Art In The Forest 2016 – Không gian nghệ thuật tại Flamingo Đại Lải

(#wanderusttips #FlamingoDaiLai #ArtInTheForest2016) Tiếp nối thành công của lần tổ chức đầu tiên năm 2015, “Art In The Forest 2016” tiếp tục mang đến tới công chúng những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc và triển lãm tranh kết hợp với chuỗi hoạt động văn hóa truyền thống đầy màu sắc, mang đến luồng gió mới cho nền điêu khắc đương đại Việt.

[rpi]

wanderlust_tips_art_in_the_forest_2016_1

Buổi “Khai mạc Không gian nghệ thuật Flamingo Đại Lải – Art In The Forest 2016” sẽ được khai mạc vào lúc 9h00 ngày 22/10/2016 tại Nhà hát ngoài trời Hồng Hạc, Flamingo Đại Lải Resort (Ngọc Thanh, Phúc Yên, Vĩnh Phúc).

“Art In The Forest” là dự án nghệ thuật thị giác được tổ chức bởi Flamingo Đại Lải Resort với mong muốn góp phần vào sự phát triển của nền điêu khắc và hội họa nước nhà, đồng thời Flamingo Đại Lải cũng gửi gắm hy vọng nơi đây sẽ trở thành trung tâm văn hóa nghệ thuật đích thực trong tương lai.

Trong không gian hòa hợp của đất trời tại Flamingo Đại Lải Resort, những tác phẩm điêu khắc được trưng bày như hòa quyện với thiên nhiên, mang đến sức sống mới, vô cùng mãnh liệt cũng như khiến không gian nơi đây thêm đong đầy “hồn sắc”. 5 tác phẩm điêu khắc cùng với 14 tác phẩm hội họa được triển lãm lần này là thành quả của chuỗi ngày sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc suốt 3 tháng vừa qua của các nghệ sĩ tại Flamingo Đại Lải Resort.

wanderlust_tips_art_in_the_forest_2016_2

Thông qua những tác phẩm được triển lãm, các nghệ sĩ gửi gắm tới những người yêu nghệ thuật tiếng nói của Hình và Sắc về cuộc sống, về thời đại của chúng ta.

5 tác phẩm điêu khắc đều lấy cảm hứng từ thiên nhiên: với “Những hạt mầm” vươn mình để bắt đầu cuộc sống mới, với “Mưa nhiệt đới” – mang về sự trù phú, phát triển; hay “Sức Mạnh Vùng Đất” – với hàng ngàn lớp, hàng ngàn năm mang hàng ngàn màu sắc hội văn hoá cả một vùng đất; cho đến “Rừng Tia Nắng” và “Kết nối”. Tất cả đều thể hiện rõ nét sự đồng điệu giữa nghệ sỹ với thiên nhiên, đó là nhận thức về cuộc sống được trải nghiệm trong quá trình xây dựng và thực hiện tác phẩm, là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Người nghệ sỹ muốn hướng tới sự hài hoà giữa thiên nhiên và con người trong trật tự của tự nhiên. Song hành cùng những tác phẩm điêu khắc, 14 tác phẩm hội hoạ đầy hứa hẹn của hoạ sĩ Phạm Tuấn Tú và Trịnh Minh Tiến được thể hiện trên toan, gỗ và đặc biệt trên nắp ca-bô ô tô sẽ được trưng bầy tại triển lãm “Hình bóng thiên đường”.

wanderlust_tips_art_in_the_forest_2016_3

Tác phẩm “Những hạt mầm” của nhà điêu khắc Nguyễn Ngọc Lâm được lấy cảm hứng từ những hạt mầm trong tự nhiên, sự bám rễ vào cội nguồn của sự sống và vươn mình của những chồi non để bắt đầu một cuộc sống mới. Tác giả sử dụng một số thủ pháp tạo hình điêu khắc kim loại trên chất liệu Inox ồng và tấm, với các kỹ thuật như uốn, gò hàn… Từng bộ phận của tác phẩm có cấu trúc hình khối mang tính tương phản cao như đặc – rỗng, nặng – nhẹ, tĩnh – động…, nhằm tạo hiệu quả tối đa về ấn tượng thị giác cho cả chất liệu và tổng thể cụm tác phẩm.

Nhà điêu khắc Đàm Đăng Lại được thôi thúc từ cảm nhận về bề dầy văn hoá lịch sử của mỗi vùng miền đất Việt. Hàng ngàn lớp qua hàng ngàn năm mang muôn vàn sắc thái mong muốn được nảy nở những gì tinh tuý nhất. Những cột mầu của tác phẩm “Sức mạnh vùng đất” được lấy hình dáng từ cột trụ trong kiến trúc Đình – Chùa, nơi hội tụ tín ngưỡng văn hoá cả vùng miền. Những cánh hoa được tạo hình phong phú đầy màu sắc, vươn lên như những cây hoa đua sắc tràn đầy sức mạnh chỉ có vùng đất này mới nẩy nở.

wanderlust_tips_art_in_the_forest_2016_4

“Mưa nhiệt đới” với nhà điêu khắc Lê Lạng Lương là cảm nhận về sự đa dạng muôn hình muôn vẻ, năng động và linh hoạt đầy ngạc nhiên trong thiên nhiên hay trong cuộc sống. Hình khối lập thể đa dạng thể hiện những vận động, xoay chuyển của các lăng diện, các đường hướng trong không gian tạo nên bản hòa âm vui nhộn của hình khối, bản hòa âm với nhiều cung bậc và sắc thái khác nhau mang trong đó sức mạnh sinh tồn, tính ngẫu hứng và cảm xúc tự do.

wanderlust_tips_art_in_the_forest_2016_5

Chia sẻ về đứa con tinh thần mang tên “Kết nối”, nhà điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền cho biết: “Sự tách biệt độc lập hẳn với các tầng đá có cùng nguồn gốc, những khối đá mồ côi trông thật đặc biệt. Đứng trước chúng, những khối đá đó tạo cho tôi sự liên tưởng, chúng như những thực thể sống có linh hồn, chúng cũng giống như những thân phận con người, cũng chịu va đập do sự thay đổi địa chất và khắc nghiệt của môi trường, sự bào mòn theo thời gian, để chỉ còn phần lõi, phần cứng rắn sót lại tạo ra hình dạng và vẻ đẹp riêng của từng khối đá”.

Nhà điêu khắc người Nhật Bản Mukai Katsumi có cảm xúc mạnh mẽ trước các kết cấu bằng gỗ do người xưa làm, thật tài trí và tinh xảo. Với tác phẩm “Rừng Tia Nắng”, tác giả sẽ mang đến nhiều điều bất ngờ thú vị cho khách tham quan triển lãm.

wanderlust_tips_art_in_the_forest_2016_6

Bên cạnh đó, trong những ngày diễn ra Sự kiện Nghệ thuật Flamingo Đại Lải – Art In The Forest 2016 sẽ mang đến những chương trình văn hóa đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa dân gian, lễ hội nghệ thuật đường phố phục vụ khách đến tham dự sự kiện. Cùng đến tham gia Art In The Forest 2016 để “cảm” những câu chuyện mà những nghệ sĩ đã gửi gắm, để cùng đắm chìm vào vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời, gợi mở cho hành trình tưởng tượng đi xa với những tác phẩm được tạo ra từ đôi bàn tay tài hoa của những người nghệ sĩ.

Wanderlust Tips | Cinet