tìm hiểu tất cả các nguồn thông tin khác nhau như qua bạn bè, người thân, đặc biệt là qua trang web du lịch được nhiều người tin cậy để tự tay lên một chương trình hoàn chỉnh, tránh hoang mang dẫn đến bị người khác lừa đảo.
Nhà văn Diệu Linh (bút danh Di Li) nổi tiếng với các tác phẩm sách du ký như “Đảo Thiên đường”, “Nụ hôn thành Rome” chia sẻ kinh nghiệm: “Thường đi du lịch theo tour, tôi hay đặt của các công ty uy tín vì họ là công ty lớn, cung cầu rõ ràng. Giá cả cũng không quá chênh lệnh nhưng rất minh bạch trong dịch vụ.
Một số công ty khác thì cũng đưa ra gói giá rẻ nhưng dịch vụ thấp hơn, ví dụ thay vì đi tàu cao tốc thì họ dùng tàu thường, vì thế tiền mà du khách bỏ ra cũng ít hơn. Nhưng điều quan trọng nhất là du khách phải đọc thật kỹ những nội dung có ở trong tour”.
Việc một số công ty du lịch, lữ hành tranh thủ nhu cầu nghỉ dưỡng hết sức bình thường của người dân sau những tháng ngày căng thẳng để thu lợi bất chính là không thể chấp nhận. “Một lần mất tín là vạn lần mất tin”, dường như họ chỉ nhìn thấy được cái lợi của việc trước mắt mà quên đi chiến lược kinh doanh lâu dài là lòng tin và sự tín nhiệm của khách hàng mới chính là điều cốt lõi để vượt qua khó khăn, thử thách.
Câu chuyện xung quanh du lịch giá rẻ không mới nhưng nó sẽ không bao giờ cũ trong thời đại kinh tế thị trường hiện nay. Hy vọng trong thời gian tới, sẽ không có thêm ai hoặc đơn vị nào tố giác nhau, lừa lọc nhau liên quan đến du lịch giá rẻ, để người dân thực sự được hưởng thụ chuyến đi của mình mà không lo bị lừa đảo, bị “tiền mất tật mang”.
VOV | Wanderlust Tips | Cinet