Abu Simbel: Ngôi đền vĩ đại của Ai Cập
- 30/07/2022
- ĐIỂM ĐẾN CHÂU ÂU
- Ai Cập, Editor picks
Ai Cập được biết đến như cái nôi của nền văn minh thế giới. Không chỉ nổi tiếng về kim tự tháp, người dân xứ cát vô cùng tự hào bởi những ngôi đền kỳ vĩ, tiêu biểu là Abu Simbel.
[rpi]
Công trình kiến trúc này nằm tọa lạc tại phía tây của hồ Nasser và cách trung tâm thủ đô Aswan, Ai Cập khoảng 290km về phía tây nam. Năm 1960, nơi đây được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới và thu hút nhiều du khách đến tham quan.
Lịch sử thăng trầm của ngôi đền Abu Simbel
Abu Simbel được khởi công, xây dựng dọc theo sông Nile để ghi lại chiến công của Pharaoh Ramesses II Đại đế, trị vì Ai Cập từ năm 1279 – 1213 TCN. Công trình nổi tiếng này mất khoảng 24 năm để hoàn thành, tức năm 1265 TCN.
Ngôi đền thờ cúng ba vị thần nổi tiếng của Ai Cập cổ đại: Amun-Re (thần mặt trời), thần Ptah (thần sáng tạo), Re-Harakti (thần bổn mạng của Pharaoh) và thờ cả Ramesses II khi ông đang tại vị.
Thế nhưng, nhiều thế kỷ sau đó, ngôi đền bị chôn vùi trong cát sa mạc. Tuy nhiên, năm 1813, một người Thụy Sĩ tên là J.L Burckhardt được cậu bé địa phương dẫn đến nơi này. Ông đã thông báo cho nhà thám hiểm người Ý, Giovanni Belzoni, về địa điểm bí ẩn này. Sau bao năm cố gắng đào sâu lớp cát đá. Đến năm 1817, họ đã tiến vào bên trong của ngôi đền.
Năm 1960, đập thủy điện Aswan được xây dựng, có nguy cơ nhấn chìm di tích trong dòng sông Nile. Khoảng giữa năm 1964 và 1969, ngôi đền được tháo dỡ và di chuyển đến khu vực không ngập nước.
Kiến trúc của ngôi đền Abu Simbel
Khi đến thăm quan ngôi đền, bạn dễ dàng nhìn thấy những vết cắt thẳng tắp khắp nơi trong căn phòng, cột đỡ, bức tượng. Đây là dấu vết do UNESCO để lại khi di dời ngôi đền đến vị trí cao hơn 65m so với mực nước sông Nile.
Ngôi đền được cắt thành 13.000 mảnh nhỏ và kết nối lại với nhau trong hơn 8 năm. Vị trí của ngôi đền được gọi là hòn đảo nhân tạo, nơi du khách có thể đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đền Abu Simbel.
Ngôi đền Abu Simbel được xem là sự tính toán tài tình của người Ai Cập cổ đại. Vào ngày 20 tháng 2 và tháng 10 hằng năm, ánh bình minh rọi vào đền thờ chính sẽ chiếu vào bức tượng thần Amun – Re đầu tiên, tiếp đến là tượng Ramesses II và Re-Harakti nhưng ánh sáng sẽ không chiếu đến thần Ptah vì người Ai Cập cổ quan niệm rằng Ptah là vị thần muôn đời sống trong bóng tối.
Ngoài hành lang là 8 pho tượng thần Osiris khổng lồ – vị thần cai quản địa ngục và tượng trưng cho cái chết. Trên tường còn có các bức phù điêu tái hiện các chiến công lẫy lừng của vua Ramesses II trong cuộc chiến chống lại quân Hittite hay chiến thắng lẫy lừng của Pharaoh tại Libya, Nubia…
Cách đền lớn 100m là ngôi đền nhỏ của Nữ hoàng Nefertari, cao khoảng 12m và dài tầm 30m. Dù ngàn năm trôi qua, nhưng những nét chạm khắc tinh xảo vẫn còn nguyên vẹn như cách để người xưa chứng tỏ được sự khéo léo của mình.
Đối với người Ai Cập, ngôi đền được coi như “nhà” của các vị thần và vua. Abu Simbel là một trong những địa điểm thu hút được lượng lớn khách du lịch tìm đến để thỏa trí tò mò. Không ai có thể giải đáp được vì sao hơn 3.300 năm trước người Ai Cập lại có thể tạo ra những kiệt tác tuyệt vời như vậy.
Wanderlust Tips | Cnet