Du lịch thể thao: Hành trình của đam mê

Du lịch thể thao không chỉ là một cuộc “hôn phối” thú vị đối với những lữ khách yêu thích các hoạt động thể lực mà đối với nhiều quốc gia, đây còn là đòn bẩy giúp vực dậy cả ngành “công nghiệp không khói”.

[rpi]

wanderlust-tips-du-lich-thao-hanh-trinh-cua-dam-me-1

Đi để được “sống”

Xu hướng du lịch đang thay đổi hàng ngày. Khi các hoạt động như tắm nắng hay thư giãn bên bể bơi khu nghỉ dưỡng đang dần trở nên nhàm chán, du khách lại muốn tìm kiếm những hành trình năng động, thử thách hơn để mang lại những trải nghiệm, cảm xúc mới lạ. Chẳng hạn như tham gia vào các môn thể thao đi leo núi, lặn biển, lướt sóng, dù lượn hay hòa mình trong không khí của các ngày hội thể thao, đến Brazil xem Olympics 2016, đến Singapore xem đua xe F1… và đây chính là tiền đề để du lịch thể thao “lên ngôi”.

Gần đây, trên các diễn đàn của những người đam mê du lịch, cái tên được nhắc đến nhiều nhất là Hoàng Lê Giang – chàng trai Việt có niềm đam mê vô hạn với du lịch thể thao, đặc biệt là leo núi, đã đi qua hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, 7 lần chinh phục dãy núi hùng vĩ nhất châu Á Himalaya (Tây Tạng).

Người ta nói rất nhiều về những chuyến đi của Hoàng Lê Giang, đồng thời băn khoăn tự hỏi điều gì khiến những người yêu du lịch thể thao như Giang có động lực để bắt đầu và hoàn thành những hành trình gian nan đến như vậy? Và những dòng tâm sự trên Facebook của chàng phượt thủ Việt chính là lời giải đáp cho mọi câu hỏi: “Trên đỉnh núi, giữa khoảng trời rộng lớn, tôi mới thấy mình nhỏ bé cỡ nào… Càng thấy mình nhỏ bé, tôi càng hăng để đi tiếp, luôn tự hỏi điều gì đang đón chờ phía sau góc trời, rặng núi kia. Trở ngại không còn là gì khi sự liều lĩnh làm mình cảm thấy như đang được sống, chứ không đơn thuần chỉ là tồn tại trên thế giới này…”.

Chia sẻ của Hoàng Lê Giang cũng là suy nghĩ chung của những người yêu thích du lịch thể thao. “Du lịch là lối sống, thể thao là đam mê, kết hợp cả hai lại giống như là chất gây nghiện mà những người thường xuyên ‘cuồng chân’ như mình không thể từ bỏ” – Jonathan Lin, một blogger mê du lịch thể thao người Singapore hào hứng cho biết. Những cơn “địa chấn” của cảm xúc tột cùng do những trải nghiệm phấn khích mà thể thao mang lại cho chuyến đi sẽ là một dấu ấn mà bạn không thể quên, và cơ hội để khám phá những giới hạn mới của bản thân.

wanderlust-tips-du-lich-thao-hanh-trinh-cua-dam-me-3

Không khó để lý giải tại sao du lịch thể thao lại là một xu hướng “hot” đến như thế bởi những giá trị mà nó mang lại.
Hơn nữa, so với nhiều loại hình du lịch khác, du lịch – thể thao có điểm mạnh là không bị hạn chế bởi bất cứ yếu tố nào như văn hóa, giới tính, địa vị xã hội. Thị trường của du lịch thể thao cũng rộng lớn hơn, hướng tới mọi đối tượng. Các hoạt động và sự kiện của du lịch thể thao cũng ngày càng có xu hướng đại chúng, có thể thu hút được mọi tầng lớp, ở mọi lứa tuổi, giới tính, văn hóa, quốc tịch.

Theo khảo sát du lịch quy mô nhất thế giới TripBarometer 2015 của trang web du lịch lớn nhất thế giới TripAdvisor phân tích trên 44.000 phản hồi từ du khách và các nhà quản lý khách sạn toàn cầu thì có 15% du khách sẽ thử đi du lịch thể thao mạo hiểm lần đầu tiên trong năm 2016. Xu hướng này đặc biệt thể hiện rõ hơn ở những du khách đến từ châu Á khi 20% trong tổng số hơn 5.000 người được hỏi cho biết sẽ quyết định đi du lịch thể thao mạo hiểm. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà các quốc gia lại chạy đua để được quyền đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao lớn như Olympic, Worldcup… Bởi có những người sẽ không ra khỏi nhà trừ khi điểm đến là chủ nhà của sự kiện thể thao họ yêu thích. Giống như Jane Kim – một cô gái người Hàn Quốc có niềm đam mê mãnh liệt với đường đua công thức 1: “tôi đến Singapore vì muốn xem trực tiếp giải đua xe F1, những việc thăm thú khác chỉ là phụ”. Riêng giải đua F1 đã thu hút 300.000 lượt khách quốc tế đến Singapore mỗi mùa. Tương tự Singapore, Brazil cũng là nước nhận được món lợi lớn từ việc đăng cai Wold Cup năm 2014 và Olympics mùa Hè năm 2016. Theo đó, có khoảng hơn 380.000 khách đến Brazil du lịch kết hợp xem thể thao trong hè 2016. Còn theo Hiệp hội Cơ quan Du lịch Thổ Nhĩ Kỳ (TÜRSAB), đất nước này đã chào đón trên 550.000 khách du lịch trong năm 2014 cho các sự kiện thể thao.

wanderlust-tips-du-lich-thao-hanh-trinh-cua-dam-me-2

Du lịch thể thao – Khi “người khổng lồ” thức giấc

Cho đến giữa thập niên 1990, du lịch thể thao vẫn được ví như “người khổng lồ” đang ngủ của ngành du lịch, tuy nhiên với những gì du lịch thể thao mang lại, đến giờ “người khổng lồ” đã thức giấc. Sự kết hợp giữa du lịch và thể thao không chỉ tạo nên một cuộc lữ hành thú vị cho cá nhân du khách mà còn đem đến cho nhiều quốc gia những cơ hội tuyệt vời về kinh tế và quảng bá hình ảnh đất nước. Đón đầu được xu hướng phát triển mạnh mẽ của du lịch thể thao, nhiều quốc gia đã tận dụng ngay “người khổng lồ” này để giúp ngành du lịch bật dậy mạnh mẽ sau những biến cố chính trị, trong đó Thái Lan là một ví dụ nổi bật.

Cuối năm 2015, đền Erawan tại Bangkok bị đánh bom làm 20 người chết và 120 người bị thương. Vụ việc này đã gây ra những ảnh hưởng rất tiêu cực đến ngành du lịch của xứ sở Chùa Vàng. Ngay lập tức, chính quyền Thái Lan đã có những động thái nghe thì có vẻ mạo hiểm nhưng lại cực kì hiệu quả đó là cho Hiệp hội quần vợt mời 2 ngôi sao thế giới Djokovic và Rafael Nadal sang thi đấu. Trận đấu mang tên “Back to Thailand” (Trở lại Thái Lan) chỉ kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ nhưng số tiền mà 2 VĐV này nhận được lên đến 4,1 triệu USD. Với hành động này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Thái Lan đã “bỏ 1 lời 2” bởi trận đấu này không chỉ tạo tiếng vang cho ngành thể thao mà quan trọng hơn còn là việc truyền tải thông điệp ngầm nhằm củng cố niềm tin cho du khách: Thái Lan vẫn là điểm đến an toàn, từ đó vực dậy cả ngành du lịch của đất nước này. Từ thành công của nước cờ trên, ngay sau đó Cơ quan Thể thao Thái Lan (SAT) và Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đã phát động hẳn một chiến dịch trên toàn cầu với khẩu hiệu “Discover Thainess” (Khám phá chất Thái), trong đó ngoài các hoạt động về văn hóa, họ tập trung vào Muay Thái – môn võ thuật cổ truyền đồng thời cũng là môn thể thao phổ biến ở Thái Lan. Bên cạnh đó, họ cũng sử dụng các VĐV đoạt nhiều thành tích quốc tế làm đại sứ truyền thông cho đất nước mình.

wanderlust-tips-du-lich-thao-hanh-trinh-cua-dam-me-4

Từ sức hút của du lịch thể thao, không có gì đáng kinh ngạc đối với tăng trưởng của du lịch thể thao trong 10 năm qua. Theo nghiên cứu của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), ở một số nước, du lịch thể thao chiếm tới 25% tổng thu từ du lịch, đặc biệt trường hợp của Úc và một số khu vực tại New Zealand con số này là 55%. Tuy nhiên, so với các quốc gia khác trên thế giới nói chung và trong khu vực nói riêng như Thái Lan, Singapore, Philippines thì Việt Nam vẫn còn chậm chân trong mảng kinh doanh du lịch thể thao, nhất là các tỉnh và thành phố ở vùng núi phía Bắc và ven biển miền Trung nơi có tiềm năng rất lớn về núi rừng, biển đảo, vốn có thể trở thành thiên đường của các tín đồ trekking, leo núi hoặc lướt sóng, lặn biển. Tuy chưa khai thác hết tiềm năng của “người khổng lồ” đang thức dậy, cũng không khó để du khách có thể tìm ở Việt Nam những điểm lặn ngắm san hô, hay bay dù lượn chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang Tây Bắc, hoặc lướt ván buồm, ván diều trên những vùng biển lộng gió miền Trung – Nam Bộ.

Thu Hoài | Wanderlust Tips | Cinet