Những bức ảnh ấn tượng trong cuộc thi ảnh thời tiết của Hội khí tượng hoàng gia Anh
Tia sét giữa bầu trời đầy sao, vòi rồng, cầu vồng trong cơn bão hay những đám mây vần vũ trước cơn cuồng phong trông như đôi cánh chim khổng lồ đầy màu sắc, hãy cùng chiêm ngưỡng những bức ảnh tuyệt đẹp được lựa chọn từ hơn 800 tác phẩm từ khắp nơi trên thế giới gửi về dự thi Nhiếp ảnh chụp thời tiết xuất sắc nhất của Hội khí tượng hoàng gia và Hội nhiếp ảnh hoàng gia Anh Quốc.
[rpi]
Bức ảnh chiến thắng chung cuộc thuộc về nhiếp ảnh gia Tim Moxon, chụp một cơn lốc xoáy ở thị trấn Wray, Colorado. “Chúng tôi, bao gồm cả những người xuất hiện trong bức hình, căng thẳng thưởng thức màn trình diễn ngoạn mục của thiên nhiên “, Moxon cho biết.
Bức ảnh do nhiếp ảnh gia Ben Cherry thực hiện tại Punta Banco, Costa Rica, chụp một cảnh tượng tương phản một tia sét nhỏ giữa bầu trời đầy sao. Đây là tác phẩm đoạt giải nhất cho ảnh chụp tốc độ trên 16s.
Nhiều hiện tượng tự nhiên cùng xuất hiện trong một bức ảnh đòi hỏi các nhiếp ảnh gia phải làm việc liên tục để chớp được khoảnh khắc quý giá. Một cơn mưa đá, một trận cuồng phong trên biển, cầu vồng, cùng lúc xuất hiện trong bức ảnh của James Bailey, chụp tại vùng biển Covehithe. Bức ảnh này đem đến cho Bailey giải nhất cho ảnh chụp tốc độ dưới 16s.
Đây là bức ảnh được công chúng yêu thích nhất trong cuộc thi của tác giả Paul Kingston. “Những bức tường bên trong bến cảng Whitehaven bị một con sóng khổng lồ khiến những kiến trúc nhân tạo lung lay chao đảo “, Kingston kể lại khoảnh khắc làm nên bức hình.
Hai cơn bão đụng độ nhau ở New Mexico tạo nên một khoảnh khắc độc nhất vô nhị mà nhiếp ảnh gia Camelia Czuchnicki bắt được tháng 6 năm 2014. “Những khung cảnh hiếm hoi như thế này chính là lý do kéo tôi trở lại những vùng thảo nguyên nước Mỹ hàng năm “, Czuchnicki chia sẻ.
Cũng có những lúc mẹ thiên nhiên sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật lộng lẫy như thế này. Đây là tác phẩm của nhiếp ảnh gia Stephen Lansdell chụp tại Nebraska. Lansdell cũng được biết đến là người đuổi theo những cơn bão. Khoảnh khắc này được mô tả trong bức ảnh mang tên Mama Factory.
Nhiếp ảnh gia Dmitry Demin gọi tên bức ảnh mà anh chụp khi ngồi trên cáp treo đi tới núi Cheget Kabardino ở Nga là UFO ở Caucasus. Những đám mây tụ lại trên bầu trời trông không khác gì một chiếc đĩa bay của người ngoài hành tinh.
Cá vàng của bầu trời là tên của bức ảnh sinh động đầy màu sắc này chụp vào tháng 2/2016 bởi nhiếp ảnh gia Alan Tough, khi không khí lạnh ở tầng bình lưu Bắc cực xuống thấp khác thường tạo nên những dải màu lung linh như tranh vẽ trên bầu trời nước Anh.
Cảnh tượng kỳ vĩ này được Paul Andrew chụp trên hồ Mono ở California được anh gọi là cảnh thiên đường mở cửa.
Tác phẩm của Paula Davies chụp qua kính chắn gió xe hơi trong ánh nắng mặt trời buổi sớm ở North Yorkshire, Anh.
Đây là một tác phẩm khác của nhiếp ảnh gia Camelia Czuchnicki, bức ảnh những tia chớp chằng chịt khắp bầu trời ở Nebraska.
Tàu chở dầu Guanabura bị trúng sét, bức ảnh ngoạn mục này được chụp bởi Graham Newman, người cho hay không bao lâu sau khi bắt được khoảnh khắc này, một tia sét đánh xuống gần chỗ anh đứng buộc anh phải ôm máy móc chạy khỏi nơi đó.
Stephen Burt chụp bức ảnh tại sông băng Gornergrat ở Thụy Sỹ.
Allan Macdougall đã chụp lại được bức điêu khắc kỳ vĩ của băng tại bắc Ceredigion, Mid Wales.
“Bức ảnh chụp giữa Tadcaster và York, con đường dẫn thẳng tới tâm bão “, nhiếp ảnh gia Mat Robinson, chủ nhân bức ảnh cho biết.
Steve M Smith chụp tấm hình ở miền bắc xứ Wales chụp một triền đồi phủ đầy mây trắng về phía Foel Fras ở Carneddau.
Năm nào nhiếp ảnh gia Mat Robinson sống ở Sheffield cũng tự thử thách bản thân để chụp được những bông tuyết đầu mùa rơi ở Peak District. Bức ảnh thảo nguyên nước Anh đẹp như ở xứ sở thần tiên.
Nhà khoa học Michal Krzysztofowicz, người tham gia khảo sát Nam Cực cho biết vầng hào quang chụp được trong bức ảnh là do ánh mặt trời khúc xạ qua các tinh thể băng.
Daily Mail | Wanderlust Tips | Cinet