Tới Kon Tum nhất định phải ghé thăm Ngọc Hồi

(#wanderlusttips #KonTum) Nằm ở phía Bắc tỉnh Kon Tum, huyện Ngọc Hồi là điểm đến được nhiều du khách yêu thích. Nơi đây không chỉ lưu giữ nhiều nét văn hóa dân tộc bản địa đắc sắc mà còn là điểm đến lý tưởng để ghé thăm các vùng lân cận hay cả các quốc gia láng giềng…

[rpi]

Ngọc Hồi là huyện miền núi biên giới, nằm ở phía bắc tỉnh Kon Tum, tiếp giáp với hai nước bạn Lào và Campuchia. Nơi đây có ngã ba Đông Dương và đường Hồ Chí Minh đi qua, nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây và các tuyến du lịch nối liền giữa các tỉnh duyên hải miền Trung nước ta với các tỉnh của nước bạn Lào và Campuchia, qua Đông bắc Thái Lan và Myanma.

Huyện có các điều kiện về tự nhiên, văn hóa, xã hội thuận lợi, có Cột mốc quốc giới chung 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia, Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ Trường Sơn, đây là thế mạnh có tính độc đáo riêng có, duy nhất chỉ có ở Ngọc Hồi. Đó là biểu tượng của tình đoàn kết hữu nghị giữa 3 nước mà du khách rất muốn một lần được đến tham quan.

Cùng tìm hiểu những nét đặc sắc tại các điểm du lịch nổi tiếng của Ngọc Hồi:

Cột mốc ngã ba biên giới

Cột mốc nga ba biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia nằm cách khu trung tâm cửa khẩu quốc tế Bờ Y không xa. Xe ô tô có thể vào đến chân đồi, sau đó, đi bộ hơn một trăm bậc gạch xây, đến đỉnh đồi đặt cột mốc.

wanderlust-tips-toi-kontum-nhat-dinh-phai-ghe-ngoc-hoi-1

Cột mốc được xây dựng trên đỉnh đồi có độ cao 1.086m so với mặt nước biển. Đây là công trình kiến trúc mang ý nghĩa chính trị, ngoại giao sâu sắc của ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia. Cột mốc hình trụ tam giác làm bằng đá hoa cương, cao 2m, ba mặt quay về ba phía.

Ngày 18/1/2008, cột mốc chính thức được khánh thành. Phía Việt Nam, cột mốc quay về hướng huyện Ngọc Hồi. Đứng ở đây, phóng tầm mắt bao quát toàn cảnh khu vực ngã ba biên giới. Đến thăm ngã ba biên giới và Khu vực Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Cột mốc ngã ba biên giới chính là sự lựa chọn không thể thiếu trong hành trình khám phá của nhiều du khách.

Làng Đăk Răng

Dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh, từ thị trấn Plei Kần về phía bắc, du khách sẽ còn bắt gặp những điểm đến ấn tượng như: Khu chiến trường xưa – Đường mòn Hồ Chí Minh, Di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Seang, nhiều làng văn hóa đang được đề nghị xây dựng theo mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng. Trong đó, đáng chú ý là làng văn hóa Đắk Răng – đã và đang trở thành lựa chọn thứ nhất của khách du lịch khi đến Ngọc Hồi.

wanderlust-tips-toi-kontum-nhat-dinh-phai-ghe-ngoc-hoi-2

Ở đây, đội cồng chiêng – xoang của những người Dẻ-Triêng đã nổi tiếng, trở thành niềm tự hào của cộng đồng dân tộc thiểu số vùng bắc Tây Nguyên. Đội cồng chiêng do già BRôl Vẻ – Nghệ nhân đa tài và một số “lão làng” tâm huyết tổ chức và duy trì. Điều đặc biệt là hầu hết các nhạc cụ dân tộc phục vụ cho hòa tấu các bài dân ca Dẻ -Triêng đều được chế tác từ những đôi tay khéo léo của các nghệ nhân địa phương. Trong bộ trang phục màu đỏ có hoa văn rực rỡ và những chiếc khăn đội đầu đặc trưng, các nghệ nhân trông có vẻ huyền bí mà quyến rũ. Những khúc hát, điệu múa dân gian hay giai điệu hòa tấu, độc tấu nhạc cụ dân tộc của họ thật mộc mạc, đơn sơ nhưng cuốn hút kỳ lạ.

Làng Đăk Mế

Ở địa bàn xã biên giới Bờ Y, nằm trong quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, làng Đăk Mế của người Brâu còn mang nét sinh hoạt cổ xưa của một trong hai dân tộc ít người nhất trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói riêng và của Việt Nam nói chung. Nơi đây có gần 140 gia đình người Brâu.

Đến thăm làng, du khách sẽ được đắm mình trong những lễ hội và phong tục tập quán đầy màu sắc văn hóa dân tộc Brâu, những truyện cổ về Thần sáng tạo Pa Xây, truyền thuyết Un cha đắc lếp (lửa bốc nước dâng) nói về nạn hồng thuỷ rất đặc trưng.

wanderlust-tips-toi-kontum-nhat-dinh-phai-ghe-ngoc-hoi-3

Cùng đó là những thể loại nghệ thuật dân ca, hát ru; các nhạc cụ như đàn Đinh Pú (được gọi là táp đinh pú), những bộ chiêng đồng nổi tiếng với 3 loại có thang âm khác nhau là Coong, Mam và Tha. Trong đó, nổi bật nhất là bộ Chiêng Tha. Chiêng Tha chỉ gồm hai chiếc: chiêng vợ và chiêng chồng. Chiêng Tha không chỉ là nhạc cụ, mà được coi là thần linh, là tổ tiên của người BRâu. Bộ chiêng luôn được đặt ở vị trí trang trọng trong lúc diễn xướng và cất giữ. Bộ chiêng cũng có cách sử dụng rất đặc trưng, không giống bất cứ cách đánh chiêng phổ biến nào. Hai chiếc chiêng được treo lên một giá đỡ, đặt trước mặt hai người ngồi đối diện. Âm thanh được cất lên từ 4 chiếc dùi (2 dùi đực, 2 dùi cái) gõ vào mặt chiêng.

LN (TH) | Wanderlust Tips | Cinet