Thưởng trà – Nghệ thuật của sự buông bỏ
- 16/09/2016
- VĂN HÓA - LỄ HỘI, ẨM THỰC CHÂU Á
- du lịch, Editor picks, Hong Kong, nghệ thuật, thưởng trà, trà đạo, văn hóa
(#wanderlusttips) Nếu hỏi trong những năm tháng sống ở Hong Kong, tôi tâm đắc nhất điều gì, câu trả lời có lẽ chỉ gói gọn trong một chữ “Trà”.
[rpi]
Thời gian như nước, năm tháng tựa sen và nhân sinh chính là một bình thiền trà. Ẩm trà mà ngẫm sự đời có lẽ là vậy. Tĩnh tâm bên trà, để trà rửa tâm, nhìn rõ bản thân, vào cõi vô thường.
Không biết từ khi nào, trà đã trở thành tri âm trong cuộc đời của tôi. Và cuộc gặp gỡ với “kẻ tri kỉ” ấy có lẽ bắt nguồn từ quán trà Tây Sơn. Kẻ ngoại đạo như tôi đã rất may mắn khi được tham gia vào một buổi thưởng trà đích thực.
Buổi thưởng trà diễn ra như một nghi lễ trang trọng, nghệ sư trà mang theo một hoả lò bằng gốm nhỏ, hoả lò còn có nắp và cửa được chế tác vô cùng tinh xảo với một lượng than vừa đủ được đốt bên trong. Dụng cụ pha trà là ấm tử sa Nghi Hưng chính thống, chỉ cỡ bằng nắm tay, cùng với sáu ly trà được chế tác cực kỳ khéo léo trắng như ngọc, mỏng như giấy, ngỡ như chỉ dùng một chút sức lực thôi sẽ bóp vỡ chén trà mong manh đến nhường ấy. Ban đầu hơi lửa từ lò đốt tương đối mạnh để nước đun sôi nhanh, vừa nhấc siêu nước nghệ sư trà vừa giới thiệu về nguồn gốc xuất xứ của nước pha trà. Nước dùng để pha trà được lấy từ suối nguồn cách Bắc Kinh 18km, lửa trong lò sử dụng để đun sôi nước suối nguồn cũng tất ứng với câu nói của cổ nhân: “Nước nguồn phải nấu trên lửa sáng”.
Trà Thiết Quan Âm thượng hạng được xúc lên mâm để trà khách cùng đánh giá, đồng thời lai lịch của trà cũng được giới thiệu sơ qua. Bình trà đã được làm ấm, lúc này nghệ sư trà dùng thìa nhẹ nhàng đong trà vào trong ấm, sau đó rót nước suối đã đun sôi vào, khi gần đầy ấm thì dừng lại. Tôi nhớ mãi dáng vẻ vô cùng ưu nhã khi kẹp nắp ấm gạt phần bọt nổi lên trên rồi tráng nước sôi rửa sạch nắp ấm của nghệ sư trà, một chuỗi hành động bình thường lại được thể hiện một cách thuần thục như mây trôi nước chảy, quả thật đã khiến tôi được đại khai nhãn giới.
Vừa thực hiện chuỗi động tác nghệ sư trà vừa nho nhã giải thích cho chúng tôi biết hành động trên gọi là xối bình, mục đích chính để tẩy trừ, làm cho trong ngoài bình trà đều có nhiệt, như vậy mới phát huy được hoàn toàn hương vị của trà. Lúc ấy, hương trà nồng đậm đã thấm đẫm trong không khí, tưởng rằng đã có thể thưởng thức, ấy vậy mà nghệ sư trà lại một lần nữa khiến chúng tôi bất ngờ khi đổ hết nước trong ấm trà ra ngoài, ông từ tốn giải thích với chúng tôi ấy là hành động rửa trà, mục đích để tẩy đi những bụi bẩn bên ngoài, như thế hương khí trà mới phát huy đến giá trị cao nhất.
Nước sôi lúc này lại một lần nữa được đổ vào ấm, sau đó lần lượt từng ly sứ ngọc đều được tráng bằng nước sôi, sau chừng ấy thời gian chờ đợi, thú thực bản thân tôi cũng có chút bồn chồn. Lúc này, nghệ sư nhấc bình trà rồi tuần hoàn châm trà vào từng ly sứ đã được xếp theo hình vòng tròn để đảm bảo hương vị trong từng tách trà, cách rót ấy gọi là “Quan Công tuần thành”. Ông cũng giải thích với chúng tôi rằng trà mới pha ban đầu nên dùng cách rót “Quan Công tuần thành” để đảm bảo sự cân bằng hương khí trong từng ly trà, đến khi nước đã gần cạn bình thì dùng cách rót trà “Hàn Tín điểm binh” để phân chia cho đều bởi nước cuối bình mới là tinh hoa. Trà vừa rót màu vàng tươi đậm, đẹp tựa hổ phách.
Lúc này quá trình pha trà đã xem như hoàn tất, nghi thức dâng chén trà mời khách được hội tủ đủ trong chữ Kính. Ly trà đầu kính chủ nhà, ly thứ hai kính nữ si, lần lượt những ly trà còn lại được dâng cho các vị khách mời, tôi được hướng dẫn dùng ngón trỏ và ngón cái giữ ly, chưa trực tiếp uống mà trước tiên phải đưa lên chóp mũi ngửi, ngửi xong mới đến công đoạn phẩm trà. Học theo chủ nhà, tôi đưa chén lên chóp mũi, khẽ hít một chút, một làn khí trà tiến vào phổi, bồn chồn lúc chờ đợi biến thành hư không, thay vào đó là cảm giác thư thái, ý nghĩ thông suốt. Tôi khẽ uống từng ngụm nhỏ. Ngụm thứ nhất, cảm giác đắng tràn ngập khoang miệng làm tôi hơi nhíu mày, uống đến ngụm thứ hai lại cảm thấy không giống trước đó, cảm giác đắng đã chuyển thành ngọt ngào nơi cuống họng, nhấp đến ngụm thứ ba thì dư hương lan tràn trong miệng, lúc này tôi không thể làm gì hơn là nhắm mắt tận hưởng cảm giác khoan khoái và tinh tế ấy.
Trong khoảnh khắc ấy, tôi bỗng chợt ngộ ra, thì ra uống trà cũng như nhân sinh vậy, ngụm đầu tiên khá đắng, giống như những khó khăn gian khổ khi ta mới chập chững bước vào đời, tâm tình mỗi người chúng ta khi lần đầu vấp ngã trên đường đời có lẽ chẳng khác nào ngụm trà đầu tiên, đắng thật đắng, chát thật là chát. Ngụm trà thứ hai mang đến dư vị ngọt ngào cũng giống như những thành tựu mà ta đạt được. Ngụm trà thứ ba tôi gọi đó là Ngộ, ấy là khi thế sự phồn hoa tan biến, ta hiểu rằng bình thản mới là chân lý sống. Tuy rằng cho đến bây giờ những thâm ý sâu xa trong đó tôi chưa thể nào hiểu hết, và có lẽ cả cuộc đời cũng khó có thể lý giải rõ ràng, nhưng tôi cảm nhận tâm mình đã trở nên tĩnh lặng hơn, những đè nén ngày thường dường như không còn là sức ép mãnh liệt nữa.
Đến khi tôi mở mắt thì nhân viên đã thu dọn tách trà từ khi nào, bao quát khung cảnh xung quanh tôi bỗng nhớ đến thi nhân Bạch Cư Dị đời Đường đã từng viết một câu thơ khi phẩm trà: “Thất hương la dược khí, lung noãn bồi trà yên” (bảy hương vị ủ trong một ấm trà) với ngụ ý phẩm trà là tổng hoà của cảnh, vị, hương và nghệ. Viết đến đây tôi thấy mình cũng thật may mắn khi được trải nghiệm một buổi thưởng trà hội tụ cả bốn cảnh giới ấy.
Tiền thân của quán trà Tây Sơn vốn là một ngôi chùa cổ có lịch sử gần 1.000 năm. Sự thanh u trang nhã, hương vị cổ xưa dạt dào của quán trà có lẽ cũng xứng với hai chữ cảnh đẹp. Nước pha trà được lấy từ suối nguồn trên núi cao, trong lành thuần vị hoàn toàn phụ trợ giúp phát huy tối đa hương khí của trà. Sau đó khi tìm hiểu thêm, tôi được biết ấm tử sa Nghi Hưng dùng để pha trà lần ấy cũng có lịch sử lâu đời, hoàn toàn thoả mãn năm chữ: bùn, hình, thợ, khoản, công trên phương diện chế tạo và giám định ấm tử sa. Nhưng vượt trên tất cả những điều kiện khách quan ấy, chính là nghệ thuật pha trà đã đạt đến công phu thượng thừa, người nghệ nhân châm trà nắm giữ nhiệt độ một cách thuần thục, tất cả đều vừa đúng mức, khai thác toàn diện hương, khí, ý và vị ẩn sâu bên trong trà.
Cho dù là một kẻ ngoại đạo như tôi khi đó cũng ngộ ra được đôi điều, một tách trà, thấm ba vị, ấy là khổ như nhân sinh, ngọt như nhân sinh và bình đạm tựa nhân sinh. Thực là, pha một ấm trà thơm như thời gian lưu chuyển, mây nước ngàn năm, năm ba vị bằng hữu quây quần thưởng trà phẩm hương, ngẫm chuyện đời, chuyện mình, chuyện thế gian. Tôi nghĩ, cuộc đời như vậy, có lẽ cũng là một sự viên mãn.
Vân Nguyễn | Wanderlust Tips | Cinet