5 món ăn không thể bỏ qua khi đến Phú Yên
(#wanderlusttips #PhuYen) Là bối cảnh chính trong bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, Phú Yên làm say lòng du khách bởi phong cảnh bình yên và tươi đẹp. Không những vậy, ai đến với Phú Yên một lần chắc chắn không thể nào quên sự tươi mới do văn hóa ẩm thực nơi đây mang lại.
[rpi]
Chả dông
Nhắc đến ẩm thực Phú Yên, không thể không nhắc đến chả dông – món ăn “độc quyền” của mảnh đất đầy nắng gió này.
Nhìn từ bên ngoài, chả dông cũng có màu vàng ươm đặc trưng như các loại chả khác. Nhưng điều đặc biệt là thay vì nhân thịt lợn hay thịt bò, người dân địa phương lấy thịt con dông làm nguyên liệu chính.
Dông là loài sống trên các cồn cát ven biển. Mùa hè là mùa thích hợp nhất để thưởng thức món này vì dông nhiều và thịt thơm ngon. Sau khi sơ chế, thịt dông sẽ được trộn với các gia vị như ớt bột, hành tiêu, nấm mèo và bách thảo, cuốn trong bánh tráng rồi bỏ vào chảo dầu rán.
Thực khách sẽ cảm nhận được vị giòn tan và mùi thơm của miếng chả dông khi thưởng thức. Vì dông được bắt ngoài tự nhiên nên thịt chắc, không có nhiều mỡ và có mùi thơm đặc trưng. Mùi vị của dông hòa quyện với các hương liệu và gia vị tạo cho thực khách cảm giác như có sự pha trộn của biển với núi rừng. Chả dông thường được ăn kèm với các loại rau sống và dưa chuột để át đi vị ngậy của dầu mỡ.
Cá ngừ cuốn cải xanh
Cá ngừ cuốn với cải xanh, chấm cùng mù tạt là cách thưởng thức để cảm nhận trọn vẹn hương vị tươi ngon của món đặc sản Phú Yên. Một phần ăn đầy đủ sẽ gồm đĩa cá ngừ phi lê với những lát thịt đỏ tươi, đĩa rau xanh ăn kèm và thêm một số nguyên liệu khác, như: hành, sả, gừng cắt nhỏ, lạc rang, bánh tráng.
Nước chấm được thực khách tự pha chế bằng mù tạt, trộn thêm chút xì dầu, tương ớt và thêm vào nước cốt chanh. Bước cuối cùng là lấy bánh tráng nhúng nước cho mềm, bỏ các nguyên liệu vào và thưởng thức. Món ăn tạo cảm giác tươi mát, mới lạ với vị rau xanh và biển cả.
Để có món cá ngừ cuốn cải xanh ngon, đầu tiên là người đầu bếp phải có kỹ thuật chế biến và cắt cá tốt. Miếng thịt cá phải đảm bảo tươi, không bị tanh, miếng cá cắt đều tay, đẹp mắt. Mọi người có thể kết hợp với nhiều loại rau tùy thích nhưng không thể thiếu cải xanh, lạc rang và bánh tráng.
Mắt cá ngừ đại dương
Không chỉ có cá ngừ cuốn rau xanh, mắt cá ngừ cũng là một món ăn đặc trưng, chỉ có thể thưởng thức ở Phú Yên mới “chuẩn” và đúng vị.
Cá ngừ đại dương thường nặng từ 40-50kg, nên có cầu mắt khá to. Mắt cá ngừ thường được nấu chín trong một hũ đất nung nhỏ, thêm vào rau củ, gia vị và một số loại thuốc bắc như táo tàu, kỷ tử… Tùy vào mắt cá ngừ to hay nhỏ mà một hũ có thể đựng một hoặc hai mắt cá ngừ để phục vụ thực khách.
Điều đặc biệt là mặc dù món ăn được hầm với một số loại thuốc bắc, nhưng khi ăn, bạn hầu như không cảm thấy vị thuốc lấn át mùi cá. Hương vị món ăn sẽ càng hoàn hảo hơn nếu bạn dùng kèm với rau tía tô thái nhỏ.
Mỗi nơi ở Phú Yên có cách nấu và trình bày khác nhau, nhưng xét về độ ngon thì hương vị hầu như không thay đổi. Mắt cá ngừ khi ăn hơi bùi bùi, béo béo, nhiều người miền Trung còn cho thêm đậu phộng, bánh tráng vào ăn cùng.
Món sò huyết đầm Ô Loan
Đầm Ô Loan thuộc huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Tuy có nguồn lợi thủy hải sản đa dạng, phong phú, nhưng điều làm nên thương hiệu ở đây chính là sò huyết. Sò huyết đầm Ô Loan có thịt dày, ngon ngọt và đậm đà.
Sò huyết đầm Ô Loan to hơn nhiều so với nơi khác, xuất hiện thường xuyên trong năm và dễ dàng đánh bắt. Người dân khi bắt được sò thường đem về chế biến thành nhiều món như nướng mỡ hành, nướng mọi hay đem xào, rang muối ớt, sốt me với rau răm, nấu cháo…
Sò khi đó vừa được bắt lên, đem đi rửa sạch, chà lớp vỏ bên ngoài để không bị đóng cát, cặn. Tiếp đó tùy theo món mà chế biến hợp lý, nhưng người dân Phú Yên thường chọn rang muối ớt do cách chế biến vừa giữ được con sò nguyên vẹn, vừa khiến món ăn có vị đậm đà.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tự tay trải nghiệm, bắt sò huyết khi ngồi trên thuyền câu của ngư phủ khi màn đêm buông xuống. Sò huyết có thể được bắt và nướng ngay trên thuyền. Khi đó, bạn có thể vừa ăn sò huyết, vừa có thể ngắm trời mây non nước, cảm giác thật sự rất thi vị.
Bún bắp
Món bún bắp là nét văn hóa ẩm thực không thể thiếu của người dân Tuy An, tình Phú Yên. Bún bắp thường nấu cùng giò heo hoặc ốc, được chế biến khá công phu.
Một mẻ bún cần 6-7 ngày để hoàn thành. Trước tiên là khâu giã bắp. Bắp được giã chung với trấu, vừa giã vừa sàng sảy sao cho trở thành những hạt nhỏ được gọi là gạo bắp, sau đó đem gạo bắp ngâm nước trong 30 phút, rồi vớt ra ủ một ngày một đêm cho lên men chua.
Sau đó, phải mất đến ba ngày nữa để loại mùi chua trước khi đưa vào cối quết thành bột. Khi đó bột bắp được nén thành khối rồi cắt ra luộc lại khoảng 15 phút, sau đó cho vào máy xay nhuyễn lần cuối. Thêm một lần nhồi bột lại với nước ấm, đưa qua máy đùn sợi, sợi bún rớt xuống nồi nước sôi đến khi chín thì nổi lên mặt nước.
Sợi bún màu vàng tươi, mềm mại, khi ăn có vị ngọt vừa đủ, thường được chế biến thành bún bắp giò heo, xào lòng heo hay ăn cùng canh chua cá bống.
Dantri | Wanderlust Tips | Cinet