Trang phục truyền thống của các quốc gia Đông Nam Á
- 01/01/2017
- VĂN HÓA - LỄ HỘI
- áo dài, Baju Kurung, Baro't Saya, Du lịch Đông nam á, Editor picks, Kebaya, Nyonya kebaya, Phasin, Sampot, Sinh Lào, Thummy, trang phục truyền thống
(#wanderlusttips) Trang phục truyền thống thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa cũng như dấu ấn lịch sử của các quốc gia. Chúng thường được người dân sử dụng trong các dịp lễ Tết hoặc sự kiện đặc biệt, trang trọng, thể hiện niềm tự hào của người dân mỗi đất nước.
[rpi]
Nếu đã có dịp du lịch tới nhiều quốc gia Đông Nam Á chắc hẳn bạn sẽ phát hiện ra rất nhiều điểm tương đồng khá thú vị. Sự giao lưu và ảnh hưởng văn hóa giữa các nước để lại dấu ấn văn hóa rõ nét, trong đó phải kể đến các bộ trang phục truyền thống. Tuy nhiên, nhờ bản sắc văn hóa đặc sắc của từng quốc gia mà dù có những điểm giống nhau nhưng các bộ trang phục truyền thống của mỗi nước đều giữ được những bản sắc độc đáo riêng. Cùng khám phá các bộ trang phục truyền thống của các quốc gia Đông Nam Á qua những thông tin thú vị dưới đây.
Áo dài – Việt Nam
Áo dài – trang phục truyền thống của Việt Nam có hình dáng che thân người từ cổ đến quá đầu gối, dành cho cả nam lẫn nữ. Áo dài thường mặc vào các dịp lễ hội trang trọng hoặc các nữ sinh thường mặc khi đi học. Nó đã trở thành một biểu tượng nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Trước đây, áo dài thường được kết hợp với nón quan thao, nón lá hay khăn đóng.
Từ thế kỷ 16, áo dài đã có cuộc hành trình riêng bên cạnh đời sống văn hóa biến thiên của người Việt. Áo dài đi vào thơ ca, nhạc họa, đời sống với vẻ đẹp riêng. Áo dài cũng đi vào những câu chuyện thời trang của từng thời đại. Ngày nay vào những dịp lễ tết hay những sự kiện quan trọng, du khách tới Việt Nam sẽ bắt gặp rất nhiều hình ảnh những thiếu nữ trong bộ áo dài thanh lịch, thể hiện nét đẹp e ấp, dịu dàng và vô cùng duyên dáng.
Phasin – Thái Lan
Trang phục truyền thống Thái Lan chia làm 2 dạng: trang phục cung đình và trang phục bình dân. Đặc điểm cơ bản của trang phục truyền thống của người Thái là không may vừa sát người. Thay vì thế chúng được may từ các mảnh vải lụa hay vải bông hẹp được nối, gấp thành nhiều loại áo quần đa dạng.
Đối với loại trang phục bình dân, căn bản là một cái phasin, tức là cái váy gồm hai hay ba mảnh vải may thành hình ống được quấn quanh lưng gấp mép ở rốn. Đàn ông mặc quần là những dải vải được buộc vào nhau ở giữa hai chân và vòng quanh hông. Cả đàn ông và phụ nữ đều mang túi bằng vải đeo trên vai để đựng đồ dùng cá nhân. Phasin có thể để trơn, không thêu thùa gì, nhưng thường thì chúng có họa tiết và màu sắc theo những kiểu cách phân biệt theo mỗi vùng hay mỗi nhóm sắc tộc.
Còn đối với trang phục cung đình lại ảnh hưởng của phương Tây nhiều hơn. Triều đình Thái ở thế kỷ 19 cổ động cho sự thay đổi trong cách ăn mặc của người Thái, họ thích một vẻ ngoài có kiểu Tây phương hơn. Đàn ông bắt đầu mặc áo sơ mi, và với cả hai phái thì quần áo may sẵn bắt đầu được ưa chuộng hơn.
Nếu có dịp tới du lịch Thái Lan, có lẽ bạn sẽ chỉ được thấy người dân Thái Lan mặc trang phục truyền thống phasin vào các dịp lễ đặc biệt.
Baro’t Saya – Phillipines
Saya baro’t là một chiếc áo choàng truyền thống với quần váy. Nó có nguồn gốc từ thời kỳ Tây Ban Nha chiếm đóng đất nước này, là trang phục hàng ngày của hầu hết phụ nữ Philippines trong suốt một thời gian dài.
Sampot – Campuchia
Sampot là trang phục truyền thống của Campuchia, nó cũng tương tự như trang phục truyền thống của các nước láng giềng Lào và Thái Lan… Sampot thường là một miếng vải dài khoảng 3m và rộng 1m, được quấn xung quanh thắt lưng, kéo dài ra và kết lại bằng một nút thắt, nút thắt sau đó được kéo lên giữa hai chân rồi được cố định bởi một thắt lưng bằng kim loại. Do cách mặc đặc biệt nên Sampot của đất nước Campodia lại gần giống với một chiếc quần hơn là váy. Điều đó khiến chúng có được đặc điểm riêng biệt không đất nước nào có được.
Trang phục Sampot ở đất nước Campuchia cả nam và nữ đều dùng được. Riêng đối với nữ giới họ thường kết hợp Sampot với Chang Pong – một mảnh vải màu sắc bất kỳ dùng để quấn và che phần ngực ở nữ chỉ để hở phần bụng trên.
Sinh – Lào
Trang phục truyền thống Lào là một chiếc váy ống đơn giản, được làm bằng lụa, tơ lụa, bông hoặc bông chỉ, dệt họa tiết tinh tế cũng như thêu ren tinh xảo. Một chiếc váy Sinh thường được dệt công phu ở chân. Quần áo truyền thống đại diện cho phụ nữ của từng dân tộc Lào, vẻ đẹp, quyến rũ và hấp dẫn phù hợp với truyền thống.
Thummy – Myanmar
Bộ trang phục truyền thống dành cho nam giới gọi là Longchy (một loại quần rộng đặc biệt) kết hợp hài hòa với áo sơ mi hoặc áo Taipon (áo truyền thống). Những chiếc Longchy còn được mệnh danh là “chiếc váy dành cho nam giới” với đủ mọi kích cỡ, phù hợp với mọi tầm vóc cơ thể. Có một điều thú vị là chiếc váy của nam giới Myanmar chỉ được quây và túm buộc lại với một động tác đơn giản nên họ thường xuyên phải chỉnh lại váy khi di chuyển nhiều. Váy Longchy không có túi, nên nếu họ muốn mang theo tiền, điện thoại di động hay những vật dụng tùy thân khác thì phải dắt quanh váy.
Còn nữ giới Myanmar mặc bộ trang phục mang tên Thummy, Thummy gần giống với váy Lào, Thái Lan. Cả nam và nữ giới Myanmar đều mang dép Lào. Bên cạnh bộ trang phục truyền thống, ngày nay, người dân Myanmar cũng mặc Âu phục trong nhiều dịp và khi mặc Âu phục, họ đều đi giày.
Nyonya kebaya – Singapore
Du lịch Singapore vào các dịp lễ hội, khách du lịch quốc tế chắc hẳn sẽ bắt gặp những phụ nữ Singapore trong Quốc phục truyền thống là Nyonya kebay. Bộ trang phục này bắt nguồn từ người Peranakans, ngày nay là người Hoa lai Mã, hay còn gọi là người Baba-Nyonya. Họ là con cháu của những người Hoa nhập cư đến Penang cũng như Malacca và Singapore trong thế kỷ trước.
Y phục Nyonya kebaya vẫn luôn tôn vinh sự quý phái, sang trọng của những người phụ nữ Á Đông. Thông thường, bộ y phục Nyonya kebaya thường được may thủ công bằng tay với đường kim mũi chỉ hết sức tinh tế và tỉ mỉ bởi đó là trang phục truyền thống của những người phụ nữ quý tộc. Y phục nyonya kebaya thường được dùng trong những dịp trang trọng. Thế nhưng, ngày nay nyonya kebaya cũng được cách điệu, phối hợp với quần Jean để thể hiện sự năng động, nhanh nhẹn của người phụ nữ Á đông trong thế kỷ mới. Vì vậy, nyonya kebaya còn được các cô gái trẻ mặc trong công sở hay những lần dạo phố.
Kebaya Indonesia
Kebaya gồm một chiếc áo ôm sát cơ thể, cổ áo trước mở rộng, tay áo dài, chất liệu mỏng nhẹ như tơ lụa hay cotton mỏng… kèm theo đó là những họa tiết hoa lá được in hoặc dệt trên vải. Kebaya truyền thống còn có một dải vải choàng stagen bằng chất liệu batik khoác lên áo. Áo được buộc bằng trâm cài đầu – kerongsang. Kerongsang bằng vàng và được xem là biểu tượng cho tầng lớp quý tộc. Thông thường, Kebaya được mặc với váy kain – một dải vải gồm nhiều nếp xếp li sống động quấn quanh phần cơ thể từ eo xuống dưới.
Ngày nay, Kebaya được cách tân theo nhiều phong cách mới đơn giản hơn, chất liệu bằng vải cotton-polyester chống cháy kèm váy vải batik với những họa tiết theo đôi cánh của loài chim Garuda và những chấm bi nhỏ mang biểu tượng của hoa lài. Nếu có dịp đến du lịch Indonesia, bạn có thể bắt gặp Kebaya hiện đại chính là trang phục của các nữ tiếp viên hàng không Garuda Indonesia.
Baju Kurung – Malaysia
Khách du lịch Malaysia sẽ bắt gặp hình ảnh trang phục truyền thống của người dân nơi đây chính là chiếc Baju Kurung. Baju Kurung là trang phục truyền thống Mã Lai tên gọi chung cho trang phục truyền thống của cả nam lẫn nữ theo đạo hồi ở Malaysia. Baju Kurung bao gồm một chiếc váy hoặc một chiếc xà rông kéo dài từ hông đến gót chân và một chiếc áo tay dài có độ dài đến hông hoặc đầu gối. Thường một bộ Baju Kurung hoàn chỉnh đi kèm với 1 khăn trùm đầu hoặc khăn dài được vắt qua vai, có khi trùm lên đầu.
Baju Kurung – Brunei
Giống với trang phục của người phụ nữ Malaysia, những người Brunei mặc các trang phục đạo Hồi với khăn chùm đầu giấu tóc và trang phục dài che thân.
https://youtu.be/aQDKMaH03YY
LN (TH) | Wanderlust Tips | Cinet