Bảo tàng áo dài: Nơi lưu giữ tâm hồn Việt

Bảo tàng Áo dài đã được xây dựng với mong muốn lưu giữ và quảng bá vẻ đẹp của loại trang phục có bề dày hàng trăm năm lịch sử của người Việt.

[rpi]

Nhắc đến áo dài, bạn bè và du khách quốc tế thường nghĩ ngay đến người phụ nữ Việt Nam. Áo dài thể hiện tính cách của người Việt dịu dàng, kín đáo, tế nhị và ý tứ. Để giữ hồn và lưu truyền biết bao câu chuyện đẹp về loại trang phục truyền thống này, nhà thiết kế Sĩ Hoàng đã dày công xây dựng Bảo tàng Áo dài độc đáo. Bảo tàng được khánh thành vào ngày 22/1/2014 với không gian văn hóa sang trọng đậm chất thiên nhiên và có vẻ đẹp sâu lắng của văn hóa truyền thống.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Bảo tàng áo dài: Nơi lưu giữ tâm hồn Việt

Đặt những bước chân đầu tiên vào khuôn viên, bạn sẽ cảm nhận được màu xanh của thiên nhiên và nét hoài cổ của những kiến trúc đậm chất dân tộc. Đó là những kiến trúc gỗ được xây dựng theo lối nhà rường với tường gạch bao xung quanh.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Bảo tàng áo dài: Nơi lưu giữ tâm hồn Việt

Bảo tàng Áo dài là bảo tàng chuyên đề nhằm nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày và bảo quản những tư liệu, những hiện vật hay hình ảnh quý giá về chiếc áo dài Việt Nam từ lúc hình thành, qua những giai đoạn đổi thay trong xã hội gắn liền với lịch sử nước ta.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Bảo tàng áo dài: Nơi lưu giữ tâm hồn Việt

Bạn sẽ vô cùng ấn tượng với khu trưng bày về lịch sử áo dài, từ chiếc áo tứ thân thân thế kỷ 17, áo dài năm thân thế kỷ 18 cho đến áo dài của vương triều nhà Nguyễn vào thế kỷ 19, rồi những chiếc áo dài cổ cao, cổ hẹp những năm 50 của thế kỷ 20 hay những chiếc áo dài cách tân với những thiết kế phù hợp với xu hướng hiện đại.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Bảo tàng áo dài: Nơi lưu giữ tâm hồn Việt

Nơi đây còn có những bộ sưu tập áo dài của những người phụ nữ Việt Nam nổi tiếng trong các lĩnh vực như Nữ anh hùng Lực lượng Vũ trang Nguyễn Thị Định, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nhà Ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh, NSND Trà Giang, NSND Bạch Tuyết… Đồng thời, bảo tàng còn có những bộ sưu tập, những mẫu thiết kế áo dài đoạt giải quốc tế của chính nhà thiết kế Sĩ Hoàng.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Bảo tàng áo dài: Nơi lưu giữ tâm hồn Việt

Bên cạnh nói về lịch sử chiếc áo dài, không gian trưng bày ở đây còn được mở rộng với nhiều khu khác nhau, gắn với những di sản văn hóa Việt như áo dài với nhã nhạc cung đình Huế, áo dài với Quan Họ, hát Then, rồi những chiếc áo dài hội nhập với thiết kế mới hay hình ảnh chiếc áo dài gắn với đời sống người dân như áo dài trong đám cưới, áo dài trong lễ hội… Ngoài ra, những mẫu khăn đóng, chiếc nón lá hay đôi guốc mộc cũng được trưng bày vô cùng bắt mắt trong một không gian trang trọng của bảo tàng.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Bảo tàng áo dài: Nơi lưu giữ tâm hồn Việt

Bên cạnh những bộ sưu tập áo dài, Bảo tàng Áo Dài còn lưu giữ rất nhiều tài liệu nghiên cứu chuyên ngành, sách báo, hiện vật, phim ảnh, đặc biệt là khoảng 3.000 hình ảnh phụ nữ Việt trong trang phục áo dài truyền thống. Du khách đến tham quan bảo tàng còn được tận mắt chứng kiến các thợ may trình diễn kỹ thuật may loại trang phục truyền thống này, hoặc chọn những chiếc áo mình thích để mặc và chụp ảnh

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Bảo tàng áo dài: Nơi lưu giữ tâm hồn Việt

Bảo tàng Áo dài chắc chắn là một điểm dừng chân thú vị, luôn gợi nhiều cảm xúc về những giá trị văn hóa truyền thống mà nơi đó áo dài là chủ thể.

Bảo tàng Áo dài:

  • Địa chỉ: 206/19/30 Long Thuận, Phường Long Phước, Quận 9, TP.HCM
  • SĐT: 0888 666 903 – 0914 726 948
  • Website: http://www.baotangaodaivietnam.com/
  • Giá vé:
    • Học sinh, sinh viên: 30.000đ/người
    • Giáo viên: 50.000đ/người
    • Khách du lịch: 100.000đ/người
    • Trẻ em dưới 2 tuổi và người khuyết tật: Miễn phí

Wanderlust Tips | Cinet