Bật mí ý nghĩa nickname gắn với các quốc gia trên thế giới
- 09/10/2018
- ĐIỂM ĐẾN CHÂU ÂU
- Ai Cập, Bỉ, biệt hiệu của các quốc gia, Chile, Editor picks, Iceland, Na Uy, Nam Phi, nickname, nickname của các quốc gia, nickname thú vị
Cùng tìm hiểu những nickname đặc biệt của các quốc gia trên thế giới như: Na Uy, Iceland, Ai Cập, Chile… để tìm hiểu nguồn gốc ra đời của tên gọi cũng như những câu chuyện thú vị xung quanh chúng.
[rpi]
NA UY – VÙNG ĐẤT MẶT TRỜI LÚC NỬA ĐÊM
Na Uy là một quốc gia xinh đẹp nằm trên bán đảo Scandinavi tại vùng cao với phần lớn lãnh thổ nằm ở phía Bắc vòng Bắc cực. Vào các tháng mùa hè từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 7, Mặt Trời ở đây không bao giờ lặn xuống dưới đường chân trời ở khu vực phía Bắc vòng Bắc cực. Vì vậy, Mặt Trời vẫn chiếu rọi lúc nửa đêm ở khu vực này và người dân sống tại đây có thể thấy được Mặt Trời suốt cả ngày. Hiện tượng Mặt Trời mọc giữa đêm đã khiến Na Uy có nickname là “Land of the Midnight Sun – Vùng đất mặt trời lúc nửa đêm”. Tuy nhiên, trong các tháng mùa đông từ cuối tháng 11 đến cuối tháng 1, Mặt Trời sẽ không mọc hoàn toàn ở đường chân trời và những vùng này sẽ chứng kiến cảnh không có ánh sáng mặt trời, thậm chí là vào ban ngày.
ICELAND – VÙNG ĐẤT CỦA LỬA VÀ BĂNG
Iceland là một quốc gia có những đặc điểm địa chất rất đặc biệt nằm ở phía Bắc Đại Tây Dương. Do nằm ở khu vực vĩ độ Bắc nên Iceland khắp nơi đều là băng, với diện tích các hồ nước và sông băng chiếm khoảng 15% diện tích đất nước. Reykjavik – thủ đô Iceland có những nét độc đáo riêng của thủ đô cực Bắc trên thế giới. Ngoài ra, nơi đây cũng là vùng có hoạt động địa chất mạnh mẽ cùng với núi lửa phun trào (2 lần trong một thập kỷ) mang đến cho vùng đất lớp dung nham giúp đất đai màu mỡ hơn. Do vậy, nickname “Land of Fire and Ice – Vùng đất của lửa và băng” là một biệt danh hợp lý phản ánh được đặc điểm của vùng đất có sông băng và suối nước nóng nằm liền kề nhau.
BỈ – CHIẾN TRƯỜNG CỦA CHÂU ÂU
Nếu nghĩ rằng tên gọi này có liên quan gì đến máy bay thì có lẽ bạn đã có chút nhầm lẫn, từ “cockpit” theo nghĩa ban đầu là “chỗ chọi gà”. Chính ý nghĩa của từ này đã làm cho nước Bỉ được biết đến với tên gọi là “Cockpit of Europe” hoặc “Battlefield of Europe” bởi từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, nơi đây là chiến trường của nhiều cuộc đụng độ giữa các cường quốc của châu Âu. Quốc gia này trở thành tuyến đường để Pháp tấn công Đức, Tây Ban Nha tấn công Hà Lan và Anh tấn công các đối thủ ở phía bên kia mặt trận. Một số trận đánh nổi tiếng trong lịch sử như Fontenoy, Waterloo và Fleurus.
NAM PHI – QUỐC GIA CẦU VỒNG
Nhà hoạt động nhân quyền Desmond Tutu nhận giải Nobel hòa bình năm 1984 đã đưa ra một cụm từ độc đáo để mô tả quốc gia nằm ở cực Nam châu Phi sau cuộc bầu cử dân chủ toàn diện đầu tiên của Nam Phi được tổ chức vào năm 1994. Desmond Tutu gọi Nam Phi bằng nickname là “Rainbow Nation – Quốc gia cầu vồng” để chỉ sự đa dạng về sắc tộc, văn hóa và mô tả Nam Phi sau khi kết thúc chế độ phân biệt chủ tộc Apartheid. Biệt danh này sau đó được tổng thống Nelson Mandela phổ biến rộng rãi khắp Nam Phi. Nam Phi là quốc gia đa dạng chủng tộc, từ tộc người bản địa San đến các di dân từ vùng Hạ Sahara châu Phi, châu Âu và châu Á. Do đó, nơi đây có đến 11 ngôn ngữ chính thức được công nhận và là một trong những quốc gia có nhiều ngôn ngữ chính thức nhất trên thế giới.
CHILE – VÙNG ĐẤT THI SĨ
Chile nổi tiếng với đường bờ biển dài, rượu ngon và dãy núi Andes. Với những ai là tín đồ bóng đá, chắc hẳn rất quen thuộc bởi đây là quê hương của cầu thủ Alexis Sánchez. Đặc biệt, Chile có truyền thống thơ ca giàu giá trị giúp đất nước này có nickname là “Land of Poets – Vùng đất thi sĩ”. Đây là quê hương của nhiều nhà thơ nổi tiếng trên thế giới, 2 trong số đó đạt được Giải Nobel Văn học là Gabriela Mistral vào năm 1945 và Pablo Neruda vào năm 1971. Ngoài ra, Chile cũng là nơi khai sinh ra trào lưu “poetry bombing – cơn mưa thơ ca” – khi hàng ngàn mẫu giấy nhỏ in các bài thơ được thả từ Dinh Tổng thống La Moneda sau khi Tổng thống Augusto Pinochet bị bắt tại London vào năm 2001. Trào lưu “cơn mưa thơ ca” từ đó lan rộng đến các nơi khác như London (Anh), Berlin (Đức) và Warsaw (Ba Lan).
AI CẬP – MÓN QUÀ CỦA SÔNG NILE
Ai Cập là vùng đất của một trong những nền văn minh cổ xưa nhất thế giới với các phát kiến và sự phát triển vượt bậc nhờ món quà tuyệt vời – dòng sông Nile. Sông Nile chảy qua Ai Cập tạo ra vùng châu thổ rộng lớn trước khi đổ vào Địa Trung Hải. Ai Cập nằm ở vùng thung lũng châu thổ màu mỡ bên rìa sa mạc Sahara. Về mặt lịch sử, sông Nile thường dâng cao và gây ra lũ lụt hàng năm, khi nước rút đi để lại lớp đất phù sa màu mỡ giúp khu vực ven bờ sông trở thành vùng canh tác nông nghiệp phát triển, thúc đẩy nền văn hóa rực rỡ. Phần lớn diện tích Ai Cập được bao bọc bởi sa mạc Sahara với số dân thưa thớt, dân cư chỉ tập trung đông ở các khu vực gần hoặc dọc theo bờ sông Nile, nơi có thể canh tác được. Chính vì thế, sông Nile được xem như một phép màu giúp nền văn minh Ai Cập phát triển, “Gift of the Nile – Món quà của sông Nile” là một nickname thực sự thích hợp dành cho Ai Cập.
punditcafe|Wanderlust Tips | Cinet