Bánh tổ ngày Tết: Nhớ hoài hương vị miền Trung

Ở miền Trung, cứ vào độ giáp Tết đi tới đâu du khách cũng dễ dàng bắt gặp những món bánh truyền thống: bánh chưng, bánh tét,…và đặc biệt hơn cả là bánh tổ. Sỡ dĩ nói bánh tổ đặc biệt bởi loại bánh này mang nhiều dấu ấn đặc trưng riêng của phố Hội, của Quảng Nam, của những vùng quê yên bình và trù phú.

[rpi]

Là loại bánh xuất hiện tại Hội An khoảng cuối thế kỷ 18, bánh tổ gắn liền với văn hóa, nếp sống của người dân nơi đây. Tương truyền rằng, lúc Quang Trung chuẩn bị ra đánh quân Thanh ở miền Bắc, ông đã suy nghĩ rất nhiều về việc giải quyết lương ăn cho chiến sĩ trong những ngày đi đường đầy gian khổ ấy.

Bánh tổ ngày Tết: nhớ hoài hương vị miền Trung
Món bánh gắn liền với truyền thuyết thú vị của người dân nơi đây.

Ông mong muốn có một loại bánh có thể dùng làm lương khô, vừa tiện lợi mà vẫn giàu chất dinh dưỡng. Người dân Quảng Nam lúc đó với sự thông minh và lòng ngưỡng mộ vị anh hùng dân tộc đã tìm tòi và sáng tạo ra cách thức chế biến thứ bánh tổ này.

Mặc dù tính thực hư của câu chuyện vẫn còn là một câu hỏi lớn đối với người dân xứ Quảng và cái tên bánh tổ vẫn còn vướng phải nhiều tranh cãi. Thế nhưng, dù thế nào đi nữa, loại bánh này vẫn là niềm tự hào, là kết tinh tuyệt vời trong đời sống của người Quảng Nam.

Bánh tổ ngày Tết: nhớ hoài hương vị miền Trung
Ngày Tết, đây là loại bánh không thể thiếu đối với người dân xứ Quảng.

Những ngày Tết cận kề, nhà nhà lại tiến hành chuẩn bị làm bánh tổ. Bánh tổ được làm từ những nguyên liệu rất mộc mạc là đường và gạo nếp. Đường ở đây là đường bát, một đặc sản Hội An. Còn gạo làm bánh cũng là loại nếp dẻo và thơm hạng nhất.

Bánh tổ ngày Tết: nhớ hoài hương vị miền Trung
Những chiếc bánh thơm, mềm mịn góp phần làm nên cái hồn cho ngày Tết.

Quy trình chế biến bánh tổ nhìn chung không quá phức tạp. Đầu tiên, người dân sẽ tiến hành ngâm nếp trong nước rồi xay hoặc giã cho thật mịn, đem trộn cùng đường đã nấu ra nước, cho thêm một chút nước gừng, đổ vào rọ tre xung quanh có lót lớp lá chuối dày và đặt lên trên tấm vỉ rồi chưng cách thủy.

Bánh tổ ngày Tết: nhớ hoài hương vị miền Trung
Khuôn bánh được chuẩn bị tỉ mỉ.

Bánh tổ sẽ chín dựa vào sức nóng của hơi nước. Lúc vớt bánh ra, rải thật đều mè (vừng) đã rang chín lên trên mặt bánh còn nóng. Vừng sẽ dính chặt vào mặt bánh. Công đoạn cuối cùng là đem phơi để bánh khô và cứng lại.

Bánh tổ ngày Tết: nhớ hoài hương vị miền Trung
Bánh tổ kẹp bánh tráng và đem chiên là cách chế biến thường thấy của người Quảng Nam.

Bánh tổ sau khi chín có thể cắt lát để thưởng thức hoặc chiên, nướng tùy theo ý thích của người dùng. Thông thường, bánh tổ chiên thường được mọi người ưa chuộng hơn cả với lớp vỏ giòn, thơm và phần bánh mềm, dẻo; tất cả tạo nên một hương vị đặc trưng, đầy thú vị. Bánh tổ chiên có hương vị đậm đà mà vẫn rất tinh tế, để lại ấn tượng đẹp với cả những thực khách khó tính nhất.

Bánh tổ ngày Tết: nhớ hoài hương vị miền Trung
Những miếng bánh dẻo thơm, đong đầy hương vị ngày Tết.

Những ngày giáp Tết, khắp làng quê của Quảng Nam đâu đâu cũng phảng phất hương vị ngọt ngào của món bánh cổ truyền này. Chỉ cần dạo quanh phố phường nơi đây vào dịp giáp Tết, bạn dễ dàng được thưởng thức hoặc mua về làm quà cho những người thân.

Nem chả Hòa Vang
Bánh tổ Hội An
Khoai Lang Trà Kiệu
Thơm rượu Tam Kỳ

Có dịp đến xứ Quảng vào dịp xuân, đừng quên ghé lại một quán nhỏ mua một chiếc bánh tổ để thưởng thức, cảm nhận trọn vẹn hương vị Tết của vùng đất này.