Yogyakarta – Linh hồn Indonesia

Nếu như Jakarta là trung tâm thương mại, tài chính sầm uất của Indonesia, thì miền trung Java lại có một chiều sâu lịch sử, văn hóa vốn được ví như linh hồn của đất nước này. Hành trình khám phá Yogyakarta đã gợi mở cho tôi một Indonesia không chỉ là phố thị sôi động, hay những bờ biển xanh biếc, mà là một bề dày lịch sử với những giá trị văn hóa, tôn giáo, kiến trúc còn tồn tại tới ngày nay.

[rpi]

wanderlust-tips-yogyakarta-linh-hon-indonesia-1

Jogja – Theo dấu Sultans

Cảm nhận đầu tiên khi Jogja (tên thường gọi của Yogyakarta) – thành phố miền trun Java – đón tôi vào lúc 8h tối bằng một trận mưa đó là sự chậm lại của thời gian từ con phố không quá đông đúc, hay các ngôi nhà một tầng lợp ngói hầu như đã đóng cửa. Những khối đá cẩm thạch bao bọc bên trong và bên ngoài khách sạn Tentrem, cùng vị ngọt ngào của trái da rắn đặc sản địa phương đã làm mát dịu cái nóng nực của mùa hè nhiệt đới.

Được cảnh báo về những cơn mưa chiều ở Jogja, chúng tôi thức dậy thật sớm. Dù khá háo hức khám phá miền đất này, vẫn phải thừa nhận rằng tôi luôn ngây ngất, choáng ngợp giữa một thiên đường buffet sáng trọn vị từ ẩm thực địa phương tới đồ Nhật, đồ Âu, mà Tentrem dành cho thực khách.

Hơn 8h cái nắng đã chói chang trên những con phố nhỏ bình yên ở Jogja. Chỉ hơn 10 phút đi xe từ khách sạn, tôi đã được ôm ấp dưới những tán cây keben mát rượi ở Kraton – cung điện hoàng gia từng là nơi ở của các Sultan huyền thoại – những người cai trị vùng Java. Một mặt hướng ra biển Ấn Độ, phía còn lại hướng về núi lửa Merapi, cho tới tận ngày nay quần thể của cung điện hoàng gia Kraton là một di sản kiến trúc, lịch sử và tôn giáo vô giá lưu giữ lại một quá khứ vàng son của nhiều thế hệ Sultan. Từ những biểu tượng được khắc tạc, chạm trổ trên những bức tường, cây cột lộng lẫy, cho tới những bộ nhạc cụ truyền thống gamelan bằng đồng dùng để phục vụ cho hoàng tộc, điều ấn tượng với tôi hơn cả là những tư liệu quý giá về những nghi lễ được tiến hành từ khi đứa trẻ thuộc dòng dõi hoàng tộc chào đời cho tới lúc trưởng thành, được đánh dấu bằng nhiều cột mốc quan trọng gắn liền với con số 7 thiêng liêng như 7 tháng trong bụng mẹ, 7 tháng sau khi chào đời, 7 tuổi và 17 tuổi.

Cuộc đời của mỗi Sultan được gói gọn trong hình vẽ một cái cây xum xuê lá cành. Theo chị Amieroel 45 tuổi, hướng dẫn viên của chúng tôi trong cung điện, mỗi nhánh cây tượng trưng cho một người vợ, lá tượng trưng cho con gái và quả tượng trưng cho con trai. Khi được thắc mắc về những người đàn ông lớn tuổi ăn vận theo lối truyền thống đang kéo tới ngày một đông, ngồi khoanh chân yên lặng trong khuôn viên của cung điện như trong một buổi thiền tập thể, chị Amielroel cho hay, hôm đó cũng là sinh nhật Sultan (gebyokan). “Trong ngày sinh các Sultan, những người này sẽ ngồi hướng về nơi ở của Sultan và cầu nguyện thần linh,” chị nói. Sự yên tĩnh, tôn nghiêm trong khuôn viên rộng mênh mông của Kraton khiến tôi như cảm nhận được chiều sâu lịch sử, tín ngưỡng của con người nơi đây. Mặc dù hơi tiếc vì lịch trình không cho phép, tôi mong muốn một ngày được quay trở lại, chiêm nghiêm thật sâu về những giá trị tinh thần, những tín ngưỡng mạnh mẽ đã từng và vẫn đang chảy trong mạch sống của người dân đảo Java.

wanderlust-tips-yogyakarta-linh-hon-indonesia-3

Cách không xa Kraton về phía tây là khu Taman Sari – còn gọi là Water Castle. Đây là một quần thể kiến trúc độc đáo chăm lo đời sống giải trí, đời sống tinh thần cho hoàng tộc. Khu vực các bể bơi gồm Umbul Panguras (dành cho Sultan), Umbul Pamuncar (dành cho các thê thiếp của Sultan), và Umbul Kawitan (dành cho những người con của Sultan). Ngay lối vào là khối kiến trúc pavilon mái vòm được cho là nơi hoàng tộc sẽ ngồi thưởng thức các buổi biểu diễn. Cạnh các bể bơi thường là những khu nhà để nghỉ ngơi, cửa vòm thấp mỗi khi đi phải cúi người để nhắc nhở về sự tôn kính với các Sultan. Dưới mỗi chiếc giường được xây cố định thường đặt một đĩa thảo mộc khô để tạo hương thơm tự nhiên cho căn phòng. Ở đây cũng có một quầy bán đồ lưu niệm. Ngay ngoài cửa là một người nghệ nhân già đang chế tác rối da wayang và một người khác đang miệt mài vẽ các họa tiết batik lên khung vải. Được biết, người nghệ nhân chế tác rối, ông Jumakir đã có thâm niên 40 năm theo nghề, đây cũng là nghề truyền thống của gia đình ông. Nhìn người nghệ nhân say mê chạm khắc từng chi tiết nhỏ xíu trên mảnh da trâu đã phơi cứng, thật khó có thể hình dung sự tỉ mỉ của công việc này. Đấy là còn chưa kể đến công đoạn trước đó là xử lý da, hay sau đó là vẽ màu lên mảnh da đã chạm khắc hoàn thiện.

Để đi tới khu bể bơi, có một lối đi dành riêng cho hoàng gia được xây dựng dưới dạng đường hầm vốn được coi là một ngôi đền. Khu vực này được gọi là Sumur Gumuling (Gumuling Well) mà lần đầu tiên khi đặt chân đến đây, tôi đã có cảm giác nơi đây thật lý tưởng cho việc cầu nguyện hay đi bộ thiền định bởi cấu trúc hình tròn có những cửa sổ mái vòm đón ánh sáng tự nhiên rót xuống từ một giếng trời, nơi bạn sẽ được chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo của 4 cầu thang chụm lại ở một điểm. Kiến trúc của mỗi một nơi tôi đi qua đều mang đậm một triết lý sống của người Java: tôn trọng sự cân bằng, hài hòa ở bên trong và cả bên ngoài.

wanderlust-tips-yogyakarta-linh-hon-indonesia-2

Bình minh Borobudur

Giấc mơ về thời đại Sultan chưa kết thúc, chúng tôi lại thức dậy để tiếp tục một hành trình khác, như nối tiếp vào những giấc mơ thuở khai thiên lập địa của người Java. Rời khách sạn lúc hơn 3 giờ sáng, chúng tôi đến Magelang lúc gần 5 giờ. Trong bóng tối dày đặc bao phủ khắp nơi cùng cái se lạnh của buổi sáng sớm Magelang, chúng tôi, mỗi người một balo, một đèn pin nhỏ chỉ đủ soi tỏ lối đi dưới chân, bắt đầu hành trình khám phá ngôi đền Phật giáo huyền
thoại Borobudur. Đường đi hẹp nhưng không quá dốc. Trong bóng tối tràn ngập, chân tôi bước theo nhịp tiếng cầu nguyện đồng thanh vang lên khắp mọi nơi, hòa lẫn vào màn đêm khiến cho tôi có một cảm giác, mình đang được ôm ấp trong một thứ đức tin vô cùng rạng rỡ và bền bỉ. Mỗi bước chân, tôi hướng suy nghĩ về niềm tin của những người cần mẫn mang từng viên đá lên đỉnh ngọn đồi xây nên một huyền thoại trong kiến trúc Phật Giáo gồm 9 tầng với 2.672 tấm phù điêu chạm khắc nổi và 504 pho tượng Phật. Mái vòm trên cùng được bao quanh bởi 72 pho tượng Phật, mỗi tượng được đặt trong một phù đồ (Stupa). Người ta bảo, Borobudur không chỉ là một ngôi đền, mà đó là một trường Đại học Phật Giáo mà mọi triết lý của tôn giáo này được khắc họa bằng những câu chuyện trên các
bức phù điêu.

Đó sẽ là một trải nghiệm không thể quên trong cuộc đời, khi bạn được chạm tay vào những phiến đá còn ướt hơi sương của Borobudur trong bóng tối, cho tới khi nhìn thấy những hình ảnh chạm khắc trên đá hiện lên trong chút ánh sáng đầu ngày mờ ảo. Khi lên đến những tầng cao nhất, có khá nhiều du khách phần lớn là phương Tây đã đợi sẵn ở đó, tất cả cùng ngồi trong yên lặng, hướng mắt về phía chân trời xám xanh. Chúng tôi cũng đặt balo và ngồi xuống chân các stupa. Một vài người đã mở sẵn máy ảnh, một vài người đã bấm nút quay hy vọng sẽ có những thước phim timelapse ấn tượng nhất. Tất cả chúng tôi cùng đang trông đợi duy nhất một thứ: mặt trời.

wanderlust-tips-yogyakarta-linh-hon-indonesia-4

Cảnh bình minh ở Borobudur có lẽ là cảnh bình mình ngọt ngào nhất mà tôi đã từng được ngắm nhìn. Không phải chỉ bởi vẻ đẹp của vầng dương đang rót những tia nắng đầu tiên khi nhô lên khỏi đỉnh núi lửa Merapi. Đó là thời khắc thật thiêng liêng khi ánh sáng chói lòa của nó soi tỏ hết những kiệt tác kiến trúc xung quanh nơi tôi đứng. Điều kỳ lạ ở Borobudur chính là, khi bạn hiện hữu ở đây, mọi thứ luôn nhắc bạn về một sự đối lập. Ngoài kia là khoảnh khắc bình minh lộng lẫy đến nghẹt thở, chỉ kéo dài trong giây lát, bên này là những khối đá xù xì lặng lẽ trường tồn từ thế kỷ thứ 9 cùng vô vàn những bài học luân lý truyền qua nhiều thế hệ người Java. Bạn có thể đặt chân lên Borobudur trong chốc lát nhưng bạn sẽ mất cả đời để thấm được những triết lý tôn giáo đúc kết trên kiến trúc đá tuyệt mỹ này. Chúng ta luôn ở giữa những thái cực đó. “Tất cả là không gì cả”, lời bác hướng dẫn viên bản địa cứ văng vẳng bên tai tôi khi dạo bước dưới ánh mặt trời chói lóa và không khí trong lành bao phủ bởi thảm cỏ, cây xanh xung quanh ngôi đền Borobudur.

Wanderlust Tips

Thời tiết

Ở miền Trung Java có hai mùa, mùa mưa (tháng 10 – tháng 4) và mùa khô (tháng 5 – tháng 9). Thuộc khu vực nhiệt đới nóng ẩm, do vậy thời tiết ở miền Trung Java khá nắng nóng, nhiệt độ trung bình từ 21-32°C. Vào mùa mưa như dịp tôi đến Java, thì buổi chiều, chiều tối trời có thể có giông, và thường có mưa. Có những cơn mưa lớn kéo khá dài từ chiều tới tối muộn và thường tiết trời buổi tối mát mẻ có khi còn hơi se lạnh. Vì vậy trong hành lý của bạn nên có quần jean, áo phông nhưng cũng rất cần một chiếc áo khoác mỏng, và áo mưa hoặc ô gọn gàng.

Phương tiện

Jogja chỉ cách Jakarta 1 giờ bay. Di chuyển chính trong Yogyakarta là xe máy, hoặc xe hơi. Lưu ý là phương tiện ở Indonesia lưu thông bên trái đường. Bạn có thể thuê xe máy tại các khách sạn bạn ở với giá khoảng 100.000IDR một ngày, thuê xe đạp giá 30.000 – 50.000IDR một ngày. Thuê ô tô có giá từ khoảng 500.000IDR. Nếu bạn thuê nhiều ngày có thể thương lượng với chủ khách sạn hoặc đơn vị cho thuê. Bạn cũng đừng quên trải nghiệm xích lô, hay xe ngựa (quanh Kraton hoặc khu vực đền Burobudur). Bạn cũng có thể bắt 2 chuyến xe bus khác nhau để tới Borobudur (tham khảo người bản xứ).

Lưu ý khi tham quan cung điện

Trong khuôn viên cung điện hoàng gia, bạn có thể đi lại thoải mái song cần lưu ý giữ không gian yên tĩnh vì Sultan hiện tại vẫn sinh sống ở đó. Ngoài ra, có nhiều sảnh đường có không gian mở mà bạn không được phép bước chân lên vì vậy hãy chú ý các biển cảnh báo của Kraton. Lịch biểu diễn nhạc cụ gamelan vào thứ 2, thứ 3 (từ 10h sáng tới chiều), biểu diễn rối da wayang thứ 4, thứ 7 (từ 9h sáng tới chiều), ngâm thơ tiếng Java thứ 6 (10 – 11h sáng), và múa truyền thống vào thứ 5 (từ 10h sáng) và chủ nhật (từ 11h sáng). Xung quanh cung điện hoàng gia có nhiều quầy hàng lưu niệm, hàng rong, và bạn sẽ được chào mời rất nhiệt tình. Nhớ mặc cả trước khi mua ví dụ như bộ kèn bằng tre, quạt giấy.

Mua sắm

Có quá nhiều thứ để mua trong hành trình Trung Java: từ những bộ đồ batik tinh xảo, rực rỡ, những con rối được chế tác công phu, nghệ thuật, những chiếc mặt nạ gỗ, hay đồ gốm sứ. Có rất nhiều nơi để mua batik nhưng nếu không ngại di chuyển thì bạn nên khám phá hết lịch sử và cách làm batik tại bảo tàng Batik (thành phố Solo chỉ cách Jogja khoảng 1,5 giờ đi xe) và mua trực tiếp tại shop đồ Batik ở đó.

Ẩm thực

So với Việt Nam, Yogyakarta không có nhiều hàng rong bán đồ ăn tràn ngập các con phố. Đôi khi bạn sẽ chỉ nhìn thấy
một hai hàng rong bán kem, hoặc các xiên satay đang bốc khói trên bếp nướng. Với những ai chưa quen các món ăn siêu cay nóng, các món thịt gà, thịt bò tẩm ướp khá đậm, hoặc các món có gia giảm nhiều đường hoặc béo ngậy vị cốt dừa, thì hãy chuẩn bị sẵn trái cây, bánh mì dọc đường. Với những ai đã quen với Hala food, đây thực sự là một thiên đường ẩm thực với vô vàn các loại tempe (một loại bánh ngũ cốc truyền thống), gudeg wijilan (mít xanh hầm với gà, trứng, đường thốt nốt, cốt dừa và nhiều gia vị khác ăn với cơm), tahu bacem (đậu hũ chiên kỹ).

Lưu ý khi tham quan đền Borobudur

>> 22USD hoặc 280.000IDR cho một người lớn ngoại quốc, 10USD hay 110.000IDR cho một sinh viên nước ngoài, và 30.000IRD đối với một người lớn bản địa hoặc người nước ngoài đang làm việc tại Indonesia.
>> Giá thuê hướng dẫn viên địa phương tham quan Borobudur là khoảng 50.000 – 100.000IDR một lượt. Các hướng dẫn viên này nói tiếng Anh khá trôi chảy.
>> Lưu ý khi thăm Borobudur là không được ngồi lên bậc thứ 3 trở lên ở stupa và cũng không được leo lên các stupa vì theo lời người hướng dẫn viên bản xứ thì đã từng có một tai nạn khi một em nhỏ thò đầu vào lỗ hổng của stupa rồi bị kẹt ở đó.

Hồng Nhung | Wanderlust Tips | Cinet